Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Cuồng chân là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh

Ngày 07/01/2025
Kích thước chữ

Hội chứng cuồng chân là một tình trạng phổ biến, gây ra cảm giác khó chịu ở chân, khiến người bệnh cảm thấy cần phải cử động liên tục để giảm bớt sự khó chịu này. Những người mắc hội chứng này thường xuyên cử động hoặc di chuyển chân, đặc biệt khi đang ngồi hoặc nằm. Cùng tìm hiểu cuồng chân là gì trong bài viết sau.

Cuồng chân là gì? Hội chứng chân không yên (cuồng chân) khiến người bệnh phải chịu đựng cảm giác đau nhức, tê mỏi vô cùng khó chịu. Mặc dù không đe dọa tính mạng nhưng bệnh gây tác động tiêu cực đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là khó duy trì giấc ngủ sâu, khó giữ yên tư thế và thường xuyên rơi vào trạng thái thiếu ngủ.

Cuồng chân là gì?

Không phải ai cũng biết cuồng chân là gì? Cuồng chân hay hội chứng chân không yên (bệnh Willis-Ekbom) là một rối loạn thần kinh, khiến người bệnh cảm thấy cơn xung động không kiểm soát tại chân, đặc biệt là khi ngồi hoặc nằm. Tình trạng này tạo ra cảm giác khó chịu, khiến bệnh nhân có nhu cầu phải đứng lên và di chuyển. Tuy nhiên, việc di chuyển chỉ giúp giảm tạm thời sự khó chịu và không thể duy trì lâu dài.

Cuồng chân là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh 1
Cuồng chân là gì? Cuồng chân hay hội chứng chân không yên

Mặc dù chủ yếu xảy ra ở chân, hội chứng này cũng có thể ảnh hưởng đến tay nhưng rất hiếm. Thống kê cho thấy khoảng 10% dân số trên thế giới gặp phải hội chứng này vào một thời điểm nào đó trong đời và thường xuất hiện ở phụ nữ trung niên hoặc người cao tuổi. Triệu chứng của bệnh có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh lớn tuổi.

Cuồng chân thường xuất hiện vào ban đêm hoặc khi ngồi lâu, thậm chí có thể xảy ra khi đang ngủ, gây gián đoạn giấc ngủ. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu ngủ và ảnh hưởng đến khả năng đi lại của bệnh nhân. Theo thống kê, ít nhất 80% người mắc hội chứng chân không yên cũng gặp phải một tình trạng gọi là “cử động chân theo chu kỳ trong khi ngủ” (PLMS), khiến chân co giật khi ngủ, xảy ra từ 15 đến 40 giây một lần và có thể kéo dài suốt đêm. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu ngủ.

Mặc dù phần lớn bệnh nhân chỉ gặp phải triệu chứng nhẹ và ngắn hạn nhưng có những trường hợp bệnh tiến triển nghiêm trọng, gây rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý như lo âu và trầm cảm. Đặc biệt, nếu hội chứng lan rộng sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như cánh tay, tình trạng này có thể trở nên nặng nề và kéo dài, gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân dẫn tới hội chứng cuồng chân

Cuồng chân là gì đã được giải đáp, vậy nguyên nhân gây ra do đâu? Hội chứng chân không nghỉ vẫn chưa có nguyên nhân chính xác nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ có thể gây ra bệnh lý này. Các yếu tố này bao gồm:

Di truyền

Có mối quan hệ về hội chứng chân không nghỉ và yếu tố di truyền. Khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh có ít nhất một người trong gia đình từng bị bệnh này. Một trong các nhiễm sắc thể đã được xác định là có liên quan đến hội chứng Willis-Ekbom.

Cuồng chân là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh 2
Có mối quan hệ về hội chứng chân không nghỉ và yếu tố di truyền

Phụ nữ mang thai

Những thay đổi hormone trong cơ thể phụ nữ mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chân không nghỉ và làm triệu chứng nặng hơn nếu bệnh đã tồn tại từ trước. Thông thường, bệnh sẽ xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ và thường biến mất sau khoảng 1 tháng sau khi sinh.

Tinh thần và chế độ ăn uống: Căng thẳng và stress kéo dài có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Chế độ ăn uống không hợp lý và môi trường sống cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của hội chứng chân không nghỉ ở một số người.

Bệnh thần kinh ngoại vi

Tổn thương thần kinh ngoại vi do các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường hay nghiện rượu có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và làm giảm khả năng kiểm soát cử động cơ. Điều này là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chân không yên.

Cuồng chân là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh 3
Tổn thương thần kinh ngoại vi do các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Thiếu hụt sắt

Những người có tiền sử chảy máu dạ dày, thiếu máu thiếu sắt hay có tình trạng ra nhiều kinh nguyệt có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Triệu chứng của hội chứng cuồng chân

Hội chứng chân không yên gây ra cảm giác rất khó chịu ở chân và thôi thúc người bệnh phải di chuyển chân để giảm bớt cảm giác này. Các đặc điểm nhận biết của hội chứng này bao gồm:

  • Cảm giác muốn cử động: Cảm giác khó chịu ở chân thường giảm khi người bệnh cử động hoặc thay đổi tư thế. Những hành động như lắc nhẹ chân, đi bộ hoặc tập luyện có thể giúp làm dịu triệu chứng.
  • Khởi phát khi không hoạt động: Triệu chứng dễ xuất hiện sau khi người bệnh ngồi hoặc nằm lâu, như khi nằm ngủ, ngồi trong xe ô tô, xem phim hay ngồi máy bay.
  • Cảm giác nặng hơn vào buổi tối: Hội chứng chân không yên thường trở nên rõ rệt và nặng hơn vào buổi tối, đặc biệt khi người bệnh chuẩn bị đi ngủ.
  • Gây khó chịu suốt đêm: Hội chứng này có thể gây ra các cử động chân (rung giật cơ) trong khi ngủ, khiến người bệnh tỉnh giấc hoặc làm gián đoạn giấc ngủ của người nằm chung.
  • Tiến triển nặng dần theo thời gian: Ban đầu, triệu chứng có thể chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và không gây ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, khi bệnh nặng dần, triệu chứng sẽ xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ mạnh, gây khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như mất ngủ mãn tính và giảm chất lượng cuộc sống.
Cuồng chân là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh 4
Hội chứng chân không yên thường trở nên rõ rệt và nặng hơn vào buổi tối

Chẩn đoán và điều trị hội chứng cuồng chân như thế nào?

Chẩn đoán và điều trị hội chứng chân không yên thường dựa vào việc thăm khám lâm sàng và mô tả chi tiết các triệu chứng từ người bệnh. Các xét nghiệm máu và phương pháp chẩn đoán bổ sung có thể được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân khác. Trong trường hợp bệnh tiến triển nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần nhập viện để bác sĩ theo dõi tình trạng giấc ngủ và các triệu chứng trong một thời gian dài, từ đó đưa ra hướng điều trị hiệu quả.

Mục tiêu điều trị hội chứng chân không yên là giảm bớt các triệu chứng, giúp người bệnh có giấc ngủ ngon và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc và các biện pháp điều trị tại nhà. Hiện nay thường áp dụng phối hợp cả hai phương pháp này để đạt hiệu quả tối ưu.

Cuồng chân là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh 5
Trong trường hợp nặng, bệnh nhân cần nhập viện để bác sĩ theo dõi tình trạng diễn tiến bệnh

Hội chứng cuồng chân tuy không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là giấc ngủ và trạng thái tinh thần của người bệnh. Việc hiểu rõ cuồng chân là gì giúp người bệnh nhận biết sớm các triệu chứng và tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin