Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Paromomycin (Humatin): Kháng sinh điều trị nhiễm trùng đường ruột

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Paromomycin

Loại thuốc

Kháng sinh và kháng amip nhóm aminoglycosid.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nang 250 mg.

Chỉ định

Paromomycin chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị nhiễm amip đường ruột cấp tính và mãn tính do Entamoeba histolytica.
  • Điều trị những người nhiễm bào nang Entamoeba histolytica không có triệu chứng, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ có thai.
  • Diệt trừ E. histolytica dạng bào nang trong lòng ruột khi theo dõi sau khi điều trị bằng thuốc diệt amip (metronidazol hoặc tinidazol).
  • Bệnh do nhiễm Balantidium coli (tetracyclin và metronidazol được sử dụng ưu tiên hơn).
  • Điều trị nhiễm sán dây/ sán dải do một số loài gây bệnh cho người bao gồm: Diphyllobothrium latum (sán dải cá), Dipylidium caninum (sán dây chó và mèo), Hymenolepis nana (sán dải lùn), Taenia saginata (sán dải bò) và Taenia solium (sán dải lợn). (Praziquantel, niclosamide và nitazoxanide ưu tiên hơn).
  • Điều trị bệnh do Cryptosporidium parvum gây ra ở bệnh nhân nhiễm HIV, được sử dụng một mình hoặc kết hợp với azithromycin.
  • Điều trị bệnh nhân nhiễm Dientamoeba fragilis.
  • Điều trị bệnh giardia do Giardia duodenalis (còn được gọi là G. lamblia hoặc G. intestinalis) gây ra (thay thế metronidazole, tinidazole, or nitazoxanide), ưu tiên cho phụ nữ có thai.
  • Bệnh não gan.

Dược lực học

Paromomycin là kháng sinh aminoglycosid phổ rộng, diệt được đơn bào (amib/ động vật nguyên sinh) và các loại sán dải/ sán dây.

Giống như các aminoglycoside khác, Paromomycin có tác dụng diệt khuẩn và ức chế tổng hợp protein ở vi khuẩn nhạy cảm nhờ gắn vào tiểu đơn vị 30S của ribosome.

Paromomycin có phổ kháng khuẩn tương tự như phổ kháng khuẩn của neomycin, gồm một số vi khuẩn gram dương (ví dụ, một số chủng Staphylococcus) và nhiều vi khuẩn hiếu khí gram âm, tuy nhiên không có hoạt tính diệt khuẩn trên Pseudomonas aeruginosa và vi khuẩn kỵ khí. Paromomycin có một phần hoạt tính trên Mycobacterium tuberculosis.

Paromomycin là chất có tác động diệt amip, hoạt động chủ yếu trong lòng ruột; tác động diệt amip trực tiếp, có hiệu quả cả khi có hoặc không có vi khuẩn.

Paromomycin có hoạt tính đối kháng Entamoeba histolytica; được cho là có tác dụng chống lại cả dạng tư dưỡng và dạng bào nang của Entamoeba. Các nghiên cứu in vitro chỉ ra tác động đối kháng Acanthamoeba còn hạn chế.

Paromomycin có tác động đối kháng một số loại sán (sán dải/ sán dây) gây bệnh cho người bao gồm Diphyllobothrium latum (sán dải cá), Dipylidium caninum (sán dây chó và mèo), Hymenolepis nana (sán dải lùn), Taenia saginata (sán dải bò) và T. solium (sán dải lợn).

Động lực học

Hấp thu

Paromomycin hấp thu kém qua đường tiêu hóa. Tình trạng giảm nhu động dạ dày ruột hoặc tổn thương,  loét ruột có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc hấp thụ qua đường uống.

Phân bố

Không có thông tin.

Chuyển hóa

Không có thông tin.

Thải trừ

Hầu như 100% thuốc được thải trừ ở dạng không đổi qua phân.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Chưa có nghiên cứu chính thức về tương tác thuốc của Paromomycin. Tuy nhiên, đã có ghi nhận một số tương tác với các hoạt chất với mức độ tương ứng gồm:

  • Nặng: Atracurium, Cisatracurium, Doxacurium, Metocurine, Mivacurium, Pancuronium, Pipecuronium, Rapacuronium, Rocuronium, Succinylcholine, Vecuronium, Tubocurarine, vaccin thương hàn sống giảm độc lực, vaccin tả sống giảm độc lực.

  • Trung bình: Dexlansoprazole, Enflurane, Esomeprazole, Estradiol, Ethinyl Estradiol, Indibum, Oxyquinoline, Lansoprazole, Methotrexate, Mycophenolate Mofetil, Axit Mycophenolic, Neostigmine, Omeprazole, Pantoprazole, Pyridostigmine, Rabeprazole, Natri Iodua, Valacyclovir, Voclosporin.

  • Nhẹ: Digoxin, Nadolol.

Chống chỉ định

Paromomycin chống chỉ định dùng trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân quá mẫn với thuốc.
  • Triệu chứng tắc ruột.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Paromomycin

Người lớn

  • Nhiễm amip do Entamoeba Histolytica: 25 - 35 mg/kg mỗi ngày, chia 3 lần, dùng trong 5 - 10 ngày (thường là 7 ngày).
  • Nhiễm Diphyllobothrium latum (sán dải cá), Dipylidium caninum (sán dây chó và mèo), Taenia saginata (sán dải bò) và Taenia solium (sán dải lợn): Uống 11 mg/kg, mỗi 15 phút, dùng 4 liều.
  • Nhiễm sán dải lùn Hymenolepis nana: 45 mg/kg mỗi ngày, dùng một liều duy nhất hàng ngày, trong 5 - 7 ngày.
  • Điều trị bệnh do Cryptosporidium parvum: 25 - 35 mg/kg mỗi ngày chia làm 2 - 4 lần cho người nhiễm HIV. 1,5 - 2,25 g mỗi ngày, chia 3 - 6 lần, dùng trong 10 - 14 ngày. Đôi khi, liệu pháp kéo dài hơn (ví dụ, 4 - 8 tuần) có thể cần thiết.
  • Nhiễm Dientamoeba fragilis: 25–35 mg/kg mỗi ngày, chia 3 lần, uống trong 7 ngày.
  • Nhiễm Giardia: 25 - 35 mg/kg mỗi ngày, chia 3 lần, uống trong 7 ngày.
  • Bệnh não gan: 4 g mỗi ngày, chia làm nhiều lần, trong 5 - 6 ngày.

Trẻ em 

  • Nhiễm amip do Entamoeba histolytica: 25 - 35 mg/kg mỗi ngày, chia 3 lần, dùng trong 5 - 10 ngày (thường là 7 ngày).
  • Nhiễm Diphyllobothrium latum (sán dải cá), Dipylidium caninum (sán dây chó và mèo), Taenia saginata (sán dải bò) và Taenia solium (sán dải lợn): Uống 11 mg/kg, mỗi 15 phút, dùng 4 liều.
  • Nhiễm sán dải lùn Hymenolepis nana: 45 mg/kg mỗi ngày, dùng một liều duy nhất hàng ngày, trong 5 - 7 ngày
  • Điều trị bệnh do Cryptosporidium parvum: 25 - 35 mg/kg mỗi ngày chia làm 2 - 4 lần cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên nhiễm HIV. Liều tối đa là 500 mg x 4 lần/ngày ở trẻ em.
  • Nhiễm Dientamoeba fragilis: 25 - 35 mg/kg mỗi ngày, chia 3 lần, uống trong 7 ngày.
  • Nhiễm Giardia: 25 - 35 mg/kg mỗi ngày, chia 3 lần, uống trong 7 ngày.

Cách dùng

Paromomycin dùng đường uống sau khi ăn.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Chán ăn, buồn nôn, nôn, nóng rát vùng thượng vị và đau, tăng nhu động tiêu hóa, đau quặn bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn. Các triệu chứng buồn nôn, đau quặn bụng và tiêu chảy thường xảy ra trên các bệnh nhân dùng liều trên 3 g/ngày.

Ít gặp

Không có thông tin.

Hiếm gặp

Không có thông tin.

Lưu ý

Lưu ý chung

Độc tính trên thận, độc tính trên tai, ức chế thần kinh cơ:

  • Giống như các aminoglycosid khác, Paromomycin có khả năng gây độc thận, độc tai, và có thể có tác dụng ức chế thần kinh cơ nếu được hấp thu toàn thân.
  • Không nên dùng liều cao hoặc thời gian kéo dài.
  • Sử dụng Paromomycin đường uống một cách thận trọng ở những bệnh nhân bị tổn thương hoặc loét ruột vì sự hấp thu trên đường tiêu hóa của thuốc có thể dẫn đến độc tính trên thận.

Phản ứng nhạy cảm:

  • Viên nang có thể chứa Tartrazin, có thể gây ra các phản ứng dị ứng như hen phế quản ở những người mẫn cảm.
  • Tỷ lệ mẫn cảm với tartrazin thấp, nhưng thường xảy ra ở những bệnh nhân mẫn cảm với aspirin.

Bội nhiễm vi khuẩn:

  • Cũng như các thuốc kháng sinh khác, việc sử dụng Paromomycin có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của các vi sinh vật không nhạy cảm, bao gồm cả nấm và bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận về sự phát triển của các bệnh nhiễm trùng mới do các sinh vật không nhạy cảm gây ra.
  • Có thể xảy ra viêm ruột do Staphylococcus thứ phát.
  • Nên có hướng điều trị thích hợp nếu xảy ra bội nhiễm vi khuẩn.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Tuy có thể được sử dụng điều trị amip hoặc Giardia cho phụ nữ có thai, thuốc Paromomycin vẫn chưa có thử nghiệm về an toàn cho thai phụ và em bé. Không khuyến cáo sử dụng trong thai kỳ, chỉ sử dụng khi thật cần thiết và lợi ích nhiều hơn nguy cơ.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Không có khuyến cáo đặc biệt đối với phụ nữ cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có thông tin.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng choáng váng, ngất hoặc khó thở khi quá liều Paromomycin.

Cách xử lý khi quá liều

Cần có biện pháp điều trị hỗ trợ.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Paromomycin

1) https://www.drugs.com/monograph/paromomycin.html

2) https://dailymed.nlm.nih.gov/dailymed/drugInfo.cfm?setid=cc0f4113-e627-4caf-b2d4-95b4106e57f5

3) https://www.webmd.com/drugs/2/drug-5160/paromomycin-oral/details

Ngày cập nhật: 26/7/2021