Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nấm móng là gì? Nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nấm móng là bệnh nhiễm trùng ở móng (tay, chân) do nấm, bệnh thường thấy ở những người có bàn tay, bàn chân thường xuyên ẩm ướt: Người làm nghề bán trái cây, bán nước giải khát, đầu bếp, làm ruộng, giặt quần áo, rửa xe, chăn nuôi, thợ uốn tóc gội đầu,... Nấm móng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng tránh bệnh, hãy cùng Long Châu theo dõi bài viết sau để hiểu rõ và nắm chắc kiến thức liên quan về Nấm móng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nấm móng là bệnh gì?

Nấm móng là hiện tượng nhiễm trùng móng tay và móng chân khi bị vi nấm tấn công, dẫn đến các móng sẽ có sự thay đổi về độ bóng, hình dáng và màu sắc. Nấm móng có thể lây lan từ móng bệnh sang móng lành và khả năng tự khỏi là rất thấp.

Các loại nấm gây bệnh xâm nhập qua vết xước nhỏ, vết thương không được chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ vào cơ thể.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị nấm móng

Để phát hiện và điều trị nấm móng kịp thời, cần nắm được một vài dấu hiệu thường gặp của bệnh. Bệnh nấm móng thường xuất hiện ở xung quanh đầu móng chân hoặc móng tay với các triệu chứng bệnh có thể khác nhau tùy bệnh nhân:

  • Móng dày sừng;

  • Móng teo và mòn dần dần;

  • Bề mặt của móng trở nên sần sùi, thô ráp hơn so với bình thường, bao phủ lớp vảy frên bề mặt;

  • Móng chân, móng tay bắt đầu trở nên giòn và nhạy cảm hơn, có thể chuyển sang màu vàng hoặc đen;

  • Ngoài ra, phần bên dưới của móng có dấu hiệu viêm nhiễm nghiêm trọng: Xuất hiện mủ, sưng đỏ,… dẫn đến thối móng, có mùi hôi.

Tác động của nấm móng đối với sức khỏe

Đa số bệnh nhân bị nấm tấn công vào móng tay và móng chân gây khó chịu, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, hiệu quả công việc giảm do cảm giác ngứa, đau nhức thường xuất hiện. Tuy nhiên, nhiễm trùng ở mức độ nông và hầu như không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Một số bệnh nhân đối mặt với hiện tượng thối móng, có mùi hôi gây mất thẩm mỹ cho bàn tay, bàn chân. Chúng cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân mất tự tin với mọi người xung quanh.

Biến chứng có thể gặp khi bị nấm móng

Nếu không được điều trị đúng cách sẽ tiến triển phức tạp hơn, tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng. Một số biến chứng có thể xảy ra khi bị nấm móng:

  • Gây đau đớn và tổn thương vĩnh viễn cho móng của người bệnh;

  • Khi hệ thống miễn dịch người bệnh bị ức chế do thuốc, nấm móng có thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng khác lan ra ngoài bàn tay, bàn chân;

  • Nếu bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, người bệnh có thể bị giảm lưu thông máu và cung cấp cho dây thần kinh ở bàn chân. Người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng da do vi khuẩn (viêm mô tế bào). Do đó, bất kỳ tổn thương nào cho bàn chân như nhiễm nấm móng, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm nấm móng

Nguyên nhân gây bệnh nấm móng là do nấm xâm nhập vào cơ thể, phát triển và gây bệnh. Bệnh do nhiều loại nấm gây nên, có thể kể 3 nhóm chính:

  • Nấm sợi Dermatophytes: Microsporum, Trichophyton, Epidermophyton (3 chi của nấm Dermatophytes);

  • Nấm men Candida;

  • Nấm mốc: Seopulariopsis, Hendersonula,...

Người bị bệnh nấm móng do tay, chân thường xuyên bị ướt, tạo điều kiện cho vi nấm xâm nhập, phát triển, gây bệnh và lan rộng khi gặp điều kiện thuận lợi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ nhiễm nấm móng?

  • Nấm móng có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên thường gặp hơn ở người lớn tuổi, trẻ em bởi họ thường xuyên để chân và tay tiếp xúc môi trường nhiều nấm mốc;

  • Ở người lớn tuổi, móng tay, móng chân có thể dày lên và phát triển chậm hơn theo sự gia tăng tuổi tác nên rất dễ bị nhiễm nấm;

  • Nấm móng cũng có thể là do di truyền. Nếu trong nhà từng có người nhiễm nấm móng thì nguy cơ các thành viên khác mắc bệnh là rất cao;

  • Ngoài ra, nấm móng còn xuất hiện ở những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm,…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nấm móng

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc nấm móng, như:

  • Người đổ mồ hôi tay, mồ hôi chân nhiều;

  • Trẻ em, người cao tuổi;

  • Nếu gia đình từng có người nhiễm nấm móng thì nguy cơ các thành viên khác mắc bệnh là rất cao;

  • Người thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm ướt, khiến tay, chân luôn tiếp xúc với nước: Dọn dẹp phòng, nhân viên vệ sinh,…

  • Da xung quanh hoặc móng tay, móng chân có vết tổn thương nhỏ hoặc đang mắc bệnh về da: Vảy nến,…

  • Bị nấm tay, chân;

  • Người suy giảm hệ miễn dịch, người bệnh tiểu đường, mắc bệnh về tuần hoàn,…

  • Sống chung với người từng bị nấm móng;

  • Mang tất, giày quá chật trong thời gian dài hoặc ẩm ướt.

Mỗi chúng ta đều có khả năng bị nấm móng, song có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng giảm thiểu yếu tố nguy cơ, nhất là giảm nguy cơ nhiễm nấm từ người xung quanh bằng hạn chế dùng chung vật dụng cá nhân: Tất, giày, khăn tay, khăn mặt, khăn tắm,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nấm móng

Chẩn đoán nấm móng kết hợp giữa việc khám lâm sàng cùng với thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán:

Lâm sàng: Xác định các biểu hiện nấm móng trên móng tay, chân.

Cận lâm sàng: Xét nghiệm tìm vi nấm tại chỗ bằng cách soi trực tiếp và xem dưới kính hiển vi hoặc cấy bệnh phẩm trong môi trường nuôi cấy xác định nấm.

Phương pháp điều trị nấm móng

Thuốc bôi chống nấm tại chỗ:

  • Dung dịch màu sát trùng: Castellani;

  • Thuốc làm mỏng tổn thương nhằm làm tăng tính thấm của thuốc: Salicylic acid 5%;

  • Thuốc kháng nấm:

Nhóm azole (ketoconazole, clotrimazole, miconazole, sulconazole, oxiconazole, econazole);

Ciclopirox Olamine;

Amorolfine (loceryl);

Nhóm allylamine (natifine, terbinafine);

Nhóm các acid (salicylic, undecylenic);

Nhóm polyenes (nystatin).

Cách bôi: Rửa sạch chỗ tổn thương móng, làm khô móng, sau đó bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng.

Tuy nhiên, hầu hết những chế phẩm trên ít hiệu quả với nấm móng do hạn chế tính thấm của dược chất vào móng. Do đó, điều trị nấm móng bằng đường uống hiện được lựa chọn nhiều hơn.

Thuốc uống: Sử dụng thuốc chống nấm toàn thân dựa trên: Phổ tác dụng, dược động học của thuốc, tác dụng lâm sàng.

Có thể dùng: Griseofulvine (chỉ có tác dụng trên nấm sợi tơ), Ketoconazole, Clotrimazole, Fluconazole, Itraconazole, Terbinafine,... Có thể dùng thêm các thuốc kháng viêm, kháng histamine hay kháng sinh nếu có thêm các triệu chứng khác.

Trong thời gian dùng thuốc kháng nấm, cần hạn chế hay tốt nhất là tránh xa rượu, bia và những thức uống có chứa cồn khác vì sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với gan.

Chú ý: Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nấm móng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ;
  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Nấm móng có thể tái phát nếu điều trị không đủ thời gian;
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị;
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe;
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ và thường xuyên;
  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa nấm móng

  • Thường xuyên rửa bàn tay, bàn chân cẩn thận và lau khô ngay sau khi rửa. Tránh tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất, xà phòng;
  • Giữ bàn tay, bàn chân luôn khô ráo, sạch sẽ, khi tiếp xúc với nước cần đeo găng tay cao su. Tránh ngâm tay, chân trong thời gian dài dưới nước, Rửa sạch, lau khô bàn tay, bàn chân sau khi làm việc trong môi trường nước;
  • Không dùng chung khăn với người khác;
  • Thay tất mỗi ngày, nên sử dụng tất có chất liệu thoáng và dễ hút ẩm. Mồ hôi bàn chân là điều kiện thuận lợi giúp cho các loại vi khuẩn và nấm sinh sinh trường và phát triển;
  • Cắt tỉa móng tay, móng chân cẩn thận, đều đặn, không nên để quá dài;
  • Điều trị càng sớm càng tốt;
  • Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng;
  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe;
  • Khám sức khỏe định kỳ.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nail-fungus/symptoms-causes/syc-20353294

  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nail-fungus/diagnosis-treatment/drc-20353300

  3. https://www.cdc.gov/fungal/nail-infections.html

  4. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11303-toenail-fungus

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh Lyme

  2. Bệnh do Cryptosporidium

  3. Nhiễm Clostridium botulinum

  4. Nhiễm Herpes zoster

  5. Nhiễm sán máng

  6. Bệnh sán lá phổi

  7. Sốt xuất huyết

  8. Sán dây cá

  9. Cúm gà (H5N1)

  10. Bệnh bò điên