Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Haloperidol

Haloperidol: Thuốc an thần kinh thuộc nhóm butyrophenon

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Haloperidol

Loại thuốc

Thuốc an thần kinh thuộc nhóm butyrophenon

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nén: 0,5 mg; 1 mg; 1,5 mg; 2 mg; 5 mg; 10 mg và 20 mg.
  • Thuốc tiêm: 5 mg haloperidol lactat/ml; 50 mg và 100 mg haloperidol decanoat/ml (tính theo base).
  • Dung dịch uống: 0,05% (40 giọt = 1 mg); 0,2% (10 giọt = 1 mg); 0,1% (1 mg/ml).

Chỉ định

Haloperidol được chỉ định dùng trong các trường hợp:

  • Bệnh tâm thần phân liệt.
  • Hội chứng Tourette ở trẻ em và người lớn.
  • Hành vi, ứng xử bất thường ở trẻ em.
  • Điều trị loạn thần không do tâm thần phân liệt: An thần gây ngủ cấp cứu ở người mê sảng kích động; điều trị phụ thuộc vào nghiện rượu; buồn nôn và nôn sau phẫu thuật; loạn thần/kích động trong sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer.
  • Điều trị các giai đoạn hưng cảm trung bình đến nặng liên quan đến rối loạn lưỡng cực I.
  • Điều trị chứng múa giật nhẹ đến trung bình trong bệnh Huntington, khi các sản phẩm thuốc khác không hiệu quả hoặc không được dung nạp.

Dược lực học

Haloperidol là thuốc an thần kinh cổ điển (thế hệ 1) dẫn xuất từ butyrophenon. Cơ chế chính xác tác dụng an thần kinh của haloperidol chưa rõ ràng. Thuốc ức chế TKTW ở vùng dưới vỏ não của cấu tạo lưới của não, não giữa và thân não, cơ chế tác dụng được biết đến nhiều là haloperidol phong tỏa cạnh tranh với thụ thể dopamin 2 (D2) sau synap trên hệ TKTW và đối kháng tác dụng với acid glutamic trong hệ thống ngoại tháp.

Haloperidol có tác dụng chống nôn rất mạnh, cơ chế chống nôn của thuốc cũng chưa rõ ràng, có thể do ức chế thụ thể dopamin 2 (D2) ở vùng khởi động hóa thụ thể nơi truyền tín hiệu đến trung tâm nôn ở não. Giống như các thuốc đối kháng thụ thể dopamin khác (clorpromazin), haloperidol có tác dụng lên hệ ngoại tháp và có phạm vi điều trị hẹp giữa liều điều trị các loạn thần và liều tác dụng lên hệ ngoại tháp. Haloperidol ít gây ngủ, hạ huyết áp hay giảm thân nhiệt hơn clorpromazin.

Động lực học

Hấp thu

Sau khi uống, haloperidol được hấp thu từ 60 - 70% ở đường tiêu hóa. Thuốc qua tuần hoàn ruột - gan, nồng độ đỉnh của haloperidol trong huyết thanh đạt được sau khoảng 2 đến 6 giờ. Nồng độ haloperidol ổn định trong huyết tương thường đạt được khoảng 3 tháng sau khi tiêm bắp 1 lần mỗi tháng.

Phân bố

Haloperidol được phân bố rộng khắp cơ thể, qua được hàng rào máu - não, sữa mẹ và liên kết cao với protein huyết tương, xấp xỉ 92%.

Chuyển hóa

Haloperidol chuyển hóa chủ yếu ở gan: 50 - 60% glucuronid hóa thành chất không có tác dụng; 23% khử hóa thành chất không có tác dụng qua isoenzym CYP3A4 và 20 - 30% khử alkyl oxy - hóa qua isoenzym CYP3A4 thành dẫn chất pyridinum độc.

Thải trừ

T1/2 của haloperidol sau khi uống một liều là 18 giờ. Dạng thuốc haloperidol decanoat là 21 ngày. Một liều uống haloperidol bài tiết vào phân khoảng 15% và vào nước tiểu khoảng 30%. Chỉ có 1% thuốc được bài tiết qua thận ở dạng không bị chuyển hóa.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Phải thận trọng khi dùng haloperidol đồng thời với thuốc ức chế TKTW, làm tăng tác dụng của các thuốc ức chế TKTW như opiat hoặc các thuốc giảm đau.

Có thể xảy ra chứng đứng ngồi không yên và loạn trương lực sau khi dùng rượu ở những người bệnh đang uống thuốc an thần.

Dùng đồng thời với haloperidol các thuốc chống trầm cảm có thể kéo dài và làm tăng tác dụng an thần, kháng acetylcholin của mỗi thuốc đó hoặc của haloperidol.

Phối hợp lithi với haloperidol đôi khi xảy ra hội chứng bệnh não cấp, đặc biệt nồng độ lithi cao trong huyết thanh.

Carbamazepin, rifampicin làm giảm nồng độ haloperidol trong huyết tương khi dùng chung.

Tăng nhãn áp có thể xảy ra ở người dùng haloperidol với thuốc kháng acetylcholin bao gồm cả thuốc chống Parkinson.

Dùng liều cao hơn liều khuyến cáo, uống hoặc tiêm tĩnh mạch có thể gây kéo dài khoảng QT và xoắn đỉnh, đặc biệt khi dùng haloperidol phối hợp với các thuốc khác gây kéo dài khoảng QT.

Dùng đồng thời methyldopa với haloperidol có thể gây mất khả năng định hướng, chậm suy nghĩ. Có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng rối loạn tâm thần và haloperidol có thể làm giảm tác dụng điều trị của levodopa.

Người nghiện cocain có thể tăng nguy cơ phản ứng loạn trương lực cấp sau khi uống haloperidol.

Dùng chung haloperidol với thuốc chống viêm không steroid có thể gây ngủ gà và lú lẫn nặng.

Chống chỉ định

Haloperidol chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Người bệnh dùng quá liều barbiturat, opiat hoặc rượu.
  • Bệnh Parkinson.
  • Bệnh trầm cảm nặng.
  • Hôn mê do bất kỳ nguyên nhân nào
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
  • Bệnh nhân bị ức chế thần kinh trung ương.
  • Chứng mất trí thể Lewy.
  • Bệnh bại liệt tiến triển.
  • Bệnh nhân có khoảng QT kéo dài hoặc điều trị đồng thời với thuốc kéo dài khoảng QT.
  • Nhồi máu cơ tim cấp gần đây.
  • Suy tim mất bù.
  • Tiền sử rối loạn nhịp thất hoặc xoắn đỉnh.
  • Hạ kali máu không điều chỉnh được.

Tránh dùng hoặc sử dụng thuốc rất thận trọng trong các trường hợp sau: Rối loạn vận động ngoại tháp, chứng liệt cứng, bệnh gan, bệnh thận, bệnh máu và động kinh, cường giáp, điều trị đồng thời với thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, adrenalin và các thuốc có tác dụng giống giao cảm khác.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Bệnh loạn thần và các rối loạn hành vi kết hợp: Ban đầu 0,5 - 5 mg, 2 - 3 lần/ngày. Liều được điều chỉnh dần khi cần và người bệnh chịu được thuốc. Trong loạn thần nặng hoặc kháng thuốc, liều có thể tới 60 mg/ngày, thậm chí 100 mg/ngày. Liều phải giảm dần tùy theo đáp ứng.

Hội chứng Tourette: Liều uống bắt đầu 0,5 - 1,5 mg x 3 lần/ngày, tổng liều có thể tăng lên tới 30 mg/ngày, tuy nhiên cần phải điều chỉnh liều cẩn thận để đạt được kết quả mong muốn. Liều dùng 4 mg/ngày thường có hiệu quả tốt đối với đa số người bệnh.

Đường tiêm (Dùng trong loạn thần cấp): Tiêm bắp ban đầu 2 - 5 mg. Nếu cần 1 giờ hoặc 4 - 8 giờ sau tiêm nhắc lại.

Để kiểm soát nhanh loạn thần cấp hoặc chứng sảng cấp, haloperidol lactat có thể tiêm tĩnh mạch, liều 0,5 - 50 mg với tốc độ 5 mg/phút, liều có thể nhắc lại 30 phút sau nếu cần.

Liều tối đa tiêm bắp: 100 mg/ngày.

Khi người bệnh đã ổn định với liều uống haloperidol và cần điều trị lâu dài, có thể tiêm bắp sâu haloperidol decanoat. Liều ban đầu, tương đương 10 đến 15 lần tổng liều uống hàng ngày, cho tới tối đa 100 mg. Các liều sau, thường cho cách nhau 4 tuần, có thể tới 300 mg, tùy theo nhu cầu của người bệnh, cả hai liều và khoảng cách dùng thuốc phải được điều chỉnh theo yêu cầu. Liều tối đa 300 mg (base) mỗi tháng.

Điều trị buồn nôn và nôn do các nguyên nhân: Liều 1 - 2 mg tiêm bắp, cách nhau khoảng 12 giờ.

Trẻ em

Bệnh loạn thần và các rối loạn hành vi kết hợp:

Dưới 3 tuổi: Liều chưa được xác định.

3 - 12 tuổi (cân nặng 15 - 40 kg): Liều ban đầu 25 - 50 mcg/kg (0,025 - 0,05 mg/kg) mỗi ngày, chia làm 2 lần. Có thể tăng rất thận trọng, nếu cần. Liều tối đa hàng ngày 10 mg (có thể tới 0,15 mg/kg), tuy nhiên liều hàng ngày trên 6 mg có thể không có hiệu quả hơn.

Người lớn tuổi

Bệnh loạn thần và các rối loạn hành vi kết hợp: 0,5 - 2 mg, chia làm 2 - 3 lần/ngày.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Đau đầu, chóng mặt, trầm cảm và an thần, triệu chứng ngoại tháp với rối loạn trương lực cấp, hội chứng Parkinson, đứng ngồi không yên, rối loạn vận động muộn xảy ra khi điều trị thời gian dài.

Ít gặp

Tăng tiết nước bọt và mồ hôi, ăn mất ngon, mất ngủ và thay đổi thể trọng, tim đập nhanh và hạ huyết áp, tiết nhiều sữa, to vú nam giới, ít kinh hoặc mất kinh, nôn, táo bón, khó tiêu, khô miệng, triệu chứng ngoại tháp với kiểu kích thích vận động, suy nhược, yếu cơ, cơn động kinh lớn, kích động tâm thần, lú lẫn, bí đái và nhìn mờ.

Hiếm gặp

Phản ứng quá mẫn, ví dụ phản ứng da, mày đay, choáng phản vệ, hội chứng thuốc an thần kinh ác tính, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt và giảm tiểu cầu, loạn nhịp thất, hạ glucose huyết, viêm gan và tắc mật trong gan.

Lưu ý

Lưu ý chung

Trẻ em và thiếu niên (rất dễ gặp các tác dụng ngoại tháp).

Người suy tủy.

Người có u tế bào ưa crôm.

Người suy gan, thận, bệnh tim mạch, bệnh mạch máu não, bệnh về chức năng hô hấp, người có bệnh glôcôm góc đóng, đái tháo đường, bệnh nhược cơ, phì đại tuyến tiền liệt, người bị nhiễm độc tuyến giáp và người cao tuổi, đặc biệt đối với người cao tuổi bị sa sút trí tuệ.

Khi cần phải phối hợp với 1 thuốc chống Parkinson để xử lý các triệu chứng ngoại tháp do haloperidol, có thể cần phải tiếp tục dùng thuốc chống Parkinson trong 1 thời gian sau khi ngừng haloperidol.

Thận trọng khi dùng haloperidol điều trị hưng cảm ở người bệnh bị bệnh lưỡng cực.

Phải theo dõi số lượng bạch cầu vì thuốc có nguy cơ làm giảm bạch cầu.

Thận trọng khi kê đơn haloperidol cho các bệnh nhân mất trí nhớ có liên quan đến các trạng thái tâm thần hoặc nếu đang sử dụng thì không nên ngừng thuốc đột ngột.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Chưa có nghiên cứu đầy đủ trên người. Tuy nhiên đã có một số báo cáo dị dạng ở các chi thai nhi khi bà mẹ dùng haloperidol cùng với một số thuốc khác. Triệu chứng nhiễm độc có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh tiếp xúc với liều cao thuốc chống loạn thần cho vào cuối thai kỳ, trẻ sơ sinh có nguy cơ xuất hiện triệu chứng ngoại tháp và/hoặc triệu chứng cai thuốc sau khi sinh. Thuốc chỉ nên dùng trong đầu và cuối thai kỳ khi lợi ích tiềm năng được chứng minh có lợi hơn nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Haloperidol bài tiết vào sữa mẹ. Trong thời gian điều trị bằng haloperidol, không nên cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Haloperidol có ảnh hưởng trung bình đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc. Tình trạng an thần hoặc suy giảm sự tỉnh táo có thể xảy ra, đặc biệt là với liều cao hơn hoặc khi bắt đầu điều trị và có thể bị ảnh hưởng bởi rượu. Bệnh nhân không nên lái xe hoặc vận hành máy móc trong thời gian điều trị.

Quá liều

Quá liều Haloperidol và xử trí

Quá liều và độc tính

Các biểu hiện của quá liều haloperidol là sự tăng cường các tác dụng dược lý và các tác dụng phụ. Các triệu chứng nổi bật nhất là phản ứng ngoại tháp nặng (sự cứng cơ và run toàn thân hoặc khu trú), hạ huyết áp và an thần. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ hôn mê với suy hô hấp và hạ huyết áp, có thể nghiêm trọng đến mức tạo ra trạng thái giống như sốc.

Cách xử lý khi quá liều

Nếu mới uống quá liều haloperidol, nên rửa dạ dày và uống than hoạt. Người bệnh phải được điều trị tích cực triệu chứng và điều trị hỗ trợ.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo