Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Ung thư hậu môn và những tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị ung thư có thể gây ra những ảnh hưởng xấu về thể chất, tinh thần, xã hội cũng như tài chính cho bệnh nhân.
Điều trị ung thư nói chung cần sự phối hợp của nhiều chuyên gia y tế thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đem lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh, bao gồm bác sỹ, điều dưỡng chuyên khoa ung bướu, dược sỹ, chuyên gia dinh dưỡng, nhân viên hỗ trợ, nhân viên công tác xã hội,…
Bệnh ung thư và những tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị ung thư có thể gây ra những ảnh hưởng xấu về thể chất, tinh thần, xã hội cũng như tài chính của bạn. Chăm sóc giảm nhẹ hay chăm sóc hỗ trợ là những biện pháp nhằm giúp bạn kiểm soát, giảm bớt những ảnh hưởng xấu kể trên. Bên cạnh các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị thì chăm sóc giảm nhẹ là một phần quan trọng, xuyên suốt quá trình điều trị nhằm nhằm giúp bạn giảm bớt những tác động xấu do bệnh ung thư cũng như việc điều trị ung thư gây ra.
Chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc cải thiện những triệu chứng khó chịu của người bệnh và hỗ trợ người thân của họ trong quá trình điều trị. Chăm sóc giảm nhẹ được áp dụng với mọi loại ung thư, mọi giai đoạn bệnh, không phân biệt lứa tuổi hay giới tính và thường bắt đầu ngay khi có chẩn đoán xác định. Người bệnh được điều trị chăm sóc giảm nhẹ một cách phù hợp thường ít phải chịu đựng những triệu chứng nặng hơn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn trong quá trình điều trị.
Chăm sóc giảm nhẹ là một lĩnh vực rất rộng, gồm sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau; dùng thuốc, dinh dưỡng hỗ trợ, vật lý trị liệu, các liệu hỗ trợ về tâm lý,... Bên cạnh đó, bạn cũng có thể điều trị giảm nhẹ bằng các phương pháp như: Hóa trị, phẫu thuật hay xạ trị nhằm giảm bớt các triệu chứng do bệnh gây ra.
Vậy làm thế nào để bạn có thể nhận được phương chăm sóc giảm nhẹ phù hợp nhất với mình? Trước hết, khi bắt đầu liệu trình điều trị, bạn hãy trao đổi với bác sỹ điều trị về những khó chịu bạn đang gặp phải, những mong muốn, mục đích của mình về việc điều trị. Bạn cũng nên hỏi bác sỹ về những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình điều trị và những biện pháp có thể để hạn chế những khó chịu do nó mang lại.
Trong quá trình điều trị, nếu bạn có những triệu chứng khó chịu do bệnh và/hoặc do việc điều trị gây ra, đừng cố chịu đựng mà hãy thông báo ngay với bác sỹ và nhân viên chăm sóc y tế để họ có giải pháp kịp thời cho bạn, đồng thời dự phòng để tránh các triệu chứng phát hoặc nặng lên trong tương lai.
Ung thư di căn là tình trạng tế bào ung thư không còn khu trú ở vị trí nguyên phát ban đầu mà đã lan tới vị trí hay cơ quan khác trong cơ thể. Nếu tình trạng này xảy ra, với hầu hết mọi người cảm giác đầu tiên sẽ là bi quan, chán nản. Hãy chia sẻ cảm giác của bạn với bác sỹ điều trị, chuyên gia tâm lý, nhân viên chăm sóc, người thân của bạn hoặc với chính những người bệnh khác để có sự đồng cảm và chia sẻ từ họ.
Bạn đừng vội từ bỏ bởi ngay cả khi bệnh đã di căn vẫn có những phác đồ điều trị phù hợp bao gồm phối hợp các phương pháp: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị tùy theo tình trạng bệnh cụ thể. Ở giai đoạn ung thư ống hậu môn di căn, chăm sóc giảm nhẹ đóng vai trọng trong việc giảm các triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, việc tham gia các thử nghiệm/nghiên cứu về phương pháp điều trị mới cũng là một lựa chọn tốt mà bạn nên xem xét.
Khỏi bệnh là tình trạng mà không còn phát hiện ung thư trong cơ thể bạn, hay nói cách khác là không có “bằng chứng” của bệnh.
Khỏi bệnh có thể là trạng thái kéo dài nhiều tháng, nhiều năm nhưng có chỉ là tạm thời, do vậy lo lắng về việc bệnh có thể tái phát là một trạng thái tâm lý chung của hầu hết người bệnh ung thư sau khi khỏi bệnh. Bạn cần trao đổi với bác sỹ điều trị của mình về nguy cơ tái phát của bạn và có kế hoạch theo dõi định kỳ phù hợp sau khi ra viện.
Khi nghi ngờ bệnh tái phát, bác sỹ sẽ chỉ định cho bạn làm các xét nghiệm để xác định xem tình trạng của bạn là tái phát tại chỗ (u phát triển lại ở vị trí ban đầu) và/hoặc tại vùng (ung thư xuất hiện ở vị trí gần vị trí ban đầu) và/hoặc di căn (ung thư phát triển ở vị trí xa vị tri ban đầu), trên cơ sở đó sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và/hoặc chăm sóc giảm nhẹ. Bệnh tái phát thường mang lại cảm giác tiêu cực với người bệnh, do vậy bạn nên trao đổi với đội ngũ chăm sóc, nhân viên phòng công tác xã hội để được hỗ trợ kịp thời về tâm lý.
Khỏi bệnh là điều mà bất kỳ bệnh nhân ung thư nào cũng mong muốn, tuy nhiên khi bệnh ở giai đoạn muộn thì điều này là không thể. Chấp nhận việc bệnh của bạn không thể chữa khỏi hay kiểm soát được bằng các phương pháp đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, một cuộc nói chuyện cởi mở, gần gũi với nhân viên chăm sóc bạn - những người được đào tạo chuyên nghiệp, có kỹ năng, kinh nghiệm và luôn sẵn sàng giúp bạn và người thân của bạn cải thiện trạng thái tâm lý tồi tệ đang có, thay đổi tâm thế và sẵng sàng cho một lộ trình chăm sóc, điều trị sắp tới nhằm giảm bớt đau đớn và các triệu chứng khó chịu khác về thể chất và tinh thần do bệnh gây ra.
Một số người bệnh ung thư có tiên lượng sống thêm dưới 6 tháng có thể có nguyện vọng được chăm sóc theo chế độ an dưỡng cuối đời. Chế độ chăm sóc này này được thiết kế nhằm mục đích giúp người bệnh ung thư giai đoạn cuối có được chất lượng cuộc sống tốt nhất. Tùy theo nguyện vọng của người bệnh và gia đình, chế độ chăm sóc này có thể được thực hiện ở nhà riêng, trung tâm an dưỡng hoặc nhà dưỡng lão với đầy đủ đội ngũ nhân viên y tế, hỗ trợ chăm sóc và các trang thiết bị sẵn sàng hỗ trợ bạn khi cần.
Thủy Phan
Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com