Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Cây ngải cứu có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Ngày 13/09/2022
Kích thước chữ

Ngải cứu là vị thuốc rất quen thuộc với nhiều công dụng cho sức khỏe. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu cụ thể cây ngải cứu có tác dụng gì cũng như một số lưu ý khi sử dụng cây thuốc này.

Ngải cứu là một loại cây thuốc dân dã quen thuộc trong đời sống của người dân. Nó không chỉ là loại rau thường thấy trong bữa cơm gia đình mà còn là một vị thuốc quý được sử dụng rộng rãi.

Tuy nhiên không phải ai cũng biết hết được những công dụng mà loài cây này mang lại. Cây ngải cứu có tác dụng gì đối với sức khỏe? Dùng cây ngải cứu nhiều có tốt cho sức khỏe không? Mời bạn đọc hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thêm thông tin về loài cây này cũng như công dụng của ngải cứu đối với sức khỏe qua bài viết bên dưới đây nhé.

Ngải cứu là gì?

Cây ngải cứu là loại cây trồng khá quen thuộc với người dân Việt Nam, nó xuất hiện trong những bữa cơm hàng ngày và trong nhiều bài thuốc dân gian. Cây ngải cứu có nhiều tên gọi khác nhau như ngải diệp khi ở trạng thái được phơi khô, sau khi phơi khô và nghiền vụn thành bột vụn rây lấy phần lông trắng và tơi thì gọi là ngải nhung.

Cây ngải cứu có tác dụng gì đối với sức khỏe? Cây ngải cứu có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Đặc điểm của cây ngải cứu

Đây là loại cây sống lâu năm, có chiều cao từ 0,4 – 1m và được phân bổ chủ yếu ở các khu vực như Châu Âu, Châu Á, Bắc Phi, Alaska và Bắc Mỹ. Tuy nhiên không phải vùng nào cũng khai thác ngải cứu để là thuốc, một số nơi cho rằng đây là loài cỏ xâm lấn và cần phải diệt trừ.

Cây ngải cứu thuộc họ nhà Cúc, thân thảo, có chu kỳ sống thọ. Đặc điểm lá mọc so le, bề mặt lá có màu xanh đậm và phía dưới có lớp lông nhung màu trắng. Cây ngải cứu thường được thu hoạch vào tháng 6 và bộ phận được sử dụng chủ yếu là lá của cây ngải cứu.

Phương pháp trồng đơn giản như giâm cành hoặc cành non, tuy có ra hoa kết quả và cho ra hạt nhưng hiếm khi nào mọi người dùng hạt để gieo trồng.

Cây ngải cứu có tác dụng gì?

Cây ngải cứu có tác dụng gì đối với sức khỏe chúng ta? Đây là thắc mắc của rất nhiều người, vì thông thường họ chỉ biết đến cây ngải cứu như một loại rau ăn trong bữa cơm gia đình.

Với hàm lượng tinh dầu chiếm từ 0,2 – 0,34% và có các thành phần như monoterpen, dehydromatricaria ester, tetradecatrilin, tricosanol, aracholalcol và sesquiterpene và một số hợp chất mà cây ngải cứu mang lại nhiều công dụng như an thần, có tính kháng khuẩn cao, cầm máu.

Bên cạnh đó cây ngải cứu còn được xem là thần dược của chị em khi có thể điều trị chứng kinh nguyệt không đều, bị rong kinh, đại tiện ra máu, làm giảm chứng đầy hơi, khó tiêu, táo bón…

Dưới đây là một số công dụng của cây ngải cứu mà bạn đọc có thể tham khảo để biết thêm nhiều thông tin hữu ích từ loại cây này.

Ngải cứu trị ho, cảm cúm, đau đầu

Cây ngải cứu ngoài cách luộc chín ăn như một loại rau tốt cho sức khỏe, bạn cũng có thể uống nước ngải cứu tươi. Ngải cứu có đặc tính ấm, giúp giảm ho, giải cảm, phong hàn tốt nên sẽ rất thích hợp trong việc làm thuốc điều trị các chứng cảm mạo như: Sốt, ho, nóng và nhức đầu thường xảy ra.

Cách dùng: Dùng 100g ngải cứu kết hợp với 50g sả, 100g lá húng chanh (rau thơm lùn), 100g lá tía tô rửa sạch và nấu chung với 500ml nước sôi.

Khi mắc các triệu chứng cảm mạo trên bạn có thể nấu và sử dụng hỗn hợp này đều đặn trong 5 ngày thì sẽ giảm ho, trị cảm, giúp giảm hoa mắt và chóng mặt.

dùng ngải cứu trị cảm cúm hiệu quả Sử dụng ngải cứu để trị cảm cúm hiệu quả

Trị rong kinh – điều hòa kinh nguyệt

Chứng rong kinh ở chị em phụ nữ là vấn đề khiến họ “ăn không ngon ngủ không yên” đặc biệt đối với người có chu kỳ kinh nguyệt không đều, bất thường. Để điều trị các vấn đề trên chị em có thể thử dùng ngải cứu để cải thiện các tình trạng.

Cách dùng điều trị chứng rong kinh: Dùng 10g cây ngải cứu khô nấu với 200ml nước đến khi nào thuốc cạn và sắc lại còn khoảng 100ml thì có thể tắt bếp. Sau đó dùng ray hoặc khăn lọc mỏng để lọc hết cặn lấy phần nước để uống. Hãy kiên trì dùng trong 1 tuần trước kỳ kinh nguyệt đến sẽ giúp giảm đau bụng và giảm thiểu tình trạng rong kinh ở phụ nữ.

Ngoài ra, có thể dùng ngải cứu như phương thuốc giúp điều hòa kinh nguyệt bằng cách: Trước ngày có kinh dự kiến nên dùng 6 - 12g (tối đa 20g) ngải cứu khô nấu với nước sôi và uống 3 lần/ngày, có thể thay thế dạng ngải cứu phơi khô thành dạng bột (5 - 10g) hay dạng cao đặc (1 – 4g) để sử dụng.

Ngải cứu giúp lưu thông máu

Một trong những tác dụng tuyệt vời của ngải cứu mà bạn không thể bỏ qua đó là khả năng giúp lưu thông máu lên não.

Có lúc bạn sẽ gặp các trường hợp bị choáng váng, hoa mắt, buồn ngủ thường xuyên thì đây có thể là dấu hiệu của việc máu lưu thông lên não kém. Bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách bổ sung ngải cứu thông qua các bữa ăn hàng ngày.

Trong lá ngải cứu có chứa hợp chất α-thuyon (hợp chất làm thần kinh trở nên hưng vấn) giúp giảm các cơn đau đầu và giảm thiểu tình trạng trên, cải thiện khả năng lưu thông máu lên não.

Cách dùng: Bạn có thể thêm lá ngải cứu xắt nhỏ và xào cùng với trứng gà tạo thành món trứng chiên ngải cứu vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.

Nên bổ sung loại thực phẩm này hàng tuần vào thực đơn của gia đình để có thể cải thiện khả năng tuần hoàn máu, giảm tình trạng đau đầu, chóng mặt, uể oải…

trứng kết hợp với ngải cứu mang lại tác dụng tốt Trứng kết hợp với ngải cứu – món ăn tốt cho sức khỏe

Giúp cầm máu, giảm đau

Trong cây ngải cứu còn chứa hàm lượng lớn acid amin có lợi và các hợp chất khác có tác dụng như một chất cầm máu và giảm đau hiệu quả. Vì thế để vết thương có thể cầm và nhanh chóng hồi phục dân gian đã dùng ngải cứu nhưng một phương thuốc cầm máu hiệu quả.

Cách dùng: Dùng lá ngải cứu tươi giã nát kết hợp với ⅓ muỗng cà phê muối và đắp trực tiếp lên vết thương đang chảy máu sẽ giúp cầm máu hiệu quả và giảm đau nhanh chóng.

Phục hồi sức khỏe bằng ngải cứu

Ngải cứu còn được biết đến như bài thuốc có khả năng giúp phục hồi sức khỏe, giảm tình trạng suy nhược cơ thể do việc hấp thu dinh dưỡng không tốt.

Đối với những người kén ăn, cơ thể hấp thu dinh dưỡng không tốt hoặc gặp tình trạng ăn không ngon, ngủ không an giấc thì có thể dùng lá ngải cứu hầm với gà ri hoặc gà ác để tẩm bổ.

Cách dùng: Dùng 250g ngải cứu, 2 quả lê, 20g hạt kỷ tử, 10g đinh quý, 1 con gà ri (gà ác) hầm với 500ml nước, nêm nếm các gia vị vừa ăn. Chia thành các phần ăn trong ngày và nên duy trì trong 1 - 2 tuần để thấy hiệu quả.

Các lưu ý khi dùng cây ngải cứu

Trong Đông y, cây ngải cứu được dùng như một phương thuốc trừ hàn, có đặc tính làm ấm khí huyết, điều kinh và an thai. Vì thế nên cẩn thận khi kết hợp ngải cứu với các loại thuốc có tính hoạt huyết mạnh. Điển hình là nghệ - đặc tính hoạt huyết dùng để phá huyết tính, sinh cơ, vì thế cần thận trọng trong việc kết hợp 2 vị thuốc này và nên làm theo chỉ định của bác sĩ.

Dùng ngải cứu theo chỉ định của bác sĩ

Ngải cứu tuy được xem là phương thuốc tốt cho sức khỏe nhưng không nên dùng quá nhiều vì có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Tác dụng khi sử dụng quá liều ngải cứu sẽ làm thần kinh hưng phấn quá mức dẫn đến tay chân run, co giật. Nếu không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến giật cục bộ hoặc toàn thân, nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến kinh huyết (co cứng), liệt toàn thân.

Khi kiểm tra qua kính hiển vi có thể phát hiện những tổn thương trong tế bào não cho độc tố của ngải cứu gây nên.

Vì thế nếu muốn dùng ngải cứu để điều trị bệnh thì nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Chỉ nên “tẩm bổ” ngải cứu từ 1 – 2 lần/tuần, tránh ăn liên tục trong thời gian dài sẽ gây tích tụ các độc tố không tốt cho cơ thể.

sử dụng ngải cứu theo chỉ định của bác sĩ Sử dụng ngải cứu theo chỉ định của bác sĩ

Đối tượng nên dùng ngải cứu

Việc sử dụng ngải cứu sẽ hiểu quả đối với một số đối tượng như:

  • Phụ nữ đang có vấn đề về rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh trong thời gian dài.
  • Người có các vấn đề về xương khớp như đau nhức xương, rối loạn thần kinh tọa.
  • Người bị suy nhược cơ thể, hấp thu dinh dưỡng kém.
  • Phụ nữ đang mang thai thì chỉ nên sử dụng 1 – 2 lần/tuần để đảm bảo an toàn cho sức khỏe thai nhi.

Một số lưu ý khi sử dụng ngải cứu:

  • Người bị viêm gan, bị rối loạn hệ thống đường ruột thì cần cân nhắc trước khi sử dụng.
  • Phụ nữ mang thang thời thời kỳ 3 tháng đầu có thể dùng ngải cứu như một phương thuốc giúp an thai, tuy nhiên sau giai đoạn này cần hạn chế dùng.
  • Không nên lạm dụng ngải cứu quá nhiều, cần sử dụng vừa đủ và có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Thông qua bài viết cây ngải cứu có tác dụng gì đối với sức khỏe trên đây của nhà thuốc Long Châu hy vọng đã giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức hay về cây ngải cứu cũng như các công dụng mà chúng mang lại. Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng quá nhiều, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng. Chúc bạn có nhiều sức khỏe!

Ánh Vũ 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin