Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Dị ứng thời tiết là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

13/04/2025
Kích thước chữ

Dị ứng thời tiết là một bệnh lý thường gặp vào thời điểm chuyển mùa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Dị ứng thời tiết không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thêm về dị ứng thời tiết và những cách điều trị tình trạng bệnh này qua bài viết sau đây nhé!

Tình trạng dị ứng thời tiết là một bệnh lý hầu như ai cũng đã từng mắc phải. Các triệu chứng dị ứng có thể xuất hiện quanh năm, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Tuy không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng dị ứng thời tiết có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vậy dị ứng thời tiết cụ thể là gì? Hãy cùng tìm hiểu thêm một số thông tin về chứng bệnh này qua bài viết sau đây bạn nhé!

Dị ứng thời tiết là gì?

Dị ứng thời tiết là tình trạng cơ thể phản ứng với những chuyển biến của thời tiết vào thời điểm giao mùa. Những thay đổi thời tiết như nóng, lạnh, khô hanh, ẩm ướt,... có thể gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể, dẫn đến dị ứng do cơ thể sản sinh các kháng thể để chống lại các tác nhân kích thích từ môi trường ngoài.

Dị ứng thời tiết là gì? Cách điều trị dị ứng thời tiết 1
Dị ứng thời tiết là tình trạng cơ thể phản ứng với những thay đổi của thời tiết vào thời điểm giao mùa

Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết

Vậy những nguyên nhân nào có thể dẫn đến dị ứng thời tiết? Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dị ứng thời tiết là do hệ miễn dịch bị rối loạn. Để chống lại các yếu tố gây hại từ môi trường, hệ miễn dịch sẽ sản xuất hàng loạt các kháng thể và chất hóa học trong cơ thể. Cơ chế sản sinh histamin của cơ thể cũng có ảnh hưởng đến tình trạng dị ứng và đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Những người mắc bệnh dị ứng thời tiết thường có phản ứng nhanh chóng sau khi tiếp xúc với các nhân tố bất lợi từ môi trường ngoài. Sau đây là một số nguyên nhân gây dị ứng thời tiết thường gặp:

Thời tiết hanh khô, có gió

Tiết trời hanh khô, nhiều gió báo hiệu thời điểm nở hoa của nhiều loài thực vật. Thời tiết hanh khô giúp phát tán phấn hoa trong không khí dễ dàng hơn. Do đó, những người mắc chứng dị ứng phấn hoa có thể bị ảnh hưởng khi thời tiết khô và nhiều gió.

Trời mưa nhiều, ẩm ướt

Thời tiết ẩm ướt khiến da giảm tiết chất bã nhờn và mồ hôi, dẫn đến việc chất sừng của da bị mất nước, khiến da khô hơn và dễ dẫn đến dị ứng. Mặt khác, việc độ ẩm trong không khí tăng cao cũng làm cho các protein trong cơ thể bị biến chất, trở thành chất đối nghịch với cơ thể và kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể để bảo vệ cơ thể, dẫn đến phản ứng dị ứng. Mưa nhiều cũng khiến nấm mốc sinh sôi và phát triển, dễ tác động đến cơ thể và gây dị ứng.

Mùa lạnh

Nhiệt độ hạ thấp khiến không khí khô hơn, dễ dẫn đến tình trạng dị ứng da. Nhiệt độ đột ngột thay đổi thấp hơn cũng kích hoạt hệ miễn dịch, từ đó giải phóng các chất hóa học trung gian và gây dị ứng.

Thời tiết nóng nực

Những ngày trời nóng, cơ thể thường có xu hướng tiết nhiều mồ hôi hơn, khiến làn da luôn trong tình trạng ẩm ướt. Từ đó, cơ thể dễ bị mất nước và dẫn đến viêm nhiễm, gây ra tình trạng dị ứng.

Dị ứng theo mùa

Mùa xuân: Phấn hoa xuất hiện nhiều trong môi trường xung quanh.

Mùa hè: Thời tiết nắng nóng, những yếu tố như đổ nhiều mồ hôi, da cháy nắng hoặc sử dụng mỹ phẩm sai cách gây bí da có thể dẫn đến tình trạng dị ứng.

Mùa thu: Tiết trời mùa thu thường khô hanh và se lạnh, là mùa giao nhau giữa mùa hạ nắng nóng và mùa đông lạnh khô nên thường là mùa dễ gặp phải tình trạng dị ứng thời tiết nhất.

Mùa đông: Tình trạng dị ứng ở thời điểm này thường đến từ không khí lạnh từ môi trường ngoài và các yếu tố như nấm mốc, bụi bẩn, lông động vật.

Dị ứng thời tiết là gì? Cách điều trị dị ứng thời tiết 2
Phấn hoa xuất hiện nhiều vào mùa xuân gây dị ứng theo mùa

Dị ứng thời tiết bao lâu thì khỏi?

Nhiều người không khỏi băn khoăn tình trạng dị ứng thời tiết thường sẽ kéo dài bao lâu? Điều này còn tùy thuộc vào tình trạng dị ứng của người bệnh, cụ thể như sau:

  • Dị ứng nhẹ: Đối với tình trạng dị ứng thời tiết nhẹ, những tổn thương đối với sức khỏe và các dấu hiệu dị ứng thường chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn. Tình trạng dị ứng nhẹ thường sẽ khỏi trong vòng 1 - 2 ngày mà không cần can thiệp điều trị.
  • Dị ứng cấp tính: Tình trạng dị ứng cấp tính tuy nghiêm trọng hơn so với dị ứng nhẹ, những tổn thương đối với sức khỏe và làn da cũng không để lại nhiều biến chứng. Do đó, việc điều trị dị ứng thời tiết cấp tính cũng thường không kéo dài quá lâu. Người bệnh chỉ cần ăn uống điều độ, uống thuốc đúng giờ và đúng liều lượng, chăm sóc da tốt thì tình trạng dị ứng sẽ được cải thiện đáng kể và dần hồi phục trong khoảng một tuần.
  • Dị ứng mạn tính: Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính, thường rất khó để ước tính khoảng thời gian điều trị. Người mắc chứng dị ứng thời tiết mạn tính thường phải điều trị kéo dài vì mức độ tổn thương sức khỏe và làn da nặng, khả năng tái phát bệnh cũng khá cao. Do đó, để điều trị dứt điểm chứng dị ứng thời tiết mạn tính cần rất nhiều thời gian và công sức. Người bệnh cần dùng thuốc liên tục, đặc biệt là khi thay đổi môi trường sống hoặc khi chuyển mùa.

Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết có nguy hiểm hay không cũng là câu hỏi chung của rất nhiều người. Chứng bệnh này bao gồm các dạng cấp tính và mạn tính. Bệnh thường sẽ kéo dài từ khoảng 24 giờ đến tối đa 6 tuần. Những biểu hiện lâm sàng của bệnh bao gồm cảm giác khó chịu, ngứa ngáy. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, chứng dị ứng thời tiết có thể tiến triển sang giai đoạn mạn tính, dẫn đến những triệu chứng như phù nề, hạ huyết áp, nhiễm trùng da, sốc phản vệ,... gây nguy hiểm cho cơ thể. Nghiêm trọng hơn, chứng bệnh này cũng có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.

Dị ứng thời tiết là gì? Cách điều trị dị ứng thời tiết 3
Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, dị ứng thời tiết có thể dẫn đến nhiễm trùng da

Dấu hiệu của dị ứng thời tiết

Bạn có thể tham khảo một số dấu hiệu nhận biết tình trạng dị ứng thời tiết thường gặp như sau:

  • Viêm mũi dị ứng: Viêm mũi dị ứng là triệu chứng thường thấy nhất ở người mắc chứng dị ứng thời tiết. Người bệnh thường sẽ cảm thấy ngứa mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ngạt mũi và dễ mệt mỏi, giảm khả năng tập trung.
  • Phát ban: Nổi mẩn đỏ ở vùng tay, mặt và chân cũng là một biểu hiện dị ứng thời tiết thường thấy. Người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, càng gãi vết ban sẽ càng lan rộng ra các vùng da khác.
  • Nổi mề đay: Tình trạng nổi mề đay có thể xảy ra ở một vùng hoặc ở khắp cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến khó thở, sốc phản vệ và nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong.
  • Đau đầu: Sự thay đổi áp suất của bầu khí quyển gây ra sự khác biệt giữa áp suất ở không khí bên ngoài và bên trong xoang cơ thể, dẫn đến tình trạng đau đầu.
  • Chàm bội nhiễm: Một triệu chứng khác của dị ứng thời tiết là nổi mẩn đỏ kèm mụn nước li ti, chảy dịch màu vàng ở mặt, chân và tay trong thời gian dài.
  • Khó thở, ho, khò khè: Người bệnh gặp phải những dấu hiệu này cần đi khám sàng lọc phát hiện sớm hen phế quản để tránh những biến chứng nghiêm trọng hơn, đe dọa đến tính mạng, đặc biệt đối với trẻ em.
Dị ứng thời tiết là gì? Cách điều trị dị ứng thời tiết 4
Khi bị dị ứng thời tiết, tình trạng nổi mề đay có thể xảy ra ở một vùng hoặc khắp cơ thể

Biến chứng của bệnh dị ứng thời tiết

Tuy dị ứng thời tiết không phải là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, cụ thể như sau:

  • Bệnh hen suyễn trở nặng: Người bệnh hen suyễn thường dễ bị ảnh hưởng khi thời tiết thay đổi, đặc biệt vào mùa hoa nở. Khi hít phải phấn hoa hoặc các tác nhân gây dị ứng khác trong không khí, người bệnh rất dễ lên cơn hen.
  • Sốc phản vệ: Tình trạng dị ứng thời tiết có thể gây tụt huyết áp, khó thở và nghiêm trọng hơn là dẫn đến tử vong do sốc phản vệ nếu không chữa trị kịp thời.
  • Nhiễm trùng khoang mũi: Tình trạng viêm mũi dị ứng kéo dài có thể dẫn đến viêm xoang, gây nhiễm trùng khoang mũi do ứ dịch mủ trong mũi và các loại vi khuẩn xâm nhập gây hẹp lỗ xoang.
Dị ứng thời tiết là gì? Cách điều trị dị ứng thời tiết 5
Tình trạng dị ứng thời tiết có thể gây tụt huyết áp, khó thở và nghiêm trọng hơn là dẫn đến sốc phản vệ

Các chẩn đoán phát hiện dị ứng thời tiết

Dị ứng thời tiết được chẩn đoán dựa trên lâm sàng, không cần thực hiện các xét nghiệm lâm sàng. Bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng, bệnh sử, di truyền và tiền sử mắc các bệnh lý về hô hấp như hen phế quản, viêm mũi và các bệnh lý khác như viêm da.

Cách điều trị dị ứng thời tiết

Vậy làm thế nào để điều trị tình trạng dị ứng thời tiết? Hãy cùng tham khảo một số cách điều trị dị ứng thời tiết như sau:

Dùng thuốc điều trị dị ứng

Khi bị dị ứng thời tiết, người bệnh có thể sử dụng thuốc thông mũi và thuốc kháng histamin không kê đơn như cetirizine và các loại thuốc kết hợp có chứa diphenhydramine, acetaminophen và phenylephrine theo toa, thuốc xịt mũi.

Phương pháp khác

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng các phương pháp như:

  • Dùng máy lọc không khí.
  • Rửa mũi thường xuyên bằng dụng cụ vệ sinh mũi, nước muối sinh lý.
  • Hạn chế ra ngoài vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi.
Dị ứng thời tiết là gì? Cách điều trị dị ứng thời tiết 6
Rửa mũi thường xuyên bằng dụng cụ vệ sinh mũi là một cách điều trị dị ứng thời tiết hiệu quả

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khi gặp phải những triệu chứng nhất định trong một thời gian dài, tái đi tái lại thì bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ, cụ thể là các triệu chứng như sau:

  • Viêm mũi dị ứng.
  • Nổi mề đay, phát ban.
  • Khi thời tiết thay đổi, tình trạng hen suyễn trở nặng.
  • Khó thở, đau đầu.
  • Cảm lạnh.

Nếu các tình trạng trên kéo dài và liên tục lặp lại, bạn có thể tìm đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị và thăm khám kịp thời, tránh dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn.

Những biện pháp phòng ngừa dị ứng thời tiết

Để phòng tránh tình trạng dị ứng thời tiết, bạn có thể tham khảo một số  phương pháp phòng ngừa như sau:

Giữ không khí trong nhà thoáng mát

Việc dọn dẹp nhà cửa thường xuyên giúp loại bỏ các tác nhân có thể gây dị ứng như nấm mốc, bụi bẩn và lông thú cưng. Để không khí trong nhà luôn thoáng mát, bạn nên mở cửa thường xuyên và kết hợp sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng từ môi trường.

Vệ sinh mũi thường xuyên

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người có tiền sử bệnh dị ứng thời tiết nên vệ sinh mũi thường xuyên, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Rửa mũi thường xuyên vừa giúp điều trị dị ứng vừa giúp phòng ngừa dị ứng hiệu quả.

Chú ý dự báo thời tiết khi ra ngoài

Trước khi ra khỏi nhà, bạn nên kiểm tra dự báo thời tiết để có các biện pháp phòng ngừa dị ứng phù hợp như đeo khẩu trang hoặc mặc áo khoác để hạn chế tác động của các tác nhân gây dị ứng.

Dị ứng thời tiết là gì? Cách điều trị dị ứng thời tiết 7
Để phòng ngừa dị ứng thời tiết, bạn nên chú ý dự báo thời tiết khi ra ngoài

Dị ứng thời tiết có lây không?

Nhiều người thắc mắc rằng bệnh dị ứng thời tiết có lây hay không? Câu trả lời cho câu hỏi này là không, dị ứng thời tiết là căn bệnh không lây lan. Tuy nhiên, dị ứng thời tiết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Mặt khác, mỗi người bệnh cũng sẽ có mức độ triệu chứng khác nhau.

Dị ứng thời tiết cần kiêng ăn gì?

Một số loại thực phẩm tuy không thể ảnh hưởng nhiều đến tình trạng dị ứng nhưng lại gây viêm. Người bị dị ứng thời tiết nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm sau đây:

  • Carbohydrate tinh chế, ví dụ như bánh mì ngọt, bánh mì trắng.
  • Đồ ăn chiên rán.
  • Thức uống chứa nhiều đường.
  • Thịt đỏ, thịt chế biến sẵn.
  • Đồ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa.
Dị ứng thời tiết là gì? Cách điều trị dị ứng thời tiết 8
Khi bị dị ứng thời tiết, người bệnh không nên tiêu thụ các loại thực phẩm chiên rán

Câu hỏi thường gặp về dị ứng thời tiết

Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp về bệnh lý dị ứng thời tiết bạn có thể tham khảo:

Có cần kiêng cữ thực phẩm nào khi bị dị ứng thời tiết không?

Tùy vào cơ địa từng người mà những thực phẩm cần kiêng sẽ khác nhau. Thông thường, cần tránh sử dụng các thực phẩm nhiều carbohydrate, đường, chất béo bão hòa và các loại thực phẩm chứa nhiều chất kích ứng da để tránh gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch

Trẻ em có dễ bị dị ứng thời tiết hơn người lớn không?

Dị ứng thời tiết có thể xảy đến với bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, trẻ em có nhiều khả năng bị dị ứng thời tiết hơn người lớn do hệ thống miễn dịch của trẻ em vẫn đang phát triển và chưa hoàn thiện như người lớn. Cơ thể trẻ em có thể phản ứng mạnh mẽ hơn với những thay đổi của thời tiết so với người lớn.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về chứng dị ứng thời tiết cũng như các dấu hiệu và cách điều trị và phòng ngừa bệnh lý này. Hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mình và những người xung quanh bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin