Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Thanh Hương
Mặc định
Lớn hơn
Trong quá trình sử dụng thuốc, không ít người gặp phải những phản ứng bất lợi ngoài ý muốn. Một trong những phản ứng thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua là phù mạch do thuốc – đặc trưng bởi tình trạng sưng phù đột ngột ở môi, mặt, tay chân hoặc đường hô hấp.
Phù mạch là tình trạng sưng nề cấp tính ở lớp sâu của da và niêm mạc, có thể do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đáng lưu ý là phản ứng với thuốc. Phù mạch do thuốc có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, thường khởi phát nhanh chóng sau khi sử dụng thuốc. Đây là một biểu hiện lâm sàng quan trọng cần được chẩn đoán sớm để xử trí kịp thời. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin đầy đủ về nguyên nhân, dấu hiệu và một số loại thuốc có thể gây phù mạch và cách xử lý.
Phù mạch do thuốc là kết quả của những phản ứng sinh học phức tạp trong cơ thể, thường khởi phát nhanh chóng sau khi dùng thuốc. Cơ chế hình thành phù mạch có thể phân thành hai nhóm chính: Miễn dịch và không miễn dịch. Với cơ chế miễn dịch, phản ứng thường qua trung gian IgE. Khi cơ thể đã mẫn cảm với một loại thuốc, lần tiếp xúc tiếp theo có thể kích hoạt tế bào mast và bạch cầu ưa base giải phóng histamin. Histamin làm giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch, gây sưng phù dưới da và niêm mạc.
Ngoài ra, phù mạch cũng có thể xảy ra theo cơ chế không miễn dịch, đặc biệt khi dùng thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi) như captopril, enalapril. Nhóm thuốc này làm tăng nồng độ bradykinin trong huyết tương – một chất có khả năng gây giãn mạch mạnh, dẫn đến phù mô mềm.
Một số người có cơ địa dễ bị phù mạch gồm: Người có tiền sử dị ứng thuốc, mắc bệnh tự miễn, hen phế quản, lupus ban đỏ hệ thống, nữ giới, người da đen, tuổi trên 65, và tiền sử phù mạch. Đối tượng này cần được theo dõi chặt chẽ khi sử dụng thuốc lần đầu.
Một số loại thuốc có thể gây ra phản ứng phù mạch như:
Penicillin và cephalosporin là hai nhóm kháng sinh phổ biến có thể gây phản ứng dị ứng, bao gồm phù mạch. Phản ứng này thường xảy ra do sự nhạy cảm với yếu tố quyết định kháng nguyên được chia sẻ giữa các loại thuốc này. Tỷ lệ phản ứng chéo giữa penicillin và cephalosporin dao động từ 0% đến gần 40%, tùy thuộc vào cấu trúc chuỗi bên R1 của từng loại thuốc.
Phù mạch do thuốc cũng có thể do dùng các thuốc NSAIDs như ibuprofen và diclofenac. Các thuốc này có thể gây phản ứng dị ứng, bao gồm phù mạch, đặc biệt ở những người có cơ địa nhạy cảm. Cơ chế phản ứng thường không qua trung gian IgE mà liên quan đến ức chế enzym COX-1, dẫn đến mất cân bằng giữa prostaglandin và leukotrienes, gây ra phản ứng quá mẫn như phù mạch.
Các thuốc như captopril, enalapril và perindopril được sử dụng rộng rãi trong điều trị tăng huyết áp và suy tim. Tuy nhiên, chúng có thể gây phù mạch do sự tích tụ bradykinin, một chất gây giãn mạch và tăng tính thấm thành mạch. Tỷ lệ phù mạch do ACEi ước tính khoảng 0,1% đến 0,7% bệnh nhân sử dụng thuốc này.
Các thuốc gây mê, thuốc giãn cơ và thuốc cản quang cũng được ghi nhận có thể gây phản ứng phù mạch ở một số bệnh nhân. Phản ứng này thường xảy ra nhanh chóng sau khi sử dụng thuốc và cần được xử lý kịp thời.
Dưới đây là các triệu chứng điển hình của phù mạch do thuốc, bạn nên nhận biết sớm để xử lý kịp thời:
Phù mạch do thuốc thường khởi phát một cách đột ngột và khu trú ở một vùng nhất định, không đối xứng. Vị trí phổ biến nhất là môi, mí mắt, mặt, lưỡi, họng hoặc bộ phận sinh dục. Người bệnh thường cảm thấy căng tức, nặng nề, nhưng không ngứa. Đây là đặc điểm giúp phân biệt với nổi mề đay thông thường.
Khi phù nề thanh quản hoặc khí quản, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như: Khó thở, thở rít, khàn giọng hoặc mất tiếng, kèm cảm giác nuốt vướng, nghẹn cổ. Đây là dấu hiệu báo động vì có thể gây ngạt thở cấp và tử vong, cần đưa đi cấp cứu ngay lập tức.
Khác với các loại phù do bệnh lý tim hoặc thận, phù mạch do thuốc không gây đau, không ngứa rõ rệt, và khi ấn vào không để lại vết lõm. Đặc điểm này giúp phân biệt rõ ràng với các nguyên nhân phù khác.
Khoảng 50% trường hợp biểu hiện phù mạch do thuốc do thuốc có kèm theo nổi mề đay hoặc đỏ da. Nhưng cũng không ít trường hợp chỉ có phù mạch đơn độc. Khi không có phát ban đi kèm, tình trạng này dễ bị nhầm lẫn với sưng do chấn thương hoặc viêm mô mềm, khiến việc chẩn đoán bị trì hoãn.
Phù mạch do thuốc thường biểu hiện rõ rệt và tiến triển nhanh, đòi hỏi được nhận biết sớm để xử trí kịp thời. Trường hợp nặng có thể gây bít tắc đường thở, tụt huyết áp và choáng phản vệ. Vì vậy, khi xuất hiện triệu chứng phù mạch, người bệnh cần được chuyển đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Xử trí phù mạch do thuốc cần thực hiện khẩn trương, đặc biệt trong các trường hợp có nguy cơ đe dọa tính mạng. Bước đầu tiên là ngừng ngay thuốc nghi ngờ gây phản ứng. Tiếp theo, cần nhanh chóng đánh giá đường thở, hô hấp và tuần hoàn cho bệnh nhân. Nếu có dấu hiệu tắc nghẽn đường thở, bệnh nhân phải được xử trí cấp cứu tại chỗ và chuyển viện khẩn cấp.
Đối với phù mạch qua trung gian histamin, thuốc kháng histamin và corticoid là lựa chọn phổ biến. Tuy nhiên, trong trường hợp phù mạch do bradykinin (như do ACEi), các thuốc này thường không hiệu quả, và cần ngừng ngay thuốc gây phản ứng. Điều trị đặc hiệu có thể bao gồm icatibant hoặc C1 esterase inhibitor. Khi có dấu hiệu sốc phản vệ (tụt huyết áp, khó thở, tím tái), adrenaline (epinephrine) đường tiêm bắp nên được sử dụng ngay theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Bệnh nhân cần được theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 12 - 24 giờ để đánh giá nguy cơ tái phát và biến chứng. Việc theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như nhịp tim, huyết áp, độ bão hòa oxy là cần thiết. Đồng thời, điều trị hỗ trợ bao gồm thở oxy, truyền dịch tĩnh mạch và chăm sóc tích cực cũng có thể được chỉ định tùy theo mức độ phản ứng.
Phù mạch do thuốc là một biến chứng tiềm ẩn nhưng có thể kiểm soát nếu được phát hiện sớm. Việc sử dụng thuốc ở người có tiền sử phù mạch hoặc dị ứng cần tuân theo chỉ định và được theo dõi chặt chẽ. Các cơ sở y tế cũng cần trang bị đầy đủ phương tiện xử trí phản vệ và phù mạch cấp tính.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.