Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore là gì? Con đường lây nhiễm của bệnh

Ngày 29/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh Whitmore đang là mối lo ngại hàng đầu bởi nó được mệnh danh là bệnh vi khuẩn ăn thịt người. Vậy vi khuẩn gây bệnh Whitmore là gì? Chúng lây nhiễm qua con đường nào? Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ về chứng bệnh do vi khuẩn Whitmore gây ra.

Whitmore là căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và khó chẩn đoán do thời gian ủ bệnh lâu, chỉ bùng phát khi bệnh tiến triển nặng. Bài viết này sẽ gửi đến bạn kiến thức về vi khuẩn gây bệnh Whitmore cũng như mức độ nguy hiểm và con đường lây nhiễm của chúng.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore là gì?

Bệnh Whitmore hay còn gọi là melioidosis được biết đến với tên gọi là bệnh vi khuẩn ăn thịt người. Căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính này được gây ra do vi khuẩn gram âm tên Burkholderia pseudomallei. Năm 1912, bác sĩ Alfred Whitmore đã phát hiện tại Miến Điện nên bệnh được lấy tên theo vị bác sĩ này.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore là gì? Con đường lây nhiễm của bệnh 1
Bệnh Whitmore do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây ra

Vi khuẩn Whitmore sống tại bề mặt nước và trong bùn đất. Chúng sẽ lây lan sang người qua đường hô hấp khi hít phải bụi đất hoặc các giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, qua vết trầy xước trên da. Bệnh đặc biệt bùng phát vào mùa mưa.

Vi khuẩn Whitmore ủ bệnh từ 1 đến 21 ngày, trung bình là 9 ngày. Cũng có trường hợp ủ bệnh ngắn nhất là 1 ngày và dài nhất là 62 năm mà không có triệu chứng nổi trội cho đến khi phát bệnh rõ rệt.

Người khỏe mạnh có thể bị vi khuẩn tấn công. Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh là người dùng thuốc corticoid kéo dài, nhiễm trùng mạn tính, nghiện rượu, bệnh thận, tiểu đường… Vi khuẩn xâm nhập vào máu sẽ bị nhiễm khuẩn huyết nặng.

Tất cả mọi độ tuổi đều có khả năng nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore, nhất là người tiếp xúc trực tiếp với đất, nước thường xuyên. Tại các vùng có bệnh, trẻ em bị mắc chiếm tỉ lệ từ 5 đến 15% trên tổng số ca. Tỉ lệ tử vong của bệnh là từ 40 đến 60%. Việc gọi là bệnh vi khuẩn ăn thịt người có thể hiểu là do vi khuẩn gây hoại tử, giết chết các mô trong cơ thể. Da dẻ bị áp xe hoặc viêm loét, viêm phổi hay nhiễm trùng máu… ảnh hưởng tính mạng người bệnh.

Con đường lây truyền của bệnh Whitmore

Vi khuẩn B. pseudomallei gây bệnh Whitmore được phát hiện trong đất và nước. Do vậy, bệnh có 3 trường hợp lây nhiễm:

  • Tiếp xúc với đất bị nhiễm khuẩn thông qua da trầy xước hoặc vết thương do tai nạn, chẳng hạn như tai nạn giao thông, chơi thể thao, tai nạn lao động…
  • Hít phải hơi nước, bụi nhiễm khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn. Ở các chỗ xâm nhập, chúng tạo nên mụn nhỏ hoặc to tùy theo mức độ, có khi là ổ áp xe lớn.
  • Vi khuẩn theo máu xâm nhập vào các cơ quan trong cơ thể như lách, gan, phổi gây nên những ổ áp xe to nhỏ hoặc liên kết với nhau.
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore là gì? Con đường lây nhiễm của bệnh 2
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore tồn tại rất lâu trong đất

Người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời thì sẽ diễn tiến nghiêm trọng, gây nhiều biến chứng nặng nề. Chưa hết, bệnh nhiễm khuẩn Whitmore có thể truyền từ mẹ sang con thông qua tuyến sữa khi mẹ bị áp xe vú do vi khuẩn B. pseudomallei gây ra.

Cho đến nay, y học vẫn chưa phát hiện trường hợp nào lây truyền Whitmore từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua đường không khí. Côn trùng không phải tác nhân truyền bệnh. Yếu tố nguy cơ gây bệnh duy nhất là bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn trong nước hoặc đất. Do vậy, bệnh thường bùng phát lẻ tẻ, lác đác và không thành dịch lớn.

Biến chứng của bệnh nhiễm khuẩn Whitmore

Bản chất của vi khuẩn gây bệnh Whitmore dù không tạo thành dịch bệnh nhưng sẽ tiến triển gây biến chứng nặng như sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi. Trong trường hợp bệnh nhân không được phát hiện kịp thời và điều trị kháng sinh đúng phác đồ thì vi khuẩn sẽ tiến triển nhanh, dẫn đến suy hô hấp cấp và người bệnh tử vong.

Bệnh nhiễm khuẩn Whitmore thường khó phát hiện, vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh nên quá trình điều trị khó khăn. Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh liều cao kéo dài liên tục khoảng 2 tuần và dùng liều duy trì từ 3 đến 6 tháng để phòng ngừa tái phát. Nếu không điều trị đúng liều và phát đồ, theo dõi sát sao thì bệnh sẽ dễ dàng tái phát khiến sức khỏe suy kiệt. Bên cạnh đó, chi phí điều trị cũng khá cao do phải dùng kháng sinh đắt tiền trong thời gian dài.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore là gì? Con đường lây nhiễm của bệnh 3
Bệnh Whitmore gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi

Phương pháp chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn Whitmore

Để chẩn đoán xác định một người nhiễm khuẩn Whitmore, bác sĩ sẽ căn cứ vào lâm sàng, đặc biệt là thể bệnh cấp tính, hỏi về tiền sử bệnh, ví dụ như chấn thương hoặc xây xước da. Tiếp theo, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm vi sinh học trong máu, nước tiểu, đờm hoặc ở vùng da tổn thương. Các xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện sớm trường hợp cấp tính của bệnh. Kết quả xét nghiệm âm tính vẫn chưa thể kết luận loại trừ khả năng nhiễm Whitmore.
  • Một số xét nghiệm thường dùng khác gồm xét nghiệm cố định bổ thể (complement fixation – CF), xét nghiệm kết dính hồng cầu gián tiếp (indirect hemagglutination – IHA), xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (Polymerase chain reaction – PCR).
  • Chụp X-quang phổi: Các tổn thương trên phim chụp của bệnh nhân viêm phổi cấp do vi khuẩn gây bệnh Whitmore cho thấy hình ảnh nhiều thùy phổi, đông đặc thùy, tràn dịch màng phổi, tổn thương hoại tử phổi. Phổi tạo hang và áp xe với ổ dịch cũng thường thấy.
  • Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ: Người bệnh lớn tuổi nghi ngờ hoặc đã xác định bệnh sẽ phải chụp CT bụng và chậu nhằm xác định các tổn thương áp xe không triệu chứng ở thận, lách, gan, tuyến tiền liệt.
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore là gì? Con đường lây nhiễm của bệnh 4
Chụp X-quang phổi được chỉ định nhằm chẩn đoán bệnh Whitmore

Quá trình điều trị bệnh Whitmore khá khó khăn do khuẩn B. pseudomallei kháng nhiều loại kháng sinh thông thường. Bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh liều cao với khả năng hồi phục bệnh khoảng 50% đối với những tình trạng nghiêm trọng.

Có 2 giai đoạn điều trị Whitmore gồm giai đoạn tấn công và giai đoạn duy trì. Vào giai đoạn tấn công, người bệnh được điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch nhằm ngăn ngừa nhiễm khuẩn tiến triển nặng với mục đích cứu sống bệnh nhân. Ở giai đoạn duy trì, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh uống để tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát. Một số bệnh nhân còn phải chăm sóc đặt biệt như dùng máy trợ thở, tùy thuộc vào mức độ khẩn cấp của bệnh.

Bệnh Whitmore nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng khôn lường ảnh hưởng đến tính mạng. Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn nắm được thông tin chi tiết về vi khuẩn gây bệnh Whitmore cũng như con đường lây truyền của chúng. Do vậy, khi nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần đến cơ sở y tế nhanh chóng để được chẩn đoán và điều trị nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm