Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh chấy rận: Nguyên nhân, dấu hiệu và phòng ngừa hiệu quả

Ngày 15/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiều người vẫn nghe nhắc đến cháy rận mà không biết bệnh chấy rận là gì, có những loại nào. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh chấy rận cũng như làm sao để phòng ngừa lẫn điều trị bệnh hiệu quả.

Bệnh chấy rận do ký sinh trùng trên da gây ra, bao gồm 3 loại là chấy, rận và rận mu. Tuy không gây nguy hiểm nhưng bệnh chấy rận rất dễ lây truyền, đồng thời gây cảm giác vô cùng khó chịu cho bệnh nhân. Hiệu rõ về bệnh chấy rận sẽ giúp chúng ta có cách phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Bệnh chấy rận là gì?

Trước khi tìm hiểu bệnh chấy rận là gì, bạn cần nắm được thông tin về loài chấy, rận.

Chấy hay rận là loài côn trùng rất nhỏ, sống ký sinh trên da chúng ta và hút máu người để tồn tại. Tuy không nguy hiểm nhưng chấy rận rất dễ lây truyền qua quần áo hoặc cơ thể khi chúng ta tiếp xúc gần với nhau.

Bệnh chấy rận: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả 1
Bệnh chấy rận là gì là nỗi lo lắng của nhiều người

Chấy rận có ba loại như:

  • Chấy: Sống ký sinh trên da đầu và hút máu người.
  • Rận: Sống chủ yếu trên quần áo, giường, nhưng nơi môi trường sống chật chội hay bị ô nhiễm. Loài rận thường di chuyển lên da người, nhất là ở những người ít tắm giặt để hút máu.
  • Rận mu: Sống chủ yếu trên da và lông ở vùng mu, đôi khi có cả ở những vùng như lông ngực, lông mày, lông mi. Loại côn trùng ký sinh này chủ yếu lây truyền qua đường tình dục.

Khi tồn tại trên cơ thể người, chấy rận sẽ gây ra các bệnh nhiễm trùngviêm da, điển hình như đỏ da, ngứa, sưng,...

Nguyên nhân gây bệnh chấy rận

Như đã đề cập bên trên, loài chấy rận sẽ hút máu người để tồn tại. Chúng ta có thể tìm thấy chúng trên đầu, cơ thể và vùng mu. Thông thường, rận cái sẽ tạo ra một chất dính để gắn chặt từng quả trứng vào gốc sợi lông và tóc, sau đó khoảng 6 - 9 ngày thì trứng sẽ nở.

Ai cũng có thể bị chấy rận nếu trước đó có tiếp xúc với chấy hoặc trứng chấy. Tùy thuộc đặc tính của từng loài khác nhau mà nguyên nhân gây bệnh chấy rận cũng khác nhau:

Chấy da đầu

Chấy da đầu là loài không cánh, kích cỡ khoảng khoảng từ 1,5 - 3 cm, có màu da hoặc xám và hoàn toàn có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Đặc điểm của chấy da đầu là miệng chúng có sáu đôi móc để giúp bám chắc vào tóc. Ngoài ra cháy da đầu còn có một mũi nhọn dùng để chích và hút máu trên đầu người.

Bệnh chấy rận: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả 2
Trẻ em thường dễ bị bệnh chấy rận

Thông thường, khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp với tóc của người bị nhiễm bệnh chấy da đầu thì rất dễ lây lan. Đó là lý do vì sao trẻ em đi học, sinh hoạt chung với nhau thường bị cháy da đầu.

Rận cơ thể

Rận cơ thể sinh sôi nảy nở trong điều kiện môi trường sống mất vệ sinh. Rận cơ thể có hình thái giống chấy da đầu và cũng có thể quan sát thấy bằng mắt thường. Màu bên ngoài của rận cơ thể từ nâu đến trắng xám, gồm có sáu chân, kích thước chúng bằng hạt vừng.

Những người sống trong điều kiện đông đúc, vệ sinh kém hoặc không tắm rửa và thay quần áo sạch thường xuyên rất dễ lây nhiễm rận cơ thể. Do đó, những người sống trong môi trường tập thể (quân đội, trường nội trú,...), người vô gia cư, tị nạn khả năng bị rận cơ thể rất cao.

Ngoài ra, rận cũng có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng như quần áo, giường, ga giường, khăn tắm đã được người bị nhiễm rận dùng qua.

Rận mu

Rận mu có cơ thể hình bầu dục, màu xám, dài tầm 2mm. Đặc điểm hình thái của chúng là đầu nhỏ hơn thân, gồm sáu chân có móng vuốt giúp chúng có thể ngoạm chắc trên lông người.

Rận mu chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, phổ biến nhất ở người trưởng thành. Chúng cũng có thể lây lan nếu chúng ta dùng chung đồ vật với người bị nhiễm khuẩn (như quần áo, khăn trải giường và khăn tắm). Ngoài ra, rận mu cũng có thể được tìm thấy trên đầu, lông mi trẻ em do tiếp xúc gần gũi với cha mẹ, hoặc sự xuất hiện của rận mu trên trẻ em cũng có thể là dấu hiệu của việc bị lạm dụng tình dục.

Bệnh chấy rận: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả 3
Rận mu thường trú trong quần áo, chăn mền

Triệu chứng bệnh chấy rận

Chúng ta có thể phát hiện bệnh chấy rận qua các triệu chứng cụ thể như sau:

Triệu chứng chấy da đầu

  • Quan sát thấy có trứng chấy bám chặt gần chân tóc, tóc sau tai, gáy.
  • Cảm giác ngứa da đầu dữ dội, hoặc nhột nhẹ (do chấy bò trên da đầu).
  • Cảm giác có ký sinh trùng thường xuyên di chuyển trên da đầu.
  • Đau.
  • Xuất hiện vết loét trên da đầu, cổ và vai (do chấy cắn hoặc do ngứa gãi gây ra).

Triệu chứng rận cơ thể

  • Quan sát thấy có trứng rận hoặc rận bò trên quần áo, các vật dụng cá nhân.
  • Cảm giác có ký sinh trùng di chuyển trên da, lông,…
  • Ngứa dữ dội, nhột nhạt, thậm chí đau.
  • Có vết loét trên da do gãi, hoặc vết cắn nhỏ trên da do rận cơ thể gây ra.

Triệu chứng rận mu

  • Quan sát thấy trứng rận và rận mu tập trung vùng lông mu, hoặc có thể ở những nơi khác trên cơ thể như lông mày, lông mi, râu, ria mép, nách, vùng quanh hậu môn, bẹn, thân, da đầu,... (ít phổ biến hơn vùng mu).
  • Cảm giác có ký sinh trùng di chuyển thường xuyên tại những bộ phận trên.
  • Ngứa dữ dội. nhột nhẹ, hoặc cũng có thể đau.
  • Có vết loét trên da do gãi hoặc có những vết cắn nhỏ trên da, nhất là quanh eo, háng, đùi trên và vùng mu.
  • Xuất hiện đốm phân màu đen trong đồ lót.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Bệnh chấy rận tuy không nguy hiểm tính mạng song bạn cần phát hiện và đi khám ngay khi có các biểu hiện sau đây để xử lý dứt điểm cảm giác khó chịu:

  • Đã dùng các sản phẩm không kê đơn, song, không thể điều trị khỏi.
  • Thai phụ có dấu hiệu bệnh rận mu.
  • Triệu chứng bị nhiễm trùng như đỏ, rát vùng da tổn thương, xuất hiện sốt cao (trên 38,5 độ C).
  • Cảm giác ngứa kéo dài.
  • Xuất hiện đỏ và xuất huyết vùng mắt.
Bệnh chấy rận: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả 4
Nên đến gặp bác sĩ khi bệnh nhân cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu liên tục

Điều trị bệnh chấy rận

Đối với chấy da đầu

Cách điều trị chấy da đầu tối ưu nhất là dùng thuốc diệt trứng chấy, gội dầu gội đặc trị chấy kết hợp với các biện pháp sau:

  • Cắt ngắn tóc.
  • Tìm ra người lây chấy, không tiếp xúc trực tiếp hay dùng chung đồ với người đó đến khi cả 2 đều khỏi bệnh.
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, những vật dụng cá nhân của người bị nhiễm cần phải được giặt sạch và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

Điều trị rận

  • Cải thiện vệ sinh cá nhân của người bị nhiễm là cách điều trị rận hiệu quả nhất, đảm bảo thay quần áo sạch thường xuyên.
  • Các vật dụng cá nhân, khăn tắm, khăn trải giường của người bị nhiễm khuẩn cần phải được giặt bằng nước nóng (tối thiểu là 60 độ C), sau đó sấy khô và bọc kín trong túi nhựa trong 2 tuần.
Bệnh chấy rận: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả 5
Tắm rửa vệ sinh cẩn thận khi bệnh chấy rận

Điều trị rận mu

Để điều trị rận mu, bệnh nhân cần sử dụng các sản phẩm không kê đơn như thuốc bôi 1% permethrin (Nix) hoặc pyrethrin, rửa sạch sau 10 phút. Trường hợp đã dùng thuốc mà không hiệu quả, bạn cần gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định dùng Malathion, Ivermectin (Stromectol), Lindane.

Bên cạnh dùng thuốc, bệnh nhân cũng cần kết hợp thay đổi lối sống để quá trình điều trị hiệu quả hơn. Cụ thể:

  • Vệ sinh sạch sẽ vùng đang nhiễm khuẩn.
  • Lấy kẹp gắp rận, trứng có thể lấy được ra ngoài để loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân.
  • Mặc và thay đồ lót, quần áo sạch sẽ, khô ráo.
  • Giặt và sấy khô vật dụng cá nhân đúng cách.
  • Tránh quan hệ tình dục đến khi khỏi hẳn bệnh.

Một số lưu ý phòng ngừa chấy rận

Một số lưu ý sau đây có thể giúp phòng ngừa bệnh chấy rận:

  • Tuyệt đối kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị rận mu.
  • Các vật dụng cá nhân phải được vệ sinh sạch sẽ, bao gồm quần áo, khăn, chăn, màn. Bạn nên giặt chúng ở nhiệt độ nước khoảng 60 độ C, sau đó sấy khô.
  • Đi khám và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh lây các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Vệ sinh thường xuyên nơi có chứa nguồn bệnh chính là cách tốt nhất để phòng ngừa lây nhiễm chấy rận.
  • Người đang bị chấy rận cần tránh xa các nơi đông người và sinh hoạt chung cho tới khi hết bệnh để không lây nhiễm cho người khác.
  • Không chia sẻ đồ dùng cá nhân cho người khác.
  • Thai phụ dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ, nhất là khi sử dụng các loại thuốc, dầu gội để điều trị chấy rận. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu lạ cần đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn điều trị kịp thời.
Bệnh chấy rận: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả 6
Không quan hệ tình dục khi đang điều trị rận mu

Trên đây là những thông tin cần biết về bệnh chấy rận là gì, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả. Mặc dù không phải là bệnh nguy hiểm tính mạng song một khi bị chấy rận bạn sẽ vô cùng khó chịu, nên đi khám sớm để giải quyết bệnh nhanh chóng và hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm