Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dấu hiệu u nguyên bào thần kinh ở trẻ em là gì?

Ngày 02/10/2022
Kích thước chữ

U nguyên bào thần kinh là căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Dấu hiệu u nguyên bào thần kinh ở trẻ em là gì?

U nguyên bào thần kinh là khối u ác tính xuất hiện ở trẻ em. Bệnh tiến triển rất nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, đây lại là căn bệnh hiếm gặp khiến nhiều cha mẹ không nhận biết được. Trong bài viết dưới đây, cùng tìm hiểu dấu hiệu u nguyên bào thần kinh ở trẻ em. 

U nguyên bào thần kinh là gì?

U nguyên bào thần kinh được xếp vào loại u ác tính, thường xuất hiện ở 6 - 10 trẻ/1 triệu trẻ em. Các khối u này phát triển từ các tế bào thần kinh nguyên thủy chưa trưởng thành của hệ thần kinh giao cảm. Do đó, chúng thường được tìm thấy ở tủy thượng thận hoặc trong các hạch thần kinh giao cảm. Ngoài ra, chúng cũng có thể xuất hiện ở các mô thần kinh tại vùng ngực, cổ và xung quanh tủy sống. 

U nguyên bào thần kinh thường chỉ xuất hiện ở trẻ có độ tuổi dưới 5 tuổi. Trong đó, có đến 30% nằm ở trẻ dưới 1 tuổi. Độ tuổi càng lớn thì mức độ mắc bệnh càng giảm đi. Khi trẻ trên 10 tuổi, tỷ lệ này giảm xuống còn 10%. 

Dấu hiệu u nguyên bào thần kinh ở trẻ em - Cha mẹ không thể bỏ qua!  1 U nguyên bào thần kinh là căn bệnh ung thư nguy hiểm 

Dấu hiệu u nguyên bào thần kinh 

Do triệu chứng của căn bệnh này còn phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u nên các triệu chứng thường không rõ ràng. Điều này khiến nhiều cha mẹ nhầm lẫn với các căn bệnh khác. Nếu các khối u chèn ép hoặc di căn, cơ thể trẻ xuất hiện những biểu hiện sau: 

  • Trẻ đi lại khập khiễng, thậm chí không thể đi lại do đau nhức xương. 
  • Xuất hiện phần nhô lên hoặc một khối u ở bụng, ngực, cổ hoặc vùng chậu.
  • Thương tổn da hoặc có những cục u nhỏ dưới da với mảng màu xanh hoặc tím.
  • Nhãn cầu nhô ra phía trước (mắt lồi ra) và có các quầng tối quanh mắt, nếu ung thư lan đến phía sau nhãn cầu.
  • Thay đổi ở mắt, ví dụ mắt thâm đen, sa mí mắt, con ngươi co lại, thay đổi thị lực, hoặc thay đổi màu của mống mắt.
  • Đau ngực, khó thở, hoặc những cơn ho dai dẳng.
  • Đau tay, chân, hoặc ở các xương khác.
  • Đau lưng, yếu chi, cảm giác tê bì, hoặc liệt chân nếu khối u đã di căn đến tủy sống.
  • Sốt và thiếu máu do tế bào máu giảm.
  • Tiêu chảy liên tục. 
  • Tăng huyết áp do hormone giải phóng từ khối u.
  • Chuyển động đảo mắt bất thường và giật cơ đột ngột, bắt nguồn từ các rối loạn của hệ thống miễn dịch.

Trong một vài trường hợp, trẻ mắc u nguyên bào thần kinh không có bất cứ triệu chứng bất thường nào. Đây có thể là giai đoạn đầu của căn bệnh, khi khối u chưa ảnh hưởng đến các tế bào xung quanh.

Dấu hiệu u nguyên bào thần kinh ở trẻ em - Cha mẹ không thể bỏ qua! 2 Khối u chèn ép lên dây thần kinh có thể làm giảm thị lực 

Biến chứng của u nguyên bào thần kinh 

Do u nguyên bào thần kinh là khối u ác tính nên nó chắc chắn sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, biến chứng xuất hiện nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thông thường, bệnh trở nặng có thể khiến trẻ phải đối mặt với các hệ lụy như: 

  • Di căn: U nguyên bào phát triển quá mức sẽ phá hủy các cơ quan xung quanh như: Hạch bạch huyết, xương, tủy xương, gan,... 
  • Liệt chi: Điều này thường xảy ra ở các khối u phát triển trong ống tủy. Kích thước u quá lớn sẽ chèn ép lên tủy sống, làm tắc nghẽn mạch máu dẫn đến tay và chân, gây tê liệt chi. 
Dấu hiệu u nguyên bào thần kinh ở trẻ em - Cha mẹ không thể bỏ qua! 3 Các tế bào ung thư phát triển và di căn rất nhanh 

Các bước điều trị u nguyên bào thần kinh như thế nào? 

Phẫu thuật cắt bỏ là điều bắt buộc để xử lý triệt để các khối u ác tính. Phương pháp này sẽ được tiến hành như sau: 

  • Nếu trẻ mắc bệnh cục bộ, trẻ chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ và theo dõi quá trình lành bệnh. 
  • Nếu trẻ mắc bệnh thành từng khu vực hoặc khối u đã di căn, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để lấy mẫu cho các xét nghiệm sinh học cần thiết. Hóa trị sẽ được sử dụng sau đó để loại bỏ hoàn toàn u nguyên bào thần kinh. 
  • Nếu sau hóa trị, khối u vẫn còn tồn tại thì trẻ sẽ được xạ trị tiếp tục. 
  • Sau khi hoàn thành toàn bộ quy trình này, trẻ sẽ cần một thời gian dài theo dõi và chăm sóc bình phục sau phẫu thuật. Cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho con, đồng thời hạn chế để con vận động mạnh, tránh trường hợp giảm tiểu cầu. 

Tỷ lệ sống sót sau điều trị u nguyên bào thần kinh là bao nhiêu? 

Các phác đồ điều trị hiện tại bao gồm 4 giai đoạn trị liệu, bao gồm cảm ứng, kiểm soát tại chỗ, củng cố và điều trị bệnh còn lại. Với những trẻ mắc bệnh ở giai đoạn đầu, ảnh hưởng của bệnh vẫn còn ít, tỷ lệ sống sót sẽ khoảng 95%. Với những nhóm u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, tỷ lệ này là khoảng 38%. 

Dấu hiệu u nguyên bào thần kinh ở trẻ em - Cha mẹ không thể bỏ qua! 4 Với từng đối tượng bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị riêng 

Hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn dấu hiệu u nguyên bào thần kinh ở trẻ em để phát hiện và điều trị kịp thời. Khi thấy trẻ mệt mỏi, bỏ bú hoặc đau nhức cơ thể, bạn cần cho trẻ đến thăm khám ngay lập tức nhé! 

Thu Trang 

Nguồn tham khảo: Yhoccongdong

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin