Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Tô diệp

Tô diệp: Loại gia vị với nhiều lợi ích sức khoẻ

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Lá tía tô, còn được biết đến với tên gọi Tô diệp, là loại lá có màu tía và thuộc vào họ hoa môi. Thực vật này phổ biến và được trồng rộng rãi ở khu vực châu Á. Lâu nay, lá tía tô đã trở thành một phần quan trọng trong ẩm thực và gia vị của nhiều quốc gia châu Á. Ngoài việc sử dụng làm món rau, gia vị, lá tía tô còn được biết đến với nhiều hoạt chất sinh học có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý như ung thư, tim mạch, béo phì và đái tháo đường.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Tô diệp.

Tên khác: Tía tô, Tử tô diệp.

Tên khoa học: Perilla ocymoides L., Perilla frutescens L., thuộc họ hoa môi (Labiatae).

Đặc điểm tự nhiên

Tía tô là một loại cỏ mọc hằng năm, cao khoảng từ 0,5 đến 1,5 cm. Thân của nó thẳng đứng và có lông. Lá của tía tô mọc đối hình trứng, có đầu lá nhọn và mép lá răng cưa to. Phiến lá có chiều dài từ 4cm đến 12cm và chiều rộng từ 2,5 đến 10cm. Màu sắc của lá thường là tím hoặc xanh tím, với lông màu tím phân bố trên bề mặt lá.

Người ta thường phân biệt giữa tía tô có lá màu tím đậm và tía tô có lá màu xanh lục (chỉ có gân lá màu tím). Cuống lá của tía tô thường ngắn, dài khoảng từ 2 đến 3cm. Hoa của tía tô nhỏ, thường có màu trắng hoặc tím nhạt, mọc thành từng chùm ở kẽ lá hoặc đầu cành, với mỗi chùm có thể dài từ 6 đến 20cm. Quả của tía tô là hạch nhỏ, hình cầu, có đường kính khoảng 1mm, màu nâu nhạt và có một mạng vẽ trên bề mặt.

Tô diệp: Loại gia vị với nhiều lợi ích sức khoẻ1
Cây tía tô

Phân bố, thu hái, chế biến

Tía tô có ở khắp nơi trên thế giới, chủ yếu được trồng ở các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam. Ở Việt Nam, tía tô là cây được trồng rộ khắp nơi tại để thu hoạch lá ăn, làm gia vị và dùng trong y học. Để trồng tía tô từ hạt, người ta chọn những cây mạnh mẽ, không bị sâu bệnh. Thời kỳ tốt nhất để gieo hạt tía tô là sau khi lập xuân, vào tháng 1 - 2 theo lịch dương.

Qua từng mục đích sử dụng, cách thu hoạch tía tô sẽ có sự điều chỉnh: Nếu gieo vào tháng 1 - 2, thì từ tháng 3 - 4 đã có thể thu hái lá lần đầu. Khi thu hái, chỉ nên chọn lá già; một tháng sau đó, có thể thu hoạch thêm một lần nữa. Sau mỗi lần thu hoạch, cần chăm sóc cây, tưới nước, bón phân và xới đất.

Thông thường, một cây tía tô có thể thu hoạch lá từ 2 đến 3 lần. Nếu sau khi thu hái lá mà cây vẫn để nguyên, đến mùa thu quả sẽ chín và có thể thu hái, nhưng thường thì hạt sẽ nhỏ và không đạt chất lượng tốt. Vì vậy, sau khi thu hái lá, cây tía tô thường sẽ bị cắt bỏ và sử dụng thân cành để làm thuốc, được gọi là tô ngạnh. Cây tía tô được trồng để thu hạt thường không được thu hái lá.

Lá tía tô sau khi thu hoạch thường được phơi khô ở trong mát (phơi âm can) hoặc sấy nhẹ để bảo quản hương vị.

Bộ phận sử dụng

Toàn thân cây tía tô đều được sử dụng để làm thuốc, bao gồm lá tía tô, thân tía tô và quả cây tía tô. Trong đó, tô diệp là vị thuốc làm từ lá tía tô.

Tô diệp: Loại gia vị với nhiều lợi ích sức khoẻ2
Tô diệp là lá của cây tía tô

Thành phần hoá học

Tô diệp rất giàu dinh dưỡng, hàm lượng protein thô trong lá là 27,8%, cao hơn nhiều so với hàm lượng protein trong lá rau thông thường khác. Ngoài ra, tám loại acid amin thiết yếu khác nhau đã được phân lập trong lá tía tô. Các thành phần khác cũng đã được xác định bao gồm:

  • Acid α-linolenic;
  • Acid béo không bão hòa đa;
  • Acid phenolic;
  • Omega 3;
  • Acid ascorbic;
  • Flavonoid;
  • Terpenoid;
  • Anthocyanin;
  • Polysaccharide glycoside;
  • Coumarin;
  • Phytosterols;
  • Alkaloids;
  • Carotenoids;
  • Polyphenols;
  • Neolignan.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Cây tía tô không chỉ là một nguồn cung cấp thực phẩm phổ biến mà còn được coi là một loại dược thảo quý có nhiều ứng dụng trong việc chăm sóc sức khỏe và điều trị các vấn đề y tế thông thường.

Được coi là một phần quan trọng của dược liệu truyền thống, tía tô tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tự nhiên và hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh tật. Theo các tài liệu cổ xưa, tía tô được mô tả với vị cay, tính ôn và được xem là thuộc vào hai kinh Phế và Tỳ trong y học cổ truyền. Cây tía tô được biết đến với nhiều tác dụng hữu ích như phát tán phong hàn, lý khí khoan hung, giải uất, hóa đờm, an thai và giải độc.

Tô diệp (lá tía tô) thường được sử dụng để kích thích ra mồ hôi, hỗ trợ trong việc chữa ho, cảm mạo, cũng như giúp cải thiện tiêu hóa, giảm đau và giải độc. Ngoài ra, tô diệp cũng được sử dụng để xử lý các trường hợp ngộ độc gây ra nôn mửa, đau bụng do ăn uống không an toàn như ăn cua hoặc cá.

Tô diệp: Loại gia vị với nhiều lợi ích sức khoẻ3
Tô diệp thường được dùng trong chữa cảm mạo

Theo y học hiện đại

Trong hoạt động chống oxy hoá

Tô diệp được xem là một loại dược liệu chống oxy hoá tốt do hàm lượng flavonoid chứa trong nó. Hàng loạt các nghiên cứu đã chiết xuất được thành phần flavonoid có trong tô diệp. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, flavonoid trong tô diệp giúp dọn dẹp và loại bỏ các gốc tự do gây hại như DPPH, gốc hydroxyl, gốc ABTS, khử Fe3+. Các hoạt tính chống oxy hoá này của tô diệp cho thấy được tiềm năng trong việc điều trị nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến chống viêm, kháng khuẩn và chống đột biến.

Vai trò trong điều trị ung thư

Các nghiên cứu liên quan đã phát hiện ra rằng tô diệp chủ yếu tạo ra hoạt động chống khối u đối với ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú. Hoạt động chống khối u này thông qua một loạt các cơ chế liên quan như PAH, IK, luteolin, Ros A, chiết xuất ethanol của lá tía tô. Nghiên cứu cho thấy, chiết xuất tô diệp chống ung thư qua việc:

  • Gây chết tế bào theo chu trình apoptosis: Apoptosis là quá trình chết tế bào theo chu trình, bất thường quá trình này sẽ khiến tế bào ung thư sinh sôi và di căn. Chiết xuất của tô diệp có thể giúp ức chế sự phát triển của tế bào HCT116 và H1299 gây apoptosis tế bào. Một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất tô diệp giúp ức chế sự phát triển tế bào và tăng apoptosis trong các tế bào ung thư vú.
  • Ngăn chặn chu kỳ tế bào: Sự tiến triển bất thường của chu kỳ tế bào là một trong những cơ chế cơ bản của quá trình hình thành khối u. Dẫn xuất 8-hydroxy-5,7-dimethoxyflavanone (PDMF) của tía tô có thể gây ra sự phosphoryl hóa p15 và tăng biểu hiện của p21, caspase-3 và caspase-9. PDMF có thể kích hoạt quá trình bắt giữ chu kỳ tế bào G2/M và apoptosis do p53 thúc đẩy.
  • Giảm viêm tế bào và stress oxy hóa: Yếu tố hoạt tử khối u TNF-α là một cytokine gây viêm chính đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển khối u. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng hợp chất phenolic chiết xuất từ tía tô có thể giúp giảm yếu tố TNF-α, từ đó bảo vệ tế bào khỏi tình trạng viêm. Ngoài ra, chiết xuất tía tô còn giúp giảm stress oxy hóa tế bào, một tình trạng có thể gây tác động đến quá trình sinh ung thư.
  • Ức chế di căn, tăng trưởng và sinh sôi tế bào: Tăng trưởng và tăng sinh là những dấu hiệu chính trong ung thư, chiết xuất tía tô đã được chứng minh có thể hỗ trợ trong quá trình ức chế sự phát triển của ung thư dạ dày hay ức chế sự tăng sinh trong ung thư gan.
  • Gây lão hóa: Chiết xuất tô diệp có thể gây ra tình trạng lão hoá tế bào ung thư trong ung thư phổi biểu mô tuyến A549 ở người, nhưng không làm ảnh hưởng đến biểu mô phế quản bình thường.
Tô diệp: Loại gia vị với nhiều lợi ích sức khoẻ4
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy chiết xuất tô diệp giúp chống ung thư thông qua các cơ chế khác nhau

Trong hoạt động chống dị ứng

Trong một nghiên cứu trên chuột vào năm 2017, chiết xuất 8-hydroxy-5,7-dimethoxyflavanone từ tía tô đã cho thấy hiệu quả trong việc ức chế giải phóng histamin qua trung gian IgE từ các tế bào bạch cầu ưa kiềm. Chiết xuất tía tô không chỉ ức chế các phản ứng phản vệ trên da mà còn ngăn ngừa các triệu chứng ở mũi giống như viêm mũi dị ứng ở mô hình chuột.

Tác dụng bảo vệ gan

Một nghiên cứu mô hình tổn thương gan do lipopolysaccharide ở chuột đã cho thấy rằng, hàm lượng acid rosmarinic có trong tía tô có thể giúp giảm tổn thương gan ở chuột. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng, acid rosmarinic và acid caffeic có trong chiết xuất tía tô có thể giúp chống lại tổn thương gan do oxy hoá do t-BHP gây ra.

Liều dùng & cách dùng

Lá tía tô dùng mỗi ngày từ 3 - 10g, dùng dưới dạng thuốc sắc (có thể hãm trà hoặc sắc cùng các vị thuốc khác).

Tô diệp: Loại gia vị với nhiều lợi ích sức khoẻ5
Tô diệp có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc hãm trà

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa cảm mạo, nhức đầu, sốt, đau khớp xương

Chuẩn bị: Lá tía tô, Trần bì, Nhân sâm, Cát cánh, Chỉ xác, Cam thảo, Bán hạ, Mộc hương, Can khương, Tiền hồ, mỗi vị thuốc 2g.

Thực hiện: Sắc thang thuốc trên với 600ml nước lọc, đến khi còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày.

Giúp chữa đau bụng do ăn phải cua cá

Chuẩn bị: Tô diệp 10g, Sinh khương 8g, Cam thảo sống 4g.

Thực hiện: Sắc thang thuốc với 600ml nước cho đến khi còn 200ml. Uống thuốc khi còn nóng, 200ml chia làm 3 lần uống trong ngày.

Giúp chữa sưng vú

Chuẩn bị: Tô diệp 10g.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống, phần bã đắp vào vú.

Tô diệp: Loại gia vị với nhiều lợi ích sức khoẻ6
Tô diệp có thể giúp hỗ trợ chữa sưng vú

Chữa trúng độc do ăn phải cua cá

Chuẩn bị: Lá tía tô tươi hoặc khô 10g.

Thực hiện: Giã lá tía tô tươi lấy nước uống hoặc sắc lá khô uống nóng.

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng tô diệp:

  • Luôn tuân thủ hướng dẫn về liều lượng được ghi trên bao bì sản phẩm hoặc theo hướng dẫn của chuyên gia y tế. Không tự ý tăng hoặc giảm liều lượng mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc người chuyên môn.
  • Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác hoặc có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng tô diệp để tránh tương tác không mong muốn giữa các loại thuốc.
  • Nếu bạn đang mang thai, cho con bú, hoặc có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào nghiêm trọng, hãy thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng tô diệp để đảm bảo an toàn cho cả bạn và thai nhi.
  • Chọn sản phẩm tô diệp chất lượng từ các nguồn uy tín để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tránh sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo chất lượng.
  • Theo dõi cẩn thận bất kỳ dấu hiệu phản ứng phụ nào sau khi sử dụng tô diệp và ngưng sử dụng ngay lập tức nếu có bất kỳ dấu hiệu không bình thường nào như dị ứng, đau bụng, hoặc khó thở.
  • Bảo quản tô diệp ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ cao để đảm bảo sự bền vững của sản phẩm.
Tô diệp: Loại gia vị với nhiều lợi ích sức khoẻ7
Sử dụng tô diệp với liều lượng phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ y học cổ truyền
Nguồn tham khảo