Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bà bầu có nên massage chân không? Khi nào mẹ bầu không nên massage chân

Ngày 15/10/2022
Kích thước chữ

Trong quá trình mang thai, chị em phụ nữ sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Tình trạng tăng cân làm tăng áp lực khiến chân của mẹ bầu bị mỏi, tê bì và đau nhức thường xuyên. Rất nhiều người đã tìm đến massage để cải thiện các triệu chứng này. Vậy bà bầu có nên massage chân không?

Tuy massage chân mang lại nhiều lợi ích nhưng có một số mẹ bầu được khuyến cáo không thực hiện massage chân. Những trường hợp đó là gì và bà bầu có nên massage chân không? Các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Bà bầu có nên massage chân không?

Hiện nay, massage chân cho bà bầu là thủ thuật rất được yêu thích nhằm giảm các triệu chứng đau nhức trong thai kỳ. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa được bất kỳ cơ quan y tế nào kiểm chứng về độ an toàn. Do đó, những lợi ích của nó vẫn chưa được công nhận. Nhiều cơ sở, trung tâm spa, massage không dám nhận massage cho bà bầu.

Nếu biết massage chân cho bà bầu đúng cách thì phương pháp này vẫn an toàn và có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nếu các mẹ bầu thích massage chân thì hãy hỏi ý kiến của bác sĩ và lựa chọn những trung tâm uy tín, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ cách massage chân cho bà bầu.

Bà bầu có nên massage chân không? Khi nào mẹ bầu không nên massage chân 1 Bà bầu có nên massage chân không?

Khi nào mẹ bầu không nên massage chân?

Bà bầu có nguy cơ tiền sản giật không nên massage xa chân

Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ nghiêm trọng do huyết áp tăng quá cao và các cơ quan khác bị tổn thương, thường là thận. Phụ nữ mang thai có nguy cơ gặp phải biến chứng này trong giai đoạn cuối của thai kỳ.

Khi gặp phải biến chứng này, mẹ bầu sẽ có các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, thay đổi thị lực như mờ mắt, mất thị lực… Ngoài ra, sản phụ cũng có thể bị phù tay chân và tăng cân đột ngột. Trong trường hợp này, bà bầu chỉ được massage khi bác sĩ đồng ý. Nếu không có chỉ định của bác sĩ, các mẹ bầu tuyệt đối không được massage chân.

Bà bầu có huyết khối tĩnh mạch sâu nên tránh massage

Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh liên quan đến tình trạng đông máu ở các tĩnh mạch sâu bên trong cơ thể, thường là những tĩnh mạch nằm sâu bên trong chân. Tình trạng này sẽ khiến chân bà bầu sưng lên kèm theo đau nhức dữ dội.

Nếu mắc chứng bệnh này, việc massage chân có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bà bầu. Nguyên nhân là do massage sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch, khiến cục máu đông tách khỏi thành tĩnh mạch và di chuyển. Khi di chuyển đến phổi, những cục máu đông này có thể ngăn chặn dòng chảy của máu, dẫn đến tắc mạch và đe dọa tính mạng.

Một số bài tập massage cho mẹ bầu an toàn tại nhà

Đôi chân của phụ nữ mang thai thường phù nề và đau nhức. Việc sử dụng phương pháp massage phù hợp có thể giúp cải thiện vấn đề trên.

Massage các ngón chân

Ngón chân là bộ phận chịu nhiều áp lực nặng nề từ cơ thể. Vì vậy bà bầu sẽ thường xuyên bị đau nhức các khớp. Việc xoa bóp các ngón chân sẽ giúp khớp xương giảm sưng và đau mỏi. Do đó, phương pháp mát xa ngón chân nên tiến hành theo trình tự sau:

  • Dùng bàn tay xoa bóp liên tục, đều đặn dọc bàn chân. Tiếp đó là massage nhẹ từng ngón chân.
  • Trong 30 giây, sử dụng ngón tay cái xoa bóp nhẹ nhàng những vị trí nhiều thịt ở sau mỗi ngón chân.
  • Sau đó, dùng ngón tay cái và ngón trỏ túm nhẹ ngón chân út. Phần bàn tay còn lại giúp giữ cố định ở ngón chân cái.
  • Thực hiện thao tác trên với 5 ngón chân rồi đổi sang bàn chân khác.
Bà bầu có nên massage chân không? Khi nào mẹ bầu không nên massage chân 2 Massage ngón chân giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn

Xoa bóp lòng bàn chân

Massage lòng bàn chân có thể giúp đả thông kinh mạch. Vì vậy mẹ bầu sẽ cảm thấy thoải mái và thư giãn. Cách mát xa mọi người có thể tham khảo là:

  • Giữ lòng bàn chân bằng cả hai tay.
  • Ấn phần đầu ngón tay cái từ từ dọc theo chiều dài của lòng bàn chân, từ gót chân cho đến ngón chân.
  • Sau đó, dùng tay ấn nhẹ lên các điểm ở gan bàn chân.
Bà bầu có nên massage chân không? Khi nào mẹ bầu không nên massage chân 3 Massage lòng bàn chân giúp máu lưu thông tốt hơn

Massage vùng mắt cá chân

Phần mắt cá chân chứa khá nhiều huyệt vị. Vì vậy trong quá trình xoa bóp mắt cá chân mẹ bầu phải đặc biệt cẩn thận. Nếu lỡ ấn huyệt sai thì sẽ dẫn đến co thắt cơ trơn hoặc sinh non. Cách nên thực hiện để massage là:

  • Dùng bàn tay xoay tròn liên tục nhiều lần quanh mắt cá.
  • Trải rộng lòng bàn tay và cào nhẹ vào lớp da ở phần trên, dưới mắt cá chân.
  • Sau đó, ấn nhẹ nhàng dọc từ mắt cá tới các ngón chân.
  • Thực hiện mỗi động tác từ 3 – 5 phút.

Xoa bóp gót chân

Tương tự như ngón chân, gót chân cũng phải chịu nhiều áp lực từ trọng lượng của cơ thể. Vì thế nên bộ phận này rất dễ bị tổn thương. Những thao tác xoa bóp gót chân nên thực hiện theo quy trình sau:

  • Dùng hai tay để ôm bàn chân.
  • Tập trung massage vào phần gót bằng cả hai ngón tay cái. Đặc biệt cần xoa bóp chỗ vòng cong và phần thịt đệm ở gần các ngón.
  • Thực hiện thao tác theo vòng tròn nhỏ và ấn nhẹ vào vùng thịt đệm.
  • Massage tương tự tại chỗ cong và phần gót của bàn chân.

Cách xoa bóp toàn chân cho bà bầu

Mát xa toàn bộ chân có khả năng giúp giảm thiểu tình trạng sưng nề. Nhờ đó, mẹ bầu dễ dàng đi lại, di chuyển và thoải mái hơn. Cách massage toàn bộ chân cho bà bầu như sau:

  • Dùng toàn bộ hai tay massage từ khuỷu chân đến bắp đùi.
  • Nắn và xoa bóp nhẹ nhàng bắp chân để dòng máu được lưu thông tốt, giảm phù nề.
  • Cuối cùng, massage dọc từ bắp đùi xuống bắp chân và từ mắt cá đến đầu gối.
Bà bầu có nên massage chân không? Khi nào mẹ bầu không nên massage chân 4 Massage toàn bộ chân của bà bầu để đạt được hiệu quả tốt nhất

Lưu ý khi massage chân cho mẹ bầu tại nhà

Việc massage chân cho bà bầu an toàn sẽ mang đến nhiều lợi ích. Tuy nhiên, việc này cần lưu ý một số điều để tránh ảnh hưởng tới mẹ và con.

  • Không thực hiện massage cho mẹ bầu có tiền sử sinh non, rối loạn đông máu và một số căn bệnh nguy hiểm khác.
  • Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu không nên massage để tránh bị sảy thai.
  • Không nên massage liên tục và quá lâu. Thời gian thực hiện xoa bóp tốt nhất là 4 lần một ngày và không quá 5 phút.
  • Thực hiện các thao tác xoa bóp từ từ, nhẹ nhàng, chậm rãi, tuyệt đối không được dùng lực quá mạnh.
  • Nên massage chân theo chiều từ dưới lên trên.
  • Nếu trong quá trình massage cơ thể có các biểu hiện bất thường hoặc không thoải mái thì phải dừng các hoạt động ngay lập tức.
  • Chú ý massage để không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi.
  • Có thể kết hợp massage chân với các bộ phận khác để mẹ bầu cảm thấy dễ chịu và đỡ mỏi.

Hy vọng bài viết đã giúp mọi người giải đáp thắc mắc bà bầu có nên massage chân không. Trong quá trình thực hiện mọi người cần hết sức cẩn thận để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Chúc mọi người luôn khỏe mạnh và đừng quên theo dõi các bài viết khác của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm kiến thức nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.