Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Niacinamide là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Niacinamide hay còn gọi là nicotinamide, vitamin B3 hay nicotinic acid amide. Đây là dạng pyridine 3 carboxylic acid amide của niacin. Niacinamide là một loại vitamin tan trong nước và không được lưu trữ trong cơ thể. Nguồn vitamin chính sẽ đến từ chế độ ăn uống, ở dạng nicotinamide, acid nicotinic và tryptophan. Niacinamide được dùng để ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin B3 và nhiều tình trạng da khác nhau như lão hoá da, mụn trứng cá, làm sáng da.

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (hoạt chất)

Niacinamide

Loại thuốc

Là một dạng của vitamin B3.

Dạng thuốc và hàm lượng

Niacinamide có dạng viên nén với hàm lượng 100 mg, 500 mg. Hoặc niacinamide có trong các sản phẩm chăm sóc da, thuốc thoa điều trị mụn trứng cá hay thuốc kết hợp để điều trị các rối loạn da liễu khác nhau.

Chỉ định

Hiện không sẵn có các chỉ định cụ thể của việc dùng niacinamide. Niacinamide thường được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin B3, phối hợp để điều trị thiếu máu thứ phát, thiếu máu hồng cầu to.

Bên cạnh đó, niacinamide giúp hỗ trợ nhiều rối loạn liễu khác nhau, bao gồm mụn trứng cá, viêm da cơ địa, rối loạn da tự miễn như bệnh bóng nước pemphigoid. Ngoài ra, niacinamide còn được ứng dụng trong nhiều sản phẩm chăm sóc da, giúp cải thiện tình trạng lão hoá da, giảm tiết bã nhờn và làm sáng da.

Niacinamide là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 1
Niacinamide là một dạng vitamin B3

Dược lực học

Niacinamide chủ yếu tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng của tế bào, sửa chữa DNA và điều hoà quá trình phiên mã. Các tác dụng sinh học và cơ chế hoạt động của niacinamide bao gồm:

  • Cơ chế kháng viêm: Niacinamide ức chế enzyme PARP-1, ức chế sản xuất các yếu tố gây viêm như IL-12, TNF alpha, IL1. Bên cạnh đó, niacinamide ức chế cảm ứng tổng hợp nitric oxide qua trung gian cytokine.
  • Cơ chế làm sáng da: Niacinamide ngăn chặn chuyển melanosome từ tế bào hắc tố và tế bào sừng.

Một số cơ chế hoạt động khác của niacinamide có thể kể đến như cơ chế kháng khuẩn, hàng rào bảo vệ da và bảo vệ chống lại ánh nắng.

Niacinamide là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 2
Niacinamide được điều chế từ việc thuỷ phân 3-cyanopyridine

Động lực học

Hấp thu

Niacinamide được đưa vào thực phẩm dưới dạng một phần của pyridine nicotinamide adenine dinucleotide (NAD) và nicotinamide adenine dinucleotide phosphate (NADP) ở mô thực vật và động vật. Sau khi các co-enzyme tách ra, niacinamide được hấp thu gần như hoàn toàn ở ruột non.

Phân bố

Niacinamide được hấp thu toàn bộ gần như ở ruột non và phân bố vào hệ tuần hoàn.

Chuyển hóa

Niacinamide được chuyển hoá ở gan và lưu trữ dưới dạng NAD.

Thải trừ

Sau khi hấp thu, niacinamide được lưu trữ dưới dạng NAD trong gan và bài tiết qua thận.

Niacinamide là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 3
Niacinamide thoa da giúp cải thiện nếp nhăn, đốm tăng sắc tố ở da

Tương tác thuốc

Niacinamide được biết là có tương tác với 79 loại thuốc khác nhau, cùng với 4 tương tác về bệnh lý. Trong tổng số các tương tác thuốc, có 7 tương tác nặng, 71 tương tác trung bình và 1 tương tác nhẹ. Do đó, hãy báo cho bác sĩ biết về tất cả các thuốc, vitamin, thảo dược mà bạn đang sử dụng. Đồng thời, hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn có tiền căn mắc các bệnh lý gan, tăng đường huyết, tăng acid uric máu, viêm loét dạ dày.

Niacinamide là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 4
Niacinamide giúp cải thiện tình trạng tăng sắc tố và giúp tăng độ sáng của da

Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng niacinamide trong các trường hợp được biết có quá mẫn với niacinamide.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Liều lượng khuyến cáo của niacinamide sẽ tương đương với liều lượng niacin khuyến cáo. Liều dùng hằng ngày sẽ khác nhau giữa nam và nữ, cũng như khác biệt giữa người lớn và trẻ em. Liều dùng người lớn thông thường ở các trường hợp thiếu niacin như sau:

  • Nam: 16 mg NE;
  • Nữ: 14 mg NE;
  • Viên NE 500 mg: 1 viên mỗi ngày;
  • Mức hấp thụ trên có thể chấp nhận được ở tất cả giới tính là 35.

Trong đó, Uỷ ban Thực Phẩm và Dinh Dưỡng định nghĩa 1 NE (1 niacin tương đương) bằng với 1 mg niacin hoặc 60 mg tryptophan.
Trẻ em

Liều trẻ em thông thường trong các trường hợp thiếu niacin như sau:

  • 0 đến 6 tháng: 2 mg NE;
  • 7 đến 12 tháng: 4 mg NE;
  • 1 đến 3 tuổi: 6 mg NE;
  • 4 đến 8 tuổi: 8 mg NE;
  • 9 đến 13 tuổi: 12 mg NE;
  • 14 đến 18 tuổi, nam : 16 mg NE;
  • 14 đến 18 tuổi, nữ: 14 mg NE.

Mức tiêu thụ trên có thể chấp nhận được ở trẻ em như sau:

  • 0 đến 12 tháng: chưa xác định;
  • 1 đến 3 tuổi: 10 mg NE;
  • 4 đến 8 tuổi: 15 mg NE;
  • 9 đến 13 tuổi: 20 mg NE;
  • 14 đến 18 tuổi (tất cả giới tính): 30 mg NE.

Cách dùng

Niacinamide có thể được sử dụng dưới dạng uống, tìm thấy trong các thực phẩm chức năng bổ sung cùng với các nhóm vitamin B. Bên cạnh đó, niacinamide có thể được sử dụng trong nhiều loại gel và kem thoa ngoài da.

Niacinamide là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 5
Niacinamide có thể được sử dụng trong nhiều loại gel và kem thoa ngoài da

Tác dụng phụ

Thường gặp

Tất cả các loại thuốc đều có thể gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, nhiều người không có tác dụng phụ hoặc chỉ có tác dụng phụ nhẹ. Gọi cho bác sĩ hoặc nhận trợ giúp y tế nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào sau đây:

  • Đỏ bừng;
  • Ngứa;
  • Tiêu chảy;
  • Đau bụng hoặc nôn mửa;
  • Ho.

Đây không phải là tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra. Nếu bạn có thắc mắc về tác dụng phụ, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn về các tác dụng phụ khi sử dụng niacinamide.

Ít gặp

Một số tác dụng phụ có thể có, nhưng chưa được báo cáo về tần suất mắc, có thể bao gồm:

  • Hạ huyết áp;
  • Đề kháng insulin;
  • Giảm dung nạp glucose;
  • Nhức đầu, chóng mặt;
  • Buồn nôn, ợ nóng, đau bụng;
  • Nóng rát da, ngứa da, phát ban;
  • Mắt mờ hoặc suy giảm thị lực;
  • Nhiễm độc gan;
  • Mệt mỏi.

Hiếm gặp

Mặc dù có thể hiếm gặp, nhưng một số người có thể gặp các tác dụng phụ rất nghiêm trọng, đôi khi gây tử vong khi dùng thuốc. Hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế để được giúp đỡ ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây:

  • Dấu hiệu phản ứng dị ứng như: Phát ban, nổi mề đay, ngứa, đỏ da, sưng, phồng rộp hoặc có bong tróc. Có thể có hoặc không có sốt, kèm thở khò khè, tức ngực, khó thở, khó nuốt hoặc khó nói, khàn giọng, sưng mặt, môi lưỡi hoặc cổ họng.
  • Dấu hiệu của tăng đường huyết như: Lú lẫn, buồn ngủ, khát nhiều, đói, đi tiểu thường xuyên, đỏ bừng mặt, thở nhanh hoặc hơi thở có mùi trái cây.
  • Các vấn đề về gan như: Nước tiểu sậm màu, cảm giác mệt mỏi, khó chịu ở dạ dày hoặc đau bụng, phân nhạt màu, nôn mửa, vàng da hoặc vàng mắt.
  • Một số triệu chứng khác như: Vã mồ hôi, hụt hơi, chóng mặt hoặc ngất, đau ngực hoặc tức ngực, đau hoặc yếu cơ.

Lưu ý

Lưu ý chung

Các dữ liệu lâm sàng hiện có về niacinamide cho thấy rằng đây là một loại thuốc an toàn, rẻ tiền với nhiều công dụng hỗ trợ điều trị các rối loạn da liễu nhờ vào tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và phục hồi hàng rào bảo vệ da. Niacinamide có thể sử dụng ở dạng uống và thoa mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, một số điều bạn có thể lưu ý khi sử dụng niacinamide như sau:

  • Lưu ý khi sử dụng đường uống: Sử dụng theo hướng dẫn sử dụng và theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các tác dụng phụ có thể gặp như khó chịu ở dạ dày, đầy hơi, chóng mặt, nhức đầu và phát ban.
  • Lưu ý khi thoa trên da: Niacinamide khá an toàn trên da, có thể có các triệu chứng phụ như gây bỏng nhẹ, ngứa hoặc đỏ da.

Khi gặp các tác dụng phụ, hãy ngưng sử dụng và báo với bác sĩ da liễu của bạn để được điều trị phù hợp.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Ở phụ nữ có thai, một số chú ý về liều dùng niacinamide được khuyến cáo như sau:

  • Mang thai (từ 14 tuổi trở lên): 18 mg NE.
  • Mức tiêu thụ trên có thể dung nạp được (từ 14 đến 18 tuổi): 30 mg NE.
  • Mức tiêu thụ trên có thể dung nạp được (19 tuổi trở lên): 35 mg NE.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Lưu ý về liều dùng khuyến cáo của niacinamide ở phụ nữ cho con bú như sau:

  • Cho con bú (từ 14 tuổi trở lên): 17 mg NE.
  • Mức tiêu thụ trên có thể dung nạp được (từ 14 đến 18 tuổi): 30 mg NE.
  • Mức tiêu thụ trên có thể dung nạp được (19 tuổi trở lên): 35 mg NE.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Bạn cần chú ý nếu gặp các tác dụng phụ như chóng mặt, nhức đầu khi sử dụng niacinamide. Các tác dụng phụ này có thể sẽ gây ảnh hưởng đến công việc hằng ngày cũng như việc di chuyển của bạn.

Niacinamide là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 6
Niacinamide cho thấy lợi ích trong việc ngăn ngừa ung thư da và bảo vệ da dưới ánh sáng

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Niacinamide an toàn khi sử dụng ở liều được chỉ định. Tuy nhiên, khi sử dụng quá liều quy định, niacinamide có thể gây độc tính cho gan hay suy đa cơ quan. Các triệu chứng có thể gặp khi quá liều bao gồm đỏ bừng, ngứa, buồn nôn hay nôn, nhức đầu, choáng váng và đau vùng thượng vị, có thể có hạ huyết áp, vàng da, thay đổi tâm thần.

Cách xử lý khi quá liều

Nếu nghi ngờ quá liều khi sử dụng niacinamide, bạn hãy đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc phù hợp.

Quên liều và xử trí

Nếu bạn quên một liều niacinamide, hãy uống một liều đã quên ngay khi bạn nhớ ra. Tuy nhiên, nếu đã gần thời gian dùng liều tiếp theo, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và quay lại thời gian dùng thuốc bình thường. Không dùng thêm liều lượng hoặc không gấp đôi liều khi đã quên liều.

Niacinamide là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 7
Ngưng sử dụng niacinamide nếu bạn gặp các tác dụng phụ như ngứa hoặc đỏ da
Nguồn tham khảo

Tên thuốc gốc: Niacinamide

  1. Niacinamide (Ingredient): https://www.drugs.com/ingredient/niacinamide.html
  2. Niacinamide Dosage: https://www.drugs.com/dosage/niacinamide.html 
  3. Niacinamide Interactions: https://www.drugs.com/drug-interactions/niacinamide.html
  4. Niacinamide Side Effects: https://www.drugs.com/sfx/niacinamide-side-effects.html
  5. Niacinamide: https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/Niacinamide
  6. Niacinamide - Uses, Side Effects, and More: https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-1534/niacinamide
  7. Topical niacinamide reduces yellowing, wrinkling, red blotchiness, and hyperpigmented spots in aging facial skin: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.1467-2494.2004.00228.x
  8. The effect of 2% niacinamide on facial sebum production: https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/14764170600717704
  9. The effect of niacinamide on reducing cutaneous pigmentation and suppression of melanosome transfer: https://academic.oup.com/bjd/article-abstract/147/1/20/6635091

Ngày cập nhật: 12/03/2024