Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Các giai đoạn ung thư dạ dày và một số thông tin bạn cần biết

Ngày 28/10/2024
Kích thước chữ

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến nhất, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của con người. Việc hiểu rõ các giai đoạn ung thư dạ dày sẽ giúp nhận biết sớm triệu chứng, đánh giá mức độ tiến triển của bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Các giai đoạn ung thư dạ dày được phân chia từ giai đoạn sớm đến giai đoạn tiến triển, tùy thuộc vào mức độ xâm lấn của khối u và khả năng lan rộng ra các bộ phận khác trong cơ thể. Việc xác định chính xác các giai đoạn ung thư dạ dày đóng vai trò quan trọng trong tiên lượng và lên kế hoạch điều trị. Bệnh nhân và người nhà cần nắm rõ những thông tin này để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong hành trình chiến đấu với bệnh tật.

Nguyên nhân của ung thư dạ dày là gì?

Nguyên nhân khiến một người bình thường xuất hiện các dấu hiệu ung thư dạ dày phụ thuộc vào từng đối tượng. Những yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày có thể kể đến như:

  • Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) nhiễm vào lớp niêm mạc dạ dày, gây nhiễm trùng và có thể dẫn đến loét dạ dày.
  • Polyp dạ dày phát triển bất thường từ mô trên niêm mạc dạ dày.
  • Tình trạng viêm loét dạ dày tái phát, viêm dạ dày mạn tính hoặc từng phẫu thuật dạ dày.
  • Độ tuổi từ 45 trở lên.
  • Thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên.
  • Chế độ ăn không khoa học, gồm thực phẩm chứa chất bảo quản, đồ nướng, xông khói hoặc ngâm muối.
  • Thiếu máu nặng, giảm hồng cầu do ruột không hấp thụ đủ vitamin B12.
Các giai đoạn ung thư dạ dày mà bạn cần biết 1
Vi khuẩn Helicobacter pylori nhiễm vào lớp niêm mạc dạ dày, gây nhiễm trùng và có thể dẫn đến loét dạ dày

Các giai đoạn ung thư dạ dày

Theo hệ thống phân loại TNM của Ủy ban Ung thư Hoa Kỳ (AJCC), ung thư dạ dày được chia thành 5 giai đoạn, từ giai đoạn 0 đến giai đoạn 4, dựa trên ba tiêu chí chính:

  • Phạm vi (kích thước) của khối u;
  • Mức độ lan rộng đến các hạch bạch huyết xung quan;
  • Sự di căn đến các cơ quan xa.

Giai đoạn 0

Giai đoạn này còn được biết đến là ung thư biểu mô tại chỗ.

Niêm mạc dạ dày xuất hiện loạn sản cấp độ cao biểu hiện qua các tế bào có hình dạng rất bất thường hoặc có tế bào ung thư chỉ ở lớp bề mặt của niêm mạc (lớp trong cùng của dạ dày) mà chưa xâm lấn vào các lớp mô sâu hơn như lớp đệm (Tis). Ở giai đoạn này, ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết gần đó (N0) hoặc các cơ quan xa (M0).

Giai đoạn 1

Giai đoạn I ung thư dạ dày chỉ một khối u nằm trong niêm mạc dạ dày và có khả năng lan đến các hạch bạch huyết gần đó. Tương tự như giai đoạn 0, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày cùng với các hạch bạch huyết lân cận. Ngoài ra, hóa trị hoặc xạ trị có thể được thực hiện trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u và sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

Giai đoạn 2

Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã lan vào các lớp sâu hơn của dạ dày và có thể đã tiến triển đến các hạch bạch huyết gần. Phương pháp điều trị chính vẫn là phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày cùng với các hạch bạch huyết gần đó. Hóa trị và xạ trị có thể được thực hiện trước và sau phẫu thuật để hỗ trợ điều trị.

Giai đoạn 3

Tế bào ung thư đã xâm lấn toàn bộ các lớp của dạ dày và có thể lan đến các cơ quan lân cận như lá lách hoặc đại tràng. Cấu trúc tế bào ung thư ở giai đoạn này có thể nhỏ, xâm nhập sâu và len lỏi vào hệ bạch huyết. Điều trị thường bao gồm phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày kèm theo hóa trị hoặc xạ trị, nhằm tăng khả năng chữa trị hoặc ít nhất là giảm nhẹ triệu chứng. Nếu sức khỏe không cho phép phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp cả hai, tùy thuộc vào đáp ứng của cơ thể.

Các giai đoạn ung thư dạ dày mà bạn cần biết 2
Các giai đoạn ung thư dạ dày đều nguy hiểm, ở giai đoạn 3, tế bào ung thư đã xâm lấn toàn bộ các lớp của dạ dày

Giai đoạn 4

Ở giai đoạn cuối, ung thư đã di căn xa đến các cơ quan như gan, phổi hoặc não. Điều trị gặp nhiều thách thức, nhưng bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp để kiểm soát tình trạng và giảm nhẹ triệu chứng, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Chẩn đoán ung thư dạ dày bằng cách nào?

Bệnh ung thư dạ dày thường không được khuyến cáo tầm soát định kỳ vì đây là một bệnh lý hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ hướng dẫn các biện pháp theo dõi phù hợp.

Quy trình chẩn đoán ung thư dạ dày thường khởi đầu bằng việc thăm khám tổng quát và thu thập tiền sử bệnh, trong đó có các yếu tố nguy cơ và tiền sử gia đình mắc ung thư. Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu nhằm phát hiện dấu hiệu ung thư.
  • Nội soi dạ dày sử dụng ống nội soi để trực tiếp quan sát bên trong dạ dày.
  • Chụp X-quang cản quang đường tiêu hóa trên với Barium để thu được hình ảnh chi tiết hơn về dạ dày.
  • Chụp CT sử dụng tia X cường độ cao để thu được hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể.
  • Sinh thiết: Lấy mẫu mô nhỏ từ dạ dày trong quá trình nội soi để thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh, nhằm phát hiện tế bào ung thư.
Các giai đoạn ung thư dạ dày mà bạn cần biết 3
Nội soi dạ dày là một trong những cách chẩn đoán ung thư dạ dày

Biện pháp ngăn ngừa ung thư dạ dày

Ngăn ngừa ung thư dạ dày thông qua các biện pháp sau:

  • Điều trị nhiễm trùng dạ dày: Nếu bạn bị loét do nhiễm vi khuẩn H. pylori, cần tiến hành điều trị kịp thời. Sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn kết hợp với các loại thuốc giúp làm lành vết loét trong niêm mạc dạ dày, giảm nguy cơ ung thư.
  • Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Bổ sung trái cây tươi và rau xanh giàu chất xơ vào bữa ăn hàng ngày để giảm nguy cơ ung thư. Hạn chế thực phẩm quá mặn, ngâm chua, hun khói, hoặc thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội. Giữ trọng lượng cơ thể hợp lý, vì thừa cân và béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
  • Không hút thuốc: Sử dụng thuốc lá có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư dạ dày.
  • Theo dõi việc sử dụng aspirin và NSAID: Nếu bạn dùng aspirin hằng ngày để phòng ngừa bệnh tim hoặc NSAID cho bệnh viêm khớp, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để giảm thiểu tác động của các thuốc này lên dạ dày.
Các giai đoạn ung thư dạ dày mà bạn cần biết 4
Một chế độ ăn uống lành mạnh giúp bảo vệ dạ dày của bạn

Hiểu rõ các giai đoạn ung thư dạ dày không chỉ giúp bệnh nhân nhận thức về tình trạng sức khỏe của mình mà còn hỗ trợ bác sĩ trong việc xây dựng phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể cải thiện đáng kể khả năng phục hồi và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Vì vậy, việc thăm khám định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa và ứng phó với ung thư dạ dày.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin