Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh Crohn: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh Crohn là một bệnh gây viêm mạn tính ở đường tiêu hóa. Nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn. Các phương pháp điều trị không thể điều trị dứt điểm mà thường chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng của bạn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh Crohn là gì?

Bệnh Crohn được đặt tên theo bác sĩ người Mỹ, Tiến sĩ Burrill Crohn (1884-1983). Ông là một trong những bác sĩ đầu tiên mô tả căn bệnh này vào năm 1932.

Bệnh Crohn (còn được gọi là viêm ruột mãn tính từng vùng) là một bệnh gây viêm mạn tính ở đường tiêu hóa. Nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn. Nhưng nó thường ảnh hưởng đến ruột non và phần đầu của ruột già.

Bệnh Crohn là một tình trạng mãn tính chưa có cách chữa trị dứt điểm. Nó được đặc trưng bởi các giai đoạn thuyên giảm xen kẽ các giai đoạn bùng phát. Khi điều trị, hầu hết mọi người có thể kiểm soát được triệu chứng và tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này tương đối thấp. Tuy nhiên, bệnh Crohn có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ ung thư ruột non và ung thư đại trực tràng.

Bệnh Crohn phổ biến nhất ở những người ở độ tuổi thiếu niên, độ tuổi khoảng 20 tuổi hoặc đầu 30. Bệnh hiếm khi được chẩn đoán ở trẻ nhỏ. Nó ảnh hưởng đến bé trai và bé gái như nhau. Theo khảo sát của tổ chức Crohn's and Colitis Foundation of America, tỷ lệ mắc bệnh Crohn khoảng 149/100.000 người. Tỷ lệ mắc bệnh Crohn được cho là cao nhất ở châu Âu và thấp hơn ở châu Á và châu Phi. Nó cũng có tỷ lệ mắc cao hơn ở người Do Thái Ashkenazi. Nếu bạn hút thuốc lá, nguy cơ mắc bệnh Crohn có thể cao hơn những người không hút thuốc.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Crohn

Trong bệnh Crohn, bất kỳ phần nào của ruột non hoặc ruột già đều có thể bị ảnh hưởng. Tùy vào vị trí tổn thương sẽ có những biểu hiện triệu chứng khác nhau. Khi bệnh đang giai đoạn bùng phát, các triệu chứng thường bao gồm:

  • Tiêu chảy;
  • Sốt;
  • Mệt mỏi;
  • Đau quặn bụng;
  • Đau khớp;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Máu trong phân;
  • Loét miệng;
  • Giảm cảm giác thèm ăn và giảm cân;
  • Các vết sưng đỏ, nốt sần dưới da, có thể biến thành vết loét da.
Bệnh Crohn: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Tiêu chảy là một trong những triệu chứng của bệnh Crohn trong giai đoạn bùng phát

Biến chứng của bệnh Crohn

Bệnh Crohn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Áp xe: Những khối u chứa đầy mủ do nhiễm trùng được hình thành trong đường tiêu hóa.
  • Nứt hậu môn: Những vết rách nhỏ ở hậu môn có thể gây đau, ngứa và chảy máu.
  • Tắc ruột: Tắc nghẽn ở ruột non hoặc ruột già là tình trạng cần phải phẫu thuật để giải quyết tắc nghẽn.
  • Ung thư đại trực tràng: Bệnh Crohn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
  • Suy dinh dưỡng: Tiêu chảy, đau bụng kéo dài có thể khiến bạn chán ăn hoặc khiến ruột khó hấp thụ đủ chất dinh dưỡng. Tình trạng thiếu máu cũng thường xảy ra do thiếu sắt hoặc vitamin B12 do căn bệnh này gây ra.
  • Loét: Viêm mãn tính có thể dẫn đến vết loét ở bất cứ đâu trong đường tiêu hóa của bạn.
  • Rối loạn đông máu: Bệnh Crohn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh Crohn. Việc chẩn đoán sớm bệnh Crohn sẽ giúp bạn kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng xảy ra.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Crohn

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra bệnh Crohn. Tuy nhiên, các nhà khoa học nghĩ rằng phản ứng tự miễn có thể là một nguyên nhân. Phản ứng tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Di truyền cũng có thể đóng một vai trò nào đó vì bệnh Crohn có thể di truyền trong gia đình.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh Crohn?

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Crohn bao gồm:

  • Người hút thuốc lá;
  • Tiền sử gia đình;
  • Tuổi: Thường gặp ở những người trẻ tuổi, độ tuổi khoảng 20 tuổi hoặc đầu 30. Tuy nhiên, tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh Crohn

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn bao gồm:

  • Điều trị với thuốc giảm đau không steroid như IbuprofenNaproxenDiclofenac,…
  • Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa như khoai tây chiên, mỡ động vật, bơ, phô mai,...
  • Thức ăn cay.
  • Uống nhiều rượu bia, nước uống có ga.
  • Căng thẳng tâm lý.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Crohn

Trước đây, bệnh nhân thường phải chịu đựng các triệu chứng trong nhiều năm cho đến khi được chẩn đoán chính xác. Ngày nay, nhờ kỹ thuật hình ảnh tốt hơn và kiến ​​thức sâu hơn về bệnh Crohn, thời gian từ lần khám bác sĩ đầu tiên đến giai đoạn chẩn đoán và điều trị đã ngắn hơn nhiều.

Chẩn đoán bệnh Crohn bắt đầu bằng khám sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên, việc kiểm tra sức khỏe của bạn có thể hoàn toàn bình thường. Bác sĩ sẽ sử dụng một số công cụ chẩn đoán khác để xác nhận chẩn đoán bệnh Crohn. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh Crohn bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu hoặc để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm phân: Xét nghiệm này xem mẫu phân của bạn có vi khuẩn hoặc ký sinh trùng hay không. Nó có thể giúp loại trừ các bệnh nhiễm trùng gây tiêu chảy mãn tính.
  • Nội soi đại trực tràng: Trong quá trình nội soi, bác sĩ sử dụng ống nội soi để kiểm tra bên trong đường tiêu hóa của bạn, tìm xem có các tổn thương như loét, u, viêm, áp xe hay không.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT tạo ra hình ảnh của đường tiêu hóa. Nó cho bác sĩ biết mức độ viêm ruột nghiêm trọng như thế nào.
  • Sinh thiết: Sinh thiết giúp bác sĩ chẩn đoán được bản chất mô bệnh học của tổn thương ở đường tiêu hóa.
  • Xét nghiệm di truyền học: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh Crohn, bác sĩ có thể đề nghị bạn làm các xét nghiệm di truyền để tìm đột biến gen gây bệnh và tư vấn di truyền cho bạn và các thành viên trong gia đình.
Bệnh Crohn: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Bác sĩ sẽ đề nghị một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh Crohn

Phương pháp điều trị bệnh Crohn

Mục tiêu điều trị là giảm tình trạng viêm từ đó kiểm soát được các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Các phương pháp điều trị bệnh Crohn bao gồm:

  • Thuốc: Nếu bệnh Crohn có biểu hiện nhiễm trùng, bạn có thể cần dùng thuốc kháng sinh. Để giảm viêm thường bác sĩ sẽ chỉ định Aminosalicylate hoặc Corticosteroid. Đôi khi bạn cũng có thể cần dùng các thuốc gọi là thuốc ức chế miễn dịch như AzathioprineMethotrexate giúp giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch từ đó làm giảm các triệu chứng. Thuốc ức chế miễn dịch có thể gây ra tác dụng phụ như cảm giác buồn nôn, nôn, tăng nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề về gan.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật được chỉ định nếu có các biến chứng như tắc ruột, lỗ rò, áp xe hoặc nếu người bệnh không đáp ứng với thuốc. Tuy nhiên, tái phát bệnh Crohn sau phẫu thuật là khá phổ biến, do đó mà bạn vẫn phải duy trì chế độ sinh hoạt và ăn uống nghiêm ngặt, tái khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thay đổi hệ vi sinh đường ruột: Bên cạnh việc uống thuốc điều trị triệu chứng, việc kết hợp sử dụng các chất bổ sung men vi sinh đường uống để điều chỉnh thành phần và hoạt động của hệ vi sinh vật đường ruột có thể hỗ trợ ngăn ngừa các tổn thương tại đường tiêu hóa do bệnh Crohn gây ra.
  • Sức khỏe tâm thần: Bệnh Crohn có thể dẫn đến lo lắng hoặc trầm cảm, đặc biệt ở những người trẻ tuổi do xấu hổ vì đại tiện không tự chủ. Tư vấn tâm lý cũng như điều trị thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu có thể giúp kiểm soát được tâm trạng. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng các thuốc chống trầm cảm lo âu và chỉ sử dụng khi được sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Bệnh Crohn: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 8
Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh Crohn

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Crohn

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống nhiều nước ít nhất 2 lít nước/ngày;
  • Bỏ rượu bia, thuốc lá;
  • Quản lý căng thẳng, chẳng hạn như tập thiền, tập yoga và dành thời gian với bạn bè;
  • Ngủ đủ 8 tiếng/ngày.

Chế độ dinh dưỡng:

Thay đổi chế độ ăn uống là điều bắt buộc phải thực hiện trong điều trị bệnh Crohn. Chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyên bạn nên thực hiện những điều sau:

  • Tránh đồ uống có ga.
  • Tránh ăn bắp (ngô), các loại hạt và các thực phẩm giàu chất xơ.
  • Chia thành nhiều bữa ăn trong ngày.
  • Không ăn thực phẩm chiên xào, béo ngọt.
  • Ghi nhật ký các món ăn đã ăn trong ngày để giúp xác định thực phẩm gây ra vấn đề.
  • Một số người cũng cần thực hiện chế độ ăn kiêng đặc biệt, chẳng hạn như chế độ ăn ít chất xơ.
  • Vì bệnh Crohn có thể cản trở khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và do áp dụng chế độ ăn kiêng nên việc bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất thường rất cần thiết.
  • Trong giai đoạn bùng phát, để cho ruột nghỉ ngơi, bác sĩ có thể khuyên bạn nên nuôi ăn qua qua đường tĩnh mạch hoặc qua đường sonde dạ dày với thức ăn dạng lỏng hoàn toàn.
Bệnh Crohn: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 9
Chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh Crohn

Phương pháp phòng ngừa bệnh Crohn hiệu quả

Không có cách nào để ngăn ngừa bệnh Crohn. Nhưng lối sống lành mạnh có thể làm giảm các triệu chứng và giảm các đợt bùng phát. Việc bạn cần làm là:

  • Ngừng hút thuốc;
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Quản lý căng thẳng.
Nguồn tham khảo
  1. Crohn's Disease: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/crohns-disease/diagnosis-treatment/drc-20353309
  2. Crohn's Disease: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9357-crohns-disease
  3. Crohn's Disease: https://medlineplus.gov/crohnsdisease.html
  4. Crohn's Disease: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/crohns-disease
  5. Crohn's Disease: https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/crohns-disease

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm ký sinh trùng

  2. Sán lợn gạo

  3. Sán lá ruột

  4. Xơ gan

  5. Nhiễm H.pylori (HP)

  6. Tiêu chảy do kháng sinh

  7. Ung thư đại tràng giai đoạn I

  8. Hội chứng Chilaiditi

  9. Áp-xe vùng hậu môn - trực tràng

  10. Loạn khuẩn đường ruột