Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như thế nào?

Ngày 30/10/2024
Kích thước chữ

Thẻ bảo hiểm y tế là giấy tờ quan trọng đối với những người tham gia bảo hiểm, được sử dụng khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có bảo hiểm y tế. Vậy thẻ bảo hiểm y tế là gì và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như thế nào? Mời bạn cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Thẻ bảo hiểm y tế là công cụ giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế với chi phí thấp hơn, giảm gánh nặng tài chính khi gặp vấn đề sức khỏe. Bên cạnh việc hỗ trợ cá nhân, thẻ còn góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Vậy sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như thế nào để hiệu quả, hãy theo dõi những thông tin dưới đây.

Bảo hiểm y tế là gì?

Thẻ bảo hiểm y tế là một loại giấy tờ quan trọng dành cho người tham gia bảo hiểm, được sử dụng để làm căn cứ hưởng quyền lợi khám chữa bệnh theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (Điều 16).

Mỗi cá nhân khi tham gia bảo hiểm y tế sẽ được cấp một thẻ BHYT từ tổ chức bảo hiểm y tế theo mẫu mới do Bộ Y tế ban hành.

Hiện nay, thẻ BHYT có hai hình thức cấp phát là thẻ giấy (dạng vật lý) và thẻ điện tử. Thông tin trên thẻ bao gồm mã số thẻ, tên, ngày sinh, địa chỉ, giới tính, đơn vị khám chữa bệnh ban đầu, mã mức hưởng và mã địa phương nơi người tham gia cư trú.

Thời hạn sử dụng của thẻ BHYT sẽ khác nhau, phụ thuộc vào đối tượng tham gia và thời gian đóng phí bảo hiểm.

Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như thế nào? 1
Tham gia thẻ BHYT được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh theo quy định

Mẫu thẻ BHYT cũ còn sử dụng được không?

Từ ngày 01/4/2021, thẻ BHYT theo mẫu mới sẽ được triển khai trên toàn quốc theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành. Vì vậy, việc sử dụng đồng thời cả thẻ BHYT mẫu mới và mẫu cũ là điều không thể tránh khỏi.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Quyết định 1666/QĐ-BHXH, các phôi thẻ BHYT đã in theo Quyết định số 1313/QĐ-BHXH ban hành ngày 02/12/2014 bởi Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam mà chưa sử dụng hết tính đến khi Quyết định mới có hiệu lực vẫn được phép tiếp tục cấp cho người tham gia BHYT.

Như vậy, không phải tất cả các thẻ BHYT được cấp từ ngày 01/4/2021 đều là mẫu thẻ mới. Những địa phương còn phôi thẻ BHYT mẫu cũ chưa dùng hết vẫn sẽ cấp thẻ BHYT theo mẫu cũ cho người tham gia và cả thẻ mẫu mới lẫn mẫu cũ đều được sử dụng song song và có giá trị như nhau.

Ngoài ra, các trường hợp thẻ BHYT được cấp trước ngày 01/4/2021, vẫn còn thời hạn sử dụng và không bị hư hỏng, cũng tiếp tục có hiệu lực để người dân sử dụng khi đi khám chữa bệnh theo chế độ BHYT.

Những quyền lợi gì khi sử dụng thẻ BHYT là gì?

Khi sử dụng thẻ BHYT, bạn sẽ được hưởng những quyền lợi sau đây:

  • Được cấp thẻ BHYT để làm cơ sở cho việc khám chữa bệnh theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.
  • Có thể chọn cơ sở y tế thuận tiện, gần nơi sinh sống hoặc làm việc để đăng ký làm nơi khám chữa bệnh ban đầu.
  • Được khám chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu hoặc có thể chuyển tuyến theo quy trình và quy định hiện hành.
  • Được thanh toán chi phí khám chữa bệnh với tỷ lệ hưởng phù hợp, tùy thuộc vào nhóm đối tượng và cơ sở khám chữa bệnh, với mức hỗ trợ từ 80% đến 100% chi phí.
  • Sau 180 ngày kể từ lần đầu đóng BHYT hoặc khi tham gia lại sau gián đoạn, người tham gia được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao, có chi phí lớn.
  • Có thể dùng ứng dụng VssID, căn cước công dân gắn chip hoặc VNeID thay thế cho thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh.
Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như thế nào? 2
Có thể dùng ứng dụng VNeID thay thế cho thẻ BHYT

Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như thế nào?

Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như thế nào được nhiều người quan tâm. Khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, bạn cần chú ý các điểm sau:

  • Khi đi khám chữa bệnh, bạn phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực cùng giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu hoặc bằng lái xe. Riêng trẻ em dưới 6 tuổi chỉ cần xuất trình thẻ bảo hiểm y tế.
  • Thẻ BHYT sẽ không được chấp nhận nếu đã hết hạn, có dấu hiệu bị chỉnh sửa, tẩy xóa hoặc nếu bạn dùng thẻ của người khác.
  • Cần đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế thuận tiện, gần nơi bạn sống hoặc làm việc. Nếu muốn khám chữa bệnh tại cơ sở khác, bạn cần có giấy chuyển tuyến theo đúng quy định.
  • Bạn sẽ thanh toán một phần chi phí khám chữa bệnh theo mức hưởng của bảo hiểm, tỷ lệ hưởng sẽ tùy thuộc vào nhóm đối tượng tham gia và nơi điều trị, dao động từ 80% đến 100% chi phí trong các trường hợp cụ thể.
  • Bạn có thể dùng ứng dụng VssID, VNeID hoặc căn cước công dân gắn chip tích hợp thông tin BHYT thay thế cho thẻ giấy khi đi khám chữa bệnh.
  • Để sử dụng VssID và VNeID, bạn cần tải và đăng ký ứng dụng trên điện thoại thông minh, giúp dễ dàng dùng mã QR hoặc hình ảnh thẻ BHYT điện tử khi cần thiết.
Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như thế nào? 2
Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như thế nào?

Không đem theo thẻ BHYT có được thanh toán

Sau khi tìm hiểu cách sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như thế nào, thì sau đây là những thông tin giải đáp thắc mắc nếu không đem thẻ BHYT có được thanh toán không?

Nếu bạn không mang theo thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh, bạn vẫn có thể được thanh toán một phần chi phí từ BHYT, nhưng mức hưởng sẽ thấp hơn so với khi có thẻ. Cụ thể, nếu bạn khám chữa bệnh ngoại trú, mức hỗ trợ tối đa là 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm điều trị; còn nếu điều trị nội trú, mức hỗ trợ tối đa sẽ là 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm nhập viện.

Trong trường hợp thẻ BHYT của bạn đang chờ cấp lại do mất, hỏng hoặc rách, bạn cần xuất trình giấy hẹn hoặc các giấy tờ xác nhận rằng thẻ BHYT đang được cấp lại để được BHYT thanh toán theo quy định hiện hành.

Hiện nay, bạn cũng có thể xuất trình thẻ bảo hiểm y tế điện tử thay thế cho thẻ BHYT giấy truyền thống khi đi khám chữa bệnh.

Theo đó, bạn có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT qua ứng dụng VssID hoặc VNeID thay thế cho thẻ giấy. Chỉ cần cài đặt và đăng ký ứng dụng VssID hoặc VNeID trên điện thoại thông minh, bạn sẽ sử dụng được mã QR-Code hoặc hình ảnh thẻ BHYT điện tử.

Với thẻ căn cước công dân gắn chip, BHXH và Bộ Công an sẽ tự động tích hợp thông tin BHYT lên thẻ căn cước sau khi bạn hoàn thành thủ tục cấp hoặc đổi thẻ căn cước gắn chip theo quy định.

Cơ sở khám chữa bệnh sẽ dùng đầu đọc để quét mã QR-Code hoặc nhập số thẻ BHYT từ ứng dụng nếu không có đầu đọc. Mọi thông tin của bệnh nhân sẽ nhanh chóng và chính xác được cập nhật vào hệ thống dữ liệu điện tử.

Việc xuất trình hình ảnh thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng giúp các cơ sở y tế có biện pháp ngăn chặn lạm dụng quỹ BHYT hiệu quả hơn, đồng thời các thủ tục xác minh cũng trở nên nhanh chóng và chính xác.

Trường hợp nào bị thu hồi thẻ BHYT?

Thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người tham gia và phải được sử dụng đúng với mục đích. Nếu có sai phạm trong việc sử dụng hoặc cấp phát thẻ, thẻ BHYT sẽ bị thu hồi.

Các trường hợp thẻ BHYT bị thu hồi bao gồm:

  • Có hành vi gian lận trong quá trình cấp thẻ BHYT.
  • Người có tên trong thẻ BHYT không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.
  • Cấp trùng thẻ BHYT cho cùng một người.

Người dân cần sử dụng đúng thẻ BHYT của mình và không dùng thẻ BHYT của người khác khi đi khám chữa bệnh. Thẻ BHYT sẽ bị tạm giữ nếu phát hiện người đi khám bệnh sử dụng thẻ của người khác. Người có thẻ BHYT bị tạm giữ cần đến để nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định pháp luật.

Tuyệt đối tránh gian lận hoặc lợi dụng quỹ BHYT. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm.

Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như thế nào? 3
Gian lận hoặc lợi dụng quỹ BHYT sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật

Hy vọng qua bài viết đã giúp bạn đọc hiểu hơn về cách sử dụng thẻ bảo hiểm y tế như thế nào. Việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đúng cách không chỉ giúp người tham gia được hưởng đầy đủ quyền lợi mà còn góp phần bảo vệ quỹ BHYT và đảm bảo tính công bằng trong hệ thống bảo hiểm y tế. Mỗi cá nhân cần tuân thủ các quy định khi dùng thẻ BHYT để khám chữa bệnh, tránh các vi phạm có thể dẫn đến việc thẻ bị tạm giữ hoặc thu hồi. Sử dụng đúng và hợp lý thẻ BHYT sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho bản thân và cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin