Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh Whitmore là gì và nó nguy hiểm như thế nào?

Ngày 08/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh Whitmore là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Loại vi khuẩn này thường sống trong nước và đất bị ô nhiễm, chúng xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở khi tiếp xúc trực tiếp.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã xác nhận phát hiện có thêm một trường hợp bị nhiễm bệnh Whitmore tại khu vực xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei.

Nhiễm khuẩn cấp do bệnh Whitmore

Cụ thể, người bệnh được xác định là V.V.D. (năm sinh 1965), ngụ tại thôn Sơn Thượng, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil. V.V.D. làm việc tại Lâm trường Đắk Wil, huyện Cư Jút.

Vào tối ngày 26/07, bệnh nhân bị một loại côn trùng (không rõ loại) cắn vào đùi phải, đến sáng hôm sau, vùng đùi bị cắn trở nên sưng và gây sốt. Đến ngày 29/07, bệnh nhân quyết định trở về nhà tại thôn Sơn Thượng, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil rồi giã hành tự đắp vào vết cắn và tự mua thuốc về uống (không rõ loại thuốc).

Bệnh Whitmore là gì và nó nguy hiểm như thế nào? 1
Bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra

Đến ngày 31/07, bệnh nhân đến Trung tâm Tế bào huyện Cư Jút để khám mắt và được chẩn đoán bị đục thủy tinh thể mắt trái. Sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) để điều trị. Đến ngày 1/8, bệnh nhân đã được phẫu thuật đục thủy tinh thể. Ngày 02/08, tình trạng sức khỏe cũng đã ổn định nên bệnh nhân được cho phép làm thủ tục xuất viện.

Tuy nhiên, chiều ngày 02/08, bệnh nhân nhận thấy vùng cắn ở đùi bên trái đau nhức, sưng, tấy đỏ. Bệnh nhân đã được người thân đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để được khám và được chẩn đoán bị áp xe da, nhọt cụm do côn trùng cắn hoặc tiểu đường tuýp 2.

Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật để nạo mủ trong ổ áp xe, cũng như lấy mẫu bệnh phẩm từ ổ áp xe để xác định vi khuẩn và tiến hành xét nghiệm định danh cũng như xác định khả năng kháng sinh. Vào ngày 03/08, mẫu bệnh phẩm được thu thập và cho xét nghiệm. Cho đến sáng ngày 05/08, kết quả xét nghiệm đã cho thấy dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei.

Ngay sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh Whitmore, Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil đã tổ chức điều tra, theo dõi tình hình cộng đồng, cung cấp hướng dẫn vệ sinh và khuyến cáo về việc xử lý môi trường tại nơi cư trú của bệnh nhân. Đồng thời, thông tin đã được truyền đạt cho Trung tâm Y tế huyện Cư Jút để tiếp tục thực hiện điều tra, xác minh và áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định.

Tìm hiểu về bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore, còn được gọi là bệnh Melioidosis, là một căn bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng gây ra bởi vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Vi khuẩn này thường tồn tại trong đất, nước, và môi trường tự nhiên. Lây nhiễm bệnh Whitmore thường xuất phát từ tiếp xúc với môi trường nhiễm khuẩn hoặc thông qua nhiễm trùng thương hở trên da. Dưới đây là cách thức lây nhiễm và triệu chứng khi mắc bệnh Whitmore:

Cách thức lây nhiễm bệnh

Người có nguy cơ cao mắc bệnh Whitmore thường là những người tiếp xúc với đất, nước nhiễm khuẩn. Công việc nông nghiệp, làm việc trong môi trường đất đá hay làm việc ngoài trời trong thời tiết ẩm ướt có thể tăng khả năng tiếp xúc với vi khuẩn.

Bệnh Whitmore là gì và nó nguy hiểm như thế nào? 3
Bệnh Whitmore dễ lây nhiễm khi tiếp xúc với đất, nước nhiễm khuẩn

Bệnh Whitmore có thể lây nhiễm thông qua các vết thương hở trên da khi tiếp xúc với nước, đất nhiễm khuẩn. Các côn trùng như muỗi, muỗi vàng cũng có thể truyền vi khuẩn này khi cắn.

Triệu chứng khi mắc bệnh Whitmore

Triệu chứng của bệnh Whitmore có thể biến đổi từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào tình trạng miễn dịch của người bệnh và khả năng xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể. Các triệu chứng của Whitmore  thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như bệnh lao hoặc bệnh viêm phổi. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến khi mắc bệnh Whitmore:

  • Triệu chứng nhiễm trùng cục bộ: Đau hoặc sưng tại vị trí nhiễm trùng, sốt cao, xuất hiện loét hoặc vết thương trên da, áp xe.
  • Triệu chứng nhiễm trùng phổi: Ho kèm theo đau tức ngực, sốt cao, đau đầu, mất cảm giác thèm ăn.
  • Triệu chứng nhiễm trùng máu: Sốt, đau đầu, suy hô hấp, khó chịu ở vùng bụng, đau khớp, mất phương hướng.
  • Triệu chứng nhiễm trùng lan truyền: Sốt, giảm cân đột ngột, đau bên dưới xương ức hoặc ngực, đau cơ hoặc khớp, đau đầu, cơn động kinh.

Khoảng thời gian từ khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh cho đến khi xuất hiện các triệu chứng thường không xác định, thường kéo dài từ một ngày đến vài tuần. Nhưng nhìn chung, sau khoảng 2 - 4 tuần tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh thì các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện. Bên cạnh đó, người mắc bệnh tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận... sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Whitmore.

Biện pháp giúp phòng ngừa bệnh Whitmore

Ở những khu vực mà bệnh Whitmore có khả năng lan truyền, việc tiếp xúc với đất hoặc nước bị ô nhiễm có thể tăng nguy cơ mắc bệnh melioidosis. Dưới đây là một số cách đơn giản giúp giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm bệnh như sau:

  • Những người có vết thương ngoài da hoặc bệnh tiểu đường, bệnh thận mãn tính nên tránh tiếp xúc với đất và vùng nước đọng.
  • Khi làm việc trên ruộng, nông dân nên sử dụng ủng để bảo vệ chân khỏi tiếp xúc trực tiếp với đất, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Ngoài ra, các nhân viên y tế nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa qua đường tiếp xúc bằng cách đeo mặt nạ, mang găng tay và áo choàng, để đảm bảo họ không tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn gây bệnh.
Bệnh Whitmore là gì và nó nguy hiểm như thế nào? 2
Tránh tiếp xúc trực tiếp với đất để ngăn ngừa nhiễm trùng

Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa trên có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh Whitmore và bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi tình trạng nhiễm trùng. Hy vọng những thông tin chia sẻ từ bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh Whitmore cũng như biết cách phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ sức khỏe nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:WhitmoreVi khuẩn