Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những điều cần biết về phương pháp điều trị ung thư hậu môn

Ngày 10/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Có 3 phương pháp điều trị đặc hiệu đối với ung thư hậu môn bao gồm: Phẫu thuật, xạ trị và điều trị toàn thân (thuốc hóa chất, thuốc sinh học).

Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với từng người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Giai đoạn bệnh, loại tế bào ung thư, độ biệt hóa của tế bào ung thư.
  • Thể trạng chung của người bệnh, tuổi, bệnh phối hợp.
  • Những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
  • Mong muốn, nguyện vọng của người bệnh.

Việc điều trị đặc hiệu được bắt đầu ngay khi có chẩn đoán xác định và có thể phải phối hợp nhiều phương pháp với nhau với nhiều chuyên khoa khác nhau. Trong buổi gặp để trao đổi với bác sỹ trước khi điều trị, bạn và người thân cần chuẩn bị các câu hỏi về các vấn đề còn chưa rõ về bệnh, những lợi ích và tác dụng không mong muốn của điều trị chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt trong và sau điều trị cũng như được hỗ trợ về mặt tâm lý giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu.

Những điều cần biết về phương pháp điều trị ung thư hậu môn1 Hình ảnh ung thư hậu môn

Phẫu thuật

Phẫu thuật trong điều trị ung thư ống hậu môn là phương pháp cắt bỏ tổ chức ung thư và một số tổ chức lân cận khối u để đảm bào lấy hết tổ chức ung thư. Phẫu thuật có thể được thực hiện bởi bác sỹ chuyên khoa về phẫu thuật ung thư hậu môn hoặc bởi bác sỹ chuyên khoa về phẫu thuật đại - trực tràng. Có nhiều phương pháp phẫu thuật ung thư hậu môn khác nhau, việc lựa chọn loại phẫu thuật phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là giai đoạn bệnh

  • Ung thư hậu môn giai đoạn rất sớm (u mới chỉ khu trú ở lớp niêm mạc) hoặc giai đoạn sớm thường được điều trị bằng cắt bỏ khối u cùng một phần nhỏ tổ chức lân cận và phải đảm bảo diện cắt không còn tổ chức ung thư. Sau phẫu thuật, người bênh chỉ cần khám, theo dõi định kỳ
  • Điều trị ung thư ở giai đoạn muộn hơn sẽ cần phối hợp của nhiều phương pháp khác nhau. Nếu như trước kia phương thức điều trị phổ biến là ưu tiên phẫu thuật rộng rãi trước, sau đó sẽ điều trị tiếp bằng hóa trị và xạ trị thì ngày nay, các nghiên cứu mới gần đây đã chỉ ra rằng việc điều trị bằng hóa chất phối hợp xạ trị cho hiệu quả điều trị tương đương với phẫu thuật nhưng cho chất lượng cuộc sống tốt hơn so với phẫu thuật. Do vậy mà hiện nay phần lớn người bệnh ung thư hậu môn ở giai đoạn muộn hơn (chưa di căn) sẽ điều trị bằng xạ trị phối hợp với hóa trị (hóa xạ đồng thời) mà không cần trải qua một cuộc phẫu thuật lớn như trước kia. Phẫu thuật trong giai đoạn này chỉ được áp dụng với một số trường hợp người bệnh có chống chỉ định với xạ trị hoặc hóa trị. Ngoài ra phẫu thuật còn được chỉ định để lấy bỏ tổ chức ung thư còn lại sau hóa trị, xạ trị hoặc với những trường hợp bệnh tái phát sau điều trị.

Với ung thư hậu môn không đáp ứng với hóa chất, xạ trị hoặc những trường hợp tái phát sau điều trị, phương pháp điều trị phổ biến là phẫu thuật triệt căn qua đường bụng-tầng sinh môn. Phẫu thuật này bao gồm cắt bỏ toàn bộ hậu môn, trực tràng và một phần đại tràng xích-ma, đồng thời đưa một đầu đại tràng nối ra ngoài thành bụng làm hậu môn nhân tạo. Trong quá trình phẫu thuật, bác sỹ có thể lấy bỏ các hạch chậu trong một số trường hợp

Nếu bệnh của bạn cần phải được phẫu thuật, hãy trao đổi với bác sỹ điều trị được tư vấn, giải thích kĩ hơn về phương thức phẫu thuật cũng như những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật.

Những điều cần biết về phương pháp điều trị ung thư hậu môn2 Có nhiều phương pháp phẫu thuật ung thư hậu môn khác nhau

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia có năng lượng cao nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là một trong những vũ khí quan trong trong điều trị ung thư và được thực hiện bởi các bác sỹ chuyên khoa sâu về lĩnh vực xạ trị ung thư.

Có hai phương thức xạ trị là xạ trị ngoài (chùm tia được chiếu vào khối u từ một nguồn đặt ở bên ngoài cơ thể) và xạ trị trong hay còn được gọi xạ trị áp sát liều cao (nguồn xạ được đưa trực tiếp vào khối u trong cơ thể), trong đó xạ trị ngoài là phương pháp được sử dụng phổ biến hơn trong ung thư ống hậu môn. Xạ trị được phối hợp với hóa chất (hóa xạ đồng thời) để tăng hiệu quả điều trị, một liệu trình hóa xạ đồng thời thường kéo dài trong khoảng thời gian 5 - 6 tuần, trong đó xạ trị sẽ được tiến hành từ thứ 2 đến thứ 6 và hóa chất sẽ được sử dụng khi bắt đâu xạ trị.

Trong quá trình điều trị bạn có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn của xạ trị như: Mệt mỏi, viêm da vùng chiếu xạ, kích thích hậu môn, tiêu chảy, viêm dạ dày. Các phản ứng phụ này thường xảy ra trong quá trình điều trị và giảm dần khi kết thúc xạ trị, một số trường hợp có thể bị xơ hóa phần mềm quanh hậu môn về sau gây ảnh hưởng một phần tới đại tiện.

Trước khi xạ trị bạn cần trao đổi với bác sỹ xạ trị để được tư vấn về liệu trình điều tri, những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra, biện pháp dự phòng và phương pháp giúp giảm bớt khó chịu có thể xảy ra trong quá trình xạ trị.

Những điều cần biết về phương pháp điều trị ung thư hậu môn3 Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia có năng lượng cao nhằm tiêu diệt tế bào ung thư

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng các thuốc gây độc tế bào để điều trị ung thư bằng cách trực tiếp tiêu diệt trực tiếp hoặc ức chế sự nhân lên của tế bào ung thư

Trong ung thư hậu môn, hóa trị được sử dụng phối hợp với xạ trị trong phác đồ hóa xạ đồng thời hoặc chỉ định khi bệnh ở giai đoạn di căn. Có nhiều phác đồ hóa trị khác nhau, tùy vào giai đoạn bệnh, thể trạng người bệnh, bệnh phối hợp, tuổi,… mà bác sỹ nội khoa về ung thư sẽ sử dụng phác đồ đơn chất hoặc phối hợp các loại thuốc với nhau. Các thuốc hóa chất thường được sử dụng trong ung thư hậu môn là: Fluorouracil (5-FU, capecitabine), mitomycin C, cisplatin, carboplatin, oxaliplatin,…

Những điều cần biết về phương pháp điều trị ung thư hậu môn4 Hóa trị là phương pháp sử dụng các thuốc gây độc tế bào để điều trị ung thư

Ngoài tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, thuốc hóa chất có thể gây ảnh hưởng tới tế bào lành và gây ra một số phản ứng phụ nhất định, một số tác dụng không mong muốn của hóa trị bao gồm: Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, rụng tóc, tiêu chảy, giảm bạch cầu,… Các phản ứng phụ này thường chỉ xảy ra trong quá trình điều trị và sẽ mất đi khi quá trình hóa trị kết thúc.

Trước khi điều trị hóa chất bạn cần trao đổi với bác sỹ điều trị để được tư vấn về những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra, phương pháp dự phòng cũng như chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp. Bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sỹ nếu bạn định dùng thêm các loại thuốc hoặc thực phẩm hỗ trợ khác để tránh những phản ứng bất lợi hoặc tương tác với thuốc hóa chất điều trị ung thư đang sử dụng.

Thủy Phan

Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm