Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau thượng vị khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Ngày 26/05/2022
Kích thước chữ

Đau tức vùng thượng vị dạ dày khi mang thai rất phổ biến. Nhưng không phải bà bầu nào cũng biết nguyên nhân gây đau tức thượng vị dạ dày và cách xử trí hiệu quả.

Đau thượng vị khi mang thai là một triệu chứng phổ biến gây ra nhiều phiền toái cho mẹ bầu. Đôi khi đây cũng là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe bất thường cần được điều trị kịp thời. Mẹ bầu cần xác định rõ nguyên nhân để tiến hành can thiệp đúng đắn, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ.

Nguyên nhân gây đau thượng vị khi mang thai

Thượng vị là phần bụng nằm trên rốn và dưới mũi xương ức. Đau vùng thượng vị là tình trạng phổ biến có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Hầu hết các trường hợp đau bụng trên là do chế độ ăn uống không lành mạnh, căng thẳng kinh niên, sử dụng nhiều chất kích thích,…

Nhưng ở phụ nữ mang thai, ngoài những nguyên nhân thông thường, còn có nhiều nguyên nhân cụ thể khác gây ra tình trạng đau thượng vị, cụ thể như sau:

Cơ thể thay đổi

Một trong những nguyên nhân chính của việc này là do cơ thể mẹ thay đổi để thích nghi với quá trình mang thai. Khi mang thai, bà bầu thường ăn nhiều hơn, sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể khiến lượng thức ăn trong dạ dày không được tiêu hóa kịp.

Điều này khiến chúng tích tụ trong dạ dày, đồng thời axit trong dạ dày cũng tăng lên dẫn đến trào ngược axit. Lâu dần, điều này sẽ khiến vùng thượng vị bỏng rát. Ngoài ra, sự lớn lên của thai nhi tạo ra áp lực và chèn ép lên dạ dày, đây cũng là yếu tố cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn, dẫn đến trào ngược dạ dày.

Thay đổi cơ thể là một trong những nguyên nhân gay đau thượng vị khi mang thai

Cơ thể thay đổi là một trong những nguyên nhân gây đau thượng vị khi mang thai

Có tiền sử bệnh đau dạ dày

Những người đã từng bị đau dạ dày trước đây có nguy cơ cao bị đau thượng vị khi mang thai. Bởi những thay đổi của cơ thể có thể khiến bệnh dễ tái phát và gây ra các triệu chứng bệnh. Đau rát vùng thượng vị trên là một trong những dấu hiệu nhận biết tình trạng này.

Bệnh lý đường tiêu hóa

Đau thượng vị khi mang thai có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, các bệnh lý về gan như viêm đường mật và đôi khi là xuất huyết dạ dày gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Dù là nguyên nhân nào thì đau thượng vị khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và bé. Do đó, nếu nhận thấy cơ thể có điều gì bất thường, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt và được tư vấn cách điều trị phù hợp.

Một số nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân trên, đau thượng vị khi mang thai còn có thể liên quan đến nhiều yếu tố khác, bao gồm:

  • Chế độ ăn uống: Nhiều bà bầu có thói quen ăn đồ chua, cay nóng, đồ ăn vặt, đồ chế biến sẵn,… khi mang thai. Đây được cho là một yếu tố có thể gây ra cơn đau thượng vị.
  • Bệnh lý về mật và gan: Mật và gan là những cơ quan tiết ra chất dịch mật để hỗ trợ tiêu hóa. Các bệnh lý về gan mật như sỏi mật, viêm túi mật, viêm gan, polyp túi mật,… đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa. Đồng thời gây ra tình trạng đau vùng thượng vị khi mang thai.
  • Bệnh tuyến tụy: Phụ nữ mang thai cũng cần cẩn thận với bệnh viêm tụy khi xuất hiện những cơn đau đột ngột ở vùng thượng vị.
  • Giun chui ống mật: Bệnh giun chui ống mật không chỉ gây đau thượng vị dữ dội mà còn khiến bà bầu đổ mồ hôi và lạnh cả người.

Chế độ ăn uống không phù hợp là nguyên nhân gây đau thượng vị khi mang thai

Chế độ ăn uống không phù hợp là nguyên nhân gây đau thượng vị khi mang thai

Đau bụng trên khi mang thai có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia, đây là tình trạng khá phổ biến khi mang thai. Tình trạng này hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, thai phụ cần cẩn thận nếu cơn đau liên quan đến vấn đề bệnh lý. Bởi nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thai kỳ.

Đau bụng trên kéo dài có thể gây ra một số vấn đề sau ở phụ nữ mang thai:

  • Thiếu hụt dinh dưỡng: Những cơn đau, khó chịu ở vùng bụng trên có thể khiến bà bầu chán ăn, ăn không ngon miệng. Ngoài ra, thường cảm thấy buồn nôn và nôn mửa, khiến cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng. Gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ sảy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân,...
  • Mệt mỏi mãn tính: Những cơn đau thượng vị kéo dài, nhất là về đêm có thể gây cản trở giấc ngủ của mẹ bầu. Điều này có thể dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi, kiệt sức và tâm trạng cau có, dễ tức giận. Tình trạng này cũng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai phụ.
  • Các bệnh lý tiến triển nặng: Đau dạ dày khi mang thai có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý tiềm ẩn. Đặc biệt là rối loạn tiêu hóa, gan, mật, tụy. Đồng thời, việc điều trị khi mang thai thường gặp nhiều hạn chế. Điều này khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và tạo ra nhiều vấn đề.

Cách giảm đau thượng vị ở bà bầu

Khi mang thai, chị em nên hạn chế hoặc tránh dùng thuốc vì có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Vì vậy, để cải thiện tình trạng đau thượng vị khi mang thai, chị em có thể áp dụng các biện pháp sau:

Thay đổi chế độ ăn uống

Để cải thiện tình trạng đau thượng vị khi mang thai, chị em cần tránh những đồ ăn cứng, chiên rán, nhiều dầu mỡ hoặc đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, trà, rượu.

Trong ngày nên chia thành ba bữa, ăn nhiều thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như rau luộc, hoa quả tươi hoặc hải sản đã qua chế biến.

Áp dụng lối sống, sinh hoạt khoa học

Phụ nữ mang thai tránh ăn quá no hoặc ngủ ngay sau bữa ăn và cần nghỉ ngơi đúng giờ, không thức khuya, ngủ đủ giấc. Ngoài ra, hãy giữ tâm trạng thoải mái và tránh căng thẳng, mệt mỏi.

Bà bầu nên thực hiện các bài tập thể dục hoặc vận động phù hợp như yoga, thiền, đi bộ,… không những có tác dụng tăng cường sức khỏe mà còn giúp cải thiện tình trạng đau bụng trên khi mang thai.

Thay đổi chế độ ăn uống giúp cải thiện tình trạng đau thượng vị khi mang thai

Thay đổi chế độ ăn uống giúp cải thiện tình trạng đau thượng vị khi mang thai

Đau thượng vị khi mang thai kéo dài có thể khiến bà bầu khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, bạn cần đi khám để tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhưng mẹ bầu cần tuân thủ đúng liều lượng và liệu trình điều trị để tránh những tác dụng phụ của thuốc tới sức khỏe.

Nhung Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin