Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore: Giải đáp những thắc mắc thường gặp

Bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore hay còn gọi là bệnh Melioidosis là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây ra. Bệnh làm thay đổi chức năng hầu hết cơ quan trong cơ thể và có những biểu hiện khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Theo một thống kê vào năm 2016, trên toàn thế giới có 165.000 trường hợp nhiễm bệnh vi khuẩn “ăn thịt người", trong đó ghi nhận khoảng 54% tử vong.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa - Khoa Phòng khám Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC).

benh-vi-khuan-an-thit-nguoi-whitmore-title-1.png

Bệnh Whitmore (Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (B. pseudomallei) gây ra, là một trực khuẩn gram âm, được tìm thấy trên bề mặt đất và nước.

Nguy cơ nhiễm trùng cao nhất đối với những người tham gia du lịch mạo hiểm, công nhân xây dựng và khai thác tài nguyên, khách du lịch sinh thái, quân nhân và những người tiếp xúc với đất hoặc nước bị ô nhiễm có vi khuẩn.

benh-vi-khuan-an-thit-nguoi-whitmore-1.png

B. pseudomallei có khả năng tạo ra một lớp polysaccharide glycocalyx có thể đây là một trong những yếu tố quyết định độc lực nguy hiểm của loại vi khuẩn này.

benh-vi-khuan-an-thit-nguoi-whitmore-title-2.png

B. pseudomallei có thể lây nhiễm cho cả động vật và con người thông qua da bị tổn thương như vết thương hở, vết cắt, vết bỏng hoặc niêm mạc. Con đường lây nhiễm tự nhiên phổ biến nhất thường là do da bị tổn thương tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước bị ô nhiễm. Tiêu hóa và hít phải là hai con đường lây nhiễm khác của bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore. Rất ít trường hợp được ghi nhận lây truyền từ người sang người.

B. pseudomallei là một loại vi khuẩn có khả năng phục hồi, có thể sống sót trong nhiều điều kiện khắc nghiệt, bao gồm thiếu hụt chất dinh dưỡng, ngay cả ở pH acid hoặc kiềm, dung dịch khử trùng và sát trùng.

Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore là 10 - 50%. Tỷ lệ tái phát bệnh là 5 - 28% ở những bệnh nhân có đợt Whitmore cấp tính. Sự tương tác giữa vật chủ và vi khuẩn gây bệnh trở nên phức tạp do tính hướng đích của chúng đối với nhiều loại tế bào khác nhau cùng khả năng phá hoại và tránh các phản ứng miễn dịch bẩm sinh.

benh-vi-khuan-an-thit-nguoi-whitmore-title-3.png

Thời gian ủ bệnh thường là 1 - 21 ngày, trung bình là 4 ngày. Ngoài ra, bệnh Whitmore cũng có thể tiềm ẩn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi các triệu chứng phát triển. Các triệu chứng không đặc hiệu và sẽ thay đổi tùy thuộc vào đường lây nhiễm.

Nhiễm trùng phổi cấp: Triệu chứng thường gặp nhất, cấp độ từ nhẹ đến viêm phổi hoại tử lan toả. Khởi phát bệnh có 2 dạng là đột ngột và từ từ, với những triệu chứng đầu tiên là đau đầu, chán ăn, tức ngực, đau cơ. Sốt cao thường trên > 39°C. Tiếng ho, thở và tiếng rales phổi là một đặc trưng để nhận biết. Đờm có màu tương tự máu. Kiểm tra trên phim chụp X-quang thường thấy tình trạng đông đặc thuỳ trên, có tạo hang nên gây nhầm lẫn với tổn thương lao. Ngoài ra có những bệnh nhân có tổn thương nốt, u nang màng và tràn dịch màng phổi. Số lượng bạch cầu có thể từ bình thường đến 20.000/mcL (20 × 109/L).

Nhiễm trùng huyết cấp tính: Thường xuất hiện bất ngờ với sốc nhiễm trùng đi kèm với tổn thương nhiều cơ quan với các triệu chứng là mất phương hướng, khó thở, đau họng dữ dội, tiêu chảy, tiêu chảy cùng với những cơn đau ở thượng vị, da nổi mụn mủ. Ghi nhận những trường hợp viêm khớp hoặc viêm màng não. Những triệu chứng trên phổi có thể xuất hiện hoặc không.

benh-vi-khuan-an-thit-nguoi-whitmore-2.png

Nhiễm trùng khu trú: Thường xuất hiện ở da (hoặc phổi) và các hạch bạch huyết liên quan. Gan, lách, thận, tuyến tiền liệt, xương là những vị trí xuất hiện nhiễm trùng do di căn. Tại Thái Lan, triệu chứng mưng mủ do viêm tuyến mang tai cấp tính thường phổ biến ở trẻ nhỏ.

Những triệu chứng khác ít phổ biến hơn, bao gồm: 

  • Áp xe tại ổ bụng, gan, lách hoặc cơ thắt lưng.
  • Tại da và mô mềm xuất hiện những triệu chứng không điển hình như có vết loét, mụn mủ không khu trú, viêm mô tế bào,...
  • Thận - tiết niệu ghi nhận tình trạng viêm bể thận hoặc viêm tuyến tiền liệt.
  • Tim mạch có thể xảy ra tình trạng phình mạch và viêm màng ngoài tim.
benh-vi-khuan-an-thit-nguoi-whitmore-title-4.png

Phương pháp chẩn đoán

Phân lập vi khuẩn B. pseudomallei từ dịch cơ thể được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán và đòi hỏi phải sử dụng môi trường phù hợp. Tuỳ thuộc vào vị trí nghi ngờ nhiễm trùng, các mẫu bệnh phẩm được khuyến cáo thu thập có thể là máu, dịch não tủy, dịch màng ngoài tim, dịch phúc mạc, dịch tiết mủ,...

Nhuộm gram và nhuộm mô bệnh học khác không đặc hiệu. Nuôi cấy B. pseudomallei từ bất kỳ mẫu bệnh phẩm lâm sàng nào đều có thể chẩn đoán bệnh Whitmore vì vi khuẩn này không được coi là một phần của hệ vi sinh vật tự nhiên. 

Cấy máu bệnh nhân thường cho kết quả âm tính trừ những bệnh nhân có nhiễm khuẩn huyết. Những xét nghiệm huyết thanh học thường không được sử dụng ở vùng lưu hành do trường hợp dương tính giả vì những lần nhiễm trùng trước đó, nên sẽ sử dụng xét nghiệm kháng nguyên và axit nucleic.

Một số cận lâm sàng khác có thể được chỉ định:

  • Chụp X-quang vùng ngực có thể thâm nhiễm thuỳ phổi, viêm phế quản phổi hai bên, tràn dịch hoặc tổn thương dạng hang.
  • Siêu âm hoặc CT gan, lách và tuyến tiền liệt thường dùng để tìm những vị trí của áp xe.
  • Một số chỉ số khác cần thực hiện là xét nghiệm chức năng gan Aspartate aminotransferase (AST), bilirubin và số lượng bạch cầu.
benh-vi-khuan-an-thit-nguoi-whitmore-3.png

Phương pháp điều trị

Điều trị bệnh Whitmore cần sử dụng kháng sinh dài hạn (từ giai đoạn cấp tính đến giai đoạn diệt trừ). Thường sử dụng Ceftazidime tiêm tĩnh mạch, trong trường hợp nhiễm trùng huyết nặng có thể sử dụng Imipenem, Meropenem và Piperacillin để điều trị ban đầu, trong tối thiểu 14 ngày. Tùy thuộc vào đáp ứng với liệu pháp, bác sĩ lâm sàng có thể kéo dài điều trị tĩnh mạch lên đến 8 tuần trong các trường hợp nặng.

Sau đó cần tiếp tục điều trị diệt trừ trong khoảng 3 - 6 tháng bằng Trimethoprim - Sulfamethoxazole uống (TMP - SMX) hoặc Amoxicillin - Clavulanic acid (đối với những bệnh nhân không dung nạp TMP - SMX).

Lưu ý: Bệnh có thể tái phát, đặc biệt là ở những bệnh nhân được điều trị trong thời gian ngắn hơn khuyến cáo.

benh-vi-khuan-an-thit-nguoi-whitmore-title-5.png

Mỗi cá nhân có thể chủ động phòng ngừa bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore thông qua tuân thủ các biện pháp bao gồm:

  • Tránh tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là sau những trận mưa lớn;
  • Bảo vệ vết thương hở, vết cắt hoặc vết bỏng. Sử dụng băng chống thấm nước để giúp da bị tổn thương không tiếp xúc với đất hoặc nước. Rửa sạch mọi vết thương hở, vết cắt hoặc vết bỏng tiếp xúc với đất;
  • Mang giày dép và găng tay bảo hộ khi làm việc trong sân, làm vườn;
  • Mang ủng chống thấm nước trong và sau khi lũ lụt hoặc bão để ngăn ngừa nhiễm trùng qua bàn chân và cẳng chân;
  • Không uống nước chưa qua xử lý và ăn những thực phẩm chưa được nấu chín.

Hiện tại không có vắc xin Whitmore nào có sẵn cho người sử dụng. Một số ít loại vắc xin đang được nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm trên động vật linh trưởng.

Hy vọng bài viết đã cung cấp các thông tin cần thiết về bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore, từ đó có thể giúp mỗi người chủ động phòng tránh loại vi khuẩn ít gặp nhưng vô cùng nguy hiểm này.

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Anh Tuấn

Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cộng đồng – Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên 10 năm công tác trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Hiện là giảng viên chính Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC.

Xem thêm thông tin
Nguồn tham khảo

1. Limmathurotsakul D, Golding N, Dance DA, Messina JP, Pigott DM, Moyes CL, Rolim DB, Bertherat E, Day NP, Peacock SJ, Hay SI. Predicted global distribution of Burkholderia pseudomallei and burden of melioidosis. Nat Microbiol. 2016 Jan 11;1:15008. doi: 10.1038/nmicrobiol.2015.8. PMID: 27571754.

2. Cheng AC, Currie BJ. Melioidosis: epidemiology, pathophysiology, and management. Clin Microbiol Rev. 2005 Apr;18(2):383-416. doi: 10.1128/CMR.18.2.383-416.2005. Erratum in: Clin Microbiol Rev. 2007 Jul;20(3):533. Dosage error in article text. PMID: 15831829; PMCID: PMC1082802.

3. Cheng, AC & Currie, BJ Melioidosis: dịch tễ học, bệnh sinh lý và quản lý. Clin. Microbiol. Rev. 18, 383–416 (2005).

4. Wiersinga, W., Virk, H., Torres, A. và cộng sự. Bệnh Melioidosis. Nat Rev Dis Primers 4, 17107 (2018). https://doi.org/10.1038/nrdp.2017.107

5. CDC (2024). Melioidosis.