Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ăn mặn có bị tiểu đường không? Gợi ý cách giảm muối trong chế độ ăn

Ngày 29/05/2023
Kích thước chữ

Muối là một gia vị cần thiết, tạo vị mặn và không thể thiếu trong chế độ ăn uống hằng ngày. Vậy ăn mặn có bị tiểu đường không? Cùng tìm hiểu ngay!

Ăn mặn có bị tiểu đường không? Đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm trong thời đại hiện nay, khi mà bệnh tiểu đường đang trở thành một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại trên toàn thế giới. Với tốc độ chạy đua của cuộc sống hiện đại, món ăn mặn thường là lựa chọn ưa thích của nhiều người, từ đồ ăn đường phố, món ăn nhanh cho đến các món ăn gia đình hàng ngày. Tuy nhiên, liệu ăn mặn có liên quan đến bệnh tiểu đường hay không? Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa ăn mặn và tiểu đường trong bài viết dưới đây.

Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường bệnh lý nội khoa gặp ở mọi lứa tuổi, do sự rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường huyết tăng cao. Khi mắc bệnh này, người bệnh không còn có khả năng kiểm soát đường trong máu một cách hiệu quả. Rối loạn đường huyết xảy ra khi tuyến tụy không đủ sản xuất insulin, các tế bào phản ứng kém với insulin hoặc cả hai trường hợp. Insulin là hormone đóng vai trò vận chuyển đường trong máu tới các tế bào, chuyên hóa các mô mỡ và gan để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vì thế khi insulin bị suy giảm hoặc các tế bào phản ứng yếu với insulin sẽ gây tăng đường huyết.

Ăn mặn có bị tiểu đường không? Gợi ý cách giảm muối trong chế độ ăn 1
Tiểu đường là tình trạng đường huyết tăng đột ngột

Người bệnh thường xuyên có lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như tổn thương tới cơ quan thần kinh và thận. Vì vậy, duy trì đường huyết ở mức ổn định rất quan trọng để cơ thể của bạn luôn khỏe mạnh.

Hiện nay, có 3 loại tiểu đường chính và mỗi loại do những nguyên nhân khác nhau gây ra:

  • Tiểu đường tuýp 1: Phần lớn là nguyên nhân tự miễn, do tuyến tụy bị hệ miễn dịch tấn công dẫn đến không còn khả năng sản xuất insulin. Tỷ lệ mắc tiểu đường tuýp 1 là 7 - 10% và thường gặp ở lứa tuổi trung niên, tuy nhiên bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
  • Tiểu đường tuýp 2 : 90% người bệnh tiểu đường khi phát hiện bệnh đã chuyển sang tuýp 2. Nguyên nhân là do tuyến tụy giảm khả năng sản xuất insulin hoặc các tế bào giảm khả năng phản ứng với insulin.
  • Tiểu đường thai kỳ: Bệnh thường xuất hiện ở tháng thứ 6 kỳ thai, có thể khiến thai nhi sinh ra bị dị tật nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Vậy đâu là yếu tố gây ra bệnh tiểu đường và ăn mặn có bị tiểu đường không, hãy tiếp tục tìm hiểu trong phần dưới đây.

Ăn mặn có bị tiểu đường không?

Thức ăn chứa nhiều muối tuy không tác động trực tiếp đến đường trong máu nhưng gây dư thừa Natri, gia tăng nguy cơ tăng huyết áp và biến chứng thận ở người đái tháo đường. 

Bên cạnh đó, cao huyết áp có mối liên quan chặt chẽ đến rối loạn chuyển hoá trong bệnh tiểu đường. Bệnh nhân huyết áp cao thường có biểu hiện kháng insulin và có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn các đối tượng khác. Song song đó, nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân tiểu đường là các biến chứng trên tim mạch. Bởi vì, huyết áp cao làm tăng nguy cơ đột quỵ, các biến chứng mạch vành, nhồi máu cơ tim. Nó cũng khiến người bệnh có nguy cơ phát triển tất cả các loại biến chứng tiểu đường nguy hiểm như mắt, bàn chân, thần kinh… chứ không riêng gì thận.

Ăn mặn có bị tiểu đường không? Gợi ý cách giảm muối trong chế độ ăn 2
Ăn mặn gián tiếp gây ra bệnh tiểu đường

Chính vì thế để giải đáp thắc mắc khi ăn mặn có bị tiểu đường không thì câu trả lời là: "Ăn mặn không tác động trực tiếp nhưng sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường và làm trầm trọng thêm các biến chứng của bệnh". Ngoài ra, ăn nhiều các món mặn còn làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh ung thư dạ dày.

Gợi ý cách giảm muối trong chế độ ăn

Qua phần giải đáp trên, chắc hẳn bạn đã biết ăn mặn có bị tiểu đường không. Vậy làm thế nào để xây dựng chế độ ăn cắt giảm muối, an toàn cho sức khỏe nhưng vẫn đủ chất?

Sử dụng ít muối khi chế biến các món ăn

Để giảm lượng muối ăn hấp thu vào cơ thể mỗi ngày, bạn nên lựa chọn nấu ăn ở nhà thay vì ăn ngoài hàng để dễ dàng kiểm soát lượng muối.

Hãy lựa chọn các thực phẩm tươi sạch bởi chúng chứa ít muối hơn các thực phẩm khô hay đã qua chế biến một lần như xúc xích, đồ hộp… Ngoài ra, khi nấu ăn, bạn nên cố gắng cắt giảm tối đa những gia vị chứa muối như bột canh, hạt nêm, nước mắm, muối… Khi mua gia vị hay các loại nước sốt ướp bán sẵn, hãy chọn những loại chứa ít muối và hạn chế sử dụng nước mềm để nấu ăn vì nước mềm có chứa muối.

Ăn mặn có bị tiểu đường không? Gợi ý cách giảm muối trong chế độ ăn 3
Hạn chế muối trong các bữa ăn hàng ngày

Đọc bảng thành phần dinh dưỡng

Những người mắc bệnh tiểu đường chỉ nên sử dụng không quá 2.3g muối mỗi ngày, đặc biệt những người mắc cả bệnh huyết áp cao chỉ nên sử dụng tối đa 1.5g muối mỗi ngày.

Một giải pháp quan trọng giúp bạn cắt giảm lượng muối là tạo thói quen đọc bảng thành phần dinh dưỡng khi mua các thực phẩm đóng gói. 

Theo quy định, các sản phẩm chứa muối đều phải ghi hàm lượng natri trên bao bì, các sản phẩm ít muối là dưới 140mg/khẩu phần ăn. Đặc biệt, bạn nên lưu ý với một số sản phẩm ghi “không chứa natri” hay “hàm lượng natri thấp” nhưng lại chứa các thành phần thay thế muối như kali clorua. Những người đang áp dụng chế độ ăn ít kali cần hỏi bác sĩ xem có thể ăn các loại thực phẩm này hay không.

Ăn mặn có bị tiểu đường không? Gợi ý cách giảm muối trong chế độ ăn 4
Tạo thói quen đọc bảng thành phần dinh dưỡng

Trên đây là những thông tin về bệnh tiểu đường và giải đáp ăn mặn có bị tiểu đường hay không. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết cách điều chỉnh chế độ ăn phù hợp để ngăn ngừa bệnh lý đái tháo đường. Hãy chia sẻ bài viết tới người thân và bạn bè nếu thấy hữu ích nhé!

Xem thêm:

Người bệnh tiểu đường ăn dưa hấu được không?

Thùy Hương

Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin