Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Pentobarbital: Thuốc chống co giật, an thần, gây ngủ

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Pentobarbital

Loại thuốc

Thuốc chống co giật, an thần, gây ngủ

Dạng thuốc và hàm lượng

Sử dụng dưới dạng muối pentobarbital natri

Dung dịch tiêm: 50 mg/ml

Chỉ định

Thuốc Pentobarbital được dùng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị mất ngủ ngắn hạn (thời gian ≤ 2 tuần);
  • Tiền mê;
  • Kiểm soát cơn co giật cấp tính (như co giật trong cơn động kinh, bệnh tả, tiền sản giật, viêm màng não, uốn ván và ngộ độc strychnine hoặc thuốc gây tê cục bộ);
  • Kiểm soát các hành vi kích động trong cơn loạn thần.

Dược lực học

Phenobarbital có tác dụng tăng cường tác dụng ức chế synap của acid gama aminobutyric (GABA) ở não gây ức chế thần kinh trung ương. Phenobarbital ức chế hệ thần kinh trung ương ở mọi mức độ từ an thần nhẹ, gây ngủ đến hôn mê sâu, có thể gây tử vong.

Tác dụng chống co giật của pentobarbital khá hiệu quả nhưng không chọn lọc do sự giảm dẫn truyền đơn synap và đa synap dẫn đến làm giảm hưng phấn của toàn bộ tế bào thần kinh. Pentobarbital cũng làm tăng ngưỡng kích thích điện ở vùng hoạt động của võ não.

Phenobarbital làm giảm nồng độ bilirubin huyết thanh ở trẻ sơ sinh và bệnh nhân bị tăng bilirubin dạng không liên hợp (không do nguyên nhân tan máu bẩm sinh) do cảm ứng glucuronyl transferase, một enzym liên hợp bilirubin.

Động lực học

Hấp thu

Sau khi tiêm tĩnh mạch, tác dụng khởi phát trong vòng 1 phút.

Sau khi tiêm bắp, tác dụng khởi phát trong 10 – 25 phút.

Nồng độ trong huyết tương là 1 – 5 mcg/ml sẽ có tác dụng an thần, 5 -15 mcg/ml sẽ có tác dụng gây ngủ, tuy nhiên nồng độ > 10 mcg/ml có thể gây hôn mê sâu và > 30 mcg/ ml có khả năng gây tử vong.

Phân bố

Pentobarbital phân bố nhanh chóng đến tất cả mô và dịch cơ thể, với nồng độ cao ở não, gan và thận, có thể đi qua nhau thai và sữa mẹ. Pentobarbital có tỷ lệ liên kết với protein huyết tương khoảng 35 – 45%. 

Chuyển hóa

Chuyển hóa chủ yếu bởi các enzyme gan.

Thải trừ

Pentobarbital thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa, một lượng nhỏ được phải trừ qua phân. Thời gian bán thải là 35 – 50 giờ.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Pentobarbital làm giảm nồng độ của dicumarol trong huyết tương.

Sử dụng đồng thời pentobarbital và corticosteroid làm tăng cường chuyển hóa của corticosteroid ngoại sinh thông qua cảm ứng enzyme ở gan.

Pentobarbital làm cản trở hấp thu của griseofulvin đường uống đẫn dến làm giảm nồng độ thuốc trong máu.

Sử dụng doxycyline cùng với pentobarbital có thể làm rút ngắn thời gian bán thải của doxycycline.

Natri valproat, acid valproic và phenytoin làm giảm chuyển hóa pentobarbital.

Sử dụng đồng thời thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc kháng histamine hoặc rượu có thể gây gia tăng trầm cảm.

Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) kéo dài tác dụng của pentobarbital do ức chế chuyển hóa.

Pentobarbital có thể làm giảm tác dụng của estradiol, estrone, progesterone và các hormone steroid khác bằng cách cảm ứng enzyme chuyển hóa.

Chống chỉ định

Tiền sử quá mẫn nghiêm trọng với barbiturat.

Tiền sử hoặc có nguy cơ rối loạn chuyển hóa porphyrin.

Viêm phế quản hoặc hở van động mạch phổi.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Điều trị mất ngủ: 

  • Tiêm bắp: 150 – 200 mg, 1 liều duy nhất.

  • Hoặc tiêm tĩnh mạch liều khởi đầu là 100 mg cho người lớn khoảng 70 kg, sau hơn 1 phút, có thể dùng các liều bổ sung, tổng liều có thể lên đến 200 - 500 mg nếu cần.

Tiền mê: 

  • Tiêm bắp: 150 – 200 mg, 1 liều duy nhất.

Kiểm soát cơn co giật: 

  • Tiêm tĩnh mạch liều khởi đầu là 100 mg, sau hơn 1 phút, có thể dùng các liều bổ sung, tổng liều có thể lên đến 200 - 500 mg nếu cần. 

Kiểm soát hành vi kích động: 

  • Tiêm tĩnh mạch liều 100 mg, sau hơn 1 phút, có thể dùng các liều bổ sung, tổng liều có thể lên đến 200 - 500 mg nếu cần.

Trẻ em

Điều trị mất ngủ: 

  • Tiêm bắp 2 – 6mg/kg hoặc 125 mg/m2  (tối đa 100 mg), 1 liều duy nhất.

Tiền mê: 

  • Tiêm bắp khoảng 5 mg/kg.

  • Hoặc tiêm tĩnh mạch liều khởi đầu là 50 mg, có thể sử dụng liều tiếp theo sau hơn 1 phút nếu cần.

Kiểm soát cơn co giật: 

  • Tiêm tĩnh mạch liều khởi đầu là 50 mg, có thể sử dụng liều tiếp theo sau hơn 1 phút nếu cần.

Kiểm soát hành vi kích động: 

  • Tiêm tĩnh mạch liều khởi đầu là 50 mg, có thể sử dụng liều tiếp theo sau hơn 1 phút nếu cần.

Đối tượng khác 

Bệnh nhân suy thận và suy gan, người cao tuổi và bệnh nhân suy nhược cơ thể: Cần giảm liều pentobarbital.

Cách dùng

Pentobarbital được dùng tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm, cá nhân hóa liều lượng.

  • Tiêm tĩnh mạch: Thường tiêm với nồng độ 50 mg/ml. Cần tiêm tĩnh mạch chậm với lượng nhỏ để có đủ thời gian cho pentobarbital phân bố vào thần kinh trung ương, thời gian để xác định tác dụng đầy đủ của liều tiêm tĩnh mạch là hơn 1 phút.

  • Tiêm bắp: Tiêm tối đa 5 ml tại bất kì vị trí nào để tránh kích ứng mô.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Buồn ngủ

Ít gặp 

Kích động, lú lẫn, tăng động, mất điều hòa vận động, suy nhược thần kinh, gặp ác mộng, căng thẳng, rối loạn tâm thần, ảo giác, mất ngủ, lo lắng, chóng mặt.

Giảm thông khí, ngưng thở, nhịp tim chậm, hạ huyết áp, ngất, buồn nôn, nôn mửa, táo bón.

Hiếm gặp

Mất bạch cầu hạt, thiếu máu hồng cầu khồng lồ và tổn thương gan khi sử dụng kéo dài, lupus ban đỏ.

Không xác định tần suất 

Nhức đầu, phản ứng tại nơi tiêm, phản ứng quá mẫn (phù mạch, phát ban, viêm da), sốt, tổn thương gan, hội chứng Stevens-Johnson.

Lưu ý

Lưu ý chung

Pentobarbital có thể gây làm dụng và lệ thuộc thuốc. Ngừng đột ngột sau khi sử dụng lâu dài có thể gây hội chứng cai thuốc như mê sảng, co giật thậm chí tử vong.

Tiêm tĩnh mạch với tốc độ nhanh có thể gây ức chế hô hấp, ngừng thử, co thắt thanh quản hoặc giãn mạch dẫn đến hạ huyết áp.

Sử dụng pentobarbital cho các cơn đau cấp tính hoặc mãn tính có thể gây ra hưng phấn bất thường hoặc che đậy các triệu chứng quan trọng của bệnh.

Có thể sử dụng pentobarbital trong khi phẫu thuật và hậu phẫu, kết hợp cùng hóa trị khi điều trị ung thư.

Sử dụng đồng thời rượu và các chất ức chế thần kinh trung ương khác có thể làm trầm trọng hơn bệnh trầm cảm.

Thận trọng sử dụng pentobarbital ở những bệnh nhân bị suy nhược thần kinh, có xu hướng tự sát hoặc tiền sử lạm dụng ma túy.

Người cao tuổi hoặc người suy nhược cơ thể sau khi dùng pentobarbital có thể trở nên hưng phấn hoặc trầm cảm và lú lẫn.

Không dùng cho bệnh nhân có dấu hiệu hôn mê gan.

Dung dịch tiêm pentobarbital có tính kiềm cao, cần thận trọng tránh gây thoát mạch hoặc tiêm vào động mạch.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Phân loại thai kỳ: D 

Pentobarbital có thể gây tổn thương thai nhi khi dùng cho phụ nữ có thai. Hội chứng cai nghiện cũng xảy ra ở trẻ sơ sinh khi mẹ sử dụng pentobarbital trong 3 tháng cuối thai kì. Phụ nữ có thai chỉ sử dụng nếu thật sự cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Pentobarbital có thể bài tiết qua sữa nên cần thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ có con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Pentobarbital có thể gây buồn ngủ, hôn mê, chóng mặt, đau đầu nên cần thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc.

Quá liều

Quá liều Pentobarbital và xử trí

Quá liều và độc tính

Liều 1 g có thể gây ngộ độc nghiêm trọng ở người lớn. Liều tử vong thường là 2 – 10 g.

Triệu chứng: ức chế hô hấp, rối loạn nhịp tim, co đồng tử nhẹ, thiểu niệu, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt và hôn mê. Hội chứng sốc như ngừng thở, trụy tim mạch và tử vong có thể xảy ra. Ngoài ra còn có các biến chứng như viêm phổi, phù phổi, suy tim sung huyết, suy thận.

Cách xử lý khi quá liều

Chủ yếu là điều trị hỗ trợ như duy trì đường thở bằng cách cung cấp oxy, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và cân bằng dịch. Cần truyền dịch và điều trị sốc nếu cần.

Cần xoay trở người bệnh từ bên này sang bên kia trong 30 phút.

Với người có chức năng thận bình thường, có thể sử dụng lợi tiểu cưỡng bức để đào thải pentobarbital. Kiềm hóa nước tiểu giúp tăng bài tiết barbiturat.

Tiêm kháng sinh nếu nghi ngờ viêm phổi.

Quên liều và xử trí

Chỉ dùng thuốc khi cần thiết và có sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Thuốc không được chỉ định dài hạn.

Nguồn tham khảo