Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đánh bại ung thư đại trực tràng bằng phương pháp sàng lọc

Ngày 27/06/2024
Kích thước chữ

Ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu. Nhưng ung thư đại trực tràng có thể ngăn ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Sàng lọc ung thư đại trực tràng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, chữa bệnh.

Số liệu thống kê cho thấy ung thư đại trực tràng là một trong những căn bệnh ung thư hàng đầu ở Singapore. Mỗi năm, khoảng 1200 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng, và đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có liên quan đến ung thư.

Ung thư đại trực tràng có thể là một loại ung thư phát triển chậm, thường bắt đầu từ polyp (u lành tính, nhỏ) ở lớp niêm mạc bên trong của đại tràng hoặc trực tràng. Nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư đại trực tràng có thể di căn sang các cơ quan, bộ phận khác của cơ thể.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư đại trực tràng là gì?

Ung thư đại trực tràng thường phát triển chậm, các triệu chứng không phải lúc nào cũng xuất hiện ở giai đoạn đầu của bệnh. Trên thực tế, thường ở giai đoạn muộn của bệnh ung thư đại trực tràng, bệnh nhân mới bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu, triệu chứng. Khi ung thư tiến triển sang giai đoạn muộn, một số bệnh nhân có thể bắt đầu nhận thấy:

  • Thay đổi thói quen đại tiện;
  • Đại tiện phân lẫn máu;
  • Tình trạng khó chịu bụng (cơn co thắt hay đau);
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.

Mặc dù tình trạng các bệnh viêm ruột, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn hoặc thậm chí bệnh trĩ có thể gây ra các triệu chứng tương tự, nhưng không bao giờ nên xem nhẹ những dấu hiệu này, đặc biệt nếu các cá nhân thuộc các nhóm nguy cơ dưới đây.

Đánh bại ung thư đại trực tràng bằng phương pháp sàng lọc 1
Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng thường giống các bệnh lý đường ruột khác

Ai có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng?

Ung thư đại trực tràng có thể ảnh hưởng đến cả nam giới và phụ nữ. Đây là một số yếu tố nguy cơ thường gặp:

  • Có độ tuổi từ 50 tuổi trở lên;
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại tràng (ruột kết) hoặc trực tràng;
  • Đã phát hiện polyp đại tràng;
  • Có tiền sử viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn;
  • Hút thuốc quá mức;
  • Có chế độ ăn nhiều chất béo, ít trái cây và rau quả;
  • Béo phì.
Đánh bại ung thư đại trực tràng bằng phương pháp sàng lọc 2
Hút thuốc lá quá mức khiến bạn có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao

Sàng lọc ung thư đại trực tràng có ý nghĩa gì?

Ung thư đại trực tràng có giai đoạn tiền ung thư kéo dài, nơi các polyp nhỏ lành tính có thể phát triển trong niêm mạc đại tràng hoặc trực tràng. Trong hầu hết các trường hợp, chúng vô hại và sẽ không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên, có khả năng một số polyp này có thể biến thành ung thư.

Đây là lý do tại sao việc phát hiện và loại bỏ chúng sớm có thể đóng vai trò lớn trong việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng. Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn đầu có khả năng điều trị cao. Vì vậy, sàng lọc ung thư đại trực tràng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện các polyp tiền ung thư.

Sự khác biệt của các phương pháp sàng lọc

Xét nghiệm tìm máu trong phân (Occult Blood Immunological - OBI)

Những người trên 50 tuổi hoặc có nguy cơ mắc ung thư ruột kết cao hơn nên thực hiện xét nghiệm tìm máu trong phân (OBI) mỗi năm một lần. Xét nghiệm này phát hiện một lượng nhỏ máu trong phân mà mắt thường không thể nhìn thấy được.

Trong hầu hết các trường hợp, cần phải lấy hai mẫu phân tươi trong hai ngày và sau đó gửi đi xét nghiệm.

Nội soi đại tràng ảo

Trong phương pháp sàng lọc này, trước tiên bệnh nhân sẽ uống dung dịch nhuận tràng, làm sạch ruột tại nhà trước khi tiến hành chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) vùng bụng và đại tràng tại bệnh viện. Hình ảnh kết quả chụp sẽ được bác sĩ xem trên màn hình. 

Mặc dù đây là một lựa chọn dành cho bệnh nhân đang tìm kiếm phương pháp sàng lọc không xâm lấn, nhưng nội soi đại tràng ảo sẽ có nguy cơ nhiễm bức xạ và nhược điểm có thể bỏ sót các polyp nhỏ. Ngoài ra, nếu phát hiện thấy polyp thông qua nội soi ảo thì sẽ cần phải tiến hành nội soi lại để cắt bỏ polyp.

Nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng được xem là cận lâm sàng tiêu chuẩn được công nhận để sàng lọc đại trực tràng. Được thực hiện trong ngày tại bệnh viện, bác sĩ sẽ kiểm tra niêm mạc toàn bộ đại, trực tràng của bạn bằng cách đưa một ống có gắn camera ở đầu (nội soi) vào trực tràng và xuyên suốt toàn bộ chiều dài của ruột già.

Thông thường bệnh nhân sẽ được gây mê trong quá trình thực hiện, quá trình này có thể kéo dài từ 20 - 30 phút. Nếu có polyp, chúng sẽ được bác sĩ cắt bỏ trong quá trình thực hiện.

Đánh bại ung thư đại trực tràng bằng phương pháp sàng lọc 3
Nội soi đại tràng là phương pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng hiệu quả nhất

Một số câu hỏi thường gặp

Làm thế nào để chuẩn bị nội soi?

Bệnh nhân phải nhịn ăn và uống thuốc nhuận tràng để làm sạch ruột trước khi thực hiện thủ thuật. Điều bắt buộc là phải có đại tràng sạch hoàn toàn trước khi thực hiện thủ thuật để bác sĩ không bỏ sót bất kỳ polyp, hay tổn thương nào.

Điều gì xảy ra sau khi nội soi?

Bệnh nhân thường hồi phục sau khi dùng thuốc an thần trong vòng 30 - 60 phút sau thủ thuật. Nhìn chung không có cảm giác đau đớn hoặc khó chịu trong hoặc sau khi thực hiện thủ thuật. Sau đó, bác sĩ sẽ giải thích chi tiết kết quả với bệnh nhân.

Nội soi xảy ra rủi ro gì?

Nội soi nói chung là một thủ tục rất an toàn. Nguy cơ chảy máu hoặc thủng đại tràng nếu cắt bỏ polyp là rất nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta có thể cảm thấy hơi choáng váng do thuốc an thần trong vài giờ sau khi tỉnh.

Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?

Sau khi nội soi, bạn cần liên hệ với bác sĩ nếu:

  • Hôm sau xuất hiện tình trạng đầy hơi;
  • Vẫn xuất hiện phân lẫn máu;
  • Xuất hiện cơn đau bụng;
  • Sốt trên 37,8°C.

Nội soi đại tràng nên thực hiện bao lâu một lần?

Nội soi đại tràng nên thực hiện bao lâu một lần sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, rủi ro cũng như lịch sử y tế của cá nhân và gia đình. Bác sĩ sẽ tư vấn tốt nhất về khoảng thời gian sàng lọc dành cho bạn. Trong hầu hết các trường hợp, những cá nhân được xác định là có nguy cơ cao có thể cần được sàng lọc 2 - 3 năm một lần. Đối với những người không có tiền sử ung thư đại trực tràng và đã được nội soi trước đó cho kết quả rõ ràng, khoảng thời gian sàng lọc có thể dài hơn nhiều.

Làm thế nào có thể chủ động ngăn ngừa ung thư đại trực tràng?

Mặc dù ung thư không thể được phòng ngừa một cách chắc chắn nhưng nguy cơ phát triển bệnh có thể được kiểm soát và giảm thiểu bằng những thói quen sinh hoạt tốt. Bao gồm:

  • Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Hạn chế chất béo trong chế độ ăn uống, đặc biệt là chất béo bão hòa từ nguồn động vật và dầu thực vật có nguồn gốc thực vật.
  • Giảm lạm dụng rượu, kiểm soát tốt lượng rượu bạn uống.
  • Cai hút thuốc.
  • Tập thể dục thường xuyên.
Đánh bại ung thư đại trực tràng bằng phương pháp sàng lọc 4
Chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh giúp bạn ngăn ngừa ung thư đại trực tràng

Nếu có bất kỳ nghi ngờ hoặc thắc mắc nào về nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, đặc biệt đối với những người từ 50 tuổi trở lên, hãy đến cơ sở y tế uy tín hoặc bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Nếu quan sát hay cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, đừng trì hoãn việc đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị chính xác, kịp thời.

Trên đây là bài viết với chủ đề "Đánh bại ung thư đại trực tràng bằng phương pháp sàng lọc". Mong rằng bạn đọc đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Bác sĩNguyễn Văn My

Đã kiểm duyệt nội dung

Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.

Xem thêm thông tin