Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xoa bóp bấm huyệt là gì? Cách xoa bóp bấm huyệt đúng cách

Ngày 09/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xoa bóp bấm huyệt là một liệu pháp nhằm áp lực lên một số vị trí nhất định của cơ thể. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề xoa bóp bấm huyệt qua bài viết dưới đây nhé!

Xoa bóp bấm huyệt là kỹ thuật trị liệu bằng tay hoặc có sử dụng y cụ chuyên dụng và là phương pháp trị liệu phổ biến trong Y Học Cổ Truyền. Phương pháp này cũng đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như cơ xương khớp, thần kinh và huyết áp...

Thực chất, đối với xoa bóp và bấm huyệt, người thực hiện sẽ dùng tay tác động lên các huyệt đạo trên cơ thể, lên da thịt hoặc phần gân khớp của người bệnh với mục đích kích thích vào hệ thần kinh, từ đó tạo nên những thay đổi của thể dịch và nội tiết giúp nâng cao năng lực hoạt động của phủ tạng bên trong cơ thể.

Xoa bóp bấm huyệt là gì?

Xoa bóp bấm huyệt dựa trên quan niệm xưa của người Trung Hoa xưa về khí - hay có thể hiểu là dòng năng lượng chảy xuyên suốt trong cơ thể con người. Đối với Y Học Cổ Truyền, xoa bóp bấm huyệt được hiểu theo nghĩa là tác động vào các vị trí huyệt, kinh lạc nhằm đuổi ngoại tà, điều hòa dinh vệ, đả thông kinh hoạt lạc và điều hòa chức năng của các tạng phủ.

Khi dòng khí chảy trong mỗi cơ thể vì một lí do nào đó trở nên căng thẳng, dòng khí sẽ bị tắc nghẽn ở các vị trí bị tổn thương. Điều này sẽ gây ra sự mất cân bằng và dẫn đến bệnh. Trong Đông Y, bấm huyệt thường đi kèm với xoa bóp. Liệu pháp này giúp sẽ giúp cho khí được lưu thông ổn định, cân bằng kinh lạc, âm dương được thăng bằng, trấn thống (giảm đau) và đẩy lùi được ngoại tà hay bệnh tật.

Xoa bóp bấm huyệt là gì? Cách xoa bóp bấm huyệt1 Xoa bóp bấm huyệt là tác động vào các vị trí huyệt và kinh lạc với mục đích hỗ trợ chữa bệnh

Cách xoa bóp bấm huyệt

Để tiến hành xoa bóp bấm huyệt đúng cách, các thầy thuốc sẽ tiến hành trình tự theo các bước thực hiện chuyên môn. Cụ thể như sau:

Chẩn đoán bệnh trước khi xoa bóp bấm huyệt

Trong Đông Y, khi chữa bệnh bằng phương pháp xoa bóp bấm huyệt, người bệnh cần phải thông qua Tứ chẩn (bốn phương pháp chẩn đoán của Đông Y), được chẩn đoán bởi những thầy thuốc có nhiều năm kinh nghiệm và cao tay nghề bao gồm:

  • Vọng (nhìn): Thầy thuốc sẽ quan sát những biểu hiện, triệu chứng bên ngoài cũng như thần sắc của người bệnh. Việc quan sát tỉ mỉ thần, sắc, hình thái, tay, chân, mặt và lưỡi... của người bệnh, sẽ giúp các thầy thuốc sơ bộ nhận thấy cần đi sâu, nắm vững những vấn đề gì qua đó biết được tình hình bệnh tật trong cơ thể phản ánh ra ngoài.
  • Văn (nghe, ngửi...): Thầy thuốc sẽ ý đến những tính chất của các âm thanh tiếng thở, tiếng ho, tiếng nấc, tiếng rên, ngửi mùi bốc ra từ người bệnh... Ví dụ như lắng nghe xem tiếng nói có bị hụt hơi hay không; tiếng nói vang hay nói mất lực; lắng nghe xem tiếng thở mạnh hay yếu; thở nông hay sâu; tiếng ho có đờm hay ho khan, ho gà; hay ngửi mùi của chất thải như đờm, phân, nước tiểu, miệng…
  • Vấn (hỏi): Việc hỏi người bệnh hoặc thân nhân là một yếu tố rất quan trọng nhằm cung cấp thêm cho thầy thuốc, sẽ giúp thầy thuốc làm sáng tỏ những nghi ngờ đã có khi nhìn và nghe. Không những thế, việc nhận được câu trả lời từ người bệnh có thể giúp thầy thuốc phán đoán dễ dàng hơn như sự minh mẫn, phong cách nói chuyện như có nói lắp hay không, tinh thần người bệnh và bệnh sử…
  • Thiết (bắt mạch và sờ nắn): Thiết theo Đông Y được hiểu là cắt mổ, xẻ để phân tích. Đây được xem là khâu cuối cùng trong tứ chẩn, nhằm tập hợp đầy đủ những triệu chứng, giúp cho việc chẩn đoán được toàn diện hơn. Thiết bao gồm hai phần là: Mạch chẩn (xem mạch) và án chẩn (sờ nắn).
Xoa bóp bấm huyệt là gì? Cách xoa bóp bấm huyệt2 Tứ chẩn là một hình thức chẩn đoán bệnh thuộc Đông Y trước khi xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp bấm huyệt đúng cách

Sau khi hoàn thành các bước chẩn đoán và nắm được bệnh trạng, thầy thuốc sẽ tiến hành xoa bóp bấm huyệt sao cho đúng cách nhất. Dưới đây là những thủ thuật cơ bản mà bạn đọc có thể tham khảo:

  • Thao tác xát: Dùng cả bàn tay trượt ấn nhẹ theo đường thẳng trên da của người bệnh.
  • Thao tác xoa: Bàn tay thầy thuốc đặt nghiêng lên da bệnh nhân xoa tròn và tập trung khu trú vùng bị đau.
  • Thao tác bóp: Sử dụng các ngón tay bóp cơ hoặc gân. Có thể bóp bằng 2, 3, 4 hoặc cả 5 ngón tay với lực vừa đủ.
  • Thao tác day: Dùng cổ tay ấn và đẩy tiến đẩy lùi lên da người bệnh.
  • Động tác gõ: Sử dụng đầu ngón tay gõ trên da bệnh nhân.
  • Thao tác cào: Sử dụng các đầu ngón tay cào trên mặt da (móng tay không được chạm da) được gọi là động tác xát trên diện hẹp.
  • Thao tác vuốt: Dùng vân ngón tay vuốt nhẹ nhàng và chậm đều trên da bệnh nhân.
  • Thao tác ấn: Sử dụng vân ngón cái hoặc cổ tay gập, cổ tay duỗi ấn vào vị trí huyệt hoặc những vùng đau với cường độ tăng dần từ nông cho đến sâu.
  • Thao tác miết: Sử dụng vân ngón tay miết chặt vào da người bệnh theo đường thẳng hoặc sang bên. Tay của người thực hiện di động, trượt lên da bệnh nhân ấn sâu và kéo căng da. Thủ thuật miết được sử dụng ở toàn thân.
  • Thao tác phân: Sử dụng ngón tay từ cùng một chỗ rẽ ra hai bên theo hướng ngược nhau. Tay người thực hiện có thể dính vào và trượt trên da người bệnh. Thường được sử dụng ở đầu, mặt, bụng, ngực và lưng.
  • Thao tác hợp: Sử dụng vân các ngón tay từ hai phía khác nhau đi ngược chiều và cùng đến một nơi trên da người bệnh. Thao tác thường sử dụng ở đầu, mặt, bụng, ngực và lưng.
Xoa bóp bấm huyệt là gì? Cách xoa bóp bấm huyệt3 Khi kết hợp nhiều thao tác với nhau việc xoa bóp bấm huyệt sẽ mang lại hiệu quả
  • Thao tác cuộn: Sử dụng đốt 2 ngón tay cái, đốt 3 ngón trỏ và ngón giữa kẹp và kéo da người bệnh lên. Ngón cái đẩy ngón 2 và 3 kéo liên tiếp làm vùng da luôn cuộn ở giữa các ngón tay thầy thuốc. Thác tác thường dùng ở bụng, trán và lưng.
  • Thao tác bấm: Sử dụng đầu ngón tay cái hoặc khuỷu tay bấm hoặc ấn thẳng góc với mặt da. Bấm là động tác chính của bấm huyệt được gọi là thủ thuật tả bao gồm bấm đơn, bấm kép, bấm bật và bấm móc.
  • Thác tác đấm: Người thực hiện nắm tay tự nhiên và đấm nhẹ tại chỗ nhiều cơ.
  • Thao tác chặt: Duỗi thẳng bàn tay và sử dụng cạnh ngoài chặt vào da người bệnh.
  • Thao tác giật: Sử dụng ngón cái, đốt thứ 2, 3 của ngón trỏ kẹp chặt vào da hoặc tóc người bệnh kéo lên đột ngột và thường phát ra tiếng kêu. Áp dụng tại các vùng xương sát da, tổ chức liên kết lỏng lẻo như: Cột sống, trán, tai, đầu và khớp cổ chân…
Xoa bóp bấm huyệt là gì? Cách xoa bóp bấm huyệt4 Việc xoa bóp bấm huyệt cần được thực hiện bởi những thầy thuốc có tay nghề cao

Bạn vừa xem qua bài viết với chủ đề xoa bóp bấm huyệt hi vọng hữu ích đối với quý độc giả. Xoa bóp bấm huyệt mang lại hiệu quả nhất định cho người bệnh khi được thực hiện đúng cách bởi những người có chuyên môn và tay nghề cao. Ngoài ra, xoa bóp bấm huyệt còn có thể hỗ trợ điều trị rất nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh tiểu đường, cơ xương khớp và phục hồi sức khỏe. Người bệnh khi có nhu cầu thực hiện xoa bóp bấm huyệt cần lựa chọn những cơ sở Đông Y uy tín để được tứ chẩn và thực hiện đúng cách nhất nhé!

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm