Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị nhói tim là bệnh gì? Bị nhói tim khi nào cần đi viện?

Ngày 26/10/2022
Kích thước chữ

Nhói tim là triệu chứng nổi bật của nhiều bệnh lý, đặc biệt là các bệnh lý tim mạch. Vậy bị nhói tim là bệnh gì? Bị nhói tim có nguy hiểm không? Nhà thuốc Long Châu sẽ giải đáp thắc mắc về bệnh nhói tim trong bài viết dưới đây.

Tim là cơ quan quan trọng trong hệ tuần hoàn, đóng vai trò như một chiếc bơm để bơm máu đi khắp cơ thể. Tim có hệ thần kinh phong phú chi phối vận động và cảm giác, cảm giác nhói tim có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý, đáng chú ý hơn cả là các bệnh liên quan đến tim. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu trả lời câu hỏi “Bị nhói tim là bệnh gì?” nhé.

Bị nhói tim là bệnh gì?

Bị nhói tim là tình trạng đau nhói ngực trái, thường xảy ra đột ngột, đau thoáng qua hoặc có thể tới vài giờ, mức độ đau từ nhẹ tới rất nặng nề. Nhói tim có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, mức độ nguy hiểm của bệnh thay đổi từ không cần điều trị đến phải nhanh chóng tiến hành cấp cứu để bảo toàn được mạng sống. Vậy thỉnh thoảng bị đau nhói ở tim là bệnh gì?

Nhói tim có rất nhiều nguyên nhân, có thể kể đến các nguyên nhân về tim mạch, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, cơ thành ngực… Tính chất của nhói tim sẽ khác nhau tùy theo từng nguyên nhân. Có nguyên nhân nhói tim do bệnh lý có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Bên cạnh đó đôi khi nhói tim không phải do một bệnh lý nào gây ra mà chỉ phản ánh một tình trạng sinh lý của cơ thể.

Bị nhói tim là bệnh gì? Bị nhói tim khi nào cần đi viện? 1 Bị nhói tim là bệnh gì không phải ai cũng biết

Những trường hợp bị nhói tim không do nguyên nhân bệnh lý

Đôi khi nhói tim thường chỉ thoáng qua, không thường xuyên, có thể trở về bình thường nhanh chóng và không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe:

  • Do hoạt động thể lực cường độ lớn trong thời gian dài như lao động nặng nhọc, tập gym quá sức, các hoạt động cần thể lực và sức bền tốt… mà không có sự nghỉ ngơi hợp lý, dẫn đến vượt quá khả năng bơm máu sinh lý của tim. Tim làm việc với cường độ cao trong thời gian dài, chuyển hóa trong điều kiện nghèo oxy, tích tụ lactate, pH giảm… dẫn đến đau nhói.
  • Rối loạn thần kinh thực vật: Nhói tim xuất hiện đột ngột hoặc sau một thay đổi cảm xúc quá mức, stress, môi trường ồn ào đông đúc… Thường kèm theo các triệu chứng hụt hơi, phải hít sâu để thở, tim đập nhanh, choáng váng, hạ huyết áp, hồi hộp đánh trống ngực, đổ mồ hôi chân tay…
  • Bị nhói tim có thể do đầy hơi sau bữa ăn no.

Bị nhói tim do nguyên nhân bệnh lý

Nhói tim do một bệnh lý tim mạch: Thường liên quan đến gắng sức, thường xảy ra sau một vận động mạnh, có thể giảm hoặc không giảm khi nghỉ ngơi. Đôi khi nhói tim xảy ra đột ngột và liên tục với mức độ đau nặng nề như dao đâm, kéo dài trong nhiều giờ. Có thể kèm theo các triệu chứng không điển hình khác như tụt huyết áp, sốc, nặng ngực, khó thở, choáng váng, vã mồ hôi... Các bệnh lý tim mạch có thể kể đến là bệnh mạch vành, tách động mạch chủ, viêm màng ngoài tim, bệnh van tim…

Bệnh lý hô hấp: Nhói tim liên quan đến nhịp thở và ho, nặng ngực, có thể kèm theo khó thở hoặc không. Khi các triệu chứng hô hấp được cải thiện người bệnh sẽ giảm dần cảm giác nhói tim.

Các bệnh lý liên quan đến dạ dày – thực quản: Nhói tim có thể xuất hiện kèm theo triệu chứng ợ nóng, ợ chua, ợ hơi, nóng rát sau xương ức, buồn nôn, đau thượng vị, khàn giọng… Xuất hiện sau bữa ăn no, uống rượu, ngả người về phía trước, thức khuya… Các bệnh lý tiêu hóa thường gặp là bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, co thắt thực quản, viêm – loét niêm mạc dạ dày – tá tràng.

Bệnh viêm dây thần kinh liên sườn: Cảm giác nhói tim tăng lên liên quan đến vận động hoặc khi nhấn vào cơ liên sườn. Thường đau còn lan dọc theo xương sườn, theo đường đi của dây thần kinh liên sườn.

Bị nhói tim là bệnh gì? Bị nhói tim khi nào cần đi viện? 2 Viêm dây thần kinh liên sườn có thể gây nhói tim

Bị nhói tim khi nào cần đi khám bệnh?

Một số dấu hiệu triệu chứng mà người bị nhói tim cần đến bệnh viện thăm khám nhằm phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách các bệnh lý nguy hiểm. Người bị nhói tim không nên coi nhẹ tình trạng của mình mà nên tới bệnh viện để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh và đề ra phương án điều trị. Khi có một hay nhiều các triệu chứng sau đây người bệnh nên được đưa ngay tới các cơ sở y tế gần nhất:

  • Bị nhói tim thành cơn trên 15 phút.
  • Bị nhói tim xuất hiện với tần suất thường xuyên, cường độ đau nhiều, dữ dội làm hạn chế gắng sức, khó thở tăng dần, choáng váng, vã mồ hôi hoặc ngất.
  • Bị nhói tim kèm theo cảm giác bóp nghẹt sau xương ức, lan theo cánh tay trái, lên vai, hàm dưới, ra sau lưng, đặc biệt khi cảm giác đau nhói tim không giảm ngay cả sau nghỉ ngơi…
  • Bị nhói tim đột ngột, mức độ nặng nề, không thuyên giảm, kéo dài nhiều giờ, có tụt huyết áp, giảm ý thức, liệt nửa người, tình trạng người bệnh nhanh chuyển biến xấu.

Phòng và điều trị nhói tim thế nào?

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ đề ra các phác đồ điều trị khác nhau. Người bệnh nên đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám. Ngoài khai thác tiền sử bệnh lý của người bệnh và tiền sử gia đình, bác sỹ tìm hiểu về các triệu chứng bệnh sau đó chỉ định các thăm dò cận lâm sàng như chụp X-quang lồng ngực, cắt lớp vi tính lồng ngực, siêu âm tim, điện tâm đồ… để góp phần chẩn đoán bệnh. 

Bị nhói tim là bệnh gì? Bị nhói tim khi nào cần đi viện? 3 Chụp X-quang lồng ngực là phương pháp góp phần chẩn đoán bệnh gây nhói tim

Tình trạng bệnh có thể không đáng lo ngại nhưng cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng cần phải cấp cứu. Do đó việc duy trì phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám theo hẹn là cần thiết. Kiểm soát các chỉ số huyết áp, đường huyết, mỡ máu đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tiến triển bệnh tim mạch. Ngoài ra người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ.

Giữ chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu hoạt động của cơ thể. Tối giản chất béo bão hòa và tinh bột. Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ và khoáng chất như rau xanh, trái cây. Có chế độ sinh hoạt làm việc, ngủ nghỉ hợp lý, tránh thức khuya, tránh lao động nặng.

Quan tâm đến sức khỏe tâm lý, giữ tâm trạng thoải mái, lạc quan nhằm hạn chế các stress ảnh hưởng xấu đến cơ thể, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Các bài tập thể dục cường độ vừa phải, giải trí bên người thân, bạn bè sau những giờ làm việc căng thẳng có tác dụng tốt trong việc điều hòa tâm trạng, cảm xúc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phòng và đẩy lùi tiến triển của các bệnh lý nguy hiểm.

Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu được bị nhói tim là bệnh gì cũng như cách nhận biết một số trường hợp bị nhói tim nguy hiểm. Mong bạn tiếp tục đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu để không bỏ qua những thông tin sức khỏe bổ ích nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin