Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách cấp cứu điện giật bạn nên biết

Ngày 02/07/2022
Kích thước chữ

Tai nạn điện gây ra nhiều hậu quả toàn thân và cục bộ trên cơ thể, cả trước mắt và di chứng lâu dài. Tai nạn điện giật chiếm gần 40% trong tổng số tai nạn lao động chết người.

Điện giật là một cấp cứu cần được thực hiện ngay tại chỗ, khẩn trương kịp thời. Người cấp cứu phải đảm bảo cắt nguồn điện khỏi nạn nhân trước khi tiến hành cấp cứu, nếu không sẽ gây ra tình trạng điện giật dây chuyền nguy hiểm đến tính mạng người vào cấp cứu.

Sau khi tim đập lại và tự thở được phải đưa ngay nạn nhân vào viện để tiếp tục theo dõi và điều trị những biến chứng xảy ra. Khi bị điện giật, việc sơ cấp cứu nạn nhân là việc vô cùng quan trọng, nếu không được xử lý tốt sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy mỗi người hãy tự trang bị cho mình những kỹ năng sơ cứu cấp khi bị điện giật phòng khi cần thiết. Bài viết sau sẽ thông tin đến quý độc giả về cách cấp cứu khi bị điện giật.

Điện giật (chấn thương do điện) là gì?

Điện giật

Điện giật (chấn thương do điện) là khi có dòng điện chạy qua cơ thể người và gây ra điện giật. Ngoài ra, các triệu chứng của điện giật không phụ thuộc vào điện áp mà phụ thuộc vào lượng dòng điện chạy qua cơ thể và vị trí mà dòng điện chạy qua. Nếu dòng điện chạy qua cơ thể có cường độ từ 1 đến 9 mA thì cảm giác đau giống như tĩnh điện. Tuy nhiên, nếu dòng điện từ 50 mA trở lên có thể gây tử vong.

  • 9 mA: Gây co cơ, co giật;
  • 50 – 100 mA: Nguy cơ gây rung thất;
  • 1 A: Đốt cháy trung tâm thần kinh;
  • 3 A: Nguy cơ gây tổn thương não (mất ý thức, rối loạn ý thức);
  • 20 A: Co cứng cơ hô hấp.

Nguyên nhân chính làm chết người vì điện giật là do hiện tượng kích thích chứ không phải do bị chấn thương. Khi bị điện giật, nạn nhân có thể tử vong ngay tức khắc do rối loạn nhịp tim, ngừng thở do ức chế trung tâm hô hấp hoặc do tình trạng co cơ hô hấp. Những tổn thương phối hợp do điện giật gây ra nhất là chấn thương do ngã cũng làm cho tình trạng nạn nhân nặng lên.

Nhiều cuộc thí nghiệm và thực tế chứng minh rằng từ lúc bị điện giật đến 1 phút, nếu nạn nhân được cứu chữa ngay thì 90% trường hợp cứu sống được; để 6 phút sau mới cấp cứu thì chỉ có thể cứu sống được 10%; nếu để từ 10 phút trở đi thì rất ít trường hợp được cứu sống.

Các dấu hiệu và triệu chứng khi bị điện giật

Bối cảnh xảy ra rất có giá trị gợi ý nạn nhân bị điện giật.

Khi bị điện giật toàn bộ các cơ nạn nhân bị co giật mạnh gây ra 2 tình huống:

  • Nạn nhân bị bắn ra vài mét và có nguy cơ bị chấn thương thêm.
  • Nạn nhân bị dán chặt vào nơi truyền điện (cần đề phòng nạn nhân ngã gây thêm chấn thương khi ngắt dòng điện).

Ngừng tim phổi: Thường là ngừng tuần hoàn do rung thất rồi ngừng thở nhưng cũng có khi nạn nhân ngừng thở trước rồi mới ngừng tim. Chẩn đoán dựa vào:

  • Ngất: Mặt nạn nhân trắng bệnh (ngất trắng) rồi tím dần, hôn mê, ngừng thở, xảy ra ngay sau khi bị điện giật;
  • Mạch bẹn hoặc mạch cảnh không bắt được;
  • Đồng tử giãn.

Bỏng: Tại nơi tiếp xúc với dòng điện tùy thuộc vào hiệu điện thế, thời gian tiếp xúc với dòng điện càng dài, bỏng càng nặng, vết bỏng có mùi khét, cháy da nơi tiếp xúc với dòng điện, không chảy nước, không mủ, khó đánh giá mức độ sâu của bỏng.

Chấn thương: Có thể gặp như gãy xương, chấn thương sọ não, chấn thương bụng, ngực, thậm chí đa chấn thương.

Suy thận sau điện giật: Vài giờ sau khi bị điện giật, bệnh nhân hồi tỉnh dần, xuất hiện đi tiểu màu đỏ sẫm, sau đó vô niệu, nước tiểu có myoglobin do dòng điện gây hủy hoại tổ chức cơ phóng thích myoglobin làm tắc ống dẫn thận gây suy thận cấp.

cach-cap-cuu-dien-giat 2

Khi bị điện giật, nạn nhân cần được cứu chữa ngay lập tức

Tai biến muộn khi bị điện giật

Sốc giảm thể tích: Do tăng thấm thứ phát thành mạch, tổn thương tế bào, plasma thoát ra ngoài.

Tăng áp nội sọ: Nhức đầu, buồn nôn, nôn, đầu óc u ám, hôn mê từ từ, ứ gai thị, hậu quả của phù não. Có thể rối loạn chuyển hóa nặng (nitơ máu, dị hóa).

Suy thận cấp: Do tiêu hủy cơ vân, myoglobin máu và myoglobin niệu.

Di chứng

Tâm thần kinh: Chấn thương sọ não (chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu), liệt ½ người, hội chứng ngoại tháp, bệnh thần kinh ngoại biên (liệt, đau, tê bì, bại nhẹ), hoặc rối loạn điện não.

Tim: Ngoại tâm thu nhĩ và thất, loạn nhịp hoàn toàn do rung nhĩ, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, có thể tử vong sau một vài năm.

Tại chỗ: 

  • Bỏng điện rất nặng, phải điều trị chuyên khoa.
  • Bỏng sâu hoặc có lấp nghẽn động mạch, cháy thân tế bào thần kinh. Sự tiêu hủy cơ rộng, thần kinh bị đốt cháy nên phục hồi vết bỏng khó hơn.

Cách cấp cứu bệnh nhân khi bị điện giật 

Cấp cứu tại chỗ

Cắt nguồn điện càng nhanh càng tốt. Khi cắt điện cần phải chú ý:

  • Nếu mạch điện bị cắt sẽ mất ánh sáng thì phải chuẩn bị ngay nguồn ánh sáng khác để thay thế;
  • Nếu người bị nạn ở trên cao thì phải có phương tiện hứng đỡ;
  • Nếu không có các thiết bị đóng cắt ở gần thì có thể dùng búa, rìu, cán gỗ,… để chặt dây điện.

Cách cấp cứu điện giật bạn nên biết 7

Cắt nguồn điện càng nhanh càng tốt

Trường hợp không cắt được mạch điện:

  • Nếu ở mạch điện hạ áp: Người đi cấp cứu cần đứng trên bàn, ghế gỗ khô, đi dép hoặc ủng cao su, đeo găng cao su để dùng tay kéo nạn nhân tách ra khỏi mạch điện. Nếu không có các phương tiện trên có thể dùng tay nắm áo, quần khô của nạn nhân để kéo ra hoặc dùng gậy gỗ, tre khô để tách nạn nhân ra khỏi mạch điện. Cũng có thể dùng kìm cách điện, búa, rìu có cán bằng gỗ để cắt đứt dây điện đang gây tai nạn. Tuyệt đối không được chạm trực tiếp vào nạn nhân khi không đủ biện pháp an toàn.
  • Nếu ở mạch điện cao áp: Người đi cấp cứu cần trang bị các dụng cụ cách điện như ủng và găng tay cách điện, sào cách điện cao áp. Dùng sào cách điện để gạt hoặc đẩy nạn nhân ra khỏi mạch điện và lưu ý đến các biện pháp an toàn hứng đỡ nạn nhân. Trong trường hợp không đủ khả năng xử lý đối với lưới điện cao áp thì tốt nhất phải điện thoại để đơn vị quản lý vận hành thiết bị hoặc báo điều đội cho cắt điện ngay.

Đưa nạn nhân ra khỏi dòng điện bằng một vật không dẫn điện. Chú ý đề phòng nạn nhân ngã, đảm bảo cách điện tốt cho người cứu nạn tránh bị điện giật hàng loạt. Điều trị điện giật hoàn toàn là điều trị triệu chứng. 

Nạn nhân chưa mất tri giác

  • Phải đưa nạn nhân đến chỗ thoáng khí;
  • Nới lỏng quần áo, thắt lưng;
  • Khẩn cấp đi mời cán bộ y tế gần nhất để cấp cứu.

Nạn nhân mất tri giác

Nếu nạn nhân mất tri giác nhưng vẫn còn thở nhẹ, tim đập yếu:

  • Phải nhanh chóng đưa nạn nhân để nơi thoáng khí;
  • Nới rộng quần áo, thắt lưng;
  • Đồng thời moi trong miệng nạn nhân xem có đờm, máu, nôn,… để lấy ra;
  • Sau đó xoa nóng người nạn nhân, đồng thời khẩn trương đi mời nhân viên y tế.

Nạn nhân đã tắt thở

Nhanh chóng đưa nạn nhân đến nơi thoáng khí. Nới lỏng quần áo, thắt lưng. Lấy đờm, dãi,… trong miệng ra.

Trước hết là phục hồi chức năng sống. Tiến hành hồi sinh tim phổi cơ bản như đấm vào vùng trước tim 5 cái, nếu ngừng tuần hoàn cần tiến hành kỹ thuật hồi sinh tim phổi (như hô hấp miệng – miệng, kết hợp bóp tim ngoài lồng ngực, bảo đảm cho máu lên được não) cho đến khi:

  • Nhân viên y tế đến;
  • Hoặc tim nạn nhân đập lại, nạn nhân tự thở được.
cach-cap-cuu-dien-giat 4 Thực hiện kỹ thuật hồi sinh tim phổi

Các phương pháp hô hấp

Hô hấp nhân tạo

Phương pháp đặt nạn nhân nằm sấp

Người làm hô hấp ngồi trên lưng người bị nạn, hai đầu gối quỳ xuống kẹp vào hai bên hông, hai bàn tay để vào hai bên cạnh sườn, hai ngón tay cái sát sống lưng. Ấn tay xuống và đưa cả khối lượng người làm hô hấp về phía trước đếm “1 – 2 – 3” rồi lại từ từ đưa tay về, tay vẫn để ở lưng đếm “4 – 5 – 6”, cứ làm như vậy 12 lần trong một phút đều đều theo nhịp thở của mình, cho đến lúc người bị nạn thở được hoặc có ý kiến quyết định của nhân viên y tế mới thôi.

Phương pháp này chỉ cần một người thực hiện.

Phương pháp đặt nạn nhân nằm ngửa

Đặt người bị nạn nằm ngửa, dưới lưng đặt một cái gối hoặc quần áo vo tròn lại, đầu hơi ngửa, moi hết nhớt dãi, lấy khăn sạch kéo lưỡi ra và một người ngồi giữ lưỡi.

Người cứu ngồi phía trên đầu, hai đầu gối quỳ trước cách đầu độ 20 – 30 cm, hai tay cầm lấy hai cánh tay gần khuỷu, từ từ đưa lên phía đầu, sau 2 – 3 giây lại nhẹ nhàng đưa tay người bị nạn xuống dưới, gập lại và lấy sức của người cứu để ép khuỷu tay của người bị nạn vào lồng ngực của họ, sau đó hai ba giây lại đưa trở lên đầu. Cần thực hiện 16 - 18 lần/phút. Thực hiện đều và đếm “1 – 2 – 3” lúc hít vào và “4 – 5 – 6” lúc thở ra, cho đến khi người bị nạn từ từ thở được hoặc có ý kiến của nhân viên y tế mới thôi.

Phương pháp này cần hai người thực hiện, một người giữ lưỡi và một người làm hô hấp.

Hà hơi thổi ngạc hoặc kết hợp ép tim ngoài lồng ngực

Nên đặt nạn nhân nằm ngửa, đầu hơi ngửa, người cấp cứu quỳ bên cạnh, sát ngang vai. Dùng tay ngửa hẳn đầu nạn nhân ra phía trước để cho cuống lưỡi không bịt kín đường hô hấp, cũng có khi thoạt đầu dùng động tác này thì nạn nhân đã bắt đầu thở được.

Nếu nạn nhân chưa thở được, người cấp cứu vẫn để đầu nạn nhân ở tư thế trên, một tay mở miệng, một tay luồn một ngón tay có cuốn vải sạch kiểm tra trong họng nạn nhân, lau hết đờm dãi.

Người cấp cứu hít thật mạnh, một tay vẫn mở miệng, tay kia vít đầu nạn nhân xuống rồi áp kín miệng mình vào miệng nạn nhân và thổi mạnh.

Ngực nạn nhân phồng lên, người cấp cứu ngẩng đầu lên hít hơi thứ hai, khi đó do sức đàn hồi của lồng ngực nạn nhân sẽ tự thở ra.

Tiếp tục như vậy với nhịp độ 14 lần/phút, liên tục cho đến khi nạn nhân tỉnh, thở trở lại hoặc có ý kiến của nhân viên y tế mới thôi.

cach-cap-cuu-dien-giat 5

Liên tục cấp cứu nạn nhân cho đến khi nhân viên y tế đến

Hồi sức trước khi đến bệnh viện

Khai thông đường hô hấp như hút đờm dãi, lấy dị vật,…

Phải có người và phương tiện chuyên khoa, sẵn sàng ứng cứu bằng đặt nội khí quản và thông khí có oxy nguyên chất bằng máy thở. Hô hấp hỗ trợ bằng bóng Ambu có oxy.

Tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực nếu tim chưa đập trở lại. Sau khi tim đập lại, đánh giá sơ bộ tình trạng chấn thương và chức năng sống. Bảo đảm hoạt động điện tim. Nếu rung thất phải làm sốc điện ngoài.

Đặt đường truyền tĩnh mạch lớn, truyền dịch NaCl 0,9% và thuốc duy trì huyết áp nếu có ngừng tuần hoàn. Ngoài ra cần truyền thêm plasma hoặc chất thay thế để bù lại lượng huyết tương thoát mạch gây sốc.

Sau đó vận chuyển nạn nhân đến trung tâm hồi sức cấp cứu. Chú ý đảm bảo đường truyền, duy trì tim và huyết áp bằng các thuốc vận mạch trên đường chuyển bệnh nhân.

Trên đường chuyển nạn nhân đến bệnh viện, vẫn phải tiếp tục công việc cấp cứu, theo dõi sát sao để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng.

Cấp cứu người bị điện giật là một công việc khẩn cấp, phải thực hiện càng nhanh càng tốt và phải hết sức bình tĩnh, kiên trì để xử lý. Tùy theo hoàn cảnh mà ta sẽ áp dụng phương pháp cứu chữa cho phù hợp. Chỉ được phép coi như người bị nạn đã chết khi đã có bằng chứng rõ ràng như vỡ sọ, cháy toàn thân hay có quyết định của nhân viên y tế, nếu không thì phải kiên trì cấp cứu để giữ tính mạng của nạn nhân.


Thu Hà

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin