Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Nấm móng chân là một trong những bệnh về móng chân rất thường gặp. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả căn bệnh nấm móng này.
Trong số các bệnh về móng chân thường gặp, nấm móng chân là bệnh khá phổ biến đang có nhiều người mắc phải. Khi bị nhiễm nấm móng, bạn có thể cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu hoặc không. Nhưng điều chắc chắn là bạn sẽ cảm thấy thiếu tự tin vì bệnh ảnh hưởng đến thẩm mỹ và dễ lây lan. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để nhận biết, phòng ngừa và điều trị bệnh nấm móng chân hiệu quả.
Nấm móng có thể xảy ra với cả móng tay và móng chân nhưng nấm móng chân thường gặp hơn. Nấm móng chân là một loại nhiễm trùng xảy ra ở móng chân do sự xâm nhập của các loại nấm khác nhau vào móng chân. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là nấm dermatophytes, nấm men và nấm mốc.
Khi móng chân tiếp xúc với nấm từ môi trường ẩm ướt và tối tăm (như sàn phòng tắm, hồ bơi, phòng thay đồ công cộng, nhà vệ sinh công cộng,…), bạn sẽ rất dễ bị nhiễm nấm. Ngoài ra, việc dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, tất, giày dép, dụng cụ làm móng cũng là nguyên nhân chính khiến nấm dễ dàng lây lan từ người này sang người khác.
Yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh nấm móng chân bao gồm tuổi cao, hệ miễn dịch suy yếu, bệnh tiểu đường, người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ẩm ướt.
Bệnh nấm móng chân thường biểu hiện qua nhiều triệu chứng rõ rệt, có thể dễ nhận thấy bằng mắt thường. Ở người bệnh, móng chân có thể bị dày lên, đổi màu từ vàng, nâu cho đến đen. Một số người, móng chân trở nên sần sùi, bong tróc. Ngoài ra, móng chân của người bệnh có thể bị tách khỏi lòng móng, tạo ra khoảng trống. Nếu quan sát kỹ có thể thấy các mảnh vụn tích tụ dưới móng. Những thay đổi này ảnh hưởng đến vẻ đẹp của móng và lâu ngày có thể dẫn đến cảm giác tự ti cho người bệnh.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh nấm móng chân có thể gặp phải các triệu chứng khác như ngứa, đau và cảm giác khó chịu ở móng chân. Ngứa có thể khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái và thường xuyên có xu hướng gãi, điều này có thể làm tình trạng nấm trở nên nghiêm trọng hơn. Trong một số trường hợp, cảm giác đau có thể gây khó khăn trong việc đi giày dép. Bệnh nấm móng chân có thể gây ra stress và lo lắng cho người bệnh. Họ cảm thấy ngại ngùng mỗi khi có người nhìn chằm chằm vào chân của mình.
Nấm móng chân thường lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị nhiễm nấm hoặc qua các vật dụng cá nhân bị nhiễm nấm như khăn mặt, giày dép, dụng cụ cắt móng,... Với thắc mắc nấm móng chân có thể lây sang móng tay không, câu trả lời là có thể, nhưng không phải lúc nào cũng xảy ra.
Nếu bạn dùng tay để cạo hoặc cắt móng chân bị nhiễm nấm mà không rửa tay sạch sẽ, nấm có thể dễ dàng lây lan sang tay. Khi bạn dùng bấm móng hoặc kéo cắt móng chân bị nấm để cắt móng tay, nguy cơ lây nhiễm nấm cũng khá cao. Ngoài ra, khi đôi tay thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, nguy cơ lây nhiễm từ chân sang tay sẽ cao hơn.
Khi dùng tay để cắt móng hoặc vệ sinh móng chân bị nấm, bạn nên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn. Cẩn thận nhất vẫn là đeo bao tay y tế để phòng ngừa lây nhiễm nấm tối đa.
Việc nhận diện và điều trị sớm rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe và duy trì chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Cách điều trị nấm móng chân
Khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của bệnh nấm móng chân, người bệnh cần điều trị sớm. Việc điều trị sớm giúp nấm không lây lan sang móng khác và giúp việc chữa nấm dễ dàng hơn. Tốt nhất, bạn nên đi khám chuyên khoa. Bác sĩ sẽ lấy mẫu nấm làm xét nghiệm để xác định bạn bị nhiễm loại nấm nào, từ đó chỉ định dùng thuốc trị nấm móng chân phù hợp.
Thuốc thường được bác sĩ chỉ định là thuốc kháng nấm dạng bôi hoặc dạng uống. Thuốc kháng nấm bôi ngoài da dạng kem, gel hoặc dung dịch thường được sử dụng để điều trị triệu chứng tại chỗ. Trong những trường hợp nặng hoặc khi nấm đã lan rộng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng nấm uống để điều trị hiệu quả hơn. Có thể kể tên một số loại thuốc kháng nấm phổ biến như: Ciclopirox, Clotrimazole 1%, Fluconazole 150, Itraconazole, Lamisil Cream, Pirolam Medana,…
Thuốc chống nấm cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Một số tác dụng phụ của thuốc chống nấm thường gặp như: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, phát ban, ngứa, mẩn đỏ, tăng men gan, ảnh hưởng đến chức năng thận, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu. Trong một số trường hợp hiếm gặp, thuốc chống nấm có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như rối loạn máu, suy tủy, rối loạn thần kinh. Để giảm thiểu tác dụng phụ, người bệnh nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào và kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống khoa học.
Để phòng ngừa bệnh nấm móng chân, việc giữ gìn vệ sinh chân sạch rất quan trọng. Bạn nên thường xuyên rửa chân bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là sau khi đi ra ngoài hoặc tiếp xúc với những nơi ẩm ướt, kém vệ sinh. Bạn cũng cần lưu ý không nên đi chân trần ở nơi công cộng như bể bơi hay phòng tắm công cộng, nơi có nguy cơ lây nhiễm nấm cao.
Ngoài ra, việc chọn giày dép thoáng mát và thấm hút mồ hôi sẽ giúp giảm độ ẩm, nấm sẽ không có môi trường lý tưởng để phát triển. Đặc biệt, những người có bệnh lý nền như bệnh tiểu đường cần chú ý hơn đến việc bảo vệ đôi chân. Vì một khi chân họ bị tổn thương hay nhiễm nấm, việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều. Các biện pháp hỗ trợ như ngâm chân bằng nước muối và sử dụng dung dịch sát khuẩn chân khi cần vừa giúp phòng bệnh, vừa hỗ trợ điều trị bệnh.
Nấm móng chân là một bệnh thường gặp ở nước ta bởi điều kiện thời tiết nóng ẩm và việc vệ sinh móng chưa được nhiều người chú trọng. Bằng việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, chọn lựa giày dép phù hợp và điều trị sớm, bạn có thể đẩy lùi bệnh nấm móng và lấy lại sự tự tin cho đôi chân của mình. Điều trị nấm móng chân thường mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên trì. Bạn nên tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.