Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chăm sóc trẻ sau nạo VA như thế nào?

Ngày 12/06/2022
Kích thước chữ

Nạo VA là phương pháp can thiệp loại bỏ VA bị viêm lâu ngày giúp phòng tránh các biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Nạo VA là thủ thuật không quá phức tạp, tuy nhiên cần lưu ý cách chăm sóc trẻ sau nạo VA để được phục hồi nhanh chóng hơn.

Sau khi mổ trẻ sẽ gặp một số tình trạng khó chịu, đau nhẹ. Các bậc phụ huynh không cần phải quá lo lắng vì đây là những triệu chứng thường gặp. Cùng tìm hiểu các lưu ý về chăm sóc trẻ sau nạo VA dưới đây để vết thương nhanh liền lại và trẻ quay về các sinh hoạt thường nhật nhé.

Tình trạng trẻ sau nạo VA

Nạo VA thường sẽ kéo dài từ 30 - 60 phút và trẻ sẽ được gây mê tại chỗ. Nạo VA là phương pháp cắt bỏ cục viêm VA quá phát thông qua đường miệng và sẽ không rạch ở cổ hay bất kỳ chỗ nào trên cơ thể. Sau khi hoàn thành phẫu thuật, trẻ được theo dõi trong phòng hậu phẫu tới khi tỉnh táo thì có thể chuyển sang các phòng bệnh thường và xuất viện.

Chăm sóc trẻ sau nạo VA như thế nào 1
Nạo VA thường sẽ kéo dài từ 30 - 60 phút

Sau nạo VA, khi hết tác dụng của thuốc gây mê trẻ có thể sẽ xảy ra một số phản ứng tùy theo cơ địa ví dụ như: Khóc quấy, khó chịu dạ dày hay nôn ói. Một số trường hợp trẻ sẽ nôn ra chất dịch đặc có màu nâu vì lỡ nuốt một ít máu trong quá trình nạo VA. Những triệu chứng này không gây nguy hiểm và sẽ nhanh chóng hết. Mặc dù vậy nếu trẻ nôn ói liên tục và không dứt thì cần báo ngay cho bác sĩ.

Cách chăm sóc trẻ sau nạo VA

Nạo VA thường không gây chảy máu nhiều và cũng không gây đau nhiều nên trẻ có thể đi học lại từ 1 - 3 ngày chăm sóc. 

Trong ngày đầu tiên sau khi hoàn thành nạo VA, trẻ đang gặp các triệu chứng chóng mặt và buồn nôn do thuốc gây mê. Lúc này, cho trẻ uống nước lọc hoặc dùng thức ăn lỏng. Đặc biệt, cần bổ sung nước để tránh tình trạng thiếu nước sau mổ. Khi trẻ ăn uống dạng lỏng không còn bị nôn thì chuyển sang thức ăn đặc hơn và dần dần có thể trở về chế độ ăn uống bình thường.

Chăm sóc trẻ sau nạo VA như thế nào 2
Cho trẻ dùng thức ăn lỏng trong vài ngày đầu nạo VA

Quá trình liền thương thường diễn ra khoảng vài ngày. Một số trường hợp có thể chậm hơn do các tác nhân khác.

Ngoài ăn uống, các lưu ý khi chăm sóc trẻ sau nạo VA còn tùy theo quá trình phục hồi và các triệu chứng bé gặp phải để có hướng chăm sóc tốt nhất. 

Trẻ có thể bị đau và khó chịu sau nạo VA

Trẻ sau khi nạo VA sẽ không gặp tình trạng quá đau đớn khi nuốt, chỉ hơi cảm thấy khó chịu trong họng ở vài ngày đầu và cứng cổ. Triệu chứng này sẽ khỏi hoàn toàn sau vài ngày. Lúc này hãy sử dụng túi chườm để chườm ấm và dùng thuốc giảm đau cho trẻ. Bên cạnh đó, cho trẻ tập một số bài tập xoay nhẹ vùng cổ để cải thiện. 

Ngoài ra trẻ có thể bị chảy dãi, đau ở miệng và khó chịu ở vùng tai trong khi phục hồi bệnh. Đây có thể là sự lan ra của các cơn đau từ vùng họng chứ không gây quá nguy hiểm. Cho trẻ nhai kẹo singum hoặc nhai kỹ trong khi ăn sẽ giúp giảm bớt triệu chứng này.

Chăm sóc trẻ sau nạo VA như thế nào 3
Trẻ có thể quấy khóc, khó chịu trong những ngày đầu sau nạo VA

Bố mẹ cũng có thể tham khảo loại thuốc và phương pháp giảm cơn đau cho trẻ ở giai đoạn phục hồi:

  • Dùng các chế phẩm paracetamol. Lưu ý không cho trẻ uống thuốc khi bụng đói vì điều này có thể làm tăng cơn buồn nôn hay nôn sau phẫu thuật. Không nên dùng ibuprofen trong 2 tuần sau khi mổ vì thuốc này làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Cho trẻ uống nhiều nước để làm ướt vùng nạo VA.
  • Đánh lạc hướng bằng cách cho trẻ chơi hoặc tham gia các hoạt động giải trí cùng bố mẹ.
  • Nên tránh cho trẻ ăn các thức ăn cứng có thể làm xây xước vùng phẫu thuật.

Hơi thở trẻ có mùi

Hơi thở của bé sẽ có thể có mùi khó chịu, đây cũng là một tình trạng thường thấy sau phẫu thuật nạo VA. Hiện tượng này thường có thể kéo dài tới vài tuần, nguyên nhân là do quá trình liền thương ở họng. Lúc này họng tiết ra nhiều đờm và trẻ nuốt vào khiến chất tiết tích tụ nhiều lần. Cách chăm sóc trẻ lúc này là giữ vệ sinh miệng sạch sẽ, súc nước muối sinh lý và vệ sinh đường mũi cho bé. Nhai kẹo cao su cũng là phương pháp giúp trẻ giảm đau tai và kiềm chế mùi từ hơi thở.

Lưu ý:

  • Cho trẻ đánh răng và súc miệng nhưng không được sục họng.
  • Nên dặn trẻ khi hắt hơi không nên che miệng, không xì mũi trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật. Nếu ra nước mũi có thể dùng khăn chấm dịch nhẹ nhàng.
  • Có thể dùng máy phun sương để giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn.

Lưu ý các hoạt động cho trẻ sau nạo VA

  • Cho trẻ tắm rửa bình thường mỗi ngày.
  • 1 - 3 ngày đầu nên cho trẻ được nghỉ ngơi sau phẫu thuật, sau khi đó tăng dần thời gian hoạt động thể chất nhẹ. Không nên hoạt động mạnh trong 14 ngày sau nạo VA vì có thể khiến trẻ chảy máu nhẹ qua đường mũi.
  • Trong 2 tuần đầu cũng nên giữ ấm vì khoảng thời gian này trẻ dễ gặp cảm lạnh. Bên cạnh đó cũng không nên cho trẻ tiếp xúc với những người đang nhiễm bệnh để tránh lây nhiễm. 

Ngoài ra trẻ còn có thể gặp một số trường hợp sau nhưng sẽ mau chóng qua đi, các bậc phụ huynh không cần lo lắng đó là: Sốt nhẹ, thay đổi giọng nói, ngủ ngáy (một số trẻ có thể xuất hiện ngủ ngáy, nguyên nhân là do tình trạng phù nề và thường sẽ tự mất đi trong vòng tuần đầu).

Nếu gặp trường hợp chảy máu nhiều và không tự cầm được sau nạo VA thì cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám tức thời nhé.

Trên đây là toàn bộ thông tin về cách chăm sóc trẻ sau nạo VA. Tuy chỉ là can thiệp không mấy phức tạp và nguy hiểm, nhưng các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý thực hiện đúng theo các hướng dẫn hậu phẫu của bác sĩ. Ngoài ra, có thể tham khảo các thông tin trên đây để trẻ nhanh chóng hồi phục.

Minh Hạnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin