Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Thần kinh - Tinh thần/
  4. Đột quỵ

Đột quỵ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả

Dược sĩ Đại học Trần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Bệnh đột quỵ là tình trạng chết đột ngột của tế bào não do thiếu oxy, thường do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não. Các yếu tố nguy cơ chính bao gồm tăng huyết áp và thiếu máu cục bộ. Hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng ngừa đột quỵ có thể giúp giảm thiểu rủi ro, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung đột quỵ

Bệnh đột quỵ là tình trạng chết đột ngột của các tế bào não do thiếu oxy. Tình trạng này gây ra bởi sự tắc nghẽn hoặc vỡ của lưu lượng máu trong động mạch máu não. Đột quỵ xảy ra khi lượng máu cung cấp oxy và dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của não bị gián đoạn, dẫn đến tổn thương và chết các tế bào não không thể phục hồi.

Triệu chứng đột quỵ

Triệu chứng của bệnh đột quỵ bao gồm:
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Tê cứng mặt hoặc một nửa mặt
  • Nụ cười méo mó
  • Khó cử động chân tay
  • Tê liệt một bên cơ thể
  • Không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc
  • Khó phát âm, nói không rõ chữ, nói ngọng
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Mất thăng bằng đột ngột
  • Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ
  • Đau đầu dữ dội, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn

Xem thêm: Cảnh báo 8 dấu hiệu đột quỵ nguy hiểm nhất định phải biết

Tác động của đột quỵ đối với sức khỏe

Đột quỵ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh đột quỵ

Đột quy có thể gây ra các biến chứng như:

  • Nhồi máu não
  • Liệt chi, liệt mặt, mất khối cơ;
  • Rối loạn giấc ngủ;
  • Lú lẫn, trầm cảm;
  • Xẹp phổi, viêm phổi;
  • Rối loạn nuốt, có thể dẫn đến sặc, mất nước, hoặc thiếu dinh dưỡng;
  • Bất động;
  • Bệnh huyết khối tắc mạch;
  • Suy kiệt;
  • Nhiễm trùng tiết niệu;
  • Suy giảm chức năng sinh hoạt hàng ngày (khả năng đi bộ, nhìn, cảm nhận, nhớ, suy nghĩ và nói).

Xem thêm: Một số biến chứng sau đột quỵ và khả năng hồi phục của người bệnh

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Đột quỵ 4
Nếu có bất kỳ triệu chứng đột quỵ nào nêu trên xảy ra, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ

Nguyên nhân đột quỵ

Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ phổ biến là tắc nghẽn động mạch não và chảy máu não.

Một số nguyên nhân khác như:

  • Thiếu máu cục bộ, chiếm khoảng 80% nguyên nhân (thiếu máu do sự tắc mạch gây ra bởi huyết khối hoặc máu đông).
  • Chảy máu (hay còn gọi là xuất huyết do vỡ mạch máu), chiếm 20% nguyên nhân (ví dụ chảy máu dưới nhện, chảy máu não sọ).
  • Ngoài ra còn có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA) nếu các triệu chứng đột quỵ thoáng qua kéo dài dưới 1 giờ kèm không có bằng chứng nhồi máu não cấp.

Nguy cơ đột quỵ

Những ai có nguy cơ mắc phải đột quỵ?

Theo WHO đối tượng có nguy cơ cao mắc đột quỵ

  • Nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nữ giới, đặc biệt ở người da trắng.
  • 1/3 số bệnh nhân đột quỵ dưới 65 tuổi.
  • Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, đặc biệt người trên 64 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được bao gồm:

  • Đột quỵ trước đó;
  • Tuổi cao;
  • Tiền sử gia đình có đột quỵ.

Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi hoặc kiểm soát được:

  • Các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu;
  • Bệnh tim (nhồi máu cơ tim cấp, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, rung nhĩ);
  • Tăng đông (do huyết khối tắc mạch);
  • Phình mạch trong sọ (chảy máu dưới nhện);
  • Viêm mạch;
  • Lối sống không khoa học như hút thuốc lá, nghiện rượu quá mức, sử dụng ma túy; ít hoạt động thể lực;
  • Béo bụng béo phì;
  • Chế độ ăn nguy cơ cao (giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển dạng và năng lượng);
  • Căng thẳng tâm lý, áp lực.
Đột quỵ 5
Người cao tuổi có nguy cơ cao bị đột quỵ

Phương pháp chẩn đoán & điều trị đột quỵ

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đột quỵ

Lâm sàng

Khai thác tiền sử bệnh

  • Các yếu tố nguy cơ;
  • Tiền sử chấn thương;
  • Bệnh tim, bệnh về đông máu;
  • Thói quen dùng các chất kích thích;
  • Các triệu chứng đột ngột của đột quỵ như liệt chi, liệt một phần cơ thể, mất cảm giác, mất thị lực, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn ý thức đột ngột...

Khám lâm sàng

  • Phân biệt với các bệnh khác có triệu chứng giống đột quỵ như nhiễm khuẩn, co giật, u não, rối loạn điện giải...;
  • Đánh giá tiến triển đột quỵ;
  • Đánh giá mức độ suy giảm chức năng thần kinh bằng thang điểm NIHSS;
  • Lưu ý các dấu hiệu chấn thương, nhiễm trùng liên quan đến màng não, não;
  • Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn.

Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt đột quỵ não, xuất huyết não, đột quỵ thoáng qua.

Cận lâm sàng

  • Chụp cắt lớp vi tính sọ não;
  • Chụp cộng hưởng từ não;
  • Chụp Doppler xuyên sọ;
  • Chụp X-quang ngực;
  • Chụp động mạch não qua da;
  • Siêu âm tim;
  • Xét nghiệm máu.
Đột quỵ 6
Xét nghiệm hình ảnh học đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán đột quỵ

Phương pháp điều trị đột quỵ hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

Nguyên tắc chung

Đột quỵ là tình trạng cấp cứu ưu tiên, cần phải có biện pháp sơ cứu và xử trí nhanh chóng kịp thời để ổn định tình trạng bệnh nhân trước khi đánh giá toàn diện. Đánh giá khả năng hô hấp, tuần hoàn theo các bước ABC (A: Airway, B: Breathing, C: Circulation).

  • Bổ sung oxy kịp thời.
  • Kiểm soát các dấu hiệu sinh tồn (thân nhiệt, huyết áp, nhịp thở, mạch, chỉ số SpO2).
  • Kiểm soát mức đường huyết, huyết áp cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh đi kèm khác.
  • Tái tưới máu cho một số trường hợp đột quỵ thiếu máu não cục bộ.
  • Dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông máu, dự phòng huyết khối (theo chỉ định bác sĩ).
  • Các biện pháp hỗ trợ và điều trị các biến chứng như tăng áp lực nội sọ dẫn đến phù não, động kinh,…
  • Chiến lược dự phòng đột quỵ.

Chiến lược phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ

Sau đột quỵ, hầu hết bệnh nhân đều cần phục hồi chức năng (tinh thần và thể chất) để đưa cơ thể trở về trạng thái bình thường hòa nhập cuộc sống như trước. Phương pháp tốt nhất chính là phối hợp nhiều phương pháp:

Liệu pháp nói.

  • Hạn chế nuôi dưỡng thụ động, cần hỗ trợ bệnh nhân ăn uống chủ động.
  • Liệu pháp tinh thần như tư vấn, động viên, hạn chế bệnh nhân bị rơi vào trạng thái trầm cảm, chán nản.
  • Thay đổi lối sống như ngừng hút thuốc lá, tăng cường hoạt động thể lực.
  • Điều trị dùng thuốc nếu bệnh nhân có tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc bệnh khác giúp trì hoãn hoặc dự phòng đột quỵ tái phát.
  • Ngoài ra, dự phòng đột quỵ còn có phẫu thuật hay thủ thuật can thiệp như phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh, đặt stent động mạch,…
  • Liệu pháp chống tiểu cầu và chống đông.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa đột quỵ

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đột quỵ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tăng cường hoạt động thể lực.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan, tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Đột quỵ 7
Người bệnh đột quỵ cần theo dõi sức khỏe thường xuyên

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế ăn muối;
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất;
  • Tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng của bác sĩ.

Phương pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh đột quỵ hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Chế Độ Dinh Dưỡng Hợp Lý: Ăn uống lành mạnh là chìa khóa để phòng ngừa đột quỵ. Điều này bao gồm:

  • Ăn nhiều rau củ, đậu và ngũ cốc để tăng cường chất xơ.
  • Tiêu thụ thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein, hạn chế thịt đỏ.
  • Tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường, như đồ chiên xào và thức ăn nhanh.
  • Uống nhiều nước lọc và nước ép trái cây tự nhiên.

Tập Thể Dục Thường Xuyên: Tập thể dục 30 phút/ngày, ít nhất 4 lần/tuần để cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ.

Giữ Ấm Cơ Thể: Đặc biệt trong thời tiết lạnh, việc giữ ấm giúp tránh tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ của đột quỵ.

Không Hút Thuốc: Ngừng hút thuốc làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ.

Kiểm Tra Sức Khỏe Định Kỳ: Đi khám định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và can thiệp kịp thời.

Xem thêm: Đột quỵ có chữa được không?

Nguồn tham khảo
  1. MSDManuals: https://www.msdmanuals.com/
  2. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ, Bộ Y Tế
  3. Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí đột quỵ não, Bộ Y Tế

Các bệnh liên quan

  1. Xơ vữa động mạch

  2. Hở van ba lá

  3. Ghép tim

  4. Nhịp tim chậm

  5. Huyết khối tĩnh mạch sâu

  6. Phù bạch huyết

  7. Viêm động mạch thái dương

  8. Rối loạn tuần hoàn não

  9. Hội chứng Raynaud

  10. Thân chung động mạch

Hỏi đáp (0 bình luận)