Bệnh Whitmore đang bùng phát trở lại, gây nên các chứng lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị phù hợp. Hiểu được bệnh Whitmore là gì và bệnh Whitmore lây qua đường nào là một việc làm cần thiết.
Bệnh Whitmore là gì?
Whitmore còn gọi bệnh melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. B. pseudomallei sống trong môi trường đất, vì thế đường lây nhiễm chính là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có chứa vi khuẩn. Lây nhiễm qua đường hô hấp khi con người hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa.
Một số nghiên cứu cho thấy có thể nhiễm bệnh khi ăn thức ăn có vi khuẩn. Chưa có báo cáo về việc lây bệnh giữa người với người hoặc lây từ động vật sang người qua đường không khí, vì thế, các ca bệnh Whitmore thường nhỏ lẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.
Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 21 ngày, trung bình 9 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện 2 đến 4 tuần sau khi người bệnh tiếp xúc vi khuẩn.
Bệnh melioidosis có thể chia thành các loại khác nhau, mỗi loại có dấu hiệu và triệu chứng riêng:
Nhiễm trùng phổi: Các dấu hiệu và triệu chứng của melioidosis phổ biến nhất, xuất phát từ bệnh phổi nơi nhiễm trùng có thể hình thành một khoang mủ (áp xe). Nhiễm trùng phổi có thể tác động từ viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng. Do đó, bệnh nhân cũng có thể bị sốt, đau đầu, bỏ ăn, ho, khó thở, đau ngực và đau nhức cơ nói chung.
Nhiễm trùng cục bộ: Khi bị nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) sẽ có các dấu hiệu như đau hoặc sưng, loét và áp xe, kèm theo sốt và đau cơ.
Nhiễm trùng máu: Nếu vi khuẩn melioidosis xâm nhập vào máu, các triệu chứng có thể bao gồm sốt, nhức đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp và mất phương hướng.
Nhiễm trùng lan tỏa: Bệnh melioidosis có thể lây lan từ da người bệnh qua máu để trở thành một dạng melioidosis mạn tính ảnh hưởng đến tim, não, gan, thận, khớp và mắt.
Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore bị mất cả mũi
Bệnh Whitmore lây qua đường nào?
- Hít phải các hạt bụi có chứa vi khuẩn.
- Lây nhiễm qua đường ăn uống khi thức ăn nhiễm vi khuẩn.
- Tiếp xúc trực tiếp các vết xước trầy trên da với đất hoặc nước đã bị nhiễm khuẩn.
- Vi khuẩn có thể truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa khi người mẹ bị áp xe tuyến vú do vi khuẩn B. pseudomallei.
- Tiếp xúc vết xước trầy trên da với động vật đã chết do nhiễm bệnh Whitmore như chó, mèo...
Căn bệnh này có thể gây tử vong nhanh nếu như không được chuẩn đoán đúng và kịp thời.
Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này từ khoảng 40-60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi người bệnh phát bệnh. Bệnh Whitmore còn có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Khi da bị trầy xước nhỏ, tiếp xúc với môi trường đất, nước có chứa vi khuẩn Whitmore thì nguy cơ bạn bị nhiễm trùng, sau đó gặp phải các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu, áp xe, viêm phổi... Nếu không có cách phát hiện nhanh, bệnh nhân có khả năng tử vong chỉ trong vài ngày.
Những người có bệnh lý về tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mãn tính dễ mắc Whitmore hơn những người khác.
Điều khó nhận biết là căn bệnh này hiện có nhiều bệnh cảnh lâm sàng đa dạng và phức tạp, bệnh nhân có thể nhập viện ở nhiều chuyên khoa điều trị khác nhau như truyền nhiễm, hô hấp, cơ - xương - khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa… do đó có thể khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… Việc này dẫn đến những khó khăn trong điều trị, có thể khiến bệnh trầm trọng hơn nếu bác sĩ điều trị sai.
"Bệnh Whitmore lây qua đường nào?" là câu hỏi mà nhiều người quan tâm
Cách phòng ngừa bệnh Whitmore
Các chuyên gia khuyến cáo, Whitmore là căn bệnh hiện chưa có vaccine phòng bệnh, việc phòng ngừa hiện nay vẫn chủ yếu ở thói quen của người dân.
Người dân cần hạn chế tiếp xúc khi trầy, xước da. Khi bị thương cần rửa sạch, sát trùng vết thương.
Mọi người hạn chế tới những nơi nghi có nguồn bệnh; thực hiện ăn chín, uống sôi.
Những người làm việc, tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước cần có những phương tiện và vật dụng bảo hộ phù hợp.
Luôn đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là ở chân và tay.
Cuối cùng, bệnh Whitmore không gây ra dịch và không lây truyền từ người sang người. Chủ yếu, vi khuẩn Whitmore xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, xây xước sinh hoạt do tai nạn.
Cần mang đồ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất, bùn, nước
Nếu chẳng may cơ thể xuất hiện những triệu chứng sau khi đã tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm khuẩn và có những triệu chứng như trên, người dân cần đến ngay những cơ sở y tế, bệnh viện uy tín có phòng xét nghiệm vi sinh để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Nhân Tâm