Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dị ứng phấn hoa: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Ngày 16/05/2022
Kích thước chữ

Dị ứng phấn hoa là vấn đề hô hấp phổ biến, đặc biệt xuất hiện khá nhiều vào mùa hoa nở. Cơ thể nhận diện nhầm phấn hoa là những phần tử có hại xâm nhập vào cơ thể cần phải loại bỏ, từ đó kích hoạt phản ứng miễn dịch để chống lại nó. Vì vậy mà người bệnh thường hay có triệu chứng hắt xì, ho, nghẹt mũi khi bị dị ứng phấn hoa.

Tuy dị ứng phấn hoa ít khi dẫn đến tình trạng nghiêm trọng cho sức khỏe nhưng nó vẫn khiến người bệnh gặp không ít khó khăn, phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về hiện tượng này cũng như cách điều trị, phòng tránh nó một cách hiệu quả nhất nhé!

Nguyên nhân gây dị ứng phấn hoa

Phản ứng dị ứng phấn hoa xuất phát từ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Ở người bình thường, phấn hoa là phần tử vô hại nhưng ở những người dị ứng với nó, cơ thể sẽ nhận diện phấn hoa là dị nguyên cần được tiêu diệt. Nguyên nhân hệ miễn dịch ở một số người lại có sự nhầm lẫn này là do thành phần của phấn hoa có chứa những chất như cellulose, protein, dextrin, phosphore,... dễ kích thích phản ứng miễn dịch. 

Những loại phấn hoa gây dị ứng thường rất nhỏ, kích thước dưới 0,5mm. Phấn hoa từ cây cỏ và các loại cây thụ phấn nhờ gió xuất hiện trong không khí nhiều hơn nên khả năng gây dị ứng cũng cao hơn các loại thực vật có hoa khác. Có người bị dị ứng phấn hoa quanh năm, trong khi một số khác lại chỉ xuất hiện triệu chứng trong những giai đoạn thời gian nhất định. Dị ứng phấn hoa không ảnh hưởng nguy hiểm cho sức khỏe nhưng thường gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt do các phản ứng dị ứng của hệ miễn dịch.

Dị ứng phấn hoa: Nguyên nhân và cách phòng tránh 1

Phản ứng dị ứng phấn hoa xuất phát từ hệ thống miễn dịch của cơ thể

Triệu chứng khi bị dị ứng phấn hoa

Tùy theo cơ địa của bệnh nhân, lượng phấn hoa và thời gian người bệnh tiếp xúc với phấn hoa mà nồng độ histamine (chất hệ miễn dịch sản xuất ra để chống lại phấn hoa) sẽ khác nhau, dẫn đến các triệu chứng dị ứng cũng sẽ khác nhau ở từng người. Dị ứng phấn hoa thường gây ra một số biểu hiện khó chịu như:

  • Khó chịu, sụt sịt, nghẹt mũi, chảy nước mũi. 
  • Ngứa ngáy, đỏ ửng vùng mắt, chảy nước mắt.
  • Đau rát cổ họng, xuất hiện những cơn ho liên tục.
  • Hắt hơi từng đợt và kéo dài.
  • Thở khò khè, khó thở, da bị sưng và cảm vị giác, khứu giác.

Tùy theo cơ địa mỗi người mà các dấu hiệu dị ứng có thể xuất hiện sau khoảng 15-20 phút sau khi bệnh nhân tiếp xúc với phấn hoa. Với những người có tiền sử hen suyễn hoặc một số bệnh liên quan đến đường hô hấp khác, các triệu chứng dị ứng phấn hoa sẽ nặng hơn, gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của bệnh nhân. 

Dị ứng phấn hoa: Nguyên nhân và cách phòng tránh 2

Triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi khi bị dị ứng phấn hoa

Cách phòng ngừa dị ứng phấn hoa hiệu quả

Nguyên tắc cơ bản để phòng ngừa tình trạng dị ứng phấn hoa diễn ra chính là loại bỏ các nguy cơ tiếp xúc với nó. Vào mùa hoa nở nhiều, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài. Bạn nên sử dụng các khẩu trang có cấu trúc lọc đa lớp giúp ngăn được phấn hoa, chẳng hạn như khẩu trang Unicharm 3D Mask Max Block. Với thiết kế nẹp mũi thông minh ôm trọn phần mũi, hạn chế tối đa khe hở và giữ khẩu trang luôn được cố định khi di chuyển, sản phẩm sẽ giúp bảo vệ bạn hiệu quả khi đi ra ngoài. Đồng thời, Unicharm 3D Mask Max Block có khả năng chặn đứng các vật thể có kích thước từ 0.1µm - 3.0µm trong không khí nên đem lại công dụng phòng tránh phấn hoa xâm nhập vào hệ hô hấp rất tốt.
  • Không nên trồng các loại hoa cỏ tạo phấn dễ gây dị ứng, hạn chế chăm sóc vườn vào mùa hoa nở. 
  • Đóng kín cửa, tránh phơi quần áo ngoài trời và nên thường xuyên vệ sinh, làm sạch nhà cửa, chăn ga gối đệm cũng như dùng điều hòa để thanh lọc không khí trong nhà.

Dị ứng phấn hoa: Nguyên nhân và cách phòng tránh 3

Khẩu trang Unicharm 3D Mask Max Block ngăn chặn được phấn hoa

Điều trị cho người bị dị ứng phấn hoa

Mỗi người sẽ có mức độ biểu hiện các triệu chứng khác nhau, nếu tình trạng dị ứng trở nên nghiêm trọng, bạn có thể tìm đến bác sĩ để được chỉ định các biện pháp điều trị thích hợp.

  • Thuốc không kê đơn: Bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng một số loại thuốc trị viêm mũi dị ứng, thuốc xịt giúp thông mũi có khả năng điều chỉnh nồng độ histamin được giải phóng để làm giảm hiện tượng nghẹt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi và các triệu chứng khác.
  • Thuốc kê đơn: Nếu những loại thuốc không kê đơn trên không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc chống dị ứng mạnh hơn. Sự kết hợp của những loại thuốc này sẽ mang đến tác dụng kìm hãm sự sản sinh histamin gây dị ứng. 
  • Chích ngừa dị ứng: Nếu tình trạng dị ứng quá nặng mà dùng thuốc không có tác dụng, bạn có thể cân nhắc tiêm phòng dị ứng phấn hoa. Bác sĩ  sẽ tiêm một lượng nhỏ phấn hoa dưới da với tần suất vài tuần một lần. Sau một vài tháng, cơ thể sẽ không còn đáp ứng miễn dịch với phấn hoa và sẽ không gây ra triệu chứng nghiêm trọng nào nữa. 

Dị ứng phấn hoa: Nguyên nhân và cách phòng tránh 4

Sử dụng thuốc xịt thông mũi để giảm các triệu chứng dị ứng

Dị ứng phấn hoa là vấn đề hô hấp phổ biến rất nhiều người gặp phải. Mặc dù không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng các biểu hiện dị ứng cũng dẫn đến sự phiền toái không nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Hãy chủ động học cách phòng tránh dị ứng phấn hoa để bảo vệ sức khỏe của bản thân các bạn nhé!

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin