Trong một số trường hợp trẻ sơ sinh khi khóc không có nước mắt. Tuy nhiên khi trẻ bình thường không khóc thì lại có nước mắt chảy tràn bờ mi rồi rơi xuống má. Trẻ nhỏ hay bị chảy nước mắt và xuất hiện gỉ mắt màu vàng có thể là dấu hiệu của chứng tắc tuyến lệ.
Nguyên nhân gây chứng tắc tuyến lệ ở trẻ em
Bình thường, nước mắt được tạo ra từ tuyến lệ đạo, rồi lưu chuyển trên mắt với sự giúp đỡ của các mí mắt. Điều này giúp cho đôi mắt thường xuyên được bôi trơn và làm sạch. Khi mắt cử động, nước mắt bị ép vào các ống dẫn ở góc bên trong của mắt và thoát ra khỏi mắt rơi xuống ống lệ tỵ vào phía sau của mũi. Nếu những ống dẫn này bị viêm tắc hoàn toàn hoặc một phần sẽ làm xuất hiện triệu chứng tắc tuyến lệ ở trẻ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tắc tuyến lệ ở trẻ em, bao gồm cả tắc tuyến lệ bẩm sinh và tắc tuyến lệ mắc phải:
- Tuyến lệ của trẻ chưa phát triển hoàn thiện.
- Ống dẫn nước mắt quá hẹp.
- Van ở cuối tuyến lệ không mở được đúng cách.
- Các lỗ mở ở mí mắt để nước mắt chảy qua không phát triển bình thường.
- Polyp mũi.
- U nang hoặc khối u.
- Tuyến lệ bị tổn thương.
- Xương mũi lệch chặn đường dẫn nước mắt.
- Nhiễm trùng gây sưng ở mặt tạo nhiều áp lực lên ống dẫn lệ.
Có nhiều nguyên nhân gây tắc tuyến lệ ở trẻ em
Trẻ bị tắc tuyến lệ có thể tự khỏi không?
Đây là thắc mắc của rất nhiều bố mẹ khi thấy bé yêu nhà mình bị tắc tuyến lệ. Phần lớn trẻ sơ sinh có thể khỏi bệnh do tuyến lệ tự thông sau 5 tháng tuổi mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên bố mẹ cũng cần thường xuyên theo dõi trẻ để kịp thời phát hiện các biến chứng có thể xảy ra.
Nhưng nếu sau 5 tháng mà tuyến lệ bé vẫn bị tắc thì cần thực hiện thông lệ đạo tại cơ sở y tế chuyên khoa. Bên cạnh đó tỷ lệ tự khỏi tắc tuyến lệ còn phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Cụ thể:
Trẻ dưới 3 tháng tuổi
Có tới 90% trẻ em bị tắc tuyến lệ ở độ tuổi này có thể tự khỏi bệnh mà không cần đến sự tác động của bất kì biện pháp y tế nào. Tuy nhiên, để tuyến lệ của bé hết bị tắc nhanh hơn, các mẹ cần chăm chỉ thực hiện bổ sung các liệu pháp như: Nhỏ nước muối sinh lý và massage day mắt cho trẻ mỗi ngày.
Lưu ý: Kiểm tra kỹ hạn sử dụng khi mua nước muối sinh lý và phải vệ sinh sạch tay bằng xà phòng và lau khô trước khi tiến hành massage mắt cho trẻ.
Trẻ từ 3 đến 8 tháng tuổi
Với trẻ ở độ tuổi này, tỷ lệ tự khỏi tắc tuyến lệ giảm hẳn và phương pháp day mắt đã không còn hiệu quả. Để khắc phục tình trạng bệnh, trẻ cần được thông lệ đạo kết hợp nhỏ thuốc kháng sinh.
Lưu ý: Không được sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh corticoid như: Tobrex, tobradex, nemydexan… vì dễ gây kháng thuốc và ảnh hưởng không tốt đến thị lực của trẻ sau này.
Tỉ lệ tự khỏi khi bị tắc tuyến lệ ở trẻ từ 3 - 8 tháng tuổi bị giảm đi
Trẻ trên 8 tháng tuổi
Tỷ lệ tự khỏi tắc tuyến lệ ở trẻ trên 8 tháng tuổi chỉ còn khoảng 50%. Thông lệ đạo và nhỏ thuốc kháng sinh vẫn là liệu pháp được khuyến khích áp dụng cho trẻ trong giai đoạn này.
Trẻ trên 1 tuổi
Với trẻ tắc tuyến lệ trên 1 tuổi, bệnh không thể hoàn toàn tự khỏi. Nếu đã áp dụng các liệu pháp điều trị bảo tồn trong một thời gian dài mà tình hình vẫn không cải thiện thì phải đưa trẻ đến các phòng khám chuyên khoa mắt hoặc bệnh viện, để thực hiện tiểu phẫu. Việc xử lý sớm sẽ nhanh chóng giúp trẻ lấy lại đôi mắt khỏe mạnh.
Gợi ý các biện pháp khắc phục tắc tuyến lệ tại nhà cho trẻ
Nếu phát hiện sớm, bố mẹ hoàn toàn có thể xử lý tình trạng tắc tuyến lệ cho con tại nhà.
Vệ sinh mắt cho trẻ
Đây là việc làm cần thiết mỗi ngày để giúp mắt bé luôn sạch sẽ và không bị dính gỉ mắt. Mẹ hãy sử dụng một miếng vải xô mềm hoặc bông tẩy trang tiệt trùng nhúng vào nước muối đã được pha loãng dành cho trẻ. Sau đó lau thật nhẹ nhàng vùng khóe mắt và xung quanh mắt để làm sạch các chất bẩn, chất thải khô (nhầy) từ mắt trẻ.
Việc lau mắt cho bé nên thực hiện khoảng vài phút mỗi lần và từ 3 - 5 lần mỗi ngày. Đây cũng là bước quan trọng trước khi dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh theo toa cho trẻ. Ngoài ra, bạn cũng nên dùng hai miếng bông khác nhau để làm sạch mỗi bên mắt trẻ.
Vệ sinh mắt trẻ mỗi ngày để phòng bệnh tắc tuyến lệ
Massage
Massage là liệu pháp điều trị tại nhà được nhiều chuyên gia khuyến nghị áp dụng cho trẻ bị tắc tuyến lệ. Các bác sĩ có thể tư vấn hướng dẫn cho bạn cách thực hiện chi tiết hơn.
Mẹ hãy dùng những ngón tay ít có lực như ngón út hoặc áp út đã được cắt móng sạch sẽ để massage nhẹ nhàng cho bé nhằm kích thích ống mũi lệ hoạt động. Mỗi lần mẹ hãy thực hiện từ 5- 10 phút và hãy lặp lại 5 - 10 lần một ngày để giải quyết vấn đề tắc tuyến lệ cho trẻ.
Đối với trẻ sơ sinh, thay tã là thời điểm thích hợp nhất để massage ống lệ bị tắc nghẽn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng tăm bông thay vì dùng ngón tay để massage. Kích thước nhỏ của đầu tăm bông giúp bạn dễ dàng nhắm trúng mục tiêu cần massage là túi lệ.
Sử dụng nhiệt để điều trị
Các mẹ có thể dùng một miếng vải hoặc bông tiệt trùng thấm qua nước ấm áp lên mắt trẻ. Bạn có thể đè nhẹ lên khóe mắt, các vùng mí trên, mí dưới nhưng cần thao tác thận trọng để tránh đụng vào nhãn cầu và gây tổn thương mắt bé.
Duy trì chườm mắt 3 - 5 lần mỗi ngày có thể giúp thuyên giảm các triệu chứng tắc tuyến lệ cho bé.
Nên có phương án thăm khám điều trị sớm cho trẻ bị tắc tuyến lệ
Đến nay không có biện pháp nào có thể phòng ngừa tắc tuyến lệ bẩm sinh. Với các trường hợp tắc lệ đạo mắc phải do phẫu thuật hoặc chấn thương, biện pháp tốt nhất là tránh bị các tổn thương này. Trên thực tế, tắc tuyến lệ ở trẻ em là bệnh lý bình thường dễ điều trị và không nguy hiểm. Thậm chí, hiện tượng này có thể tự khỏi. Với những trường hợp đặc biệt, tình trạng tắc tuyến lệ kéo dài bố mẹ nên đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và điều trị.
Minh QA
Nguồn: Tổng hợp