Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Tùy vào mức độ tổn thương, bong gân bàn chân có thể điều trị tại nhà bằng thuốc hoặc cần phẫu thuật tái tạo dây chằng. Vậy, bong gân bàn chân uống thuốc gì để nhanh hồi phục và không để lại di chứng?
Trong cấu tạo bàn chân, dây chằng giữ vai trò quan trọng giúp liên kết, giữ vững các khớp. Bong gân bàn chân xảy ra khi bàn chân chịu tác động mạnh từ bên ngoài khiến dây chằng bị tổn thương. Trong các hoạt động hàng ngày, bong gân bàn chân rất dễ gặp khi chạy nhảy, chơi đùa, lao động, tập thể thao, hay thậm chí là chỉ cần một lần bước hụt chân khi lên cầu thang…
Triệu chứng của bong gân bàn chân có thể là đau, tăng lên khi đi lại, lúc sau thì sưng và bầm tím trên da. Đồng thời, người bệnh cảm thấy đau nhói ở vùng khớp bị tổn thương và rất khó để đi lại, vận động. Để xác định chính xác tình trạng bong gân, bác sĩ có thể chỉ định chụp x-quang để đưa ra hướng điều trị và quyết định bong gân bàn chân uống thuốc gì.
Nếu không may bị bong gân, người bệnh cần biết cách sơ cứu và xử lý đúng cách, để vùng tổn thương nhanh chóng giảm đau, mau hồi phục. Ngược lại, nếu không điều trị đúng có thể khiến bệnh tăng nặng, triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Bong gân được chia làm 3 mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng:
Độ 1: Dây chằng bị kéo giãn nhẹ.
Độ 2: Dây chằng có thể bị đứt một phần, phần còn lại vẫn nguyên vẹn nên khớp vẫn vững.
Độ 3: Dây chằng bị đứt hoàn toàn khiến khớp trở nên lỏng lẻo, dễ gây ra nhiều biến chứng.
Khi chân bị bong gân, sẽ xuất hiện tình trạng chảy máu vùng dây chằng bị đứt, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà máu sẽ chảy nhiều hay ít. Máu chảy ra làm sưng nề vùng khớp, máu tụ lại khiến tạo dấu bầm tím, thấy đau khi ấn vào. Sau khi chấn thương, tình trạng viêm sẽ xảy ra tại vùng bong gân. Bạch cầu sẽ được huy động đến để dọn dẹp vùng chấn thương đồng thời mô xơ sẽ hàn gắn vùng dây chằng bị hư.
Để giảm triệu chứng của bong gân, bạn có thể được chỉ định dùng một số thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid bên cạnh những cách sơ cứu bên ngoài.
Bong gân bàn chân uống thuốc gì? Thông thường, nếu bong gân ở mức độ nhẹ, triệu chứng sưng đau không nặng nề và ảnh hưởng quá lớn đến sinh hoạt, người bệnh có thể áp dụng phương pháp RICE điều trị tại nhà.
Nhưng với những chấn thương nặng hơn, cơn đau nhức không giảm bằng các phương pháp băng lạnh, chườm đá, đắp lá thảo dược… thì hãy nghĩ đến việc sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn thông thường như Paracetamol.
Paracetamol hay Acetaminophen là hoạt chất có tác dụng giảm đau và hạ sốt hiệu quả, có khả năng thay thế Aspirin nhưng lại chỉ có tác dụng giảm đau đơn thuần, không có khả năng chống viêm như aspirin.
Paracetamol hầu như không có tác dụng phụ và rất an toàn cả với trẻ nhỏ. Paracetamol khi vào cơ thể không tác động đến hệ tim mạch và hô hấp, không làm ảnh hưởng đến sự cân bằng axit bazơ trong cơ thể, không gây kích ứng hay chảy máu dạ dày như một số loại thuốc cùng tác dụng khác.
Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc quá liều khuyến cáo vẫn khả năng gây độc tính trên gan, thận với các biểu hiện thường gặp như nước tiểu sậm màu, vàng da, vàng mắt, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Một số dạng và hàm lượng Paracetamol thường được sử dụng như dạng uống (thuốc viên nén hoặc dạng bột cho trẻ nhỏ), dạng viên đạn đặt hậu môn cho trẻ em…
Bong gân bàn chân uống thuốc gì để giảm tình trạng viêm? Thứ bạn cần chính là nhóm thuốc kháng viêm NSAID (aspirin, ibuprofen, diclofenac…) là nhóm thuốc giảm đau, chống viêm không cần bác sĩ kê đơn hoạt động dựa trên tác dụng ức chế enzyme cyclooxygenases (COX).
Khi sử dụng NSAID với mục đích giảm đau hay chống viêm, thời gian sử dụng không quá 10 ngày liên tục theo đúng liều dùng phù hợp độ tuổi, cân nặng và chức năng gan thận. Thuốc NSAID cần sử dụng theo nguyên tắc dùng thuốc ở liều thấp nhất, trong thời gian ngắn nhất có thể.
Người bệnh dùng NSAID có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như chảy máu tiêu hóa, nhồi máu cơ tim, tăng men gan, suy thận… Vì thế, nếu cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường trong quá trình dùng thuốc NSAID thì hãy tạm ngưng và đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Ngoài các loại thuốc điều trị kể trên, người bệnh có thể bổ sung thêm các loại thuốc bổ hỗ trợ xương khớp, tăng cường vitamin, khoáng chất giúp quá trình hồi phục nhanh chóng hơn như thuốc bổ xương khớp Glucosamine, Chondroitin… Các loại thuốc bổ sung Vitamin C, beta-carotene, kẽm cũng là loại thuốc rất cần thiết khi bạn phân vân không biết bong gân bàn chân uống thuốc gì?
Bàn chân là vị trí hoạt động nhiều nên thời gian hồi phục bong gân bàn chân cũng lâu hơn các vị trí khác. Tùy vào mức độ tổn thương dây chằng và tuân thủ điều trị của người bệnh thì thời gian hồi phục sẽ khác nhau. Thông thường, nếu bong gân bàn chân ở mức độ nhẹ chỉ cần nghỉ ngơi 1-2 tuần, với bong gân mức độ 2, 3 thời gian điều trị khỏi hoàn toàn từ 3 tuần đến 3 tháng, thậm chí 6 tháng nếu cần phẫu thuật.
Xoa bóp bằng dầu nóng: Đây là cách điều trị hoàn toàn sai lầm, có thể khiến tình trạng tổn thương nghiêm trọng hơn. Sức nóng của dầu khiến tăng chảy máu, tăng tiết dịch dẫn đến vùng sưng, bầm tím càng lan rộng.
Không nghỉ ngơi sau chấn thương: Khi bị bong gân bàn chân, để khớp nghỉ ngơi là điều vô cùng quan trọng. Người bệnh cần bất động vùng tổn thương, kê cao chân khi nằm ngủ để giảm nhanh các triệu chứng và đẩy nhanh quá trình hồi phục. Tuy nhiên, một số người bệnh chủ quan nghĩ bệnh nhẹ vẫn có thể vận động được vì không thấy đau nhiều. Điều này có thể khiến bệnh trở nặng, tốn công sức và thời gian điều trị.
Vì thế, ngoài quan tâm bị bong gân bàn chân uống thuốc gì thì người bệnh cần nghỉ ngơi tối đa, dùng thuốc đúng và đủ liều, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để mau chóng hồi phục. Nếu tình trạng bệnh nặng hơn, không đáp ứng điều trị thì cần sớm tới cơ sở y tế thăm khám để giảm di chứng có thể xảy ra.
Ly Ly
Nguồn: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung
Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.