Viêm kết mạc có thể là hậu quả của dị ứng, nhiễm trùng từ các yếu tố như gió, bụi, hóa chất bay hơi, phơi nhiễm tia tử ngoại cường độ cao,... Gây cảm giác ngứa, khó chịu, chảy nước mắt,... Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh viêm kết mạc là gì?
Có lẽ bệnh viêm kết mạc mắt hay đau mắt đỏ không còn là căn bệnh xa lạ đối với chúng ta, bệnh thường xuất hiện vào mùa hè. Khi mắt người bị vi khuẩn, vi rút tấn công sẽ bị nhiễm trùng, biểu hiện rõ nhất là sưng đỏ mắt. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng, mắt sẽ sưng đỏ hoặc chảy nước mắt.
Với tình trạng này, người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu, cảm giác mắt cộm cộm, ngứa, khó chịu. Thông thường, bệnh sẽ tự lành và khỏi hoàn toàn sau khoảng 7 - 10 ngày.
Tuy nhiên, bạn che chắn, bảo vệ mắt khi ra ngoài, rửa mắt sạch sẽ mỗi ngày để tình trạng nhiễm trùng không trở nên nghiêm trọng. Nếu người bệnh chủ quan, bệnh có thể diễn biến theo chiều hướng phức tạp và gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Viêm kết mạc hay đau mắt đỏ không còn là bệnh xa lạ thường xuất hiện vào mùa hè
Nguyên nhân bị viêm kết mạc
Viêm kết mạc là một bệnh lý nhiễm trùng mắt do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Tuy không nguy hiểm nhưng bệnh gây ra rất nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Nguyên nhân viêm kết mạc cũng khác nhau như:
Do vi khuẩn
Các vi khuẩn gây nhiễm trùng mắt là: Staphylococcus, Streptococcus, Haemophilus,… Trẻ em trong độ tuổi đi học rất dễ bị lây viêm kết mạc do vi khuẩn. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng nặng hơn.
Biểu hiện thường gặp:
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là người bệnh chảy nước mắt, ngứa, xuất hiện gỉ vàng hoặc xanh ở cả hai mi mắt, nhất là khi thức dậy vào buổi sáng. Tiến triển nặng với biểu hiện giảm thị lực vĩnh viễn, viêm loét giác mạc.
Do virus
Bệnh do nhiều loại virus khác nhau gây ra như Herpesvirus và Adenovirus là loại virus thường mắc phải. Có đến 80% số người bệnh do nguyên nhân này, bệnh có thể xảy ra với tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên, cảm lạnh hoặc đau họng.
Biểu hiện thường thấy:
- Mắt bị đỏ một hoặc cả hai bên.
- Khó chịu gây ngứa, nặng nề mắt có cảm giác cộm trong mắt.
- Thường đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, ho, nổi hạch,..
- Viêm kết mạc do virus có thể lây nhiễm nhanh chóng, tình trạng bệnh nặng có thể làm giảm thị lực.
Triệu chứng thường gặp là sưng đỏ mắt, ngứa có dịch nhầy chảy ra từ khóe mắt
Do dị ứng
Người bị dị ứng viêm kết mạc khi tiếp xúc với phấn hoa, lông thú nuôi, bụi,... Bệnh thường có thể tái phát nhiều lần, không lây và có xu hướng xuất hiện theo mùa. Việc phát hiện nguồn gây dị ứng và loại bỏ nó có thể quản lý được vấn đề dị ứng gây viêm kết mạc. Ngoài ra, môi trường sống ô nhiễm nước, không gian nhiều bụi bẩn hay dùng chung đồ dùng cá nhân là những yếu tố khiến người bệnh dễ bị nhiễm bệnh.
Biểu hiện thường gặp:
Viêm kết mạc do dị ứng thường xuất hiện ở cả hai mắt và gây đỏ, chảy nước mắt, ngứa ngáy trong thời gian dài. Bệnh thường xuất hiện theo mùa, dễ tái phát và kèm theo viêm mũi dị ứng.
Điều trị viêm kết mạc
Đây là một bệnh lành tính, thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, để giảm viêm kết mạc triệu chứng khó chịu và rút ngắn thời gian mắc bệnh, bạn nên điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tùy thuộc vào nguyên nhân khác nhau mà có cách chữa trị sao cho phù hợp.
Đối với trường hợp do vi rút gây bệnh, nếu biểu hiện nhẹ người bệnh chỉ cần vệ sinh sạch sẽ bằng cách sử dụng nước mắt nhân tạo, rửa mắt bằng nước muối sinh lý giúp giảm các triệu chứng khó chịu.
Không dùng khăn giấy khô hay sử dụng lại khăn giấy tránh lây nhiễm. Nếu chỉ đau một bên mắt thì không nên dùng chung thuốc nhỏ mắt với mắt còn lại giảm khả năng lây bệnh.
Một lưu ý nhỏ trước khi vệ sinh mắt nên rửa tay bằng xà phòng để vi khuẩn trên tay không có cơ hội xâm nhập vào mắt. Trong thời gian bệnh bạn hạn chế đi ra ngoài tránh khói bụi, nắng gió. Nếu trường hợp phải ra ngoài cần che chắn cẩn thận như đeo kính. Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn.
Cách điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn: Thuốc kháng sinh nếu cần kết hợp nhỏ mắt, rửa mắt. Bệnh nhân có thể tự chăm sóc mắt tại nhà và điều trị các triệu chứng để giảm khó chịu.
Viêm kết mạc do dị ứng được cải thiện bằng cách loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng. Sử dụng thuốc chống dị ứng và thuốc nhỏ mắt để có hiệu quả giảm đau và đỏ mắt.
Cách phòng ngừa viêm kết mạc
Một số biện pháp phòng ngừa viêm kết mạc như sau:
- Để phòng tránh bệnh viêm kết mạc, các bạn không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác như kính cận, kính râm, khăn lau mặt, đây là những vật dụng dễ lây bệnh cho người khác.
- Điều quan trọng là phải rửa tay sát khuẩn hằng ngày, khi đi từ bên ngoài về, hạn chế đưa tay dụi mắt quá nhiều.
- Khi bị viêm kết mạc không nên đeo kính áp tròng, cần đến gặp bác sĩ khi có triệu chứng lạ, khó chịu nhiều ở mắt.
- Bổ sung vitamin bổ mắt như A, C, E.
- Cuối cùng, khi đi ra ngoài đường nên đeo kính râm để bảo vệ mắt.
Viêm kết mạc có thể chữa tại nhà bằng cách rửa mắt bằng thuốc nhỏ hoặc nước muối sinh lý 0.9%
Hầu hết các trường hợp bệnh đều lành tính, chăm sóc tại nhà có thể khỏi sau 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên cần theo dõi và đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu có dấu hiệu bất thường như mờ mắt, đau mắt dữ dội, có tiền sử bệnh về mắt hoặc đối tượng là trẻ em hoặc trẻ sơ sinh.
Hy vọng với những thông tin ở trên các bạn đã biết cách phòng ngừa viêm kết mạc cũng như cần đến gặp bác sĩ trong trường hợp nào.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp