1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ em bị cận thị có chữa được không? Cách kiểm soát cận thị ở trẻ

Thanh Hương

14/07/2025
Kích thước chữ

Trẻ bị cận sớm có thể ảnh hưởng thị lực suốt đời nếu không can thiệp đúng cách. Liệu trẻ em bị cận thị có chữa được không? Bài viết này sẽ giúp bạn tìm thấy câu trả lời và biết cách can thiệp hiệu quả.

Cận thị ở trẻ em đang ngày càng phổ biến và không hiếm trường hợp trẻ phải đeo kính cận từ lớp 1 thậm chí sớm hơn. Liệu trẻ em bị cận thị có chữa được không hay trẻ phải chung sống suốt đời với tật khúc xạ này? Bài viết này sẽ giúp bạn có câu trả lời chính xác và biết nên làm gì để cải thiện thị lực, kiểm soát cận thị ở trẻ.

Trẻ em bị cận thị có chữa được không?

Cận thị ở trẻ em là do sự thay đổi về cấu trúc nhãn cầu, thường là trục nhãn cầu dài hơn bình thường, khiến hình ảnh không hội tụ đúng trên võng mạc. Với thắc mắc trẻ em bị cận thị có chữa được không, câu trả lời từ góc độ y học là không thể.

Nhiều phụ huynh hiện nay vẫn có hiểu lầm khá phổ biến rằng "uống thuốc bổ mắt sẽ hết cận", "đeo kính làm tăng độ nhanh hơn", hay "trẻ lớn lên sẽ tự hết cận". Những quan điểm sai lầm này có thể khiến trẻ bỏ lỡ bỏ lỡ giai đoạn tối ưu để can thiệp kiểm soát cận thị.

Tình trạng cận thị không thể chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc, mẹo dân gian hay bất kỳ biện pháp nào. Nhưng tin vui là vẫn có cách để kiểm soát và làm chậm quá trình tiến triển của mắt cận thị nếu can thiệp đúng cách và kịp thời.

Trẻ em bị cận thị có chữa được không? Cách kiểm soát cận thị ở trẻ 1
Trẻ em bị cận thị có chữa được không là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ

Các phương pháp can thiệp phù hợp cho trẻ cận thị

Hiện nay, có nhiều hướng can thiệp đã được chứng minh giúp làm chậm tiến triển độ cận và cải thiện chất lượng thị lực đáng kể. Dưới đây là những phương pháp phổ biến, được áp dụng rộng rãi tùy vào độ tuổi và tình trạng mắt của trẻ:

Đeo kính cận đúng độ (kính gọng)

Đây là phương pháp đơn giản, an toàn và tiết kiệm chi phí nhất cho trẻ bị cận. Mắt kính cận giúp cải thiện thị lực, giảm mỏi mắt và hạn chế trẻ phải nheo mắt hoặc ngồi gần để nhìn rõ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu, cha mẹ cần đảm bảo trẻ được đeo kính đúng độ. Các chuyên gia khuyến nghị nên cho trẻ khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra và điều chỉnh kính kịp thời nếu độ cận thay đổi.

Kính áp tròng chỉnh hình giác mạc ban đêm (Ortho-K)

Ortho-K là loại kính áp tròng cứng, được đeo khi ngủ ban đêm nên còn được gọi là kính áp tròng ban đêm, có tác dụng tạm thời định hình lại giác mạc để ban ngày trẻ không cần đeo kính gọng. Phương pháp này phù hợp với trẻ từ 8 tuổi trở lên, đặc biệt là những bé có nguy cơ tăng độ nhanh. Ortho‑K có thể làm chậm tiến triển cận thị từ 30 - 60% so với kính gọng thường. Tuy hiệu quả nhưng đeo loại kính này vẫn tồn tại rủi ro như nhiễm khuẩn giác mạc nếu không tuân thủ nghiêm túc quy trình sử dụng và theo dõi định kỳ.

Trẻ em bị cận thị có chữa được không? Cách kiểm soát cận thị ở trẻ 2
Cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn cách can thiệp phù hợp

Dùng thuốc nhỏ mắt Atropine liều thấp (theo chỉ định)

Trẻ em bị cận thị có chữa được không? Câu trả lời là không nhưng chúng ta vẫn có cách để kiểm soát mắt cận thị bị tăng độ nhanh. Một số trường hợp trẻ cận tiến triển nhanh sẽ được bác sĩ chỉ định nhỏ thuốc Atropine liều thấp (thường là 0,01%) mỗi tối. Atropine 0.01% có thể giảm tốc độ tiến triển cận thị trung bình khoảng 30 - 40%, trong khi liều 0.05% có thể hiệu quả hơn khoảng 50 - 60%. Tuy nhiên, đây không phải phương pháp điều trị đại trà, và thường kết hợp cùng đeo kính gọng hoặc Ortho-K. Việc sử dụng cần theo dõi chặt chẽ vì có thể gây khô mắt, chói mắt nhẹ nếu không phù hợp.

Có nên phẫu thuật LASIK cho trẻ?

Phẫu thuật LASIK không được khuyến khích cho trẻ dưới 18 tuổi, vì cấu trúc nhãn cầu của trẻ vẫn đang phát triển và độ cận thường chưa ổn định. LASIK chỉ điều chỉnh bề mặt giác mạc, không thay đổi cấu trúc nhãn cầu nên không ngăn ngừa tăng độ về sau. Nếu thực hiện khi độ cận chưa ổn định, trẻ có thể bị tái cận hoặc biến chứng lâu dài.

Phụ huynh cần lưu ý, tất cả các phương pháp trên chỉ phát huy hiệu quả khi được áp dụng đúng đối tượng, đúng thời điểm và dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa mắt. Việc tự ý mua kính, nhỏ thuốc hay bỏ qua khám định kỳ có thể khiến cận thị tiến triển nhanh hơn mà không hay biết.

Trẻ em bị cận thị có chữa được không? Cách kiểm soát cận thị ở trẻ 3
Trẻ cần áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe mắt mỗi ngày

Những thói quen giúp kiểm soát cận thị cho trẻ

Trẻ em bị cận thị có chữa được không đến đây bạn đã biết. Bên cạnh các phương pháp can thiệp y tế trên đây, việc xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm quá trình tiến triển cận thị ở trẻ.

Tăng thời gian vận động ngoài trời

Nhiều nghiên cứu cho thấy ánh sáng tự nhiên có tác dụng kích thích võng mạc khỏe mạnh, từ đó giảm nguy cơ khởi phát và tăng độ cận. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ chơi ngoài trời ít nhất 60 phút mỗi ngày, ưu tiên các hoạt động thể chất thay vì ngồi trong nhà quá lâu.

Điều chỉnh tư thế ngồi học

Một trong những nguyên nhân gây cận thị học đường là nhìn gần trong thời gian dài và tư thế sai khi học. Trẻ nên được hướng dẫn giữ khoảng cách từ mắt đến sách vở là 30 - 40cm, đồng thời sử dụng bàn ghế phù hợp với chiều cao. Ngoài ra, góc học tập của trẻ cũng cần đảm bảo đủ ánh sáng, ưu tiên ánh sáng tự nhiên hoặc đèn học chuyên dụng.

Giảm thời gian nhìn gần liên tục

Để mắt của trẻ không bị quá tải, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ áp dụng quy tắc 20 - 20 - 20, tức là sau mỗi 20 phút học, nên cho trẻ nghỉ 20 giây và nhìn xa ít nhất 6 mét để thư giãn cơ mắt. Đồng thời, cần hạn chế việc học, đọc sách, sử dụng điện thoại hoặc máy tính khi nằm. Tư thế này dễ khiến mắt của trẻ phải điều tiết liên tục và làm tăng áp lực lên võng mạc.

Trẻ em bị cận thị có chữa được không? Cách kiểm soát cận thị ở trẻ 4
Cho trẻ tăng cường ăn thực phẩm tốt cho mắt

Chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt

Cha mẹ nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày các loại thực phẩm tốt cho mắt như: Thực phẩm giàu vitamin A, lutein, omega-3… Những thực phẩm này giúp nuôi dưỡng võng mạc. Bên cạnh đó, trẻ cần được uống đủ nước mỗi ngày để giữ ẩm cho mắt, hạn chế khô và mỏi.

Với những thông tin trên, hy vọng bạn đã giải đáp được thắc mắc trẻ em bị cận thị có chữa được không. Cận thị ở trẻ không thể chữa khỏi, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát và làm chậm tiến triển nếu can thiệp kịp thời. Điều quan trọng là phụ huynh không được tự ý điều trị mà cần đưa trẻ đi khám và tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin