Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sodium bicarbonate: Thuốc kháng acid và thuốc kiềm hóa

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Sodium bicarbonate.

Loại thuốc

Thuốc kháng acid và thuốc kiềm hóa (điều trị nhiễm acid và kiềm hóa nước tiểu).

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Dung dịch tiêm: 1,4%; 4,2%; 7,5%; 8,4%.
  • Lọ thủy tinh 10 ml, 50 ml, 100 ml. Chai thủy tinh 250 ml, 500 ml.
  • Dung dịch natri bicarbonat còn chứa dinatri edetat, nước cất tiêm và một số chất điện giải.
  • 1 ml dung dịch 8,4% = 1 mEq = 1 mmol.
  • Thuốc kháng acid dạng uống.
  • Viên nén: 325 mg, 500 mg, 650 mg, 1000 mg (1 mEq = 84 mg).
  • Gói: 5 g, 10 g, 20 g, 50 g, 100 g bột.
  • Viên phối hợp: Có natri bicarbonat và các thuốc kháng acid khác như nhôm hydroxyd, magnesi carbonat, magnesi trisilicat, bismuth subnitrat.
  • Dạng uống (hoặc qua ống thông mũi - dạ dày) dùng để chuẩn bị làm xét nghiệm: Chế phẩm thường phối hợp natri bicarbonat và một số chất điện giải khác như natri sulfat, natri clorid, kali clorid.

Cục Quản lý Dược đã thông báo ngừng cấp số đăng ký lưu hành thuốc chứa đơn thành phần natri bicarbonat dùng đường uống với chỉ định kháng acid dịch vị do nguy cơ và tác dụng không mong muốn của thuốc đem lại. Các thông tin về dạng uống mang tính chất tham khảo.

Chỉ định

Thuốc để làm kiềm hóa, được chỉ định dùng trong nhiễm toan chuyển hóa, kiềm hóa nước tiểu hoặc dùng làm thuốc kháng acid (dạ dày).

Làm giảm các triệu chứng khó chịu trong nhiễm trùng tiết niệu nhẹ.

Dược lực học

Dung dịch tiêm truyền:

Natri bicarbonat giữ vai trò quan trọng trong hệ thống đệm của khoang ngoại bào.

Tác dụng kiềm hóa xảy ra nhanh. Dung dịch natri bicarbonat dùng có hiệu quả khi đường thông khí phổi không bị tổn thương vì tác dụng đệm làm tăng sự giải phóng carbon dioxid. 

Truyền natri bicarbonat gây ra tác dụng kiềm hóa nhanh trong trường hợp nhiễm acid  chuyển hóa, nhiễm acid do acid lactic hoặc trong trường hợp cần kiềm hóa.

Thuốc kháng acid dạng uống: Natri bicarbonat là một thuốc kháng acid, làm giảm độ acid ở dạ dày. Hiện nay natri bicarbonat thường không dùng đơn độc, mà dùng phối hợp với các thuốc khác như nhôm hydroxyd, magnesi trisilicat, magnesi carbonat, magnesi hydroxyd, calci carbonat, bismuth subnitrat, L-glutamin, acid alginic, cao scopolia, cao datura, enzym tiêu hóa.

Động lực học

Hấp thu

Sau khi truyền tĩnh mạch natri bicarbonat, tác dụng xảy ra tức thời. Sau khi uống, natri bicarbonat trung hòa nhanh acid của dạ dày. Thuốc được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa.

Phân bố

Natri bicarbonat có trong tất cả các chất lỏng của cơ thể. Natri bicarbonat gây ra sự trung hòa axit dịch vị với việc tạo ra khí cacbonic. Ion bicarbonate hòa tan tự do trong máu và dễ dàng vượt qua hàng rào máu não.

Chuyển hóa

Ion bicarbonate là một chất điện giải đơn giản và do đó không được chuyển hóa qua gan mà được thải trừ khỏi cơ thể qua đường bài tiết.

Thải trừ

Ion bicarbonate được bài tiết qua nhiều con đường khác nhau trong cơ thể, thải trừ qua hệ thống phổi, dễ dàng đi qua vỏ thận và được thải trừ qua nước tiểu.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Natri bicarbonat làm kiềm hóa nước tiểu, nên có thể làm giảm sự thải trừ quinidin, amphetamin, pseudoephedrin, các thuốc cường giao cảm khác; vì vậy làm tăng độc tính các thuốc này.

Natri bicarbonat có thể tương tác với lithi, làm tăng sự thải trừ lithi.

Khi dùng phối hợp natri bicarbonat với sucralfat, cần chú ý là sucralfat có hiệu quả nhất trong môi trường acid. Do đó, hiệu quả sẽ giảm nếu dùng với thuốc kháng acid.

Sự hấp thu của một số lớn các thuốc giảm đi hoặc chậm lại khi phối hợp với uống thuốc kháng acid. Có thể kể một số thuốc sau: Digoxin, các tetracyclin, ciprofloxacin, rifampicin, clorpromazin, diflunisal, penicilamin, warfarin, quinidin và các thuốc kháng cholinergic.

Thuốc kháng acid có thể phá vỡ lớp vỏ của các viên bao tan ở ruột.

Tương tác với  thực phẩm

Tránh dùng natri bicarbonat với rượu.

Tương kỵ thuốc

Không nên thêm các thuốc khác vào dung dịch natri bicarbonat vì xảy ra tương kỵ với rất nhiều loại thuốc. Có thể xảy ra kết tủa các carbonat không tan. Có thể sinh ra carbon dioxyd khi ion bicarbonat phản ứng với acid trong dung dịch.

Không được truyền natri bicarbonat đồng thời với các dung dịch có chứa các ion calci hoặc magnesi.

Natri bicarbonat có thể phối hợp với các thuốc kháng acid khác để tạo ra các biệt dược khác nhau.

Natri bicarbonat có thể phối hợp với aspirin để làm giảm độ acid của aspirin trong một số biệt dược.

Natri bicarbonat thường có trong các dung dịch thẩm tách máu hoặc các dung dịch điện giải.

Trong các dung dịch tiêm truyền natri bicarbonat, không được thêm bất cứ thuốc nào vào, trừ khi đã biết rõ là tương hợp với nhau.

Chống chỉ định

Không dùng bicarbonat hoặc các thuốc có thành phần bicarbonat cho bệnh nhân có hạ calci, hạ clo, tăng aldosteron máu.

Giải độc do uống acid vô cơ mạnh, do khí CO2 sinh ra trong quá trình trung tính hóa có thể gây căng phồng và thoát vị dạ dày.

Không dùng natri bicarbonat đơn độc để điều trị rối loạn tiêu hóakhó tiêu.

Không dùng các dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch natri bicarbonat trong trường hợp nhiễm kiềm hô hấp và nhiễm kiềm chuyển hóa, giảm thông khí, tăng natri huyết và trong những trường hợp mà việc cung cấp thêm natri là kháng chỉ định, như suy tim, phù, tăng huyết áp, sản giật, tổn thương thận.

Không dùng thuốc kháng acid dạng uống cho người bệnh bị viêm loét đại, trực tràng, bệnh Crohn, hội chứng tắc, bán tắc ruột, hội chứng đau bụng chưa rõ nguyên nhân.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Sodium bicarbonate

Người lớn

Các dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch:

Điều trị đệm dùng natri bicarbonat mà không xét nghiệm trước độ kiềm - toan chỉ được tiến hành trong tình huống có đe dọa tính mạng. Lượng dung dịch tiêm natri bicarbonat được dùng cần xác định dựa vào trị số khí máu động mạch, tuổi, cân nặng, tình trạng bệnh và tính toán theo công thức:

Nếu không xét nghiệm được khí máu động mạch (ABGs), thì theo cách điều trị kinh nghiệm, tiêm chậm vào tĩnh mạch lúc đầu 1 mEq/kg (1 mmol/kg); rồi sau 10 phút dùng không quá 0,5 mEq/kg (0,5 mmol/kg).

Nếu xác định được ABGs, liều natri bicarbonat có thể tính dựa vào mức thiếu kiềm như sau:

Liều natri bicarbonat (mmol) = mức thiếu kiềm (mmol/l) x 0,3 x thể trọng (kg). (Hệ số 0,3 tương ứng với dịch ngoài tế bào so với dịch toàn cơ thể).

1 g natri bicarbonat tương đương với 11,9 mmol natri và 11,9 mmol bicarbonat

Việc điều chỉnh nhiễm acid chuyển hóa không nên tiến hành quá nhanh. Vì vậy, bắt đầu chỉ nên dùng liều bằng 1/2 liều tính toán được. Sau đó cần xét nghiệm lại khí trong máu rồi mới tiếp tục điều trị.

Thuốc kháng acid dạng uống:

Liều thông thường: 500 mg/lần, 3 lần/ngày, sau khi ăn.

Kiềm hóa nước tiểu, làm giảm triệu chứng khó chịu của viêm đường tiết niệu nhẹ: 10 g/ngày, uống chia thành nhiều liều cùng với nhiều nước.

Trẻ em

Các dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch:

Nhiễm toan chuyển hóa: 

Trẻ em vị thành niên: 2 – 5 mEq/kg truyền trong 4 – 8 giờ trong các dạng nhiễm toan chuyển hóa ít khẩn cấp . Các liều tiếp theo phải được xác định bằng phản ứng của bệnh nhân.

Hồi sức trong nhi khoa: 

Trẻ sơ sinh và trẻ em: Tiêm chậm 1 mEq/kg.

Rối loạn nhịp thất liên quan đến ngộ độc cocain: Liều khuyến nghị 1 – 2 mEq/kg.

Thuốc kháng acid dạng uống:

Trẻ em 11 - 14 tuổi: 1 000 mg, chia làm 2 - 3 lần/ngày.

Trẻ em 8 - 10 tuổi: 250 mg/lần, 3 lần/ngày.

Cách dùng

Dạng uống: Nhai nhẹ viên thuốc trước khi nuốt. 

Natri bicarbonat tiêm tĩnh mạch hiện nay thường chỉ dành cho người bệnh bị nhiễm acid nặng (pH máu < 7,0) với mục đích để nâng pH máu tới 7,1. 

Nhiễm toan chuyển hóa kèm theo giảm oxygen - mô, đặc biệt nhiễm acid lactic, ý kiến còn tranh luận.

Chú ý: Chỉ được tiêm truyền tĩnh mạch với tốc độ như sau:

Dung dịch tiêm natri bicarbonat 4,2%: Tới 40 giọt/phút = 120 ml/giờ. Dung dịch tiêm natri bicarbonat 7,5% hoặc 8,4%: Khoảng 20 - 40 giọt/phút = 60 - 120 ml/giờ.

Khi tiêm truyền dung dịch có nồng độ cao không pha loãng, chỉ được truyền qua ống thông vào tĩnh mạch trung tâm và tốt nhất là vào tĩnh mạch chủ.

Khi truyền cho trẻ em, dùng dung dịch 0,5 mEq/ml hoặc pha loãng dung dịch 1 mEq/ml theo tỉ lệ 1:1 với nước cất vô khuẩn. Ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi, natri bicarbonat ưu trương phải tiêm truyền tĩnh mạch chậm dung dịch 4,2 % đến 8 mEq/kg/ngày. Vì natri bicarbonat gây bất hoạt catecholamine và calci bị kết tủa khi trộn với bicarbonat nên đường truyền phải được tráng rửa bằng 5 đến 10 ml natri clorid 0,9% trước khi truyền natri bicarbonat và việc tráng rửa này phải làm thường xuyên giữa các lần truyền các  thuốc khác khi cấp cứu hồi sức bệnh nhân ngừng tim.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Không có báo cáo.

Ít gặp 

Không có báo cáo.

Hiếm gặp

Tiêu chảy nhẹ, co cứng cơ dạ dày, ợ hơi, đầy hơi.

Không xác định tần suất

Nhiễm kiềm chuyển hóa, phù, đặc biệt là trên bệnh nhân suy thận, thay đổi cảm xúc, mệt mỏi, thở chậm, yếu cơ và tim đập bất thường, tăng trương lực cơ, co giật cơ, co cứng cơ (tetani) , đặc biệt ở bệnh nhân hạ calci huyết.

Giảm kali huyết và tăng natri huyết, tăng áp lực thẩm thấu. Làm giảm nhận thức, rối loạn chức năng não, co giật và giảm oxy và nhiễm acid lactic ở mô ngoại vi, gây hoại tử tại vị trí tiêm do thoát mạch, kích ứng tăng trương lực cơ sau khi tiêm truyền tĩnh mạch.

Lưu ý

Lưu ý chung

Dung dịch tiêm truyền:

Cần đặc biệt chú ý đến khả năng giảm kali huyết.

Nếu việc cung cấp natri là kháng chỉ định, nhưng chức năng thận không bị tổn thương, nên kiềm hóa bằng dung dịch tromethamin.

Nguy cơ tăng natri huyết và tăng độ thẩm thấu ở các người bệnh bị suy tim và suy thận, dẫn đến nguy cơ tăng khối lượng máu và phù phổi. Đặc biệt là ở bệnh nhân suy thận có tiểu ít, bí tiểu và những bệnh nhân đang sử dụng corticoid.

Trong thời gian điều trị nhiễm acid bằng natri bicarbonat cần theo dõi điện giải huyết và tình trạng cân bằng acid-base.

Thuốc kháng acid dạng uống:

Tránh dùng lâu dài với liều cao hơn liều khuyến cáo ở người bệnh mở thông đại tràng.

Không dùng thuốc cho người bệnh có chức năng thận kém hoặc người bệnh đang thẩm tách (vì có thể gây tăng hàm lượng nhôm và/hoặc hàm lượng magnesi trong máu).

Ở bệnh nhân suy gan có ứ dịch không nên dùng thuốc kháng acid có thành phần natri cao.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Các dung dịch tiêm truyền: Không thể đoán trước được các tác dụng có hại khi truyền natri bicarbonat cho người mang thai. Tuy nhiên, cần tránh dùng khi bị sản giật.

Thuốc kháng acid dạng uống: Chưa xác định được tính an toàn cho người mang thai. Vì vậy không nên dùng cho người mang thai, trừ khi thầy thuốc đã cân nhắc kỹ về lợi ích so với nguy cơ và không có biện pháp nào khác thay thế.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Dung dịch tiêm truyền: Không thể đoán trước được các tác dụng có hại khi tiêm truyền natri bicarbonat cho người đang cho con bú. 

Thuốc kháng acid dạng uống: Chưa có đầy đủ số liệu, nhưng không kháng chỉ định khi dùng liều bình thường cho người cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không ảnh hưởng.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Quá liều do tiêm truyền natri bicarbonat có thể gây ra nhiễm kiềm chuyển hóa và sau đó có thể làm giảm kali huyết hoặc gây co cứng cơ (tetani) do giảm calci huyết.

Cách xử lý khi quá liều

Cần ngừng tiêm truyền. Để khống chế các triệu chứng nhiễm kiềm, người bệnh nên được hỗ trợ hô hấp  bằng cách hít lại không khí thở ra, hoặc nếu nặng hơn có thể phải tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch natri clorid 0,9%.

Trường hợp giảm kali huyết, có thể dùng kali clorid. Nếu ở người bệnh xuất hiện co cứng cơ mà không thể khống chế được bằng cách hít lại không khí thở ra, có thể cần dùng calci  gluconat.

Quên liều và xử trí

Vì natri bicarbonate được sử dụng khi cần thiết và không sử dụng dài ngày. Nên không hoặc rất ít xảy ra quên liều.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Sodium bicarbonate

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam 2015.
  2. Drugs.com: https://www.drugs.com/monograph/sodium-bicarbonate.html 
  3. EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/2458/smpc

Ngày cập nhật:  17/07/2021