Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tăng acid uric máu là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tỉ lệ tăng acid uric máu đang gia tăng nhanh chóng, không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam. Tăng acid uric đã trở thành một trong các loại rối loạn chuyển hóa thường gặp, xếp thứ hai sau đái tháo đường.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tăng acid uric máu là gì?

Acid uric là sản phẩm thoái giáng cuối cùng của quá trình chuyển hóa nhân purine trong cơ thể. Khoảng ⅔ lượng acid uric được sản xuất nội sinh và ⅓ đến từ purine ngoại sinh từ chế độ ăn uống. Acid uric được bài tiết chủ yếu bởi thận (70%), phần còn lại được bài tiết qua ruột (30%).

Các khiếm khuyết trong quá trình chuyển hóa, giảm bài tiết, tăng lượng purine nạp vào hoặc tăng sản xuất purine đều có thể gây ra sự tích tụ bất thường của acid uric trong máu, dẫn đến tăng acid uric máu.

Nồng độ acid uric trong máu cao vượt qua ngưỡng bão hòa lâu ngày sẽ dẫn đến lắng đọng các tinh thể monosodium urate, gây các biến chứng tăng huyết áp, bệnh mạch vành, viêm khớp gout, sỏi uric tại đường niệu, viêm thận mô kẽ, hạt tophi dưới da,...

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tăng acid uric máu

Tăng acid uric máu có thể biểu hiện triệu chứng hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào. Lượng acid uric cao trên ngưỡng bão hòa dẫn đến lắng đọng các tinh thể monosodium urate ở nhiều mô mềm như khớp, da, ống thận, mạch máu,...

  • Cơn gout (gút) cấp: Thường khởi phát đột ngột về đêm, đau dữ dội tại khớp (đặc biệt ngón chân cái) kèm sưng, nóng, đỏ. Đáp ứng tốt với thuốc giảm đau colchicine. Nếu không điều trị, tần suất cơn gout cấp sẽ tăng dần, bệnh diễn tiến đến viêm khớp gout mạn.
  • Hạt tophi: Có màu vàng hoặc trắng, dạng nhú hoặc hạt, một hoặc nhiều hạt. Vị trí thường gặp là các khớp bàn ngón chân cái, khớp cổ chân, gân gót, khớp gối, khớp bàn ngón tay, các gân quanh khuỷu tay, dưới da vành tai, thận hoặc các cơ quan khác. Hạt tophi có thể vỡ và chảy dịch đục trắng như phấn. Các hạt này gây biến dạng và thoái hóa khớp thứ phát khiến người bệnh hạn chế vận động.
  • Sỏi thận (sỏi uric): Cơn đau quặn thận từ hông lưng lan xuống bộ phận sinh dục và mặt trong đùi, có thể gây tiểu máu, tiểu đục, nước tiểu có mùi hôi nồng hoặc tanh, rối loạn đi tiểu như tiểu lắt nhắt, tiểu nhiều lần,...
Tăng acid uric máu: Nguyên nhân và cách phòng ngừa 6
Cơn gout cấp có thể diễn tiến đến viêm khớp gout mạn

Biến chứng có thể gặp khi tăng acid uric máu

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã báo cáo rằng tăng acid uric là yếu tố nguy cơ cho bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Đây cũng là yếu tố nguy cơ độc lập của tử vong tim mạch nói chung.

  • Tăng huyết áp: Khoảng ¼ người bệnh tăng huyết áp có kèm tăng acid uric máu. Tăng acid uric máu cũng là một yếu tố tiên lượng độc lập tăng huyết áp.
  • Bệnh mạch vành: Lượng acid uric ở nhóm người bệnh có bệnh mạch vành tăng cao hơn so với người khỏe mạnh. Acid uric ảnh hưởng đến chức năng thành mạch, tăng oxy hóa LDL cholesterol và peroxide lipid dẫn đến tăng kết tập tiểu cầu, tăng tạo huyết khối dẫn đến bệnh mạch vành.
  • Hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường: Tăng acid uric máu tạo quá trình trung gian cho sự mất cân bằng nội tiết, thường xuất hiện trước cường insulin, béo phì và đái tháo đường.
  • Gout: Không phải trường hợp tăng acid uric nào cũng gây bệnh gout. Nồng độ acid uric máu tăng cao kết hợp với việc lắng đọng tinh thể monosodium urate tại khớp và quanh khớp gây viêm khớp gout cấp hoặc mạn tính.
  • Bệnh thận mạn, sỏi thận.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tăng acid uric máu

Tăng acid uric máu do tăng sản xuất

  • Tăng acid uric máu nguyên phát (vô căn);
  • Chế độ ăn giàu purine: Các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản, uống nhiều bia rượu,...
  • Béo phì;
  • Thường xuyên nhịn đói hoặc ăn kiêng không hợp lý, tập thể dục quá sức;
  • Bệnh bạch cầu cấp (bệnh lơ-xê-mi cấp);
  • U lympho;
  • Sau hóa trị, xạ trị;
  • Thiếu máu tan máu (tự miễn, bệnh hồng cầu hình liềm, sốt rét, thiếu men G6PD,...).

Tăng acid uric máu do giảm bài tiết

  • Bệnh thận mạn;
  • Dùng các thuốc lợi tiểu, aspirin liều thấp,...
  • Nhiễm toan;
  • Suy tim sung huyết;
  • Nghiện rượu.
Tăng acid uric máu: Nguyên nhân và cách phòng ngừa 9
Suy tim sung huyết làm giảm bài tiết acid uric

Tăng acid uric máu do các nguyên nhân khác

  • Nhiễm Epstein Barr virus;
  • Tiền sản giật, nhiễm độc thai nghén;
  • Suy tuyến cận giáp;
  • Suy giáp;
  • Ngộ độc chì;
  • Chấn thương.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ cao tăng acid uric máu?

  • Người uống nhiều bia rượu;
  • Ăn nhiều thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật,...
  • Lối sống tĩnh tại, ít vận động, người thừa cân, béo phì;
  • Sử dụng một số loại thuốc kéo dài: Thuốc lợi tiểu, aspirin liều thấp, corticoid;
  • Người bệnh có các bệnh lý nội khoa như bệnh thận mạn, suy giáp, suy tim, bệnh lý ác tính,...
Tăng acid uric máu: Nguyên nhân và cách phòng ngừa 5
Tiêu thụ nhiều bia rượu là nguy cơ làm tăng acid uric máu

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán

Phương pháp xét nghiệm

Nồng độ acid uric máu bình thường từ 1,5 đến 6,0 mg/dL ở nữ và 2,5 đến 7,0 mg/dL ở nam. Giá trị tham chiếu tại từng phòng xét nghiệm có thể khác nhau, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về kết quả xét nghiệm.

Nếu nồng độ acid uric máu của bạn vượt qua giới hạn trên của chỉ số bình thường, bạn đang có tình trạng tăng acid uric máu.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Chẩn đoán tăng acid uric dựa vào xét nghiệm máu. Một số xét nghiệm khác cũng góp phần hỗ trợ chẩn đoán và tìm nguyên nhân tăng acid uric máu như:

  • Nồng độ acid uric nước tiểu;
  • Tìm tinh thể urate trong nước tiểu;
  • Tìm tinh thể urate trong dịch khớp viêm;
  • Chức năng thận, siêu âm tim, xét nghiệm hormone tuyến giáp,...
Tăng acid uric máu: Nguyên nhân và cách phòng ngừa 4
Xét nghiệm acid uric máu

Phương pháp điều trị tăng acid uric máu hiệu quả 

Đối với tăng acid uric máu không triệu chứng, hầu hết các trường hợp bạn chỉ cần thay đổi lối sống. Trong một nghiên cứu phân tích có hệ thống năm 2020 báo cáo rằng, tăng acid uric máu không triệu chứng nên được điều trị trong các trường hợp cụ thể gồm:

  • Người bệnh có nồng độ acid uric máu tăng ≥ 13 mg/dL ở nam hoặc ≥ 10 mg/dL ở nữ.
  • Nồng độ acid uric trong nước tiểu ≥ 1100 mg mỗi ngày.
  • Trước khi bắt đầu hóa trị hoặc xạ trị.

Đối với tăng acid uric máu có biểu hiện của bệnh gout hoặc các tổn thương mạn tính trên các cơ quan khác, phác đồ điều trị kết hợp thay đổi lối sống và can thiệp thuốc sẽ được bác sĩ đưa ra phù hợp với tình trạng của bạn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tăng acid uric máu

Chế độ sinh hoạt:

Phòng ngừa tăng acid uric máu cần một chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn diện. Việc phòng ngừa đơn giản nhất bạn có thể chủ động điều chỉnh chính là một lối sống lành mạnh với những việc làm sau đây:

  • Duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
  • Tăng cường hoạt động thể lực. Tập thể dục đều đặn 30 phút/lần, 5 - 7 lần/tuần, cường độ phù hợp với sức bền của bạn.
  • Không hút thuốc lá.
  • Trong trường hợp phải sử dụng các loại thuốc kéo dài, cần dùng theo chỉ định của bác sĩ, tránh dùng thuốc tùy tiện.
Tăng acid uric máu: Nguyên nhân và cách phòng ngừa 2
Lối sống lành mạnh phòng ngừa tăng acid uric máu

Chế độ dinh dưỡng: 

Chế độ ăn uống và lối sống với người bệnh có tăng acid uric máu gồm:

  • Bổ sung đa dạng các loại rau củ quả, trái cây (trừ các loại quả ngọt chứa nhiều đường fructose), ưu tiên các loại đạm thực vật.
  • Kiểm soát việc tiêu thụ các loại thịt đỏ, nội tạng, hải sản, đồ uống có cồn,...
  • Chế độ ăn ít purine: Tránh các loại thịt đỏ (bò, trâu, cừu, dê, heo,...), hải sản, nội tạng động vật, các thức uống giàu đường fructose, thức uống có gas, mật ong, rượu bia,...
  • Uống đủ 1,5 lít nước mỗi ngày. Có thể bổ sung thêm tùy vào nhu cầu của bạn.
  • Bổ sung các loại thực phẩm có vai trò giảm acid uric: Các loại rau quả giàu vitamin C hoặc acid folic như đu đủ, sơ ri, dâu tây, cherry, ổi, ớt chuông, bông cải xanh, rau chân vịt, măng tây, ngũ cốc nguyên cám,...
  • Nên giảm cân nếu thừa cân, béo phì. Tăng cường hoạt động thể chất. Lưu ý, cần giảm cân khoa học, tuyệt đối không nhịn ăn.
  • Bổ sung các chế phẩm sinh học có Lactobacillus.
  • Không hút thuốc lá.

Với các nhóm thuốc hạ acid uric máu, bạn phải được thăm khám và kê toa bởi các bác sĩ chuyên khoa. Các nhóm thuốc này bao gồm:

  • Thuốc ức chế quá trình tổng hợp acid uric máu: Allopurinol, febuxostat.
  • Thuốc tăng bài tiết acid uric: Probenecid.
  • Thuốc tăng chuyển hóa acid uric thành allantoin: Pegloticase.
  • Thuốc ức chế tái hấp thu urate chọn lọc: Lesinurad.
Tăng acid uric máu: Nguyên nhân và cách phòng ngừa 7
Kiểm soát chế độ ăn trong tăng acid uric máu
Nguồn tham khảo
  1. Alderman, M. H. Podagra, Uric acid and cardiovascular disease. Circulation. 2007; 116:880-883.
  2. Glantzounis G, Tsimoyiannis E, Kappas A, Galaris D. Uric acid and oxidative stress. Curr Pharm Des. 2005;11:4145–51.
  3. Baldwin W, McRae S, Marek G, et al. Hyperuricemia as a mediator of the proinflammatory endocrine imbalance in the adipose tissue in a murine model of the metabolic syndrome. Diabetes. 2011;60:1258–69.
  4. Jin M, Yang F, Yang I, Yin Y, Luo JJ, Wang H, Yang XF. Uric acid, hyperuricemia and vascular diseases. Front Biosci (Landmark Ed). 2012;17(2):656-69. doi: 10.2741/3950.
  5. Petreski T, Ekart R, Hojs R, Bevc S. Hyperuricemia, the heart, and the kidneys - to treat or not to treat? Ren Fail. 2020;42(1):978-986. doi: 10.1080/0886022X.2020.1822185.

Các bệnh liên quan

  1. Viêm cầu thận cấp

  2. Viêm tuyến tiền liệt

  3. Bệnh cầu thận tơ huyết miễn dịch

  4. Tăng natri máu

  5. Viêm thận kẽ

  6. Thận đa nang

  7. Thận ứ mủ

  8. Viêm bàng quang kẽ

  9. Nang niệu quản

  10. Bàng quang tăng hoạt