Sức đề kháng yếu khiến cho cơ thể dễ bị virus gây bệnh xâm nhập vào tấn công cơ thể. Vì vậy, nhận biết được hệ miễn dịch đang bị suy yếu để có biện pháp tăng cường là rất quan trọng, theo Bustle. Tiến sĩ Millard D. Collins, Chủ tịch Đại học Y khoa Meharry (Mỹ), cho biết một số người nhận biết hệ miễn dịch bị suy yếu khi thay đổi tâm trạng, cảm giác thèm ăn hoặc buồn ngủ, nhưng thường bỏ qua các dấu hiệu điển hình.
Những dấu hiệu này là những lời cảnh báo quan trọng cần phải nói với bác sĩ trước khi phát triển thành vấn đề nghiêm trọng. Khi đó, có thể cần phải thay đổi lối sống như tạo thói quen tập thể dục thường xuyên và thư giãn thường xuyên hơn để giảm mức độ căng thẳng. Sau đây là 5 dấu hiệu cảnh báo có thể hệ miễn dịch của bạn đang suy yếu.
Cảm lạnh dai dẳng
Cảm lạnh dai dẳng là dấu hiệu cảnh báo hệ miễn dịch đang suy yếu
Đối với người lớn khỏe mạnh, cảm lạnh thông thường không có gì nghiêm trọng, nhưng có lẽ không phải là bệnh triền miên từ tháng này đến tháng khác.
Tiến sĩ Navya Mysore, bác sĩ chăm sóc chính của dịch vụ chăm sóc sức khỏe One Medical (Mỹ), cho biết: "Nếu thấy mình bệnh thường xuyên hơn mức trung bình hoặc bệnh kéo dài hơn bình thường, đó có thể là dấu hiệu của hệ miễn dịch bị suy yếu", theo Bustle.
Nổi hạch thường xuyên
Các hạch bạch huyết đặc biệt dễ tìm thấy ở cổ, háng và nách. Khi chúng lọc chất lỏng bạch huyết, các tế bào bạch cầu lympho tiêu diệt vi khuẩn và các “kẻ xâm lược” khác.
Các hạch bạch huyết sẽ có xu hướng sưng lên khi chúng phải chống lại nhiễm trùng hoặc chấn thương. Nếu nổi hạch kéo dài, có nghĩa là hệ miễn dịch đang gặp khó khăn trong việc chống lại một mầm bệnh.
Hãy cảnh giác những cục hạch thường xuyên xuất hiện trên cơ thể!
Nhiễm trùng lặp đi lặp lại
Mọi người đều bị nhiễm trùng mọi lúc mọi nơi. Nhưng khi hệ miễn dịch bị suy yếu, nó sẽ khó tiêu diệt được vi khuẩn. Từ đó dẫn đến những trường hợp nhiễm trùng không dứt và tái phát nhiều lần.
Theo tiến sĩ Autumn B., đến từ Đại học Howard đã chia sẻ: "Người có hệ miễn dịch yếu có khả năng mắc các chứng nhiễm trùng thường xuyên hơn những người khác và việc nhiễm trùng còn có thể nặng hơn hoặc khó điều trị hơn".
Vết thương lâu lành
Hệ miễn dịch kiểm soát thiệt hại khi bị vết thương, chuyển máu giàu chất dinh dưỡng đến giúp cơ thể chữa lành và tái tạo làn da mới.
Quá trình chữa lành vết thương này phụ thuộc vào các tế bào miễn dịch khỏe mạnh.
Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch yếu, làn da có thể khó tái tạo, tiến sĩ Mysore nói. Thay vào đó, vết thương sẽ không chịu lành, theo Bustle.
Mệt mỏi liên tục
Khi sức đề kháng yếu, cơ thể rất dễ mệt mỏi
"Nếu ngủ đủ giấc mà vẫn bị kiệt sức, thì nên xem xét liệu hệ thống miễn dịch đang cố nói điều gì đó", tiến sĩ Burnette cho biết.
Khi hệ miễn dịch đấu tranh, mức năng lượng cũng vậy. Cơ thể đang cố gắng tiết kiệm năng lượng để cung cấp cho hệ miễn dịch. Kết quả là bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ dù có ngủ nhiều bao nhiêu, theo Bustle.
Nếu cơ thể bạn có một trong năm dấu hiệu trên, hãy chủ động tìm đến sự tư vấn của các y bác sĩ. Đồng thời, tạo cho cơ thể thói quen sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học để sức đề kháng được nâng cao.
Bảo Hân