Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Quy trình nội soi dạ dày diễn ra như thế nào?

Ngày 30/05/2024
Kích thước chữ

Ngày nay tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh về đường tiêu hoá trên ngày càng nhiều và chỉ định nội soi càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên phần lớn người bệnh đều lo sợ nội soi dạ dày vì chưa hiểu hết thông tin về nó. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn về nội soi dạ dày, khi nào cần thực hiện, quy trình nội soi dạ dày và những lưu ý sau khi nội soi dạ dày nhé.

Trên thực tế, với sự phát triển tiên tiến trong y tế hiện nay thì việc nội soi dạ dày đã dễ chịu hơn nhiều. Quy trình nội soi dạ dày cũng là phương pháp hiệu quả, an toàn để chẩn đoán các bất thường về tiêu hoá.

Tổng quan về nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày là thủ thuật mà bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi mềm có gắn camera và đèn ở phần đầu ống để đưa vào bên trong dạ dày bằng đường miệng hay đường mũi. Những hình ảnh ghi được ghi trong quá trình nội soi sẽ giúp bác sĩ quan sát được niêm mạc dạ dày và phát hiện những tổn thương hoặc những bất thường ở cơ quan này (nếu có), từ đó sẽ đưa ra chẩn đoán và những tư vấn phù hợp cho từng bệnh nhân.

Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này thường dành cho những người có các biểu hiện bất thường liên quan đến tiêu hóa như nôn sau khi ăn, đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, ợ chua, chán ăn, sụt cân bất thường không rõ nguyên nhân, đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài ra máu,...

Quy trình nội soi dạ dày diễn ra như thế nào? 2
Nội soi dạ dày sẽ sử dụng ống mềm có gắn camera để quan sát

Cần nội soi dạ dày trong trường hợp nào?

Trong đa số trường hợp thì nội soi dạ dày sẽ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, người bệnh sẽ cần phải nội soi khi:

  • Có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lý đường tiêu hóa trên như khó nuốt, đau thượng vị, ợ chua, ợ hơi, chán ăn, buồn nôn, khó tiêu, chướng bụng, đi ngoài phân đen,…
  • Cần xem xét hoặc đánh giá lại kết quả sau khi đã điều trị những bệnh lý thực quản - dạ dày - tá tràng.
  • Khi cần lấy mẫu mô để chẩn đoán (sinh thiết) hoặc điều trị một số tình trạng nhất định thông qua nội soi dạ dày như là cắt bỏ polyp, giãn thực quản, loại bỏ dị vật,…
  • Nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa như người có tiền sử gia đình bị ung thư đường tiêu hóa, người béo phì, người thừa cân, nghiện hút thuốc lá, người bị viêm loét dạ dày mãn tính,…

Trong một số trường hợp bác sĩ có thể sẽ không chỉ định thủ thuật này cho những đối tượng như người bị thủng dạ dày hoặc các cơ quan khác trong ống tiêu hóa; người bị suy tim, thiếu máu cơ tim cấp; người bị suy hô hấp; người bị bỏng do uống acid; người mới ăn no và một số trường hợp cụ thể khác.

Việc nội soi dạ dày sẽ nhằm mục đích gì?

Nội soi dạ dày đáp ứng có nhiều mục đích khác nhau, cụ thể như là:

  • Quan sát niêm mạc dạ dày, tìm ra các bất thường, từ đó tìm ra tác nhân gây bệnh.
  • Xác định sự có mặt của vi khuẩn HP.
  • Lấy mô tế bào trong dạ dày để sinh thiết.
  • Với bệnh nhân đang điều trị bệnh về dạ dày, nội soi dạ dày giúp bác sĩ đánh giá khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân.
  • Nội soi kết hợp loại bỏ polyp.
  • Nội soi sử dụng trong điều trị cắt hớt niêm mạc, loại bỏ dị vật, lấy sỏi mật,...

Các phương pháp thường dùng trong quy trình nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày thường được thực hiện qua đường miệng hoặc đường mũi. Ngoài ra, nội soi dạ dày cũng được chia thành 2 dạng là nội soi không gây mê và nội soi có gây mê. Trong đó, nội soi gây mê thường được ưa chuộng hơn do hạn chế được cảm giác khó chịu trong quá trình nội soi và phù hợp với nhiều thể trạng hơn so với nội soi không gây mê.

Nội soi qua đường miệng

Đây là phương pháp nội soi dạ dày được sử dụng phổ biến vì dễ thực hiện và cho kết quả chính xác. Nhưng nhược điểm của phương pháp này có thể gây kích thích ống niêm mạc tiêu hóa và buồn nôn vì ống nội soi có đường kính khá lớn. 
 

Quy trình nội soi dạ dày diễn ra như thế nào? 3
Phương pháp nội soi qua đường miệng có thể sẽ gây buồn nôn

Nội soi qua đường mũi

Để dùng phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi có kích thước nhỏ luồn qua đường mũi, thực quản và cho xuống dạ dày.

Ưu điểm của phương pháp nội soi qua đường mũi là dễ thực hiện. Ngoài ra thì người bệnh cũng ít bị cảm giác buồn nôn hơn so với nội soi đường miệng.

Phương pháp nội soi này sẽ không áp dụng được với các bệnh nhân có khe mũi hẹp hoặc đang có bệnh lý về đường mũi bởi không thể đưa được ống nội soi xuống. Ngoài ra, phương pháp này cũng sẽ gặp chút khó khăn trong một vài trường hợp như phải lấy được dị vật, cầm máu, cắt polyp, nong hẹp,... 

Quy trình nội soi dạ dày diễn ra như thế nào? 4
Phương pháp nội soi qua đường mũi sẽ sử dụng ống có kích thước nhỏ

Nội soi bằng viên nang

Đây là phương pháp nội soi sẽ sử dụng viên nang (trông giống với viên thuốc) có camera ở đầu. Người bệnh sẽ nuốt viên nang này, sau đó hình ảnh của ống tiêu hóa sẽ được viên nang ghi lại toàn bộ. Sau khoảng 8 đến 12 tiếng thì viên nang sẽ được thải ra ngoài khi đi vệ sinh. Đây là phương pháp tiên tiến, hạn chế gây ra cảm giác khó chịu nhưng nhược điểm là thời gian nội soi sẽ kéo dài và chỉ quan sát chứ không can thiệp được. 
 

Quy trình nội soi dạ dày diễn ra như thế nào? 5
Phương pháp nội soi bằng viên nang hạn chế được cảm giác đau

Quy trình nội soi dạ dày

Trước khi nội soi

  • Trước khi bắt đầu nội soi, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, cho bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm cần thiết ngoài việc nội soi. Sau khi đã được giải thích kỹ về quy trình nội soi dạ dày. Bệnh nhân phải ký cam kết đồng ý nội soi.
  • Trước khi nội soi từ 10 - 30 phút, bệnh nhân sẽ được uống dung dịch chuyên dụng để làm sạch dịch nhầy bên trong dạ dày.

Thực hiện nội soi

Để thực hiện nội soi, bệnh nhân cần nằm nghiêng về bên trái. Chân dưới duỗi thẳng, chân trên co. Bệnh nhân sẽ được gắn các thiết bị theo dõi như máy theo dõi nhịp tim, huyết áp, mạch. Trường hợp áp dụng nội soi gây mê thì bệnh nhân được truyền thuốc gây mê qua tĩnh mạch. Sau đó sẽ bắt đầu nội soi.

Kết thúc nội soi

  • Bệnh nhân sẽ được nằm hồi sức trong vòng 30 phút.
  • Chờ kết quả nội soi.
  • Bác sĩ sẽ đọc và trao đổi với bệnh nhân về kết quả nội soi, sau đó kê đơn thuốc và hẹn lịch tái khám (nếu cần).

Nội soi dạ dày cần lưu ý những điều gì?

  • Nhịn ăn từ 6 - 8 tiếng trước khi thực hiện quy trình nội soi dạ dày.
  • Trước khi vào quy trình nội soi dạ dày, người bệnh cũng không được uống sữa, cà phê, nước ngọt, nước trái cây,... Tuy nhiên, bệnh nhân có thể uống một chút nước lọc.
  • Thông báo với bác sĩ nếu đang trong quá trình dùng thuốc điều trị hoặc đang điều trị bệnh nào đó.
  • Sau khi hoàn tất quá trình nội soi dạ dày, người bệnh có thể sẽ có cảm giác căng tức bụng, buồn nôn và đau cổ họng. Sau khoảng vài tiếng, các triệu chứng sẽ mất đi. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng này không thuyên giảm, thậm chí còn bị nặng hơn thì cần đến để tái khám tại bệnh viện sớm.
  • Khi nội soi dạ dày, người bệnh nên đi cùng với người thân, không lái xe hoặc làm các công việc cần sự tập trung cao ngay sau khi được thực hiện quá trình nội nội soi dạ dày. 
Quy trình nội soi dạ dày diễn ra như thế nào? 6
Thông báo đến bác sĩ tình trạng sử dụng thuốc của bạn trước khi nội soi dạ dày

Quy trình nội soi dạ dày là kỹ thuật cần thiết để chẩn đoán nhiều bệnh lý liên quan dạ dày. Đây cũng là kỹ thuật không còn xa lạ với mọi người. Tuy nhiên nhằm đảm bảo an toàn và giảm bớt cảm giác khó chịu trong quy trình nội soi dạ dày, người bệnh nên chọn những cơ sở y tế có những trang thiết bị hiện đại và các bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin