Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị nhện nhà cắn có sao không?

Ngày 20/10/2022
Kích thước chữ

Khi bị nhện nhà cắn, nhiều người thường có tâm lý hoang mang lo lắng về những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vậy bị nhện nhà cắn có sao không, những phân tích khoa học dưới đây sẽ giúp bạn có lời giải đáp chính xác.

Nhện nhà cắn thường sẽ gây đau nhức, khó chịu, khiến nhiều người có tâm lý lo lắng. Vậy cách xử trí như thế nào, liệu bị nhện nhà cắn có sao không, đó có phải là nhện độc và gây nguy hiểm không? Hãy bình tĩnh và tham khảo những thông tin hướng dẫn về sức khỏe sau đây nhé!

Nhện nhà là loại nhện gì? 

Nhện nhà là tên gọi chung của các loài nhện thích ẩn nấp trong nhà, thường xây mạng ở những nơi như tầng hầm, tủ quần áo, nhà kho. Nhện nhà thường có màu nâu xám hoặc nâu sẫm, có 8 chân dài và bụng tròn. Chúng thích sống trong ngóc ngách hoặc những góc tối trong ngôi nhà bởi đó là nơi nó có thể bắt các con mồi. Với kích thước cơ thể nhỏ và trung bình nên con mồi của chúng chủ yếu là kiến, ruồi, muỗi… Đây chính là lợi ích của nhện nhà khi chúng giúp môi trường sống của con người giảm thiểu các côn trùng gây hại khác.

Một phát hiện khá thú vị của các nghiên cứu khoa học là nhện nhà thường sống đơn lẻ hoặc sinh sản theo cặp. Con đực và con cái cùng xây mạng nhện. Mặc dù nhiều cá thể đồng giới thường xây tổ ở gần nhau, nhưng chúng lại không tương tác với nhau nhiều và đôi khi đánh nhau để tranh giành mồi. 

Tuy loại nhện này thường sống trong nhà nhưng chúng ta không tiếp xúc với chúng thường xuyên. Nhện nhà tránh sự tiếp xúc với con người và thường dựng mạng của chúng ở vị trí khuất tầm nhìn. Khi bị tiếp cận, chúng rút lui đến nơi an toàn hoặc bỏ chạy và chỉ cắn khi bị tấn công. Vì thế, đây là loài động vật không quá “đáng sợ” như nhiều người vẫn nghĩ. 

bị nhện nhà cắn có sao không 1 Nhện nhà là động vật thích ẩn náu và làm mạng trong nhà 

Bị nhện nhà cắn có sao không?

Vậy đâu là dấu hiệu bị nhện cắn? Nếu trên cơ thể có vết sưng đỏ, cảm giác đau nhức trong 1 - 2 ngày, giống y như hiện tượng bị ong đốt thì có thể bạn đã bị nhện cắn. Một số trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện vết phồng rộp khiến bạn khó chịu ngứa ngáy ở vùng da xung quanh. 

Khi không may gặp tình huống này, nhiều người thường khá lo lắng và tự hỏi liệu nhện cắn có bị làm sao không? Theo nhiều nghiên cứu, nhện nhà không phải là động vật gây nguy hiểm cho con người. Nếu chẳng may bị nhện nhà cắn thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Bởi các vết cắn không có đủ nọc độc để gây hại cho con người, chỉ khiến chúng ta cảm thấy sưng tấy nơi vết thương mà thôi. Vì thế chỉ sau từ 1 - 2 ngày, vết côn trùng cắn sẽ dịu đi và da chúng ta hoàn toàn có thể trở về trạng thái bình thường mà không có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 

bị nhện nhà cắn có sao không 2 Bị nhện nhà cắn có sao không là điều nhiều người băn khoăn, lo lắng 

Tuy nhiên, để vết thương sớm lành, khi bị nhện cắn, bạn nên tuân thủ các bước hướng dẫn sau đây:

  • Ngay khi phát hiện vết nhện cắn trên da, bạn nên rửa bằng nước sạch và xà phòng dịu nhẹ hoặc sử dụng các dụng cụ rửa vết thương tại nhà trong trường hợp cần thiết. 
  • Dùng thuốc bôi côn trùng cắn lên vùng bị thương và xoa đều trong vòng 10 phút, ngoại trừ trường hợp vết cắn nằm gần mắt thì không nên bôi. 
  • Nếu đau nhức nhiều, bạn có thể dùng đá lạnh bọc trong khăn mềm để chườm lên vết thương giúp giảm đau và sưng.
  • Trong trường hợp khu vực bị nhện nhà cắn xảy ra hiện tượng co thắt cơ bắp, cơn đau nhức kéo dài nhiều ngày hoặc vùng da bị côn trùng cắn sưng phù, phồng rộp ở diện tích lớn và chuyển dần sang màu tím thì bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, điều trị kịp thời. 
bị nhện nhà cắn có sao không 3 Khi bị nhện nhà cắn, bạn cần sơ cứu vết thương đúng cách 

Cách phòng ngừa nhện nhà cắn

Với băn khoăn “nhện cắn có nguy hiểm không?” thì câu trả lời là không quá nguy hiểm, song bạn nên phòng tránh tối đa để hạn chế những ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Một số giải pháp phòng ngừa nhện nhà cắn được khuyến cáo như sau:

  • Bạn chú ý đội mũ nón, mặc áo dài tay, đeo găng tay và đi giày che kín chân khi vận chuyển các hộp chứa đồ hoặc khi bạn thực hiện công việc dọn vệ sinh nhà kho, nhà để xe, tầng hầm, gác xép… nơi mà nhện nhà thường ẩn náu để tránh gặp nguy hiểm.
  • Trước khi đeo găng tay làm vườn, giày dép hoặc quần áo đã lâu không sử dụng, bạn hãy kiểm tra kỹ càng và giũ vài lần để chắc chắn không có nhện trú ẩn bên trong. 
  • Ngăn ngừa côn trùng gây hại và nhện bò vào nhà bằng cách chèn kín cửa sổ và cửa ra vào, hàn các kẽ hở hoặc vết nứt trên tường nhà.
  • Với các thùng chứa quần áo và các món đồ cũ, bạn hãy để nó ra nhà kho hoặc loại bỏ nhằm tránh việc xuất hiện động vật gây hại.
  • Với những món đồ bạn muốn bảo quản và cất giữ, hãy đặt tại vị trí cách xa tường và sàn nhà, tránh việc nhện chăng tơ và sinh sống ở đó.
  • Chú ý làm sạch khuôn viên quanh nhà, dỡ bỏ các đống đá và gỗ xung quanh.
  • Bạn lưu ý tránh trữ củi trong nhà mà nên để ở vị trí ngoài sân hoặc nhà chứa, hạn chế tối đa nhện xuất hiện và gây hại đến các thành viên trong gia đình.
  • Khi phát hiện có mạng nhện trong nhà, hãy chú ý dọn sạch và vứt bỏ chúng trong túi được buộc chặt rồi để ra bên ngoài để tránh nhện có thể bò vào nhà một lần nữa.
bị nhện nhà cắn có sao không 4 Thường xuyên lau chùi nhà cửa là cách ngăn ngừa nhện xuất hiện và gây hại 

Như vậy, bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nhện nhà cũng như giải đáp thắc mắc “bị nhện nhà cắn có sao không?”. Tuy đây là loài côn trùng không quá nguy hiểm nhưng có thể gây sưng, đau nhức và tổn thương da trong một vài ngày. Do đó, bạn cần nắm rõ cách sơ cứu khi bị nhện cắn để nhanh chóng xử lý vết thương. Ngoài ra, việc chủ động phòng ngừa bằng cách giữ môi trường sống sạch sẽ là yếu tố tiên quyết để tránh côn trùng gây hại. Vì thế bạn hãy thường xuyên dọn dẹp nhà cửa nhằm đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe cho bản thân và gia đình nhé! 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin