Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Massage chân có tác dụng gì với sức khỏe?

Ngày 17/09/2022
Kích thước chữ

Massage chân là phương pháp trị liệu đơn giản mà mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe do lòng bàn chân là vùng mô mềm chứa nhiều mạch máu, bó cơ và huyệt thần kinh. Vậy massage chân có tác dụng gì? Cách massage chân tại nhà hiệu quả là gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Đôi bàn chân là bộ phận quan trọng, giúp ta di chuyển muôn nơi trong cả ngày dài. Hẳn mỗi chúng ta đều có những buổi tối mệt mỏi với đôi chân ê ẩm. Vậy massage chân có tác dụng gì? Không chỉ giúp giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng, phương pháp này còn giúp bạn giảm đau nhức toàn cơ thể và tăng cường lưu thông tuần hoàn máu. Hơn thế, bạn có thể tự thực hiện massage chân tại nhà với chỉ vài động tác đơn giản.

Massage chân có tác dụng gì?

Massage chân là thực hiện các động tác, kỹ thuật thủ công để tác động vào vùng mô mềm của đôi bàn chân giúp thư giãn, giảm cơn đau hay khó chịu sau một ngày dài đi lại. Lòng bàn chân là nơi tập trung nhiều bó cơ, mạch máu và dây thần kinh tạo các điểm huyệt vị liên quan tới toàn bộ cơ thể.

Chính vì vậy, massage chân không chỉ giúp thư giãn đôi bàn chân mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.

Massage chân có tác dụng gì với sức khỏe? 1 Massage chân có tác dụng gì không phải ai cũng biết

Giải tỏa căng thẳng

Để trả lời cho câu hỏi “Massage chân có tác dụng gì?” không thể kể đến tác dụng giải tỏa căng thẳng tuyệt vời sau mỗi ngày làm việc dài. Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân khi được kết hợp việc điều trị đồng thời massage chân thường xuyên sẽ giảm mức độ lo lắng căng thẳng, tăng cường miễn dịch chống lại bệnh tật.

Động tác xoa bóp, massage nhẹ nhàng lòng bàn chân giúp tác động lên huyệt đạo mang lại cảm giác thư thái, nhẹ nhõm. Đồng thời, massage chân tăng cường kích thích hệ thống thần kinh sản xuất endorphin - hợp chất dẫn truyền thần kinh, tạo cảm xúc vui vẻ, tích cực. Vì vậy, với phương pháp xoa bấm chân không chỉ hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng như hồi hộp, lo âu, suy nhược thần kinh

Massage chân có tác dụng gì với sức khỏe? 2 Massage chân giúp xua tan mệt mỏi

Massage chân giúp giảm đau nhức cơ thể

Không chỉ hiệu quả trong việc giải tỏa áp lực căng thẳng, massage chân giúp bàn chân được giãn nở các gân cơ thớ thịt, phục hồi tính linh hoạt và sức khỏe cho cơ bắp. Động tác xoa bóp lòng bàn chân và tác động vào huyệt đạo còn giúp đầu óc thư giãn, làm giảm bớt cơn đau hiệu quả. Đồng thời, massage chân giúp xử lý linh hoạt chấn thương trong quá trình luyện tập thể dục thể thao hay làm việc quá sức gây nên.

Ngoài ra, nhiều huyệt đạo lòng bàn chân kết nối trực tiếp với các đốt sống thắt lưng. Từ đó, massage bấm huyệt sẽ giúp xoa dịu cơn đau lưng hiệu quả.

Một nghiên cứu trên nhóm đối tượng sau phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột thừa cho thấy những người được massage chân giúp họ ít đau, phản ánh qua việc sử dụng ít thuốc giảm đau hơn, từ đó làm giảm tác dụng không mong muốn của thuốc giảm đau lên cơ thể.

Tăng cường lưu thông tuần hoàn

Massage chân giúp tác động vào hệ thống mạch máu dày đặc tại lòng bàn chân, thúc đẩy sự lưu thông tuần hoàn máu về tim. Từ đó, cải thiện quá trình trao đổi chất dinh dưỡng, nuôi mô cơ thể khỏe mạnh. Đồng thời, phương pháp massage chân khiến đôi bàn chân ấm lên làm giãn nở các mạch máu, hạn chế tai biến do xơ vữa động mạch, đặc biệt giảm nguy cơ tai biến mạch máu não ở người lớn tuổi và người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh.

Phương pháp bấm huyệt tập trung tại lòng bàn chân còn có tác dụng thông kinh hoạt lạc, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật, làm chậm quá trình lão hóa và tăng thêm tuổi thọ.

Massage chân làm tăng sự ngon giấc

Sau một ngày làm việc dài, những bộn bề lo toan cuộc sống có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ. Điều đó có thể khiến bạn trở nên thiếu năng lượng, uể oải vào ban ngày. Hãy kiên trì thực hiện một số động tác cơ bản massage chân trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn và mang lại một giấc ngủ sâu. Bạn có thể thực hiện thêm các động tác massage tại những vị trí như cổ, vai, gáy và đầu sẽ kích thích trung khu phản xạ giấc ngủ, giúp não bộ thư giãn và thoải mái hơn. Từ đó, cung cấp năng lượng tràn trề cho một ngày mới bắt đầu.

Massage chân có tác dụng gì với sức khỏe? 3 Massage chân và các vùng cổ, vai, gáy giúp tăng sự ngon giấc

Hướng dẫn cách massage chân tại nhà

Massage chân là một cách đơn giản mà mang lại nhiều lợi ích không ngờ cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Bạn hoàn toàn có thể tự massage chân tại nhà cho bản thân và người thân. Bạn cũng có thể tham gia massage một lần với chuyên viên và tự áp dụng tại gia. Dưới đây là một số bước massage chân cơ bản bạn có thể thực hiện:

Bước 1: Chuẩn bị trước khi thực hiện massage chân:

  • Một không gian yên tĩnh, thư thái.
  • Chậu nước ấm, có thể thêm thảo dược, tinh dầu.
  • Dầu massage chuyên dụng hoặc kem dưỡng da.
  • Rửa sạch và thấm khô hai bàn tay.

Bước 2: Ngâm chân trong nước ấm (nhiệt độ tối ưu là 38 độ C) khoảng 10 tới 15 phút trước khi thực hiện massage giúp bàn chân được thả lỏng, các thớ cơ được giãn ra và lỗ chân lông mở rộng. Bạn có thể dùng thêm hương liệu dịu nhẹ, tinh dầu thơm vào nước ngâm chân tùy sở thích.

Massage chân có tác dụng gì với sức khỏe? 4 Ngâm chân giúp massage chân hiệu quả hơn

Bước 3: Ngồi trên ghế hoặc giường, đặt một bàn chân của bạn (giả dụ là chân trái) lên đùi chân bên kia (chân phải). Đổ dầu massage hoặc kem dưỡng da với một lượng vừa đủ ra tay và xoa đều.

Bước 4: Giữ mặt trước mắt cá chân trái bằng một tay. Sử dụng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay còn lại giữ vùng da mặt sau của mắt cá chân trái, kéo nhẹ nhàng về phía gót chân trái với độ căng vừa phải. Động tác này sẽ giúp gân Achilles được thư giãn.

Bước 5: Dùng ngón tay cái di chuyển thành vòng tròn đồng tâm từ gót chân trái di chuyển lên gốc của mỗi ngón chân. Hoặc bạn có thể ấn các đốt ngón tay từ gót chân trái đi lên gốc các ngón chân.

Bước 6: Xoay nhẹ từng ngón chân sang hai bên. Sau đó, thực hiện lại chu trình massage với chân còn lại.

Nếu trong quá trình massage bạn thấy đau, hãy thực hiện các động tác nhẹ nhàng hơn. Trong trường hợp đau nhói hay âm ỉ không dứt sau massage, bạn không nên tự thực hiện massage chân. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các công cụ massage chuyên dụng như bàn lăn chân hay các thiết bị massage chân điện tử.

Ngoài ra, bạn có thể thực hiện thêm các động tác massage bàn tay, vai - cổ - gáy, lưng… giúp thư giãn toàn thân, tăng cường lưu thông máu toàn cơ thể, giúp tăng hiệu quả mang lại của phương pháp massage.

Trên đây là bài viết của nhà thuốc Long Châu về câu hỏi “Massage chân có tác dụng gì với sức khỏe”. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Phương pháp trị liệu bằng massage chân tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả không ngờ cho sức khỏe. Massage chân sẽ giúp bạn giải tỏa mọi căng thẳng, mệt dọc sau một ngày làm việc dài. Hơn thế, phương pháp này giúp bạn giảm đau nhức cũng như tăng lưu thông tuần hoàn máu cho toàn cơ thể. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng dụng cụ massage bàn chân Duy Thành để hỗ trợ massage lòng bàn chân hiệu quả, cải thiện tuần hoàn máu, thư giãn, tăng cường sức khoẻ,...

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin