Phẫu thuật sẽ là một trải nghiệm khó chịu, đau đớn của bệnh nhân nếu không có bác sĩ gây mê. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật trong ngành y tế, bác sĩ gây mê không chỉ làm việc trong phòng mổ, họ còn đóng vai trò quan trọng trong chương trình giảm đau cho bệnh nhân sau phẫu thuật và ngoài phẫu thuật.
Tìm hiểu chung về bác sĩ gây mê
Bác sĩ đa khoa sau 6 năm đào tạo sau đó học thêm chuyên khoa gây mê hồi sức thì có thể đảm nhiệm vị trí bác sĩ gây mê. Có thể nói, gây mê là một ngành khó, yêu cầu bác sĩ phải nắm rõ các kiến thức về sinh lý, dược lý, nội khoa,... Vì vậy, để trở thành bác sĩ gây mê, bác sĩ đa khoa cần học thêm và thực hành lâm sàng tại bệnh viện ít nhất là 3 năm.
Chuyên ngành gây mê là một chuyên ngành của y học thực hành mà ở đó, người bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm riêng cho việc giảm đau và chăm sóc bệnh nhân trước, trong cũng như sau phẫu thuật.
Bác sĩ gây mê chăm sóc bệnh nhân trước phẫu thuật
Vì gây mê trong phẫu thuật sẽ ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của bệnh nhân nên bác sĩ gây mê cần hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe và bệnh cảnh của bệnh nhân. Do đó trước phẫu thuật, bác sĩ gây mê luôn cần khám tiền gây mê cho người bệnh.
Trong buổi khám tiền mê này, bác sĩ sẽ thăm hỏi bệnh nhân chi tiết về:
-
Các ca phẫu thuật đã từng thực hiện trước đó (nếu có).
-
Thuốc và các loại thực phẩm chức năng bệnh nhân đang sử dụng và cân nhắc ảnh hưởng của chúng đến quá trình phẫu thuật.
-
Tình trạng dị ứng của bệnh nhân.
-
Các bệnh lý mãn tính của bệnh nhân như cao huyết áp, tiểu đường,...
Đồng thời bác sĩ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thiết để kết hợp với kết quả thăm sáng lâm sàng kể trên đưa ra một kế hoạch gây mê phù hợp cho ca mổ sắp tới.
Sau khi kết thúc buổi thăm khám tiền mê, bác sĩ sẽ chỉ dẫn bệnh nhân những lưu ý cần thực hiện trước khi mổ, chẳng hạn như cần nhịn ăn uống hay nhịn uống nước bao lâu, cách tập thở ra sao,... Trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu lo lắng quá mức trước mổ, bác sĩ gây mê cũng có thể chỉ định một số loại thuốc an thần phù hợp.
Trong ca phẫu thuật, công việc của bác sĩ gây mê là gì?
Trong các ca mổ, kíp gây mê (bao gồm bác sĩ gây mê và điều dưỡng) là những người có mặt sớm nhất, để làm công tác chuẩn bị cho ca mổ. Bác sĩ có thể chuẩn bị cho công việc gây mê phù hợp, phụ thuộc vào tính chất ca mổ và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, cụ thể bao gồm:
- Gây mê toàn thân: Phương pháp này sẽ đưa bệnh nhân vào giấc ngủ và bệnh nhân sẽ không có cảm giác gì trong suốt ca phẫu thuật, thường được chỉ định trong các ca mổ lớn như phẫu thuật thay gối hoặc phẫu thuật tim.
- Thuốc an thần: Thuốc sẽ giúp bệnh nhân thư giãn trước và trong khi phẫu thuật, có thể gây buồn ngủ nhẹ, mơ màng cho đến giấc ngủ thật. Với phương pháp này, bệnh nhân không hoàn toàn bất tỉnh nhưng cũng sẽ không nhớ rõ những gì diễn ra trong ca mổ.
- Gây tê cục bộ (theo vùng): Bác sĩ gây mê sẽ sử dụng thuốc để gây tê giảm đau tại vùng cần tiến hành phẫu thuật, chẳng hạn cánh tay hay cẳng chân.
- Gây tê tại chỗ: Bác sĩ sẽ tiến hành gây mê bằng thuốc tiêm, gel hoặc kem tác động trực tiếp trên một khu vực nhỏ, nơi tiến hành phẫu thuật. Với các thủ thuật gây tê, bệnh nhân sẽ hoàn toàn tỉnh táo nhưng không có cảm giác đau đớn do phẫu thuật đem lại.
Bác sĩ và ekip gây mê là một phần không thể thiếu trong các ca phẫu thuật
Sau khi tiến hành gây mê và hoàn thành giai đoạn khởi mê, đưa bệnh nhân vào trạng thái giảm đau an toàn, kíp gây mê sẽ lùi lại và theo dõi các chỉ số chức năng quan trọng về tim mạch và hô hấp qua máy theo dõi đầu giường bệnh của bệnh nhân. Trường hợp khẩn cấp có sự cố xảy ra, kíp gây mê sẽ hỗ trợ bác sĩ phẫu thuật chính hồi sức cấp cứu ngay cho bệnh nhân.
Vai trò của bác sĩ gây mê sau khi kết thúc phẫu thuật
Trong một số quan niệm sai lầm, vai trò của bác sĩ gây mê chỉ gói gọn trong phòng phẫu thuật. Nhưng thực tế, hậu phẫu khi bệnh nhân đã chuyển vào phòng hồi sức, bác sĩ gây mê đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc hồi sức, kiểm soát đau cho bệnh nhân. Bệnh nhân được kiểm soát đau và chăm sóc hồi sức tốt sẽ đẩy nhanh tiến độ hồi phục, quay trở lại công việc và sinh hoạt hằng ngày tốt hơn.
Bác sĩ gây mê cần quan sát và theo dõi bệnh nhân tránh nguy cơ gặp phải tác dụng phụ sau mổ
Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nhân sau phẫu thuật có gây mê toàn thân có thể gặp phải những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa, bí tiểu,... Lúc này, bác sĩ cần phát hiện sớm và có cách xử trí khắc phục kịp thời.
Hiện nay, khoa gây mê hồi sức ở các bệnh viện uy tín đều được trang bị nhiều máy móc thiết bị như máy gây mê, các dụng gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng,... nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh trong các ca phẫu thuật lớn, nhỏ. Đồng thời, cũng hỗ trợ hiệu quả cho công tác làm việc của bác sĩ gây mê, giúp nâng cao tỷ lệ thành công của các ca đại phẫu với thời gian phẫu thuật kéo dài và có tính phức tạp cao.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về vai trò của bác sĩ gây mê và hoạt động của khoa gây mê hồi sức trước, trong và sau phẫu thuật. Hy vọng sẽ giúp bạn phần nào đỡ bỡ ngỡ và hợp tác tốt hơn với các bác sĩ nhé!
Quỳnh Vi
Nguồn tham khảo: Tổng hợp