Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Kem chống nắng là vật bất ly thân của nhiều người, nhất là vào mùa hè. Tuy nhiên, không ít người gặp phải tình trạng bị cay mắt khi sử dụng. Vậy nguyên nhân nào khiến bạn bôi kem chống nắng bị cay mắt? Cách khắc phục và phòng ngừa tình trạng này thế nào?
Ánh nắng mặt trời chứa 3 loại tia tử ngoại: UVA, UVB và UVC. Trong đó, UVA và UVB là hai loại chính gây hại cho da. UVA có thể xuyên sâu vào da, gây lão hóa, nám, tàn nhang và tăng nguy cơ ung thư da. UVB có thể gây bỏng nắng, làm đỏ da và cũng góp phần vào quá trình lão hóa da. Đây là lý do kem chống nắng đã trở thành vật bất ly thân với nhiều người. Tuy nhiên, nhiều người bôi kem chống nắng bị cay mắt.
Bôi kem chống nắng là bước không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da vào ban ngày của bất kỳ ai trong chúng ta. Kem chống nắng tạo một lớp màng bảo vệ, ngăn chặn tia UV xâm nhập sâu vào da. Nó còn giúp phòng ngừa và giảm nguy cơ bị bỏng nắng. Bên cạnh đó, kem chống nắng giúp bảo vệ các sợi collagen và elastin trong da, ngăn chặn quá trình lão hóa da. Tuy nhiên, không ít người bị cay mắt mỗi khi dùng kem chống nắng khiến họ hạn chế sử dụng chúng. Nguyên nhân có thể đến từ một số thành phần kem chống nắng như chất bảo quản, hương liệu và cồn.
Theo nghiên cứu, một số chống nắng hóa học như oxybenzone và avobenzone có hiệu quả chống nắng cao. Tuy nhiên, chúng lại tiềm ẩn nguy cơ gây kích ứng cho những người có mắt nhạy cảm. Điều này dễ khiến mắt của bạn bị cay, ngứa và chảy nước mắt khi sử dụng kem chống nắng chứa những thành phần này. Ngoài ra, các chất bảo quản, hương liệu, hoặc cồn trong một số loại kem chống nắng cũng có thể góp phần gây cay mắt.
Đồng thời, cơ chế gây cay mắt chủ yếu do các chất trong kem chống nắng hòa tan trong nước mắt hoặc mồ hôi và tiếp xúc với giác mạc, dẫn đến kích ứng. Ngoài ra, bôi kem chống nắng bị cay mắt cũng là một tác hại của kem chống nắng khi dùng sai cách. Nếu bạn thoa kem quá gần mắt thì sao? Việc này sẽ làm tăng khả năng kem chống nắng trôi vào mắt và tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc mắt. Nếu sau mỗi lần thoa kem chống nắng bạn không có thói quen rửa tay sạch sẽ, các thành phần của sản phẩm cũng dễ dàng xâm nhập vào mặt khi bạn dùng tay dụi mắt. Một nguyên nhân khác khiến bạn dễ bị cay mắt khi dùng kem chống nắng là bạn có làn da và mắt nhạy cảm hơn những người khác.
Để tránh tình trạng cay mắt khi dùng kem chống nắng, bạn nên ưu tiên các loại kem chống nắng vật lý. Loại kem chống nắng này có khả năng tạo lớp màng bảo vệ trên bề mặt da, phản xạ tia UV mà không thẩm thấu sâu. Nhờ đó, nó ít gây kích ứng da và mắt hơn so với các thành phần hóa học. Đây là lý do mà kem chống nắng vật lý thường được khuyên dùng cho những người có da và mắt nhạy cảm.
Bên cạnh đó, khi chọn kem chống nắng, bạn cũng cần đọc kỹ bảng thành phần. Việc này giúp bạn tránh mua phải sản phẩm chứa các thành phần dễ gây kích ứng da và cay mắt như hương liệu, cồn và paraben. Trên thị trường hiện nay có các loại kem chống nắng chuyên biệt cho da mặt, da body, da trẻ em và da nhạy cảm,... Chọn loại kem chống nắng phù hợp với làn da của từng đối tượng cũng giúp hạn chế kích ứng và cay mắt.
Thêm một lưu ý cực kỳ quan trọng là bạn nên dùng kem chống nắng dành riêng cho da mặt. Một số người có thói quen dùng loại kem chống nắng chung cho da mặt và da body. Da mặt mỏng và nhạy cảm hơn nên những loại kem chống nắng có thành phần dịu nhẹ, kết cấu dễ thẩm thấu sẽ là lựa chọn ưu tiên.
Để kem chống nắng phát huy tối đa hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ gây kích ứng cho mắt, bạn cần biết thoa kem đúng cách. Bạn nên thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài khoảng 15 - 20 phút. Khoảng thời gian này giúp kem đủ thời gian thẩm thấu vào da và hình thành lớp bảo vệ ổn định, sẵn sàng chống lại tác động của tia UV ngay khi bạn ra ngoài. Thoa kem quá sát thời điểm ra ngoài khiến kem chưa đủ thời gian phát huy chức năng bảo vệ. Ngoài ra, vì thời gian gấp gáp bạn không thoa kem kỹ càng, dễ làm lem vào gần mắt gây cay mắt.
Để tránh bôi kem chống nắng bị cay mắt, bạn hãy thoa kem chống nắng ở một khoảng cách an toàn, không bôi quá gần mắt. Vùng da quanh mắt nhạy cảm và mỏng nên vẫn cần bôi kem chống nắng bảo vệ. Tuy nhiên, bạn nên bôi cách mắt khoảng 1cm. Việc này để tránh việc các thành phần trong kem chống nắng theo mồ hôi, khóe mắt hay các nếp nhăn chảy vào trong mắt gây cay mắt.
Sau khi thoa kem chống nắng, bạn cũng đừng quên rửa tay sạch sẽ. Nếu không rửa tay, khi vô tình chạm tay lên mắt, bạn có thể khiến kem chống nắng bị dính vào mắt, gây cảm giác cay xè và khó chịu.
Nếu thường xuyên tham gia các hoạt động mạnh gây đổ mồ hôi nhiều, hoạt động ngoài trời hoặc đi bơi, bạn nên chọn loại kem chống nắng chống nước lâu trôi. Khi đó, bạn sẽ không sợ thành phần của sản phẩm theo mồ hôi hay nước trôi vào mắt.
Một số lưu ý khi sử dụng kem chống nắng dưới đây có thể bảo vệ mắt bạn khỏi ích ứng:
Trong trường hợp kem chống nắng vô tình dính vào mắt, cách tốt nhất là bạn hãy rửa mặt bằng nước sạch ngay lập tức. Việc này giúp loại bỏ các thành phần có thể gây cay mắt. Bạn nên rửa nhẹ nhàng vùng da quanh mắt, tránh chà xát để không làm mắt thêm tổn thương. Nếu cảm thấy mắt vẫn còn khó chịu, hãy sử dụng nước muối sinh lý rửa mắt để làm dịu mắt.
Trong trường hợp tình trạng kích ứng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp xác định nguyên nhân gây kích ứng và đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp.
Để tránh tình trạng kích ứng xảy ra, bạn nên tìm hiểu thật kỹ trước khi chọn kem chống nắng. Điều này đặc biệt quan trọng khi mua sản phẩm cho trẻ em hoặc những người có làn da nhạy cảm. Thêm vào đó, bạn cũng nên thử nghiệm kem chống nắng trên một vùng da nhỏ nếu lần đầu dùng sản phẩm này. Việc này giúp bạn kiểm tra phản ứng của da với sản phẩm, tránh gặp những tác dụng phụ không mong muốn.
Tình trạng bôi kem chống nắng bị cay mắt khá nhiều người gặp phải. Nguyên nhân có thể đến từ việc chọn sản phẩm không phù hợp hay thoa kem chống nắng không đúng. Để khắc phục, bạn nên chọn loại kem chống nắng dịu nhẹ, không chứa hương liệu, chuyên biệt cho da mặt. Khi sử dụng, bạn nên thoa kem tránh vùng mắt và rửa tay sạch sau khi thoa. Với những lưu ý trên đây, bạn hoàn toàn có thể sử dụng kem chống nắng hiệu quả, an toàn mà không lo bị cay mắt.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.