Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh đau mắt hột là gì? Cách chăm sóc và điều trị bệnh mắt hột hiệu quả

Ngày 24/03/2022
Kích thước chữ

Khái niệm bệnh đau mắt hột là gì, các triệu chứng của bệnh, phương pháp điều trị và nhiều thông tin hữu ích khác sẽ được tiết lộ qua bài viết sau đây.

Bệnh đau mắt hột tuy là thuật ngữ nghe có vẻ xa lạ nhưng lại có không ít người mắc phải, thậm chí đã từng có thời gian trở thành dịch tại Việt Nam. Để tìm hiểu thêm những thông tin chi tiết liên quan đến căn bệnh này, mời bạn đọc hãy theo dõi bài viết sau.

benh-mat-hot-1 Bệnh mắt hột là gì? Do nguyên nhân nào gây nên?

Bệnh đau mắt hột là gì?

Bệnh đau mắt hột là tình trạng viêm kết mạc và giác mạc mạn tính, do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây ra. Bệnh dễ lây lan trong môi trường kém vệ sinh, điều kiện y tế thiếu thốn, khu vực nhà cửa đông đúc, ẩm thấp,.... Phương thức lây truyền chủ yếu liên quan đến ruồi nhặng, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm, dùng chung đồ cá nhân, tay bẩn,... Đối tượng dễ mắc bệnh thường là trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt khoảng từ 4 – 6 tuổi và phụ nữ trên 35 tuổi.

Các triệu chứng đặc trưng của bệnh bao gồm:

  • Phản ứng kích thích: Mắt sưng, ngứa, nhạy cảm với ánh sáng.
  • Thẩm lậu: Vi khuẩn tấn công mắt gây nên tình trạng viêm mạn tính, còn được gọi là thẩm lậu. Mắt lúc này sẽ có biểu hiện chảy dịch đục nhiều, mất độ bóng, kết mạc dày và đỏ.
  • Nổi hột: Đây là hệ quả của phản ứng miễn dịch của cơ thể với tác nhân gây bệnh. Trong thời gian đầu của bệnh, hột sẽ dạng như chấm trắng tròn hoặc màu hồng trong. Về sau, hột phát triển lớn và có màu trắng xám. Vị trí nổi thường ở sụn mi trên, rìa giác mạc, cạnh nhánh mạch máu.
  • Sẹo kết mạc: Các hột lớn bị vỡ ra tạo thành sẹo kết mạc, có dạng như các dải trắng hình sao. Một số trường hợp bị sẹo nặng có thể khiến bờ mi lộn vào trong, gây nên tình trạng lông quặm, lông xiêu chọc vào mắt, có thể gây loét, thủng giác mạc,...Ngoài ra, cho dù khỏi bệnh sẹo cũng có thể phát triển và xâm lấn vào giác mạc, tạo thành màng mờ hoặc sẹo đục. Đây cũng là nguyên nhân khiến người bệnh có nguy cơ bị giảm thị lực hoặc mù vĩnh viễn.
  • Nhú gai: Các mạch máu giãn nở, mao mạch phình lớn liên quan đến tình trạng viêm sinh ra các nhú gai. Chúng là những khối u nhú hình đa giác, màu hồng, có một trục mạch máu ở giữa và tỏa ra các mao mạch xung quanh.
benh-mat-hot-2 Nếu tiến triển nặng người mắc bệnh có thể bị mù vĩnh viễn

Phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị đau mắt hột

Nguyên nhân gây bệnh từ vi khuẩn Chlamydia Trachomatis chỉ có một vật chủ là con người. Thế nhưng, nếu trong điều kiện thuận lợi căn bệnh này vẫn có thể lây lan mạnh. Người đã từng mắc bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm và có nguy cơ bị mù lòa. Để phòng tránh trường hợp xấu nhất, bạn nên tham khảo một số lời khuyên như sau:

Tuân thủ phác đồ điều trị

Bệnh nhân sẽ được chỉ định một số loại kháng sinh để điều trị. Các loại thuốc được dùng phổ biến hiện nay gồm một số loại như:

  • Mỡ Tetracyclin 1%: Sử dụng 2 lần/ngày liên tục trong 6 tuần. Hoặc dùng cách ngày, tra 1 lần/tối trước khi ngủ, dùng trong 10 ngày/tháng và liên tục 6 tháng liền. 
  • Azithromycin: Chỉ uống một liều/năm, trong vòng hai năm và có tác dụng nhanh. Tuy nhiên, loại thuốc này không thể sử dụng cho phụ nữ có thai hay đang cho con bú, trẻ em dưới 8 kg hoặc chưa đầy 1 tuổi. Liều lượng thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định riêng cho mỗi người bệnh.

Trong suốt quá trình điều trị đau mắt hột , bạn cần tuân thủ đúng theo đơn thuốc được chỉ định để đảm bảo hiệu quả, không nên tự ý ngưng thuốc, thêm thuốc hay sử dụng đơn thuốc của người khác. 

Phẫu thuật

Chỉ định phẫu thuật sẽ được áp dụng cho những bệnh nhân xuất hiện lông xiêu, lông quặm, giúp điều trị triệt để tình trạng bệnh và phòng ngừa các biến chứng viêm nội nhãn, thủng/loét giác mạc, mù lòa,...

Giữ vệ sinh cá nhân

Yếu tố vệ sinh vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa lây nhiễm, tái nhiễm và hạn chế sự tiến triển nặng của bệnh. Để tránh khỏi những nguy cơ này, bạn chỉ cần lưu ý một vài điểm như sau:

  • Rửa mặt mỗi ngày 3 lần để loại bỏ bụi bẩn và dịch tiết ở mắt.
  • Thường xuyên rửa tay với dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng.
  • Đồ dùng cá nhân của người bệnh cần được dùng riêng và làm vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày, không giặt chung với vật dụng của những người khác.
  • Không dùng tay, khăn bẩn,... dụi mắt hay lau mặt.
  • Đảm bảo nước sinh hoạt luôn sạch sẽ.

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ

Các loại vitamin và khoáng chất có vai trò rất quan trọng trong việc giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể được nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Vì vậy, thực đơn mỗi ngày cần chú trọng vào các loại rau củ và trái cây, tuyệt đối tránh xa các chất kích thích cùng những món ăn nhiều dầu mỡ, nghèo giá trị dinh dưỡng (mì gói, thịt cá đóng hộp, thức ăn nhanh,...).

benh-mat-hot-3 Bệnh nhân đau mắt hột cần lưu ý đặc biệt với yếu tố vệ sinh

Nếu nhận thấy mắt có những triệu chứng bất thường, đặc biệt là những dấu hiệu liên quan đến bệnh đau mắt hột (như đã nói trên). Bạn không nên chần chừ mà hãy đi thăm khám ngay trong thời gian sớm nhất để được can thiệp và chữa trị kịp thời, nhằm phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Hằng Lê

Nguồn: Bộ Y Tế - Cục Y Tế Dự Phòng

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm