Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tổng hợp các dấu hiệu đe dọa chức năng sống ở trẻ

Ngày 26/08/2024
Kích thước chữ

Khi nằm lòng các dấu hiệu đe dọa chức năng sống ở trẻ, bạn có thể nhận diện nhanh tình huống nguy cấp, phản ứng kịp thời để giúp bé vượt qua cửa tử. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin đặc biệt quan trọng này.

Các dấu hiệu đe dọa chức năng sống ở trẻ bao gồm co giật, mất ý thức, tím tái, suy hô hấp, ngưng tim,... Để có thể can thiệp hiệu quả, các chuyên gia y tế sẽ đánh giá chuyên sâu theo 3 chức năng quan trọng: Hô hấp, tuần hoàn, thần kinh và cả các triệu chứng toàn thân.

Dấu hiệu đe dọa chức năng sống ở đường hô hấp

Dấu hiệu

  • Người bệnh tăng mức độ thở gắng sức để lấy thêm oxy cho cơ thể;
  • Tần số thở tăng lên so với bình thường do phổi tiếp nhận ít oxy (vì nguyên nhân bệnh lý, gặp phải vật cản hoặc toan máu). Trong một số trường hợp nhịp thở có thể không ổn định hoặc dần chậm lại, suy yếu sau thời gian thở gắng sức và do tăng áp lực nội sọ;
  • Lồng ngực rút lõm mạnh cũng là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đang bị suy hô hấp. Khi thở gắng sức để lấy oxy, các cơ vùng liên sườn và hạ sườn sẽ co rút mạnh hơn nên bạn có thể nhìn rõ hõm ức qua từng cử động hô hấp. Trong giai đoạn muộn, khi trẻ không còn khả năng thở gắng sức thì dấu hiệu này cũng mất đi;
  • Tiếng rít khi thở là tín hệu cảnh báo cho thấy vùng hầu họng bị hẹp do tắc nghẽn. Nếu người bệnh thở khò khè (thở ra) thì nhiều khả năng đường hô hấp dưới đang bị nghẽn lại. Trong trường hợp tiếng thở ra kéo dài hơn bình thường thì rất có thể đường thở dưới bị hẹp hoặc bị tắc;
  • Khi trẻ thở rên thì khả năng cao bé đã bị phù phổi cấp tính hoặc viêm phổi nặng. Các dấu hiệu đi kèm là đầy bụng, áp lực nội sọ tăng cao và viêm màng bụng (phúc mạc);
  • Khi thở, nếu trẻ phải dùng đến cơ hô hấp phụ (ức - đòn - chũm) thì chứng tỏ khả năng dung nạp oxy của phổi là cực thấp, trẻ đang gặp phải tình huống nguy hiểm;
  • Thở hắt ra là dấu hiệu đe dọa chức năng sống ở mức độ nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cực cao.
Tổng hợp các dấu hiệu đe dọa chức năng sống ở trẻ 1
Việc nhận diện sớm các dấu hiệu đe dọa chức năng sống ở đường hô hấp sẽ rất có ý nghĩa trong việc giúp bé đi qua giai đoạn nguy hiểm

Ở giai đoạn đầu của suy hô hấp, nhịp tim sẽ cao hơn bình thường. Tuy nhiên nếu suy hô hấp kéo dài thì nhịp tim sẽ có xu hướng giảm dần. Bên cạnh đó, da trẻ sẽ nhợt nhạt hơn. Trong trường hợp thiếu oxy nặng có thể dẫn đến mê sảng, mất ý thức.

Can thiệp cấp cứu

  • Nếu khi hô hấp, trẻ phát ra tiếng lọc sọc thì bạn hãy hút hết dịch tồn ứ bên trong đường thở.
  • Trong trường hợp ho ông ổng, thở rít và khó thở ở mức độ nặng thì nhiều khả năng trẻ bị viêm thanh quản ở mức độ nặng. Lúc này trẻ cần được điều trị bằng oxy và adrenalin.
  • Khi trẻ mệt mỏi, uể oải và thở có tiếng rít ở mức độ nhẹ, bạn hãy kiểm tra xem nắp thanh môn của bé có bị viêm nhiễm hay không. Khi kiểm tra tốt nhất là nên gây mê để tránh gây sang chấn tâm lý cho trẻ.
  • Nếu trẻ nghẹt đường thở do có dị vật thì cần nội soi kết hợp sử dụng thiết bị chuyên dụng để gắp dị vật ra ngoài. Với trẻ nhỏ không hợp tác, bạn hãy gây mê trước khi tiến hành để đảm bảo an toàn.
  • Với những bệnh nhân sốc phản vệ sau tiêm thuốc, dùng thực phẩm thì thường phát ra tiếng thở rít. Lúc này trẻ sẽ được can thiệp bằng adrenalin (tiêm bắp).
  • Trẻ suy hô hấp, thở khò khè do hen suyễn sẽ được điều trị bằng khí dung kết hợp thở oxy. Các loại thuốc thường dùng là ipratropium, thuốc chủ vận 2.
  • Trong trường hợp bé bị nhiễm toan thì chuyên gia y tế sẽ lấy mẫu để làm khí máu, đường máu. Khi người bệnh nhiễm toan do tiểu đường thì sẽ được can thiệp bằng insulin và huyết thanh mặn.

Những dấu hiệu suy tuần hoàn bạn cần biết

Dấu hiệu

  • Nhịp tim tăng bất thường trong giai đoạn đầu, có thể chạm ngưỡng 220 lần/phút. Ở giai đoạn cuối, nhịp dần chậm lại, thậm chí thấp hơn 60 lần/phút. Cùng với điều này thì việc cấp máu đến các tế bào cũng suy giảm trầm trọng.
  • Không thể bắt mạch vùng ngoại biên, mạch trung tâm yếu dần do bị sốc và tụt áp. Nếu tăng thể tích tuần hoàn, tăng CO2 máu,... thì độ nảy của mạch sẽ tăng lên.
  • Thời gian làm đầy mao mạch máu trở lại dài hơn bình thường chứng tỏ quá trình cấp máu ngoại biên suy giảm mạnh.
  • Ở giai đoạn muộn của suy tuần hoàn, hiện tượng tụt huyết áp sẽ xảy ra và hệ quả là rất dễ gây ngừng tim. Nếu huyết áp tăng thì đó có thể là nguyên nhân hoặc diễn tiến tiếp theo của tình trạng hôn mê, tăng áp lực nội sọ.
Tổng hợp các dấu hiệu đe dọa chức năng sống ở trẻ 2
Bác sỹ sẽ nhận diện tình trạng suy tuần hoàn ở trẻ thông qua bắt mặt, đo nhịp tim, đo huyết áp,...

Khi bị suy tuần hoàn, người bệnh sẽ tăng nhịp thở nhưng không co rút lồng ngực. Da thường tái mét, lạnh và ẩm hơn. Trẻ dễ bị kích thích, hôn mê, nước tiểu ít,... Tất cả những  triệu chứng này đều do giảm cấp máu gây ra.

Can thiệp cấp cứu

  • Nếu trẻ bị sốc thì tiến hành bolus dịch ngay lập tức. Lặp lại thao tác nếu trẻ không đáp ứng ở lần bơm đầu tiên. Trong trường hợp này, nên xem xét việc đặt nội khi quản hoặc dùng thuốc vận mạch nếu phải bolus dịch lần thứ 3.
  • Khi trẻ bị sốc nhưng không bị mất nước thì rất có thể bé bị nhiễm khuẩn máu. Việc dùng kháng sinh TM để can thiệp nên được cân nhắc trong tình huống này.
  • Nếu trẻ sốc phản vệ thì can thiệp bằng adrenalin với liều phù hợp.

Các dấu hiệu cảnh báo tình huống nguy hiểm ở hệ thần kinh

Dấu hiệu

  • Rối loạn ý thức do thiếu oxy não. Ý thức của người bệnh sẽ được phân biệt, đánh giá theo 4 cấp độ: Tỉnh táo (A), đáp ứng với âm thanh (V), đáp ứng với kích thích gây đau (P) và không đáp ứng (U).
  • Trẻ bị giảm trương lực cơ, tay chân yếu. Trong trường hợp có tổn thương não, trẻ có thể bị co cứng như bóc vỏ (chân duỗi thẳng, tay co) hoặc mất não (cả tay và chân đều duỗi).
  • Đồng tử giãn, co không đều hoặc không đáp ứng lại các kích thích đều là những dấu hiệu nguy hiểm cho thấy não bộ đang bị tổn thương nặng.
Tổng hợp các dấu hiệu đe dọa chức năng sống ở trẻ 3
Trẻ bị ảnh hưởng thần kinh có thể dẫn đến tình trạng mất nhận thức, ngủ li bì, tay chân yếu hoặc co quắp

Khi bị tổn thương thần kinh, người bệnh sẽ bị ngưng thở hoặc thở bất thường. Bên cạnh đó, trong trường hợp hành não bị chèn ép thì huyết áp sẽ tăng lên, nhịp tim chậm hơn bình thường (giai đoạn cuối).

Can thiệp cấp cứu

  • Sử dụng phác đồ điều trị động kinh nếu co giật kéo dài;
  • Đặt nội khí quản kết hợp thông khí nếu trẻ mất ý thức, bất thường về tư thế và vận động nhãn cầu do tăng áp lực nội sọ;
  • Can thiệp bằng acyclovir/cefotaxim nếu trẻ bị co giật hoặc giảm tri giác do viêm não/viêm màng não;
  • Thăm dò định lượng salicylate trong dịch tuần hoàn, khí máu và đường máu nếu trẻ thở yếu, lơ mơ;
  • Sử dụng nalocone trong trường hợp trẻ bị hôn mê, co đồng tử do nhiễm độc opiate;
  • Sử dụng insulin và huyết thanh mặn khi trẻ bị tiểu đường và dẫn đến tình trạng nhiễm toan.

Dấu hiệu toàn thân đe dọa chức năng sống ở trẻ và cách can thiệp

Dấu hiệu

  • Trẻ bị sốt, thân nhiệt cao do rét run kéo dài, co giật hoặc nhiễm trùng.
  • Nổi ban toàn thân hoặc ở tay chân (ban ngứa hoặc ban xuất huyết). Tình trạng này xuất hiện khi bị dị ứng, nhiễm khuẩn huyết hoặc bị xâm hại.
Tổng hợp các dấu hiệu đe dọa chức năng sống ở trẻ 4
Sốt và phát ban là hai dấu hiệu toàn thân dễ nhận thấy nhất

Can thiệp cấp cứu

  • Nếu trẻ xuất hiện ban xuất huyết đi kèm các triệu chứng rối loạn thần kinh, tuần hoàn thì rất có thể bé bị viêm màng não mủ hoặc nhiễm khuẩn huyết. Lúc này chuyên gia y tế sẽ tiến hành cấy máu và sử dụng cefotaxim để can thiệp.
  • Hiện tượng phù mạch đi kèm ban mề đay, cùng với đó là các dấu hiệu bất thường về tuần hoàn, hô hấp thì nhiều khả năng trẻ đang bị sốc phản vệ. Lúc này bé sẽ được can thiệp bằng epinephrin với liều lượng phù hợp.
  • Truyền nước và điện giải, cấp cứu tiêu hóa nếu trẻ bị sốc do mất dịch.

Trên đây là các dấu hiệu đe dọa chức năng sống ở trẻ và cách can thiệp cấp cứu cho từng trường hợp. Sau cùng chúc bạn tìm thấy thông tin hữu ích và xin chân thành cảm ơn vì đã đồng hành cùng các bài viết của Nhà thuốc Long Châu! Trân trọng!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.