Long Châu

Nhiễm trùng tiết niệu: Thường do vi khuẩn gây ra, có thể liên quan đến tuyến tiền liệt

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm trùng tiết niệu thường do vi khuẩn gây ra, có thể liên quan đến tuyến tiền liệt, niệu đạo, bàng quang hoặc thận. Triệu chứng thường là tiểu nhiều lần, tiểu rắc, tiểu buốt, đau bụng dưới, đau hông, đau lưng và vùng dưới thắt lưng. Có thể có các triệu chứng toàn thân hoặc thậm chí, nhiễm trùng thận có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. Chẩn đoán dựa trên phân tích nước tiểu. Điều trị bằng kháng sinh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm trùng tiết niệu là gì? 

Nhiễm trùng tiết niệu hay còn gọi là nhiễm trùng đường tiểu (Infection Tract Urinary – UTI) là nhiễm trùng một phần hay nhiễm trùng nhiều phần của đường tiểu (bàng quang hoặc thận) hay cả niệu đạo và niệu quản.

Có các loại nhiễm trùng tiết niệu sau:

Viêm niệu đạo:

Thường do vi khuẩn, ký sinh trùng, virus hay nấm. Lây qua đường tình dục thường do Chlamydia trachomatis hay Trichomonas vaginalis gây ra.

Viêm bàng quang:

Thường gặp ở phụ nữ, nhất là sau khi quan hệ tình dục. Viêm bàng quang ở nam giới thường phức tạp hơn, có thể do vấn đề từ niệu đạo, tuyến tiền liệt hay do can thiệp dụng cụ vào niệu đạo, nguyên nhân thường gặp nhất là viêm tuyến tiền liệt mạn tính.

Hội chứng niệu đạo cấp tính:

Xảy ra ở phụ nữ, thường tiểu nhiều lần, tiểu buốt và tiểu mủ, triệu chứng tương tự như viêm bàng quang. Đối với trường hợp này, thường nuôi cấy nước tiểu cho kết quả âm tính hoặc số khuẩn lạc thấp hơn so với viêm bàng quang. Do các vi khuẩn gây bệnh này (Chlamydia trachomatis và Ureaplasma urealyticum) thường không được phát hiện nếu chỉ làm nuôi cấy nước tiểu thường quy.

Nhiễm trùng tiết niệu không triệu chứng:

Thường không có các triệu chứng cơ năng và cả thực thể, nhưng nuôi cấy nước tiểu lại xác định là nhiễm trùng tiết niệu. Nước tiểu có thể có mủ. Do không có triệu chứng nên những bệnh nhân này thường phát hiện nhiễm trùng tiết niệu do có nguy cơ cao đi khám sàng lọc hoặc thực hiện nuôi cấy nước tiểu vì nguyên nhân khác.

Viêm bể thận cấp tính:

Nhiễm khuẩn tại nhu mô thận. Khoảng 20% phụ nữ bị viêm thận bể thận có diễn tiến thành nhiễm trùng huyết. Viêm thận bể thận thường do vi khuẩn ngược dòng tiết niệu, ngoài ra có thể là do nhiễm khuẩn thông qua đường máu đặc biệt là nhưng vi khuẩn có độc tố cao như Candida, S. aureus, Salmonella P. aeruginosa.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng tiết niệu

Viêm niệu đạo (Urethritis):

Viêm niệu đạo thường gây đau khi đi tiểu và khiến người bệnh cảm thấy luôn muốn đi tiểu, đi tiểu nhiều hơn bình thường và mỗi lần chỉ tiểu được một ít.

Viêm bàng quang (Cystitis):

Triệu chứng của viêm bàng quang tương tự như viêm niệu đạo và có kèm theo đau bụng dưới.

Viêm thận (Pyelonephritis):

Nhiễm trùng thận nghiêm trọng hơn 2 loại nhiễm trùng trên, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, sốt và ớn lạnh, đau lưng và vùng dưới thắt lưng, buồn nôn, nôn, ăn không ngon miệng. 

Đi tiểu có máu là triệu chứng thông thường của nhiễm trùng tiết niệu và có thể xảy ra ở bất cứ loại nhiễm trùng tiết niệu nào trong các loại trên.

Biến chứng có thể gặp khi mắc nhiễm trùng tiết niệu

Nhiễm trùng tiết niệu nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng tổn thương trên thận như nhiễm trùng thận, hoặc biến chứng khác nguy hiểm tới tính mạng là nhiễm trùng huyết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu

Các vi khuẩn gây viêm bàng quang, viêm thận bể thận thường gặp là:

  • Vi khuẩn đường ruột (vi khuẩn kỵ khí Gram âm) (thường gặp).

  • Vi khuẩn Gram dương (ít gặp).

Nhiễm trùng tiết niệu bình thường

Vi khuẩn Escherichia coli có độ bám dính đặc hiệu với biểu mô vùng chuyển tiếp của bàng quang với niệu quản (chiếm 75 – 95% các trường hợp). Ngoài ra, còn một số vi khuẩn Gram âm khác cũng gây nhiễm trùng tiết niệu là Klebsiella, Proteus mirabilis Pseudomonas aeruginosa. Vi khuẩn Gram dương gây bệnh thường là Staphylococcus saprophyticus (chiếm 5 – 10% các trường hợp) và Streptococcus agalactiae trong trường hợp có bội nhiễm.

Nhiễm trùng tiết niệu ở bệnh nhân nằm viện

Escherichia coli thường chiếm 50% các trường hợp, các loài Gram âm khác như Enterobacter, Klebsiella, Pseudomonas, Proteus Serratia chiếm 40%. Cầu khuẩn Gram dương như S. saprophyticus, E. faecalis Staphylococcus aureus chiếm 10% còn lại.

Việc sử dụng bao cao su có chất diệt tình trùng cũng có thể gây nên nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu ở phụ nữ. Nguy cơ này gia tăng khi phụ nữ sử dụng kháng sinh hoặc chất diệt tinh trùng dẫn đến gây hại đến các vi khuẩn có lợi ở âm đạo, có thể làm cho Escherichia coli phát triển quá mức. 

Ở phụ nữ lớn tuổi, bị tình trạng đại tiện không tự chủ làm vùng tầng sinh môn bị nhiễm bẩn dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu.

Các bất thường về cấu trúc và chức năng của hệ tiết niệu cũng nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu. Các bất thường này thường làm tắc nghẽn dòng nước tiểu và tốc độ làm rỗng bàng quang kém. Việc làm rỗng bàng quang còn có thể gặp khó khăn nếu bị rối loạn chức năng thần kinh bàng quang.

Việc sử dụng các dụng cụ can thiệp như đặt ống thông bàng quang, việc soi bàng quang, đặt stent niệu đạo hay phẫu thuật cũng là các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tiết niệu.

Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (do Chlamydia gây ra) có thể gây nhiễm trùng tiết niệu.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nhiễm trùng tiết niệu?

  • Phụ nữ có nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu cao hơn đàn ông vì niệu đạo ngắn hơn;

  • Người bị đái tháo đường;

  • Nam giới có vấn đề về tuyến tiền liệt (phì đại hoặc u xơ);

  • Người có dị tật ống tiểu và cấu trúc đường tiểu do bẩm sinh hoặc chấn thương;

  • Gia đình có người bị nhiễm trùng tiết niệu;

  • Có tiền sử bị nhiễm trùng tiết niệu tái phát.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiễm trùng tiết niệu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng tiết niệu, bao gồm:

  • Quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su;

  • Sử dụng màng ngăn âm đạo và chất diệt tinh trùng;

  • Dùng kháng sinh lâu ngày;

  • Dùng các dụng cụ can thiệp tại đường niệu.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm trùng tiết niệu

Xét nghiệm nước tiểu

Nuôi cấy nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu để xác định có bị nhiễm trùng hay không?

Việc nuôi cấy nước tiểu không phải lúc nào cũng cần thiết phải thực hiện. Chỉ nên thực hiện khi có lượng vi khuẩn đáng kể trong mẫu nước tiểu. Thường được thực hiện khi bệnh nhân có triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu phức tạp, một số trường hợp khuyến cáo nên thực hiện nuôi cấy nước tiểu như:

  • Phụ nữ mang thai;

  • Phụ nữ sau tuổi mãn tính;

  • Trẻ em chưa dậy thì;

  • Có dị dạng đường niệu hoặc có thực hiện thủ thuật can thiệp đường niệu bằng dụng cụ;

  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh phối hợp;

  • Bệnh nhân nhiễm trùng tiết niệu tái phát.

Phương pháp điều trị nhiễm trùng tiết niệu hiệu quả

Sử dụng thuốc kháng sinh

Phẫu thuật (đối với trường hợp dẫn lưu áp xe, có dị tật cấu trúc hoặc có các tắc nghẽn đường niệu)

Tất cả các loại nhiễm khuẩn tiết niệu đều phải sử dụng kháng sinh. Bệnh nhân bị tiểu buốt, nên dùng phenazopyridine để kiểm soát triệu chứng trong thời gian chờ kháng sinh tác động (thường mất 48 giờ).

Cân nhắc phẫu thuật nếu bệnh nhân có tắc nghẽn đường tiết niệu, có bất thường về giải phẫu hay bị tổn thương đường niệu do bệnh thần kinh chèn ép tủy sống.

Viêm niệu đạo:

Có thể dùng phác đồ ceftriaxone 250 mg IM và azithromycin 1 g uống 1 liều duy nhất hoặc doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày trong vòng 7 ngày.

Viêm bàng quang:

Đối với viêm bàng quang không triệu chứng, ưu tiên dùng nitrofurantoin 100 mg uống 2 lần/ngày trong vòng 5 ngày (chống chỉ định nếu CrCl < 60 mg/phút), trimethoprim/ sulfamethoxazole 160/180 mg uống 2 lần/ngày trong vòng 3 ngày hoặc fosfomycin 3 g liều duy nhất. Phác đồ thứ 2 bao gồm kháng sinh betalactam hoặc fluoroquinolone.

Hội chứng niệu đạo cấp:

Phụ nữ tiểu buốt, tiểu mủ, số khuẩn lạc > 102/ml: điều trị như viêm bàng quang không triệu chứng.

Nhiễm trùng tiết niệu không triệu chứng:

Nếu là phụ nữ có thai, nên dùng beta-lactam, nitrofurantoin và sulfonamid (được xem là an toàn) trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Viêm bể thận cấp tính:

Có thể dùng ciprofloxacin, levofloxacin, ampicillin + gentamicin hay aminoglycoside plazomicin, cephalosporin phổ rộng, aztreonam, beta-lactam kết hợp với ức chế beta-lactamase hoặc imipenem/ cilastatin.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm trùng tiết niệu

Chế độ sinh hoạt:

  • Chế độ nghỉ ngơi hợp lý;

  • Tập thói quen tiểu cho hết mỗi lần đi tiểu;

  • Dùng túi chườm nóng đắp lên bụng hay lưng nếu bị đau;

  • Không sử dụng các sản phẩm có chất diệt tinh trùng;

  • Vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu;

  • Không thụt rửa sau khi quan hệ tình dục.

Chế độ dinh dưỡng:

Uống nhiều nước, khoảng 2 lít nước mỗi ngày.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm trùng tiết niệu

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Sau mỗi lần đi vệ sinh, nên lau hậu môn từ trước ra sau (tránh vi khuẩn lây lan từ hậu môn đến niệu đạo).

  • Đặt vòng tránh thai có nguy cơ gây nhiễm trùng tiết niệu nên cần phải thảo luận với bác sĩ kỹ về vấn đề này.

  • Uống nhiều nước.

  • Không nín tiểu.

  • Nên đi khám sàng lọc nhiễm trùng tiết niệu khi có một trong các yếu tố sau: phụ nữ mang thai từ 12 – 16 tuần, bệnh nhân ghép thận trong 6 tháng trước, trẻ em bị trào ngược bàng quang niệu quản, thực hiện thủ thuật xâm lấn sinh dục và gây chảy máu.

Nguồn tham khảo
  1. ACI: https://aci.health.nsw.gov.au/
  2. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/
  3. Cổng thông tin điện tử Bộ Y Tế (MOH): https://moh.gov.vn/

Các bệnh liên quan

  1. Sa tạng chậu

  2. Tiểu đêm

  3. Bệnh thận tắc nghẽn

  4. Nước tiểu vàng

  5. Tăng acid uric máu

  6. Trào ngược bàng quang niệu quản (VUR)

  7. Sỏi tiết niệu

  8. Viêm thận kẽ

  9. Sỏi niệu quản

  10. Đái dầm