Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Vitamin B3

Niacin (Vitamin B3): Vitamin tốt cho cơ thể

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Loại thuốc

Vitamin và khoáng chất

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 50, 100, 250, 500mg;

Viên nén phóng thích kéo dài: 250, 500, 750, 1000mg;

Viên nang phóng thích kéo dài: 250, 500mg;

Dung dịch tiêm bắp/tiêm tĩnh mạch: 100mg/ml.

Chỉ định

Niacin (Vitamin B3) được chỉ định như liệu pháp bổ trợ cho chế độ ăn kiêng, hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol nhằm hạ lipid máu ở người có nguy cơ xơ vữa mạch máu do tăng lipid máu.

Vitamin B3 (Niacin) làm giảm nồng độ cholesterol tổng, LDL – C, apo B, TG và làm tăng HDL – C ở bệnh nhân tăng lipid máu nguyên phát và rối loạn lipid máu hỗn hợp.

Giảm nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim không tử vong ở bệnh nhân tiền sử nhồi máu cơ tim và tăng lipid máu.

Ở bệnh nhân tiền sử bệnh mạch vành (CAD) và tăng lipid máu, niacin kết hợp với nhựa gắn acid mật để làm chậm sự tiến triển hoặc thúc đẩy sự thoái lui của bệnh xơ vữa động mạch đồng thời làm giảm nồng độ TC và LDL – C người trưởng thành tăng lipid máu nguyên phát.

Liệu pháp bổ trợ để điều trị cho người trưởng thành tăng triglycerid máu nặng, có nguy cơ viêm tụy và những người không đáp ứng đầy đủ với nỗ lực ăn kiêng để kiểm soát bệnh.

Dược lực học

Cơ chế tác động hạ lipid máu của niacin (vitamin B3) chưa rõ. Nó có thể liên quan đến việc ức chế một phần sự giải phóng acid béo tự do từ mô mỡ và tăng hoạt tính lipoprotein lipase, làm tăng tốc độ loại bỏ chylomicron triglycerid khỏi huyết tương. Niacin làm giảm tốc độ tổng hợp VLDL, LDL ở gan và dường như không ảnh hưởng đến sự bài tiết chất béo, sterol hoặc acid mật qua phân.

Động lực học

Hấp thu

Do sự chuyển hóa lần đầu, nồng độ niacin trong tuần hoàn nói chung phụ thuộc vào liều lượng và rất thay đổi. Thời gian để đạt được nồng độ niacin tối đa trong huyết tương là khoảng 5 giờ sau khi uống. Để giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa, khuyến cáo sử dụng niacin cùng với bữa ăn hoặc bữa ăn nhẹ ít chất béo.

Phân bố

Chưa có báo cáo.

Chuyển hóa

Quá trình chuyển hóa của niacin (vitamin B3) khá phức tạp do chuyển hóa lần đầu diễn ra khá rộng. Ở người, niacin liên hợp với glycine để tạo thành acid nicotinuric (NUA). Sau đó NUA bài tiết qua nước tiểu, còn 1 phần nhỏ chuyển hóa thuận nghịch trở lại thành niacin.

Một con đường chuyển hóa khác dẫn đến hình thành nicotinamide adenine dinucleotide (NAD). Chưa rõ nicotinamide được hình thành như một tiền chất hay sau quá trình tổng hợp NAD. Nicotinamide tiếp tục được chuyển hóa thành N – methylnicotinamide (MNA) và nicotinamide – N – oxid (NNO). MNA sau đó chuyển hóa thành N – methyl – 2 – pyridon – 5 – carboxamide (2PY) và N – methyl – 4 – pyridon – 5 – carboxamide (4PY). Sự hình thành 2PY chiếm ưu thế hơn 4PY ở người. Ở các liều dùng để điều trị chứng tăng lipid máu, các con đường chuyển hóa này có thể được bão hòa, điều này giải thích mối quan hệ phi tuyến giữa liều niacin và nồng độ trong huyết tương sau khi dùng niacin nhiều liều.

Nicotinamide không có hoạt tính giảm lipid huyết, chưa rõ tác động dược lý của các chất chuyển hóa khác.

Thải trừ

Sau khi sử dụng nhiều liều đơn trị, 60 – 70% liều dùng bài tiết qua nước tiểu dưới dạng niacin và chất chuyển hóa của nó, trong đó tới 12% niacin (vitamin B3) được chuyển hóa thuận nghịch từ các chất chuyển hóa. Tỷ lệ các chất chuyển hóa được tìm thấy trong nước tiểu tùy thuộc liều dùng.

Thời gian bán hủy của niacin là 0,9 giờ, acid nicotinuric là 1,3 giờ và nicotinamide là 4,3 giờ.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Tránh dùng nhựa gắn acid mật (colestipol, cholestyramine) cùng lúc với niacin do các thuốc này có thể liên kết với nhau gây mất tác dụng. Nếu bắt buộc phối hợp, cần dùng cách nhau 4 – 6 giờ.

Dùng ≥ 1g niacin/ngày với statin có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ, tiêu cơ vân.

Dùng đồng thời với aspirin có thể làm giảm độ thanh thải của acid nicotinic.

Niacin có thể làm tăng tác dụng của thuốc liệt hạch và thuốc giãn mạch dẫn đến hạ huyết áp tư thế.

Phối hợp niacin và crom có thể gây hạ đường huyết. Cần theo dõi kỹ lượng đường trong máu.

Phối hợp niacin và kẽm có thể làm tăng thêm tác dụng phụ của niacin như đỏ bừng, ngứa.

Tương tác với thực phẩm

Không uống rượu bia khi dùng niacin do làm tăng nguy cơ tổn thương gan và làm trầm trọng thêm tác dụng phụ bốc hỏa của niacin (vitamin B3).

Tránh ăn các thức ăn nhiều chất béo và dầu mỡ vì làm giảm tác dụng của niacin.

Chống chỉ định

Bệnh gan đang hoạt động hoặc tăng men gan dai dẳng không rõ nguyên nhân.

Bệnh loét dạ dày tá tràng hoạt động.

Bệnh nhân chảy máu động mạch.

Quá mẫn với niacin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Hỗ trợ điều trị tăng lipid máu:

Đối với viên nén phóng thích kéo dài.

  • Tuần 1 – 4: 500mg/lần/ngày.
  • Tuần 5 – 8: 1000mg/lần/ngày.

Sau tuần 8, chỉnh liều tùy theo đáp ứng của bệnh nhân. Nếu liều 1000 mg không đáp ứng, có thể tăng liều đến 1500mg, sau đó là 2000mg. Không được tăng quá liều 500mg/ngày trong thời gian 4 tuần. Không khuyến khích dùng liều trên 2000g/ngày.

Liều duy trì: 1000 – 2000mg/lần/ngày. Phụ nữ có thể đáp ứng với niacin ở liều thấp hơn nam giới.

Không được tự ý ngưng thuốc. Nếu ngưng thuốc hơn 7 ngày, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ nếu muốn sử dụng lại và phải bắt đầu từ liều ban đầu rồi tăng dần liều.

Bổ sung vitamin b3:

  • Nam: 16mg/ngày.
  • Nữ: 14mg/ngày.

Trẻ em

Hiệu quả và an toàn của thuốc chưa được chứng minh ở trẻ ≤ 16 tuổi.

Đối tượng khác

Không thấy khác biệt về đáp ứng niacin ở bệnh nhân ≥ 65 tuổi so với người trưởng thành bình thường, nhưng cần thận trọng do đối tượng này có thể nhạy cảm với thuốc hơn.

Chưa có dữ liệu về sử dụng thuốc ở bệnh nhân suy thận hoặc suy gan. Niacin viên nén phóng thích kéo dài chống chỉ định ở bệnh nhân rối loạn chức năng gan nặng hoặc không rõ nguyên nhân.

Cách dùng

Dùng đường uống.

Tác dụng phụ

Rất thường gặp

Bốc hỏa, đỏ bừng hoặc đỏ da (đặc biệt trên mặt và cổ); tiêu chảy; buồn nôn.

Thường gặp

Phát ban, ngứa; nôn; ho.

Ít gặp

Nước tiểu sẫm màu, phân màu xám nhạt; giảm ngon miệng; đau bụng, đau dạ dày; vàng mắt hoặc da; đau đầu; sổ mũi, nghẹt mũi.

Không xác định tần suất

Chóng mặt, ngất xỉu; đầy hơi, khát bất thường; ớn lạnh; khó thở; khô da, nóng rát da; sốt; đi tiểu thường xuyên; đau khớp, đau cơ, chuột rút, đau lưng; sưng bàn chân hoặc cẳng chân; mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường; nhịp tim nhanh, chậm hoặc không đều bất thường, đánh trống ngực, rung nhĩ, hạ huyết áp tư thế; giảm dung nạp glucose, gout.

Lưu ý

Lưu ý chung

Không dùng chỉ định liều của viên phóng thích kéo dài cho viên nén phóng thích tức thì (đã có báo cáo nhiễm độc gan nghiêm trọng, hoại tử gan tối cấp). Nên bắt đầu với liều thấp khi bệnh nhân chuyển từ dạng thuốc phóng thích tức thì sang phóng thích kéo dài. Điều chỉnh liều sau đó để đạt đáp ứng điều trị mong muốn.

Thận trọng khi sử dụng niacin cho bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định hoặc trong giai đoạn cấp tính của nhồi máu cơ tim, đặc biệt khi bệnh nhân đang dùng thuốc giãn mạch (nitrat, thuốc chẹn canxi, thuốc chẹn adrenergic…). Niacin được chuyển hóa nhanh chóng qua gan và bài tiết qua thận.

Thận trọng khi sử dụng niacin ở bệnh nhân suy thận. Theo dõi chặt bệnh nhân có tiền sử vàng da, bệnh gan mật hoặc loét dạ dày tá tràng.

Đã có báo cáo tiêu cơ vân khi dùng đồng thời liều ≥ 1g niacin/ngày và statin ở bệnh nhân cao tuổi, đái tháo đường, suy thận, suy giáp không kiểm soát và bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ. Cần theo dõi các triệu chứng đau, yếu cơ ở bệnh nhân, đặc biệt trong những tháng đầu điều trị và khi điều chỉnh liều. Xem xét đo creatine phosphokinase (CK) và kali huyết thanh trong các trường hợp trên.

Niacin có thể làm tăng đường huyết đói hoặc rối loạn dung nạp glucose ở bệnh nhân đái tháo đường. Cần theo dõi đường huyết thường xuyên và điều chỉnh chế độ ăn uống, chỉnh liều ở bệnh nhân đái tháo đường.

Niacin (vitamin B3) có thể làm giảm nhẹ số lượng tiểu cầu và tăng nhẹ thời gian prothrombin. Thận trọng khi dùng cùng lúc niacin với thuốc chống đông máu đồng thời theo dõi chặt chẽ số lượng tiểu cầu và thời gian prothrombin.

Thận trọng ở bệnh nhân gout khi điều trị với niacin do thuốc làm tăng nồng độ acid uric.

Cần theo dõi định kỳ vì niacin có thể có liên quan đến việc giảm nhẹ nồng độ phospho huyết.

Niacin có thể gây hạ huyết áp tư thế dẫn đến chóng mặt khi đứng hoặc ngồi dậy quá nhanh.

Trong các xét nghiệm, niacin có thể làm tăng nồng độ catecholamine huyết tương/niệu và cho kết quả dương tính giả với thuốc thử Benedict.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Phân loại C thai kỳ theo FDA.

Chưa có dữ liệu về ảnh hưởng của niacin trên khả năng sinh sản của người và động vật. Chưa rõ tác động của thuốc đến bào thai và thai nhi.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Niacin có bài tiết vào sữa mẹ nhưng chưa rõ nồng độ. Do có khả năng gây hại cho trẻ bú mẹ, nên đánh giá lại lợi ích – nguy cơ để quyết định ngưng cho trẻ bú hoặc ngưng dùng thuốc ở người mẹ.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Nếu gặp các tác dụng phụ như chóng mặt, hạ huyết áp,… không nên lái xe và vận hành máy móc nguy hiểm.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Quá liều niacin (vitamin B3) có thể gây hạ huyết áp nghiêm trọng và kéo dài.

Cách xử lý khi quá liều

Điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều quy định.

Nguồn tham khảo