Đau mắt đỏ là bệnh rất dễ lây và có khả năng bùng dịch mạnh mẽ nếu không biết cách ngăn chặn. Bệnh thường xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm, vi khuẩn, virus tấn công và làm cho mắt bị đỏ, rát, ngứa, chảy nước mắt, khả năng quan sát hạn chế, nặng mắt, có nhiều dử mắt… gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như làm việc và học tập.
Khi bị đau mắt đỏ, bên cạnh tuân thủ các phương pháp điều trị của bác sĩ, nhiều người thường khuyên nên sử dụng nước muối sinh lý rửa mắt, giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục. Điều này có đúng đối với những bệnh nhân đang có bệnh lý về mắt hay không?
Đau mắt đỏ rửa nước muối có được không?
Nước muối sinh lý natri clorid được pha chế với tỷ lệ 0,9%, tức trong 1 lít nước có chứa 9g muối tinh khiết, được gọi là nước muối sinh lý, có thể dùng được cho mọi lứa tuổi. Ngoài việc sử dụng nhằm cung cấp và bổ sung nước cũng như các chất điện giải cho cơ thể thì nước muối sinh lý còn có tác dụng như: Dùng để rửa mắt, rửa mũi và súc họng.
Bệnh nhân bị đau mắt đỏ, có nhiều dử mắt gây khó chịu cho người mắc phải, việc sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mắt hằng ngày giúp rửa trôi mầm bệnh, đẩy dử mắt ra ngoài, làm ẩm tránh tình trạng khô mắt và làm dịu cho bề mặt nhãn cầu. Do đó, bị đau mắt đỏ rửa nước muối sinh lý mang lại hiệu quả đáng kể.
Tuy nhiên, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ của mình về loại nước muối nào do công ty dược nào có thể sử dụng an toàn cho mắt. Bên cạnh đó, người bệnh có thể nhìn thấy bên ngoài nhãn có ký hiệu dành riêng cho mắt. Nước muối dùng để rửa mắt cần tuyệt đối vô trùng. Do đó, người bệnh không tự ý pha nước muối để rửa mắt, điều này có thể làm gia tăng tình trạng nhiễm trùng mắt.
Nước muối sinh lý có rất nhiều tác dụng trong việc bảo vệ hệ thống hô hấp. Những người chưa bị đau mắt đỏ cũng có thể sử dụng để rửa mắt nhằm đề phòng bệnh nếu nghi ngờ có tiếp xúc với người đang bị đau mắt đỏ.
Khi mới phát hiện bệnh hoặc nghi ngờ có thể bị bệnh đau mắt đỏ, bạn đọc nên rửa mắt ngay với nước muối sinh lý 0,9% dạng nhỏ mắt, sử dụng nhiều lần trong ngày giúp rửa sạch mắt, làm sạch các dị vật nếu có, làm trôi đi ghèn mắt và mầm bệnh ra ngoài. Người bệnh lúc này có thể rửa mắt khi có dử mắt xuất hiện hoặc trung bình 10 lần/ngày, giúp loại bỏ các chất nhầy dư thừa ở mắt, các vi khuẩn gây bệnh và ngăn ngừa các bệnh nhiễm khuẩn ở mắt khác.
Thắc mắc: Đau mắt đỏ rửa nước muối có hiệu quả?
Cách rửa mắt bằng nước muối khi bị đau mắt đỏ
Trước và sau khi thực hiện rửa mắt, người bệnh cần rửa sạch tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Việc rửa mắt thực hiện dễ dàng hơn nếu có người hỗ trợ. Đây là bước chăm sóc quan trọng nhất giúp giảm tiết dử mắt, mắt thông thoáng và mau hồi hơn, cụ thể như sau:
- Người bệnh hãy nghiêng đầu qua một bên mắt bị bệnh, dùng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào khoảng 10 – 15 giọt. Thực hiện chớp mắt để nước muối trôi ra ngoài theo hướng đuôi mắt và làm tương tự như thế với bên mắt còn lại.
- Lưu ý khi rửa mắt không chạm đầu lọ thuốc vào mắt nhằm tránh sự lây nhiễm chéo từ mắt này sang mắt kia.
- Nên rửa bên mắt bị nhẹ trước, mắt bị nặng rửa sau.
- Khi rửa mắt, cần dùng gạc y tế hoặc khăn sạch lau nước chảy ra từ đuôi mắt, tránh không để nước từ mắt chứa virus, vi khuẩn gây bệnh chảy ra sẽ dễ lây cho người khác.
- Sau khi rửa mắt xong, dùng gạc y tế sạch lau khô dử mắt.
Trước và sau khi thực hiện rửa mắt, người bệnh cần rửa sạch tay với xà phòng
Những lưu ý giúp bệnh đau mắt đỏ mau hồi phục và hạn chế lây lan
Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần trang bị khẩu trang ngay cả khi ở nhà, hạn chế ôm, hôn người thân nhất là đối với em bé, trẻ nhỏ hệ miễn dịch còn yếu. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau đây nhằm giúp cho bệnh đau mắt đỏ nhanh chóng hồi phục và hạn chế lây lan nhất có thể:
- Nên nhỏ nước muối theo chỉ định của bác sĩ, nước muối chỉ có tác dụng phòng tránh trường hợp bội nhiễm, không có tác dụng chữa khỏi bệnh bệnh mắt đỏ.
- Nếu thấy bệnh đau mắt đỏ diễn biến nặng hơn, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức để được bác sĩ hướng dẫn điều trị.
- Người bệnh không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, gối, ly, chén…
- Không sử dụng lại thuốc cũ của người khác.
Không sử dụng lại thuốc cũ của người khác
- Người bệnh nên nghỉ làm, nghỉ học, ngưng sử dụng máy tính, laptop, máy tính bản, điện thoại thông minh, tivi...
- Người bệnh nên ngủ đủ giấc, nên nghỉ ngơi hợp lý tránh hiện tượng chói mắt và chảy nước mắt.
- Hạn chế ra ngoài nhất có thể, nếu trong trường hợp bắt buộc, người bệnh nên đeo khẩu trang để hạn chế lây lan cho người khác, nên đeo kính râm nhằm tránh bụi, gió cũng như các tác nhân gây hại khác.
- Người bệnh cần tránh tiếp xúc với các loại khói như: Khói nhang, khói bếp, khói than củi, khói xe… vì dễ gây kích thích khó chịu cho mắt.
- Bệnh nhân không được bơi lội trong thời gian điều trị bệnh cũng như tránh nguồn nước bẩn, các loại hóa mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt… day vào mắt.
- Nên lấy dử mắt, ghèn mắt ngay lúc ướt, tránh để khô sẽ gây đau đớn cho người bệnh.
- Giữ vệ sinh các nhân thật tốt, người bệnh không dụi mắt bằng tay, không đưa tay lên mũi và miệng.
- Tăng cường cho người bệnh đau mắt đỏ uống nước cam, chanh và ăn sữa chua để tăng sức đề kháng.
- Cần tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng cho người bệnh từ hoa quả tươi, rau xạnh giàu vitamin và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng.
Hoàng Yến
Nguồn: Tổng hợp