Châm cứu có tác dụng gì? Đối tượng nào không nên châm cứu?
Ngày 30/09/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Theo Y học Cổ truyền phương Đông, châm cứu đã có từ rất lâu, người ta dùng châm cứu để cân bằng năng lượng trong cơ thể, đồng thời tác dụng tích cực đến hệ thần kinh. Vậy châm cứu có tác dụng gì?
Từ nền Y học Cổ truyền phương Đông, các bậc danh y đã sử dụng châm cứu như phương pháp điều trị cho nhiều bệnh khác nhau. Biện pháp này được lưu truyền qua nhiều đời và đến ngày nay vẫn có nhiều tranh cãi xoay quanh tác dụng thật sự của việc châm cứu. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu những tác dụng của châm cứu bạn nhé!
Châm cứu là gì?
Theo Y học Cổ truyền Trung Hoa, con người có hơn 2000 huyệt đạo được kết nối với nhau bằng các kinh mạch. Dòng năng lượng từ các kinh mạch này là nguồn gốc cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể. Vì thế, bất kì sự gián đoạn của dòng năng lượng đều có thể gây ra bệnh tật. Khi đó thầy thuốc sẽ châm cứu vào một số điểm nhất định để cải thiện dòng chảy năng lượng, từ đó cải thiện sức khỏe và đẩy lùi bệnh tật.
Các thầy thuốc châm cứu bằng cách sử dụng những cây kim vừa mỏng lại vừa rắn chắc để châm vào các huyệt đạo trên cơ thể. Để phát huy được hết tác dụng của châm cứu, cần đưa kim đi xuyên qua da tại một điểm tạo ra áp lực lên da và gây cảm giác đau nhức hoặc chỉ là một cơn đau nhẹ.
Có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề nhiễm trùng bởi trước khi sử dụng, người ta dùng dòng điện nhẹ chạy qua kim thay cho làm nóng bằng than hoặc lửa như thời xưa để tăng tác dụng kích thích huyệt đạo.
Châm cứu có tác dụng gì?
Theo Y học Cổ Truyền Trung Quốc, sức khỏe là kết quả của sự cân bằng hài hòa giữa hai thái cực “âm” và “dương” của sinh lực, còn được gọi là “khí”. Khí là dòng chảy đi qua các kinh mạch hay các con đường trong cơ thể con người. Vậy khí liên quan gì đến việc châm cứu? Châm cứu có tác dụng gì?
Bệnh tật sinh ra là do sự mất cân bằng của 2 yếu tố âm dương trong khí của mỗi người. Khi dùng kim châm vào các huyệt đạo đang gặp vấn đề sẽ giúp dòng năng lượng trở lại trạng thái cân bằng. Từ đó giảm thiểu bệnh tật, sức khỏe được cải thiện.
Một số chuyên gia đã sử dụng kiến thức khoa học thần kinh để giải thích về sự hoạt động của châm cứu. Theo đó các dây thần kinh, cơ và mô liên kết được kích thích thông qua huyệt đạo. Sự kích thích này làm tăng lưu lượng máu, đồng thời cũng kích hoạt cơ chế tự giảm đau của cơ thể.
Trong vài nghiên cứu lâm sàng, một nhóm đối chứng đã sử dụng phương pháp điều trị bằng giả dược để có được kết quả so sánh với tác dụng của châm cứu. Họ kết luận rằng: Châm cứu sẽ mang lại những lợi ích tương tự cho bệnh nhân điều trị bằng giả dược. Tuy nhiên, những nghiên cứu khác lại chứng minh rằng là châm cứu có đem lại một số lợi ích thực sự.
Kết quả nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia (NIH)
Theo các nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã chỉ ra rằng châm cứu là một phương pháp có thể điều trị hiệu quả các bệnh sau:
Buồn nôn do gây mê phẫu thuật và hóa trị;
Đau răng sau phẫu thuật;
Phục hồi chức năng sau đột quỵ;
Nghiện chất kích thích như: Rượu bia, ma túy,...;
Các bệnh về xương khớp: Viêm xương khớp, đau thần kinh, đau cơ xơ hóa, hội chứng ống cổ tay, chấn thương khuỷu tay,...;
Các bệnh thường gặp: Đau đầu, đau bụng kinh, hen suyễn.
Khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng châm cứu được chứng minh có hiệu quả với một số tình trạng như:
Tình trạng huyết áp cao và thấp;
Buồn nôn và nôn do hóa trị liệu;
Các bệnh lý dạ dày có bao gồm cả loét dạ dày tá tràng;
Các tình trạng đau liên quan thần kinh: Đau thần kinh tọa, đau răng;
Tổ chức Y tế thế giới cũng đã chỉ ra rằng châm cứu có thể giúp điều trị một số bệnh nhiễm trùng như: Nhiễm trùng đường tiết niệu, sốt xuất huyết có dịch. Tuy nhiên, họ cũng đã khuyến cáo rằng “Bệnh, triệu chứng và điều kiện để điều trị bằng châm cứu phải do cơ quan y tế quốc gia khuyến nghị”.
Một số đối tượng không nên châm cứu
Tuy các lợi ích của châm cứu mang lại rất lớn, nhưng chúng không hẳn phù hợp với tất cả mọi người. Biện pháp này có hiệu quả tích cực đối với nhiều tình trạng khác nhau nhưng vẫn có một số trường hợp không nên châm cứu như:
Người bị căng thẳng cực độ khi tiếp xúc với kim tiêm.
Phụ nữ mang thai (do có các huyệt nhạy cảm hơn bình thường).
Người có da chai sần, sẹo lớn, dày sừng hoặc đang mắc các bệnh viêm nhiễm, bệnh da liễu.
Người đang mắc bệnh lý rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu.
Kim châm cứu phải được khử trùng, hấp tiệt trùng, không dùng chung để tránh nhiễm khuẩn huyết. Theo FDA kim châm cứu cũng như các loại thiết bị y tế khác, cần phải sản xuất theo tiêu chuẩn vô trùng.
Bác sĩ thực hiện châm cứu bắt buộc có tay nghề, có chứng chỉ hành nghề. Bởi việc đặt kim không đúng cách có thể gây đau trong quá trình châm cứu, nặng hơn có thể gây nguy hiểm đối với bệnh nhân được châm cứu. Thậm chí nếu châm sai, châm quá sâu vào huyệt đạo có thể gây tử vong. Do đó nên chọn nơi châm cứu uy tín, được cấp phép hoạt động bởi Sở Y Tế và được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn, điều này phát huy tối đa tác dụng của việc châm cứu.
Hiện tại có rất nhiều phương pháp khác cũng có tác dụng kích thích các huyệt đạo như: Ấn huyệt, massage, giác hơi, dùng xung điện từ,... Với trường hợp không thể châm cứu được, bạn có thể tìm hiểu thêm các phương pháp này để thay thế. Tuy nhiên, cần sự tư vấn từ đội ngũ bác sĩ để tìm được phương pháp phù hợp nhất với từng tình trạng bệnh.
Như vậy qua bài viết trên đây, bạn có thể hiểu thêm về châm cứu và các lợi ích mà châm cứu mang lại. Nếu muốn thực hiện châm cứu, cần sự tham vấn của đội ngũ y bác sĩ và tìm địa điểm uy tín để thực hiện châm cứu tránh tiền mất, tật mang.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.